Việt Nam tổ quốc tôi
Thứ Tư, 2 tháng 1, 2008
Chu Văn An
Hoàng Kim
(Tuyển chọn, biên soạn)
Chu Văn An (1292 -1370) là nhà giáo, nhà văn hoá, nhà thơ văn lớn ở đời Trần. Ông là người thuần nhã, hiền hoà, chính trực, kiên định, được tôn vinh là người Thầy đứng đầu các nhà giáo Việt Nam từ xưa đến nay.
TIỂU SỬ
Chu Văn An tên thật là Chu An, tên thụy là Văn Trinh, tên hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt. Ông sinh năm Nhâm Thìn (1292) đời vua Trần Nhân Tông, tại làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm, nay là huyện Thanh Trì - Hà Nội.
Ông thi đỗ Thái học sinh (tức tiến sĩ) nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở quê nhà. Ông nổi tiếng chính trực, tính tình nghiêm nghị, học vấn sâu rộng, tư cách thanh cao, sửa mình trong sạch, giữ gìn tiết tháo, không cầu danh lợi, danh tiếng lan xa, học trò theo học rất đông. Trong số đó có nhiều người thành đạt, làm quan to trong triều như Nhập nội Hành khiển Phạm Sư Mạnh, Trạng nguyên Lê Quát, ...
Chu Văn An được vua Trần Minh Tông (1314 -1329) vời ra làm đại quan Tư nghiệp Quốc Tử Giám để dạy Thái tử học. Ông có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam. Ông đã cùng Mạc Đỉnh Chi, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn tham gia vào việc củng cố triều Trần lúc đó đã bắt đầu đi vào suy thoái. Trần Minh Tông làm vua đến năm 1329 thì lui về làm Thái thượng hoàng và nhường ngôi cho thái tử Vượng mới 10 tuổi lên làm vua, tức là vua Trần Hiến Tông. Hiến Tông làm vua được 13 năm thì mất không có con nối dõi. Trần Minh Tông lập em trai tên là Hạo lên làm vua, tức là vua Trần Dụ Tông (1341-1369). Vua Minh Tông mất, triều thần những người giỏi cũng lần lượt mất cả, việc chính trị bỏ trể nải. Kẻ gian thần đắc chí làm nhiều điều vô đạo. Chu Văn An đã nhiều lần can ngăn Dụ Tông nhưng không được, bèn dâng sớ xin chém bảy kẻ nịnh thần nhưng vua không nghe. Ông đã từ quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, lấy hiệu là Tiều Ẩn. Ông mất tại đó năm Canh Tuất (1370), hưởng thọ 79 tuổi.
Theo Phan Huy Chú thì Chu Văn An đã để lại cho đời các tác phẩm Quốc ngữ thi tập bằng chữ Nôm và Tiều Ẩn thi tập bằng chữ Hán và bộ sách Tứ Thư thuyết ước (chú giải Tứ Thư). Phan Huy Chú nhận xét thơ ông “lời thơ trong sáng, u nhàn”. Đào Trung Kiên đã giới thiệu sáu tuyệt phẩm của ông trên “Thi Viện”. Theo Đặng Kim Ngọc (1959) thì Chu Văn An còn là một thầy thuốc Đông y, ông đã soạn quyển Y học yếu giản tập chú di biên.
Khi ông mất, vua Trần đã đặt cho ông tên thụy là Văn Trinh, truy tặng tước Công (tước lớn nhất trong năm tước mà người ngoài hoàng tộc có thể được phong), ban hiệu là Khang Tiết tiên sinh và được đem vào thờ trong Văn Miếu.
Sự nghiệp của ông được ghi lại trong câu đối thờ ở Văn Miếu: “Trần vãn thử hà thời, dục vịnh đại phi hiền giả lạc/ Phượng sơn tồn ẩn xứ, trĩ lưu trường ngưỡng triết nhân phong”. (Cuối đời Trần là thời nào, ngâm vịnh rong chơi há chẳng phải là cái thú vui của bậc hiền giả? Núi Phượng vẫn còn dấu vết ở ẩn, đỉnh non vẫn mãi mãi ngưỡng mộ phong thái của kẻ triết nhân).
Ngô Thế Vinh trong bài văn bia ở đền Phương Sơn đã giải thích: “Văn, đức chi biểu dã. Trinh, đức chi chính cố dã” (Văn là cái vẻ đẹp bên ngoài của đức. Trinh là sự bền vững bên trong của đức).Văn Trinh nhằm biểu dương một người đã kết hợp được hai mặt của đạo đức “bên ngoài thuần nhã, hiền hoà với bên trong chính trực, kiên định”.
Phan Huy Chú đã ca ngợi ông: “Học nghiệp thuần túy, tiết tháo cương thượng, làng Nho nước Việt trước sau chỉ có mình ông, các ông khác không thể so sánh được.”
TÁC PHẨM CHỌN LỌC
Linh sơn tạp hứng
Vạn điệp thanh sơn thốc họa bình
Tà dương đảo quải bán khê minh
Thúy la kính lý vô nhân đáo
Sơn thước đề yên thời nhất thanh
Vịnh cảnh núi Chí Linh
Núi non trùng điệp như che
Tà dương hắt ánh bờ khe sáng ngời
Đường quanh cỏ biếc vắng người
Tiếng chim khách núi đôi hồi kêu mây
(Nguyễn Tấn Hưng dịch)
Nguồn:Đào Trung Kiên, 2006. Thi Viện trực tuyến
Miết trì
Thủy nguyệt kiều biên lộng tịch huy
Hà hoa hà diệp tịch tương y.
Ngư du cổ chiểu long hà tại
Vân mãn không sơn hạc bất quy
Lão quế tùy phong hương thạch lộ
Nộn đài trước thủy một tùng phi
Thốn tâm thù vị như hôi thổ
Văn thuyết tiên hoàng lệ ám huy
Ao rùa
Bên cầu trăng nước tịch dương
Lá hoa sen lặng tựa nương giữa hồ.
Rồng đâu? Ao cũ cá đùa
Mây đầy núi vắng hạc chưa trở về
Quế thơm đường đá gồ ghề
Nước đầm rêu biếc như che cổng tùng
Phải đâu tro đất lạnh lùng
Nhắc đời vua trước lệ lòng thầm rơi.
(Nguyễn Tấn Hưng dịch)
Nguồn:Đào Trung Kiên, 2006. Thi Viện trực tuyến
Xuân đán
Tịch mịch sơn gia trấn nhật nhàn
Trúc phi tà ủng hộ khinh hàn
Bích mê thảo sắc thiên như túy
Hồng thấp hoa sao lộ vị can
Thân dữ cô vân trường luyến tụ
Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan
Bách huân bán lãnh trà yên yết
Khê điểu nhất thanh xuân mộng tàn.
Xuân sớm
Nhà trên núi vắng, thảnh thơi,
Cửa phên, nghiên chắn , làn hơi lạnh về
Trời xanh, cỏ biếc, lê thê
Đầu cành hoa đỏ, đầm đìa hạt sương
Thân cùng mây trắng vấn vương
Lòng như giếng cổ chẳng thường gợn tăm
Hương tàn, trà nguội, mấy tuần
Chim khe, lãnh lót, kêu xuân, mộng tàn.
(Nguyễn Tấn Hưng dịch)
Nguồn:Đào Trung Kiên, 2006. Thi Viện trực tuyến
Giang đình tác
Giang đình độc lập sổ quy châu
Phong cấp than tiền nhất địch thu
Tà nhật ngâm tàn hồng đạm đạm
Mộ thiên vọng đoạn bích du du
Công danh dĩ lạc hoang đường mộng
Hồ hải lưu vi hãn mạn du
Tự khứ, tự lai hồn bất quản
Thương ba vạn khoảnh tiện phi âu.
Cảm tác ở đình bên sông
Đếm thuyền về lại bến bên sông
Gió lộng vào bờ tiêng sáo trong
Ngày xế mỏi ca hồng nhạt nhạt
Trời chiều vời vợi xanh mênh mông
Công danh quá khứ như là mộng
Hồ hải chu du một tang bồng
Tự tại đi về không bó buộc
Nhìn âu tung cánh lướt trời không.
(Người dịch: Sieng@viethoc.org
Nguồn:
1) Nguyễn Duy Chính. Chu Văn An (1292 – 1370) con người và thời đại.
2)Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí
3) Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên soạn thảo (1272-1697) Đại Việt sử ký toàn thư, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam dịch ( 1985-1992) Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội (Hà NộI) ấn hành 1993.
4) Phan Trọng Luận (Tổng Chủ biên) và ctv. 2006. Ngữ văn lớp 10, tập 1, Nhà Xuất bản Giáo dục, Hà Nội, trang 172-173.
5)Đào Trung Kiên, 2006. Thi Viện trực tuyến
6)Trần Trọng Kim 1999. Việt Nam sử lược. Nhà xuất bản văn hoá thông tin, trang 176.
7)Đặng Kim Ngọc, 1959. Văn hoá Việt Nam, Nhà Xuất bản Văn hoá Văn nghệ Trung ương Hà Nội (Trích dẫn bởi Phan Trọng Luận và ctv. 2006).
8)Nguyễn Thị Châu Quỳnh. Đạo Nho - Văn Miếu http://chimviet.free.fr/vanhoc/chquynh/thihuong/...
9)Wikipedia tiếng Việt. Chu Văn An
CẢM NHẬN
Rằm xuân Tây Hồ
Trăng sáng lung linh, trăng sáng quá!
Đất trời lồng lộng một màu trăng.
Dẫu đêm khuya vắng người quên ngắm
Trăng vẫn là trăng, trăng vẫn rằm
Thơ Hoàng Kim
THƠ CHO CON http://www.blogger.com/post-edit.g?blogID=6386160990305421427&postID=1249099318807842989
Nguồn:
Post lầ 1 trên DAYVAHOC http://dayvahoc.blogtiengviet.net 10/2006
Post lần 2 trên DAYVAHOC's Blog http://blog.360.yahoo.com/hoangkim_vietnam
http://blog.360.yahoo.com/blog-PkY01PA5dKccD9Dsho_NMlMcLZ4VHCMw?tag=chu_van_an 6/2007
Post lần 3 trên http://dayvahoc.blogspot.com
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét