Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2010

Đọc và suy ngẫm Tết Mậu Thân 1968



DANH NHÂN VIỆT Merle L. Pribbenow II, cựu sĩ quan tác chiến CIA và chuyên gia tiếng Việt của Mỹ đã có công trình nghiên cứu "Tướng Võ Nguyên Giáp và tiến trình bí ẩn của kế hoạch tấn công Tết Mậu Thân 1968" (General Võ Nguyên Giáp and the Mysterious Evolution of the Plan for the 1968 Tết Offensive). Với một thư mục tài liệu tham khảo công phu và góc nhìn của một chuyên gia tình báo kỳ cựu đã soi sáng nhiều góc khuất của cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 Đây là phát minh của tổng bí thư Lê Duẩn và tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng nhằm giành được một chiến thắng quân sự để khai thác cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1968, đánh vào ý chí xâm lược Mỹ, giành lợi thế trong các đàm phán. Kế hoạch táo bạo và đầy nguy cơ này đã vấp phải sự phản đối của đại tướng Võ Nguyên Giáp và sự cân nhắc khôn ngoan của chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư liệu đã soi sáng nhiều điều về vai trò của Bộ Thống Soái và tập thể lãnh đạo, soi rõ hơn về nhân cách và tài năng kiệt xuất của đại tướng Võ Nguyên Giáp.

TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ TIẾN TRÌNH BÍ ẨN CỦA KẾ HOẠCH TẤN CÔNG TẾT MẬU THÂN 1968
General Võ Nguyên Giáp and the Mysterious Evolution of the Plan for the 1968 Tết Offensive

Merle L. Pribbenow II (Nguyễn Việt dịch)
Cuộc tấn công Tết Mậu Thân, mà người Việt Nam gọi là “Tổng Công Kích-Tổng Khởi Nghĩa” có lẽ là sự kiện có sức nảy nở lớn trong lịch sử cuộc chiến tranh dài dặc của Mỹ tại Việt Nam. Như người Việt Nam vẫn thích tuyên bố, cuộc tấn công Tết “đã làm biến đổi cục diện”, thay đổi toàn bộ tính chất của cuộc chiến, và phần lớn sách vở lịch sử về chiến tranh có thể chia một cách rõ ràng thành hai giai đoạn “trước Tết” và “sau Tết”.

Câu chuyện Tết Mậu Thân của phía Mỹ được kể lại vô cùng tỉ mỉ, từ cấp độ chiến lược tới cấp độ chiến thuật, nhưng thật đáng kinh ngạc vì người ta biết được rất ít về nguồn gốc kế hoạch cuộc tấn công Tết bên phía Việt Nam. Các sử gia từng bàn nhiều về việc thành viên hay các thành viên nào của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã có ý tưởng về cuộc tấn công Tết, những ai ủng hộ ý tưởng này và những ai phản đối, nhưng các bàn luận thường chỉ dựa trên rất ít bằng cứ. Một số xác định đạo diễn của cuộc tấn công Tết Mậu Thân là tướng Võ Nguyên Giáp, tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, người từng được cả thế giới vinh danh ở tư cách một chiến lược gia quân sự hơn một thập niên trước đó với chiến thắng trước người Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954. Những người khác lại cho rằng ý tưởng về cuộc tấn công Tết bắt nguồn từ vị tướng đã quá cố Nguyễn Chí Thanh, người cho tới khi chết vào tháng Bảy năm 1967 vẫn lãnh đạo nỗ lực của cộng sản chống lại các lực lượng Mỹ tại Việt Nam Cộng hòa. Một vài người khẳng định cuộc tấn công là một nỗ lực tuyệt vọng của những người cộng sản nhằm lật ngược một tình thế khi họ đang phải đối mặt với thất bại không thể tránh khỏi, còn những người khác tuyên bố cuộc tấn công là kết quả của một nhận định quá mức lạc quan của giới lãnh đạo cộng sản về tình hình Việt Nam Cộng hòa. Một số học giả đã kết nối quyết định tung ra cuộc tấn công Tết với cuộc đấu tranh chia rẽ bên trong khối chóp bu chính trị về các khác biệt ý hệ liên quan đến sự đối đầu của phe cộng sản giữa Trung Quốc và Liên Xô (vào quãng thời gian ấy Liên Xô đang ép Việt Nam điều đình một thỏa thuận với Mỹ trong khi Trung Quốc bắt Việt Nam phải tiếp tục chiến đấu và từ chối đối thoại với Mỹ).[1]

Chỉ tới khi, hoặc trừ phi, người Việt Nam công khai hóa các hồ sơ nội bộ của Bộ Chính trị và Bộ Tư lệnh tại Hà Nội, bằng không sẽ không thể có lời đáp cuối cùng, tối hậu cho những câu hỏi trên. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đã có một số sách vở, tài liệu của người Việt Nam, chiếu một ánh sáng mới vào sự bí ẩn và cho phép chúng ta có được nhiều kết luận đầy đủ thông tin hơn. Thông tin mới cho thấy tướng Võ Nguyên Giáp và tướng Nguyễn Chí Thanh đều không phải là người nghĩ ra ý tưởng về cuộc tấn công Tết; bản thân Hồ Chí Minh cũng phản đối cuộc tấn công; cái kế hoạch sau này được thực hiện như đã xảy ra là kết quả của một thỏa thuận ngầm giữa tướng Văn Tiến Dũng, thuộc cấp ở cấp cao nhất của tướng Võ Nguyên Giáp, và tổng bí thư đảng cộng sản Lê Duẩn, đối thủ của tướng Võ Nguyên Giáp trong một quãng thời gian rất dài; Võ Nguyên Giáp phản đối cuộc tấn công Tết mạnh mẽ đến mức sau đó ông bị mất quyền, không chỉ không được tham dự vào tiến trình lập kế hoạch mà còn phải rời Việt Nam sang Đông Âu và không trở về cho tới khi cuộc tấn công Tết đã thực sự mở màn. Mặc dù vẫn còn lại vấn đề về tầm quan trọng của vai trò của những khác biệt về ý hệ trong cuộc đấu đá chia rẽ nội bộ nổ ra bên trong Bộ Chính trị Việt Nam ở quá trình ra quyết định, có vẻ như là các khác biệt ý thức hệ, được tưởng tượng ra hoặc có thật, thực tế đã được phe chiến thắng sử dụng nhằm gia cố và bảo vệ vị thế của mình.

Các tiền đề của kế hoạch

Nguồn gốc ý tưởng cuộc “Tổng Công Kích-Tổng Khởi Nghĩa” Tết có thể được tìm thấy ngay từ đầu những năm 1960. Tháng Mười hai năm 1963, chỉ một tháng sau khi tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp tại Hà Nội để bàn luận và thông qua Nghị quyết hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành. Nghị quyết này nhận định rằng “tổng công kích, tổng khởi nghĩa sẽ là hướng phát triển tất yếu của cách mạng miền Nam để đạt tới toàn thắng”.[2] Trung ương Đảng dự tính khả năng chiến thắng cuộc chiến một cách nhanh chóng, trước khi Mỹ quyết định có nên điều các đội quân Mỹ tới cứu chế độ Việt Nam Cộng hòa hay không. Vẫn duy trì đường hướng chung về việc tiến hành một cuộc “chiến đấu lâu dài” ở miền Nam, Nghị quyết 9 kêu gọi một nỗ lực đến mức tối đa nhằm “tranh thủ thời cơ thuận lợi, tập trung lực lượng, quyết tâm giành cho được những thắng lợi có tính chất quyết định trong mấy năm tới”.[3] Tuy nhiên, theo nghị quyết, “tổng công kích, tổng khởi nghĩa”, cái có thể rốt cuộc sẽ lật đổ chế độ miền Nam chỉ có thể được tung ra sau khi quân đội Việt Nam Cộng hòa đã bị “tiêu hao” và trở nên kiệt quệ tới mức không còn đủ sức đàn áp những cuộc nổi dậy của quần chúng nằm ở trung tâm cuộc nổi dậy chung thuộc kế hoạch lớn về tổng tiến công và nổi dậy nữa. Nghị quyết nhận định nhiệm vụ chiến lược của các lực lượng vũ trang cộng sản tại miền Nam sẽ là “làm tan rã quân đội tay sai, công cụ chủ yếu của chế độ địch, tạo điều kiện để thực hiện tổng công kích và tổng khởi nghĩa, lật đổ chính quyền phản động ở miền Nam”.[4]

Tháng Chín năm 1964, Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản họp tại Hà Nội để đánh giá tình hình và xem xét quá trình thực hiện Nghị quyết hội nghị IX của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bộ Chính trị quyết định tiến hành một đòn mạnh mẽ nhằm nhanh chóng tiêu diệt quân đội Việt Nam Cộng hòa để “giành thắng lợi quyết định”. Ngoài việc điều các đơn vị chính quy lớn đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam (cấp trung đoàn) vào miền Nam để chiến đấu và ra lệnh mở một loạt chiến dịch cấp trung đoàn và sư đoàn với mục đích đè bẹp Quân lực Việt Nam Cộng hòa,[5] Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam cũng chỉ thị phải chuẩn bị tung ra cuộc tổng công kích-tổng khởi nghĩa. Chiến dịch sẽ được bắt đầu sau khi quân đội Việt Nam Cộng hòa đã bị nghiền nát, và sẽ hướng thẳng vào thành phố thủ phủ miền Nam, Sài Gòn.

Một cuốn sách của cộng sản thời kỳ hậu chiến tranh miêu tả kế hoạch mang bí số “Kế hoạch X” như sau:
“Trong mùa thu năm 1964… Trung ương Cục miền Nam lập một kế hoạch nhằm chuẩn bị nắm thời cơ tiến hành một cuộc tổng công kích và khởi nghĩa với mục tiêu nhắm đến một thắng lợi quyết định. Kế hoạch được đặt bí số “Kế hoạch X”… Khu vực trung tâm mà Kế hoạch X hướng tới là Sài Gòn-Gia Định… Trong quý ba năm 1964, một cơ quan đặc chủng, được tạo nên từ các thành viên của Quân ủy Trung ương thuộc Trung ương Cục miền Nam và các chỉ huy quân sự của Vùng Quân sự Sài Gòn-Gia Định được tạo nên để thực thi kế hoạch… Theo Kế hoạch X, Vùng Quân sự Sài Gòn-Gia định phải nhanh chóng lập ra các đơn vị đặc công thành đủ sức mạnh để tiến công và chiếm lấy những mục tiêu quan trọng trong thành phố, đồng thời lập ra các đơn vị chiến đấu có vũ trang và các đơn vị tự vệ cho mỗi nhánh nhằm cung cấp xương sống cho phong trào nổi dậy chung. Vùng Quân sự cũng sẽ lập ra năm tiểu đoàn mũi nhọn có thể được sử dụng tại năm khu vực bao quanh vùng ngoại ô của thành phố, đủ sức tiến sâu vào thành phố từ năm hướng. Những tiểu đoàn này có thể nhanh chóng hỗ trợ các đơn vị đặc công thành để giúp họ nắm giữ những mục tiêu riêng lẻ trong khi chờ quân chủ lực của chúng ta và hỗ trợ từ phong trào nổi dậy chung của người dân.”[6]

Ý tưởng chia thành phố thành năm khu vực và ý tưởng điều các tiểu đoàn mũi nhọn vào mỗi khu vực nhằm hỗ trợ các nhóm đặc công và “nổi dậy chung” trong khi chờ các đơn vị lớn hơn từ bên ngoài tới nơi sau này sẽ được sử dụng trong kế hoạch về các cuộc tấn công Tết Mậu Thân vào Sài Gòn.

Trong một lá thư đề tháng Hai năm 1965, tổng bí thư Lê Duẩn, một người trung thành với các ý tưởng “tổng khởi nghĩa” và “chiến đấu trong thành phố” và có vẻ như là người ủng hộ Kế hoạch X mạnh mẽ nhất, giải thích kế hoạch cho tư lệnh cộng sản ở miền Nam Việt Nam, tướng Nguyễn Chí Thanh, như sau: “Vấn đề hiện nay của chúng ta là tiếp tục mở rộng sự kiểm soát tại vùng nông thôn và chuẩn bị thực hiện một cuộc tổng khởi nghĩa. Các đô thị sẽ trở thành điểm trọng tâm cho cuộc tổng khởi nghĩa sắp tới.”[7]

Lê Duẩn nói điều kiện tiên quyết là các lực lượng cộng sản phải chuẩn bị cho tình hình “bằng cách tiến công và tiêu diệt ba hoặc bốn sư đoàn chính quy ngụy trên chiến trường trong các đợt sóng liên tiếp những cuộc tiến công của lực lượng chúng ta.” Khi điều này đã được hoàn thành, Lê Duẩn nói với tướng Nguyễn Chí Thanh, “Chúng ta sẽ tiến hành một cuộc tổng khởi nghĩa phối hợp với một cuộc tiến công quân sự chung hướng thẳng vào trái tim quân địch để nắm kiểm soát chính quyền. Điều này sẽ hạ gục tinh thần quân đội ngụy. Chiếm ưu thế từ cơ hội ấy, chúng ta sẽ tiến hành những cuộc tiến công quân sự mạnh mẽ đi đôi với những tấn công lớn về chính trị và quân đội của nhân dân, gây tiêu hao cho quân địch và bằng cách đó tạo ra khả năng làm sụp đổ những đơn vị còn lại của quân đội ngụy.”[8]

Các yếu tố khác của kế hoạch được Lê Duẩn trình bày trong lá thư, bao gồm việc tạo ra một tổ chức chính trị “mặt trận thứ hai” kiên quyết mang tính trung lập nhằm lập một chính phủ mới và điều đình việc rút quân của Mỹ, sau này sẽ được lặp lại trong kế hoạch cuộc tấn công Tết Mậu Thân.[9] Cuối cùng, cũng như thái độ ông sẽ có trong khi lên kế hoạch cho cuộc tấn công Tết Mậu Thân, Lê Duẩn kiên quyết phủ nhận lập luận cho rằng cuộc tổng nổi dậy của các thành phố chỉ được tiến hành khi nào chiến thắng là chắc chắn, cho rằng nếu những cuộc tấn công tại các thành phố thất bại, các lực lượng cộng sản có thể sẽ chỉ đơn giản là rút lui, tập hợp lại, rồi sau đó sẽ thử lại lần nữa. Lê Duẩn viết:

“Tuy nhiên, nếu vì lý do nào đó mà những cuộc nổi dậy tại các đô thị gặp khó khăn và chúng ta buộc phải rút lui lực lượng, thì cũng không vấn đề gì. Đó sẽ chỉ là một dịp cho chúng ta diễn tập và rút ra các bài học kinh nghiệm nhằm chuẩn bị cho sau này. Lực lượng của đồng chí Fidel Castro đã tấn công các đô thị ba lần mới thành công. Nếu chúng ta tiến vào được các đô thị nhưng sau đó phải rút lui, thì vẫn không phải lo lắng gì, bởi toàn bộ vùng nông thôn và rừng núi đều thuộc về chúng ta – vị thế và lực lượng của chúng ta đều rất mạnh tại các vùng đó.”[10]

Trong một bức thư khác gửi Nguyễn Chí Thanh vào tháng Năm 1965, sau khi rất nhiều đội quân chiến đấu lớn của Mỹ đã bắt đầu đổ bộ vào Việt Nam Cộng hòa và viễn cảnh tung ra một cuộc tổng khởi nghĩa tại các thành phố rõ ràng là đã bị thổi bay, Lê Duẩn vẫn tiếp tục bảo vệ ý tưởng của mình. Ông nói với tướng Nguyễn Chí Thanh, “Khi nào có cơ hội, ngay cả khi các yếu tố chỉ cho phép chúng ta 70 hay 80 phần trăm cơ may chiến thắng, thì chúng ta cũng phải nắm lấy cơ hội và tiến hành các cuộc khởi nghĩa thay vì cứ bướng bỉnh đòi hỏi sự hoàn hảo và đợi cho tới khi cơ hội đạt tới 100 phần trăm.”[11]

Rốt cuộc, sự triển khai rộng lớn của các lực lượng quân sự Mỹ tại Việt Nam Cộng hòa bắt đầu vào mùa hè 1965 đã ngăn chặn mọi khả năng về tung ra cuộc tổng tiến công và nổi dậy, nhưng Lê Duẩn không bao giờ thực sự rời bỏ ước mơ của mình.
Vai trò của tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc chiến tranh chống Mỹ

Khoảng giữa những năm 1960, vị trí của tướng Võ Nguyên Giáp trong hệ thống thứ bậc chính trị và quân sự của cộng sản đã có thay đổi lớn, và vai trò của ông trong việc chỉ huy cuộc chiến tranh nói chung đã bị suy yếu. Mặc dù vẫn giữ các trọng trách như Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Việt Nam, bộ trưởng quốc phòng, và bí thư Quân ủy Trung ương, các quyết định chiến lược về cuộc chiến tranh ở miền Nam đã không còn chỉ duy nhất nằm trong tay của vị tướng nữa. Thay vào đó, những quyết định ấy được thực hiện bởi một tiểu ban đặc biệt gồm năm người của Bộ Chính trị, trong đó Võ Nguyên Giáp chỉ là một thành viên. [12] Một sĩ quan cao cấp của quân đội Việt Nam, từng nhiều năm phục vụ trong Bộ Tổng Tham mưu của Quân đội Nhân dân Việt Nam và là tác giả một cuốn sách xuất bản gần đây về vị tướng với tư cách tư lệnh quân sự viết như sau về thẩm quyền ra quyết định của ông trong “cuộc chiến tranh chống Mỹ”: “Ngoài việc tham gia các thảo luận và quyết định của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, và Quân ủy Trung ương ở các bước riêng biệt ở cấp chiến lược chung, sự dẫn dắt và chỉ huy đối với các tư lệnh ngoài chiến trường ở tướng Võ Nguyên Giáp không ở mức độ trực tiếp như đã từng như vậy trong cuộc kháng chiến chín năm [chiến tranh chống Pháp].”[13]

Trong một lần phỏng vấn tại Hà Nội, vẫn vị sĩ quan này công nhận rằng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, không giống như trong cuộc chiến tranh chống Pháp, đã xảy ra nhiều bất đồng bên trong Bộ Chính trị về chiến lược và chiến thuật. Vị sĩ quan nói rằng tướng Võ Nguyên Giáp đứng về bên thua cuộc trong rất nhiều cuộc tranh cãi ấy, nhưng “để giữ toàn cục” ông vẫn đi theo đa số sau khi không được ủng hộ.[14]

Bản chất chính xác của những tranh cãi bên trong Bộ Chính trị – các thành viên Bộ Chính trị thuộc về phái nào, vân vân – từng là chủ đề tìm hiểu của vô số tác giả trong nhiều năm. Giờ đây một số sử gia xếp Lê Duẩn và các “quân nhân miền Nam” hay các “tư lệnh miền Nam” về một bên và nhân tố “lãnh đạo miền Bắc”, với Võ Nguyên Giáp là một trong các nhân tố chỉ huy, ở phe bên kia.[15] Tôi tin rằng đây là một sự đơn giản hóa quá mức bởi vì rất rõ rằng những bất đồng chỉ là về phương tiện chứ không phải về mục đích. Bất kỳ ai có liên quan cũng chia sẻ cùng một mục tiêu cuối cùng, đó là “giải phóng” miền Nam và thống nhất Bắc-Nam thành một quốc gia Việt Nam duy nhất nằm dưới sự cầm quyền của Đảng Cộng sản. Nhưng điều này không làm cho các bất đồng trở nên kém gay gắt hơn.

Nguồn gốc xung đột Lê Duẩn-Võ Nguyên Giáp rất mù mờ, nhưng có khả năng là đã bắt đầu ngay từ hồi cuối những năm 1950. Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Trường Chinh bị mất chức lãnh đạo đảng vào tháng Mười năm 1956 vì những “sai lầm” trong khi tiến hành chương trình cải cách ruộng đất thảm khốc, có vẻ như tướng Võ Nguyên Giáp là ứng cử viên một cách tự nhiên ở cương vị lãnh đạo đảng.[16] Tuy nhiên, mặc dù Võ Nguyên Giáp từng một thời là trợ lý thân cận của Hồ Chí Minh trong việc điều hành đảng, ông đã nhanh chóng đánh mất vai trò lãnh đạo của mình vào tay Lê Duẩn. Tháng Tư năm 1957, Lê Duẩn được gọi ra miền Bắc khi đang ở cương vị lãnh đạo của bộ máy cộng sản hoạt động ngầm ở Việt Nam Cộng hòa. Tháng Mười hai cùng năm, Lê Duẩn chính thức giữ chức lãnh đạo đảng khi được bầu vào Ban Bí thư tại Hội nghị lần thứ mười ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng.[17]

Một phần nguyên nhân của sự gay gắt trong cuộc đối đầu trong hàng ngũ lãnh đạo giữa Lê Duẩn và Võ Nguyên Giáp có thể tìm thấy ở vai trò của Võ Nguyên Giáp trong việc lên dự thảo cho Nghị quyết hội nghị lần thứ mười lăm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, tài liệu rốt cuộc cũng cho phép sử dụng “đấu tranh vũ trang” ở miền Nam và khiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có trách nhiệm hỗ trợ nhằm “giải phóng” miền Nam. Đầu năm 1957, trước khi Lê Duẩn được gọi từ miền Nam ra, Hồ Chí Minh đã giao cho Võ Nguyên Giáp nhiệm vụ lên dự thảo nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương về chiến lược của đảng trong cuộc cách mạng ở miền Nam.

Hoàng Tùng, một lý thuyết gia và nhà tuyên truyền thuộc hàng lãnh đạo của đảng, một trong hai người được chỉ định giúp tướng Võ Nguyên Giáp lên dự thảo nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương, cho rằng vị tướng đã nhanh chóng nhất trí với ý tưởng về sử dụng “bạo lực cách mạng” nhằm “giải phóng” miền Nam. Tuy nhiên, Hoàng Tùng công nhận Võ Nguyên Giáp cũng là một người biện hộ nhiệt thành cho một giải pháp “hòa bình” đối với tình hình Việt Nam Cộng hòa. Theo Hoàng Tùng, bản dự thảo nghị quyết đã có rất nhiều sửa chữa và liên tục bị trì hoãn. Bản dự thảo cuối cùng của tướng Võ Nguyên Giáp chỉ được gửi cho Lê Duẩn khi nó đã được hoàn thành vào cuối năm 1958. Hoàng Tùng cho biết khi đó Lê Duẩn đã ngồi lại cùng hai người trợ tá viết bản nghị quyết (nhưng không phải là với tướng Võ Nguyên Giáp) nhằm thêm vào nhiều điểm và thực hiện nhiều thay đổi đối với bản dự thảo cuối cùng của vị tướng trước khi trình lên Trung ương Đảng để thông qua vào đầu năm 1959.[18]

Những trì hoãn liên tiếp và sự coi thường mà dường như Võ Nguyên Giáp thể hiện đối với những lời kêu gọi của Lê Duẩn nhằm hành động ngay lập tức để hỗ trợ cách mạng miền Nam hẳn đã làm Lê Duẩn phật ý. Sự giận dữ của ông lại càng tăng thêm bởi việc ông bị buộc phải thân chinh trả lời các chất vấn lặp đi lặp lại về các vấn đề liên quan tới nghị quyết từ hai phái viên thuộc bộ phận đảng ở miền Nam. Các phái viên này được cử ra Hà Nội vào mùa hè năm 1957 với mục đích thúc giục Lê Duẩn và giới lãnh đạo đảng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong việc hỗ trợ và tham gia cuộc “cách mạng” tại miền Nam. Hai người đó, Phan Văn Đáng và Phạm Văn Xô, phải chờ đợi, bị giam lỏng trong một nhà thờ ở Hà Nội, trong suốt mười tám tháng trong khi Võ Nguyên Giáp và các trợ tá của ông bàn thảo về câu từ của bản dự thảo nghị quyết. Lê Duẩn gặp hai phái viên miền Nam mỗi tháng một lần, và lần nào ông cũng phải thông báo với họ rằng “bản dự thảo nghị quyết vẫn chưa xong.”[19] Tình huống này chắc hẳn đã đóng một vai trò quan yếu trong việc làm cho mối quan hệ giữa tướng Võ Nguyên Giáp và Lê Duẩn xấu đi.

Đe dọa và thách thức – đòi hỏi về một thắng lợi mang tính quyết định

Vào khoảng mùa hè năm 1966, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở vào tình thế một cuộc phòng thủ chiến lược trong ít nhất là một năm khi nó phải nỗ lực một cách tuyệt vọng để cung cấp quân lính và quân trang vào miền Nam nhằm không bị thua kém với cuộc đổ quân ồ ạt của các lực lượng chiến đấu Mỹ vào Việt Nam Cộng hòa. Đây không phải là một tình hình dễ chịu cho những người cộng sản Việt Nam, những người, cũng giống như tất cả các nhà Mác xít chân chính, tin rằng điều cốt yếu là phải giữ vững được lập trường ban đầu và luôn không ngừng tấn công. Điều không tránh khỏi là họ sẽ phải cố gắng giành lại thế tấn công ban đầu.

Giữa tháng Sáu năm 1966, tiểu ban của Bộ Chính trị chuyên trách cuộc chiến tranh ở miền Nam do Lê Duẩn đứng đầu và có thêm Nguyễn Chí Thanh (người có mặt ở Hà Nội cho công việc tham vấn), gặp Quân ủy Trung ương tại Hà Nội để bàn bạc về kế hoạch Bộ Tổng Tham mưu cho chiến dịch “đông-xuân” 1966-1967. Mục đích của chiến dịch ghi trên kế hoạch là “giành một thắng lợi mang tính quyết định” trước Việt Nam Cộng hòa trong năm 1967. Một cuốn sách của Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu tóm tắt kế hoạch như sau: “[Chúng ta sẽ] sử dụng 4 khối chủ lực tiến công địch trên 4 chiến trường: Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Khu 5, Trị Thiên; kết hợp với tiến công và khởi nghĩa ở 3 thành phố lớn Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, tiêu diệt và đánh tan rã chủ lực quân ngụy, đánh thiệt hại nặng quân Mỹ, giành thắng lợi quyết định trên chiến trường miền Nam trong năm 1967.”[20]

Theo các ghi chép từ cuộc gặp, Nguyễn Chí Thanh ủng hộ ý tưởng tìm kiếm một “thắng lợi mang tính quyết định” trong năm 1967 nhưng thận trọng vì trong dịp đông-xuân sắp tới các lực lượng Trung ương Cục miền Nam tại miền Nam sẽ phải tập trung vào các hoạt động phòng thủ nhằm đánh thắng “cuộc phản công chiến lược” mùa khô 1966-1967 của Mỹ. Điều đó có nghĩa là các lực lượng cộng sản sẽ phải tiếp tục chiến đấu trong mùa hè thay vì có đợt ngưng như thường lệ để nghỉ ngơi và củng cố lực lượng. Trong cuộc gặp, tướng Võ Nguyên Giáp bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với việc tiến hành “những trận đánh lớn” nhằm giành một thắng lợi, nhưng nhấn mạnh rằng những cuộc tấn công vào các thành phố cần được khởi đầu bằng những tấn công quân sự nhỏ và chỉ dần dần tiến tới bước “nổi dậy” tại một số vùng và thành phố đặc thù, khi mà các lực lượng cộng sản đã chiếm được quyền kiểm soát ở những vùng đó.[21]

Cuộc thảo luận tháng Sáu năm 1966 về kế hoạch cho một “thắng lợi mang tính quyết định” hẳn đã chịu ảnh hưởng từ các cuộc nổi dậy của Phật giáo và biến động miền Trung nửa đầu của năm 1966, những gì mà phe cộng sản hẳn đã coi như là các dấu hiệu cho thấy quân đội Việt Nam Cộng hòa và chính phủ miền Nam bắt đầu sụp đổ. Tuy nhiên, có vẻ như là sẽ đúng hơn nếu nói nó phản ánh một quyết định về chính sách ban đầu của Bộ Chính trị cuối cùng được chính thức hóa vào tháng Giêng 1967, khi Trung ương Đảng Cộng sản thông qua Nghị quyết hội nghị mười ba, kêu gọi việc thực hiện một chiến lược “vừa đánh vừa đàm” và khởi đầu các cuộc thương thuyết với Mỹ.

Trong các trình bày riêng biệt trong cuộc tranh luận về Nghị quyết 13, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh và Tổng Tham mưu trưởng, tướng Văn Tiến Dũng, nói với các đại biểu của Trung ương rằng vì hai phía trong cuộc chiến tranh đều đang rất bế tắc, người Mỹ đang phải đối diện với một lựa chọn giữa ba chiến lược có thể có cho tương lai: (1) mở rộng chiến tranh thông qua mở rộng ném bom và xâm lấn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, (2) gửi thêm rất nhiều quân và quân trang để chiến đấu và tìm cách chiến thắng trong một cuộc chiến kéo dài tại miền Nam, hoặc (3) nỗ lực để giành một thắng lợi quân sự quan trọng trong năm 1968 rồi sử dụng thắng lợi đó thương thuyết một giải pháp chính trị từ một vị thế có sức mạnh, một giải pháp có thể vẫn cho phép giữ lại chính quyền “tân thực dân” ở Việt Nam Cộng hòa.

Những lựa chọn đó mang lại cho người cộng sản Việt Nam không chỉ một mối đe dọa nguy hiểm mà cả một cơ hội nữa. Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh nói với Trung ương rằng bởi có bất ổn ngay trong lòng nước Mỹ, và đặc biệt là bởi có tác động mà cuộc chiến hẳn sẽ có lên kỳ tranh cử tổng thống năm 1968, một cuộc tranh luận nảy lửa đang nổ ra bên trong giới chức Mỹ giữa phe “diều hâu”, những kẻ ủng hộ hành động mạnh mẽ hơn chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và phe “bồ câu”, những người ủng hộ thương thuyết để chấm dứt chiến tranh nhưng vẫn giữ lại một miền Nam Việt Nam độc lập. Vị bộ trưởng ngoại giao nói rằng Tổng thống Lyndon B. Johnson đang không chắc sẽ phải làm gì nhưng nghiêng về giải pháp thứ ba, tìm kiếm một dạng thành công nhanh chóng về quân sự với liền tiếp theo là một thỏa thuận thông qua thương thuyết trước khi diễn ra bầu cử, nhằm được tiếp tục tại vị.[22]

Nguyễn Duy Trinh khuyên Trung ương thông qua chiến lược do Bộ Chính trị đề ra, sử dụng “củ cà rốt” thương thuyết và một “chiến lược vừa đánh vừa đàm” nhằm khai thác mong muốn của Johnson trong việc thực hiện được một thỏa thuận thông qua thương thuyết trước kỳ bầu cử 1968. Nguyễn Duy Trinh nói rằng Bộ Chính trị đã đặt ra hai mục tiêu chính cho các thương thuyết. Mục tiêu thứ nhất là làm cho nước Mỹ ngừng ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và mục tiêu thứ hai là buộc Mỹ rút quân khỏi miền Nam.

Ý tưởng sử dụng chiến lược vừa đánh vừa đàm không phải là điều gì mới mẻ. Tổng bí thư Lê Duẩn từng bàn về ý tưởng này trong một bài phát biểu vào dịp Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào tháng Mười hai 1965. Trong bài phát biểu, ông nói rõ rằng có nhiều ý kiến khác nhau ngay trong phe xã hội chủ nghĩa về việc sử dụng “vừa đánh vừa đàm”, và ông đã chỉ ra các điều kiện cần thiết trước khi một chiến lược như vậy có thể được sử dụng: trước hết Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải giành được “những thắng lợi to lớn và giòn giã hơn nữa” và phải đạt được sự nhất trí ở mức độ nào đó “trong các đảng, các nước xã hội chủ nghĩa anh em… về ý tưởng vừa đánh vừa đàm.”[23]

Nhiệm vụ có được một sự nhất trí nào đó với “các nước xã hội chủ nghĩa anh em” trong việc sử dụng ý tưởng vừa đánh vừa đàm thuộc về các nhà ngoại giao và lãnh tụ chính trị của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Liên Xô đang mạnh mẽ thúc đẩy giới lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bước vào đàm phán, trong khi Trung Quốc kịch liệt phản đối mọi thương thuyết với Mỹ.[24] Tuy nhiên, trước khi các đàm phán có thể bắt đầu, trước hết Quân đội Nhân dân Việt Nam cần giành được một thắng lợi quan trọng ở mặt trận nhằm cung cấp cho các nhà ngoại giao của họ thế mạnh đối với người Mỹ tại bàn đàm phán. Như Nguyễn Duy Trinh trình bày trong báo cáo của ông tại hội nghị Trung ương, “khi chưa giành được thắng lợi đó thì trên bàn hội nghị cũng chưa giành được thắng lợi.”[25]

Để hỗ trợ cho chiến lược vừa đánh vừa đàm, Nghị quyết 13 của Trung ương kêu gọi một “cố gắng cao độ… giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn”. Một “thắng lợi quyết định” được định nghĩa như là thắng lợi gây ra tổn thất nặng nề cho quân Mỹ, tiêu diệt một lực lượng lớn của quân đội Việt Nam Cộng hòa nhằm làm cho quân đội đó trở nên tê liệt, và tạo ra một cuộc “tổng công kích-tổng khởi nghĩa” tại các thành phố và các vùng nông thôn. Mục đích tối hậu là làm cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ và thay thế nó bằng một chính quyền liên hiệp không cộng sản rộng rãi, sẽ kiên quyết đàm phán một thỏa thuận cho phép Mỹ rời khỏi Việt Nam mà không bị mất mặt.[26] Tuy nhiên, nghị quyết cũng rất rõ ràng ở điểm cuộc tổng công kích-tổng khởi nghĩa sẽ chỉ được tiến hành vào thời điểm cuối của một tiến trình dần dần, từng bước một: “Kết hợp với đấu tranh chính trị, [chúng ta phải] xây dựng thực lực, từng bước giành quyền làm chủ của ta ở các đô thị, làm yếu sự kiểm soát của địch, đẩy mạnh phong trào đô thị, tạo điều kiện tiến lên tổng công kích và tổng khởi nghĩa.”[27] Chưa hề có một ý nghĩ nào về việc tung ra một cuộc tổng công kích-tổng khởi nghĩa một mất một còn tại các thành phố trước khi các lực lượng quân sự của kẻ thù đã bị nghiền nát.

Trong vòng hơn một năm, trọn vẹn năm 1966 và tới nửa đầu năm 1967, Nguyễn Chí Thanh và Võ Nguyên Giáp tiến hành một “cuộc chiến lời lẽ” trên các tờ báo và tạp chí lý luận cộng sản về tương quan đúng đắn giữa “những trận đánh lớn” và chiến tranh du kích. Rất nhiều điều đã được viết ra về những lý lẽ ấy, và ở đây cũng sẽ không có gì nhiều để thêm vào.[28] Tôi tin rằng việc những lý lẽ hết sức công khai đó nghiêm túc đến mức độ nào xứng đáng là chủ đề của một tranh luận. Trong Bộ Chính trị của Việt Nam thời chiến, cũng như trong phần lớn các tổ chức độc tài, lý lẽ càng nghiêm túc thì nó càng được giữ bí mật hơn – Bộ Chính trị không thích vạch áo cho người xem lưng.

Dẫu cho tầm quan trọng thực thụ của cuộc đối đầu tay đôi của các bài báo Nguyễn Chí Thanh-Võ Nguyên Giáp có là như thế nào, thì Nghị quyết 13 cũng rất rõ ràng về việc lãnh đạo đảng đã quyết định áp dụng một chiến lược hỗn hợp quân sự-chính trị-ngoại giao hướng tới đạt được một thỏa thuận qua đàm phán với các điều khoản thuận lợi cho người cộng sản nhưng điều này không gây ra một thất bại rõ ràng và làm người Mỹ bị nhục nhã. Quyết định này có nghĩa là lý lẽ “những cuộc chiến lớn” đã chiến thắng, bởi chiến lược mới đòi hỏi một thành công quân sự nhanh chóng và có tầm vóc lớn theo một cách nào đó nhằm mang lại cho các nhà ngoại giao phe cộng sản lợi thế mà họ cần để đàm phán một giải pháp chấp nhận được.

Quyết định của đảng có thể dự đoán theo hai nhận định sau đây: (1) Các đánh giá về mặt chính trị trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 1968 có thể khiến cho người Mỹ hướng theo một thỏa thuận như vậy, và (2) nếu người cộng sản không nhanh chóng có động thái, người Mỹ có thể tự có quyết định trước trong việc sử dụng một dạng hành động quân sự lớn nào đó (chẳng hạn tấn công ồ ạt miền Bắc Việt Nam hoặc tấn công sang Lào để cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh) nhằm phá vỡ thế bế tắc và kết thúc chiến tranh với lợi thế thuộc về Mỹ trước kỳ bầu cử.

Tháng Tư năm 1967, lãnh đạo cấp cao của Bộ Tổng Tham mưu gặp nhau để thảo luận về các đường hướng cho một kế hoạch nhằm giành một “thắng lợi quyết định” trong chiến dịch “đông-xuân” 1967-1968. Các lãnh đạo nhấn mạnh mối đe dọa, cho rằng các lực lượng cộng sản phải thọc sâu thật nhanh, trong khi Mỹ vẫn đang xem xét việc thay đổi chiến lược. (Chính vào lúc này tướng William Westmoreland vừa mới gửi một yêu cầu tới Washington đòi tăng thêm hai trăm nghìn quân, các lực lượng có thể được sử dụng cho các cuộc tấn công trên bộ vào Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoặc Lào).[29] Lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu miêu tả tình thế như sau: “Nếu mùa hè 1967 ta không tạo được chuyển biến để giành thắng lợi thì cả hai miền Nam-Bắc sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 1968.”[30]

Các sĩ quan cao cấp của Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho những người chịu trách nhiệm lên kế hoạch là trong khi làm dự thảo kế hoạch, họ cần tính đến các “yếu tố chính trị” – cuộc bầu cử tổng thống tại Việt Nam Cộng hòa vào tháng Chín năm 1967 và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng Mười một năm 1968. Ban lãnh đạo đặt ra các mục tiêu cần đạt được nhằm giành thắng lợi mong muốn: (1) “tiêu diệt” 150.000 lính Mỹ, bao gồm cả việc tiêu diệt ba trên năm lữ đoàn Mỹ, (2) “tiêu diệt” 300.000 quân Việt Nam Cộng hòa, bao gồm cả việc tiêu diệt từ sáu đến bảy sư đoàn, (3) “giải phóng” từ 5 đến 8 triệu người dân miền Nam và (4) “giải phóng” các thành phố Đông Hà và Quảng Trị, tiêu diệt các căn cứ địch tại Ban Mê Thuột và Kon Tum, và tiến hành các đợt tấn công vào Huế, Sài Gòn, cũng như thủ phủ của nhiều tỉnh.[31]

Tiểu ban của Bộ Chính trị chuyên trách chiến tranh tại miền Nam gặp nhau nhiều lần trong khoảng thời gian từ cuối tháng Tư tới tháng Sáu năm 1967 nhằm xem xét kế hoạch do Bộ Tổng Tham mưu vạch ra. Ngay cả Tổng Tham mưu trưởng, tướng Văn Tiến Dũng, cũng không hài lòng với kế hoạch. Nhiều năm sau Văn Tiến Dũng sẽ nhớ lại:

“Kế hoạch đã được trình lên Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, nhưng càng nghĩ về nó, chúng tôi càng cảm thấy bất an. Kế hoạch giống như kế hoạch của chúng ta cho chiến dịch đông-xuân trước đó, khác biệt duy nhất là các mục đích cao hơn. Các mục tiêu và các chiến thuật, phương pháp đánh trận, đều vẫn giống như những gì chúng ta đã thực hiện năm trước đó, nhưng thực tế mặt trận cho thấy chúng ta sẽ không thể đạt được các mục tiêu ấy.”[32]

Theo một bộ sách của Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng Tham mưu, khi những mối quan ngại được trình bày về các khiếm khuyết của kế hoạch, tướng Nguyễn Chí Thanh, người ở Hà Nội từ đầu năm 1967, chỉ trả lời rất đơn giản bằng cách yêu cầu Cục Tác chiến tiếp tục nghiên cứu các ý đồ chiến lược với mục đích sao cho các lực lượng cộng sản có thể được đưa tới điểm nơi có thể hoàn thành các mục tiêu đã định.[33]

Vấn đề có vẻ như là không thể giải quyết. Một cuốn sách của bên cộng sản Việt Nam cho biết vào thời điểm kết luận của cuộc họp Bộ Chính trị tháng Sáu năm 1967 nhằm xem xét kế hoạch của Bộ Tổng Tham mưu cho cuộc tấn công 1968, “Bộ Chính trị không thể hình dung được là một thắng lợi mang tính quyết định có thể đạt được trong năm 1968 thông qua các trận đánh quy mô lớn… Sau hai năm trực tiếp chiến đấu chống lại quân đội Mỹ… Việt Nam nhận ra rằng việc tiêu diệt hoàn toàn một đơn vị cấp đại đội hoặc tiểu đoàn… là rất khó.”[34] Trong các cuộc họp của Bộ Chính trị, Lê Duẩn nhấn mạnh mối nguy của hành động quân sự mang tính quyết định có thể có từ phía Mỹ nếu không tìm ra được một giải pháp cho vấn đề giành được một thắng lợi quân sự mạnh mẽ nhanh chóng. Lê Duẩn nói, “Mỹ không còn con đường nào khác là phát huy sức mạnh quân sự. Đối phó với âm mưu này của Mỹ, ta phải đưa hoạt động quân sự lên một bước mới, đến mức Mỹ không chịu nổi và phải chấp nhận thất bại về quân sự, cô lập về chính trị. Nếu ta thực hiện được, Mỹ sẽ phải rút khỏi miền Nam.”[35]

Một cái chết và một cuộc soán đổi

Vào buổi sáng sớm ngày 6 tháng Bảy năm 1967, tiếp theo một ngày dành riêng cho tiệc tùng thuộc một loạt bữa tiệc tạm biệt trước khi ông lên đường quay về mặt trận miền Nam, tướng Nguyễn Chí Thanh lên cơn nhồi máu tại nhà mình ở Hà Nội. Ông được đưa ngay vào Bệnh viện Quân đội 108, bệnh viện tốt nhất trên toàn miền Bắc, nhưng vào lúc chín giờ sáng, trái tim ông đã ngừng đập và ông được tuyên bố là đã qua đời.[36]

Cái chết của tướng Nguyễn Chí Thanh đặt chính sách cộng sản Việt Nam tại miền Nam vào một sự lúng túng to lớn. Không chỉ đảng phải gánh lên vai mình một kế hoạch có vẻ như không hứa hẹn nhiều triển vọng thành công, mà giờ đây vị lãnh đạo lên kế hoạch ấy đã chết. Ngày hôm sau hai sĩ quan cộng sản cao cấp, tướng Chu Huy Mân và thượng tướng Nguyễn Văn Vịnh, được cử vào Nam (qua đường Trung Quốc và Cambodia) để truyền đạt cho bộ tư lệnh miền Nam những dự tính mới nhất của đảng về chiến dịch đông-xuân 1967-1968,[37] nhưng các truyền đạt của họ không thể nào bù đắp được khoảng trống do cái chết của Nguyễn Chí Thanh để lại. Cần phải chọn một nhà lãnh đạo mới cho miền Nam, và gần như không thể tránh khỏi việc chỉnh sửa kế hoạch. Con đường đã rộng mở cho một con người đầy tham vọng đang hăng hái tiến về phía trước nhằm nắm lấy quyền chỉ huy – và con người đó đã sẵn sàng. Tên ông là Văn Tiến Dũng.

Tướng Văn Tiến Dũng từng là thuộc cấp của tướng Võ Nguyên Giáp trong vòng một thập niên rưỡi. Văn Tiến Dũng từng là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam khi Võ Nguyên Giáp là tư lệnh tối cao Các Lực lượng Vũ trang và bí thư Quân ủy Trung ương. Có khả năng là hai người không có nhiều điểm chung với nhau. Võ Nguyên Giáp là người gốc miền Trung, xuất thân từ một gia đình quan lại, từng học đại học và làm thầy giáo tại một trường trung học (một nghề được kính trọng tại Đông Dương thời thuộc Pháp). Tướng Văn Tiến Dũng sinh ra ngay tại ngoại thành Hà Nội, xuất thân từ giai cấp nông dân, chỉ học tới lớp sáu, và từng làm công nhân bình thường trong một xưởng dệt.[38] Tâm tính nóng nảy của Võ Nguyên Giáp được cả bạn bè lẫn kẻ thù của ông biết rõ, nên làm việc cho ông trong một quãng thời gian dài đến vậy hẳn không luôn luôn là một việc dễ dàng. Mặc dù chúng ta không thể biết liệu hành động mà Văn Tiến Dũng thực hiện có phải là để chủ ý thay thế Võ Nguyên Giáp và chuyển lên nắm giữ vị trí của người thủ trưởng hay không, hành động của Văn Tiến Dũng rõ ràng là bước đi đầu tiên trong việc đưa tiến trình ấy vào thực tế.

Trong một bài phỏng vấn với tờ báo Quân đội Nhân dân vào năm 2004, Văn Tiến Dũng miêu tả những gì xảy ra sau đó: “Càng nghĩ về tình hình, tôi lại càng tin rằng chúng ta phải có những mục đích mới, những mục tiêu mới, và những phương pháp tiến công mới. Chúng ta cần rà soát lại toàn bộ kế hoạch đông-xuân 1967-1968. Tôi xin được gặp đồng chí Lê Duẩn để thảo luận về vấn đề này.”[39] Nói một cách khác, Văn Tiến Dũng đã vượt cấp tướng Võ Nguyên Giáp để gặp riêng kẻ thù lớn của thủ trưởng mình, Lê Duẩn. Ý nghĩa của hành động này hẳn không lọt qua được mặt Lê Duẩn.

Sau khi Văn Tiến Dũng trình bày các mối lo ngại về tính chất không thích hợp của kế hoạch hiện có, Lê Duẩn trả lời bằng một đề nghị rất đáng kinh ngạc: Tại sao chúng ta lại không thể đẩy cuộc tấn công chiến lược của chúng ta tới giai đoạn cuối cùng, cuộc tổng công kích-tổng khởi nghĩa?[40]

Về thực chất, Lê Duẩn gợi ý rằng, vì các lực lượng cộng sản ở miền Nam không có khả năng hoàn thành các mục tiêu tức thời được cho là cốt yếu trong việc tạo ra những điều kiện cho phép “các lực lượng cách mạng” tiến đến giai đoạn gần kết của cuộc chiến, cho nên các bước tức thời cần được bỏ qua. Trước đây ai cũng nhất trí về các điều kiện cần có trước khi một cuộc tổng khởi nghĩa được tiến hành – quân đội Việt Nam Cộng hòa và bộ máy an ninh Việt Nam Cộng hòa bị nghiền nát và các lực lượng Mỹ bị tê liệt và/hoặc vô hiệu hóa – bởi vì nếu các điều kiện đó không được đảm bảo thì quân đội Việt Nam Cộng hòa và lực lượng Mỹ sẽ chỉ đơn giản là đàn áp “những người cách mạng” thường dân không có vũ trang đưa dân chúng xuống đường trong cuộc tổng khởi nghĩa. Giờ đây Lê Duẩn gợi ý rằng, khi thiếu vắng dù chỉ một lựa chọn khả dĩ nào khác về việc đạt được mục tiêu tức thời, những người cộng sản phải xem xét đến việc đánh liều mọi thứ vào một canh bạc. Văn Tiến Dũng đồng ý ngay với Lê Duẩn, và Lê Duẩn sai Văn Tiến Dũng điều hành Quân ủy Trung ương chuẩn bị một báo cáo theo hướng này để Bộ Chính trị xem xét.[41] Võ Nguyên Giáp có thể vẫn là bí thư của Quân ủy Trung ương, nhưng mệnh lệnh trên thực tế đã trao quyền hạn cho Văn Tiến Dũng, vì tướng Văn Tiến Dũng nhận lệnh trực tiếp từ đích thân Lê Duẩn.

Tại sao Văn Tiến Dũng lại đồng ý với một gợi ý như thế? Với tư cách một quân nhân chuyên nghiệp, hẳn ông phải nhận ngay ra những nguy cơ tiềm tàng trong lời gợi ý của Lê Duẩn. Chắc chắn một trong các lý do nằm ở tham vọng cá nhân của chính Văn Tiến Dũng. Một lý do khác có thể là kế hoạch ban đầu đã đặt thẳng lên vai quân đội trách nhiệm tiên quyết về thắng lợi hay thất bại. Gợi ý của Lê Duẩn có nghĩa là giờ đây quân đội có thể chia sẻ trách nhiệm về thắng lợi hay thất bại với bộ phận chính trị và tuyên truyền của đảng, bộ phận có trách nhiệm thúc đẩy và lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa. Nếu kế hoạch ban đầu thất bại, Văn Tiến Dũng có thể mất chức Tổng Tham mưu trưởng, nhưng một liên minh với Lê Duẩn ở kế hoạch mới này có thể bảo vệ Văn Tiến Dũng và giúp ông thăng tiến trong sự nghiệp. Ngay cả khi kế hoạch này thất bại, thì mọi người sẽ chỉ coi Lê Duẩn, chứ không phải Văn Tiến Dũng, như là kiến trúc sư của kế hoạch. Chắc chắn đây không phải lần đầu tiên một vị tướng nhắm mắt làm theo một kế hoạch đầy nguy cơ được đẩy sang cho ông từ các thượng cấp về chính trị, một kế hoạch lờ đi các hậu quả của những quyết định về quân sự. Chỉ cần nghĩ tới các thành viên của Bộ Tổng Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ trong những giai đoạn khởi đầu của Chiến tranh Việt Nam[42] hoặc của tướng Tommy Franks trong Chiến dịch Iraq Tự do là đủ.

Một cuộc tranh luận dai dẳng và sự biến mất của Võ Nguyên Giáp

Ngày 18-19 tháng Bảy năm 1967, Bộ Chính trị gặp để xem xét kế hoạch mới về giành một thắng lợi mang tính quyết định. Kế hoạch mới mà Lê Duẩn và Văn Tiến Dũng nhất trí với nhau vẫn chưa được đưa ra, nhưng ý tưởng chung về kế hoạch có vẻ như đã được trình bày lần đầu tiên ở cuộc gặp này: một cuộc tấn công chính trị-quân sự một mất một còn hướng vào các thành phố trong khi các lực lượng lớn của cộng sản tập trung nỗ lực vào việc lừa quân địch xa khỏi các thành phố và kìm chân đủ lâu để cho phép các cuộc tấn công thành phố thành công trong việc lật đổ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Các ghi chép của Văn Tiến Dũng tại cuộc gặp cho thấy lãnh tụ đáng kính của Bắc Việt, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nêu nhiều câu hỏi về tính khôn ngoan của kế hoạch. Các ghi chép của Văn Tiến Dũng cho biết Hồ Chí Minh đã nêu lên những điểm sau:
1. Dự thảo báo cáo tốt, toàn diện, lạc quan, nhưng cần xem báo cáo của Quân ủy có chủ quan [phi thực tế] không?
2. Tranh thủ giành thắng lợi sớm, nhưng phải chú ý đánh lâu dài.
3. Thuận lợi có nhiều nhưng phải thấy những khó khăn như mặt hậu cần bảo đảm.
4. Nói giành thắng lợi quân sự, nhưng phải chú ý đến việc giữ sức dân, nếu người và của kiệt, thì quân nhiều cũng không đánh được.
5. Phải chú ý mở rộng chiến tranh du kích, tăng cường trang bị cho du kích.
6. Phải làm sao ta càng đánh càng mạnh, đánh liên tục đánh được lâu dài [nghĩa là có khả năng thực hiện một cuộc chiến tranh lâu dài].[43]

Tài liệu đã công bố của cộng sản không cho biết phản ứng của tướng Võ Nguyên Giáp trước kế hoạch, cũng như việc liệu vị tướng có mặt ở cuộc họp hay không. Từ thời điểm này trở đi không có tài liệu đã công bố nào cho thấy Võ Nguyên Giáp hiện diện ở bất kỳ cuộc họp lên kế hoạch nào, và một sĩ quan cao cấp của quân đội Việt Nam đã công nhận rằng: “trong giai đoạn kế hoạch chiến lược đang thành hình, cũng như trong những ngày khởi đầu làn sóng đầu tiên của cuộc tổng tiến công chiến lược Tết Mậu Thân, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thường xuyên vắng mặt khỏi Bộ Tổng Hành dinh và không dự nhiều cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, hay các cuộc gặp chung của tiểu ban năm người trong Bộ Chính trị tổ chức với Quân ủy Trung ương.”[44]

Tuy nhiên, các nguồn thông tin của Việt Nam nói tướng Võ Nguyên Giáp phản đối nhiều chi tiết quan trọng trong kế hoạch ngay từ đầu bởi vì, ông nói, một cuộc tổng khởi nghĩa là không thể thực hiện trừ khi các lực lượng đối phương, quân đội Việt Nam Cộng hòa và lực lượng Mỹ, đã bị làm cho tê liệt.[45]

Mặc cho những phản đối của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và nhiều người khác, tiến trình lập kế hoạch vẫn được thực hiện với một nhịp điệu gấp gáp, với Lê Duẩn và Văn Tiến Dũng ở vị trí chỉ huy, và đến cuối tháng Tám kế hoạch đã thành hình. Thành viên Bộ Chính trị Phạm Hùng, người đã được cử vào Nam hồi tháng Tám để thay chỗ Nguyễn Chí Thanh làm bí thư Trung ương Cục miền Nam và lãnh đạo miền Nam, mang theo cùng với mình bản dự thảo đầu tiên của kế hoạch mới “tấn công các đô thị”. Các nhà lãnh đạo cao cấp từ tất cả các vùng miền Nam được gọi ra Bắc để được thông báo về ý tưởng mới trước khi quay trở về xây dựng kế hoạch riêng của mình nhằm thực hiện ý tưởng trong sự bí mật tuyệt đối.[46]

Kế hoạch mới đặc biệt tập trung vào việc tấn công các thành phố và gây nên một “cuộc tổng khởi nghĩa”, nhưng kế hoạch trước đó muốn các lực lượng chính chiến đấu “các trận đánh lớn” vẫn không hoàn toàn bị loại bỏ. Trên thực tế, có vẻ như là ở một số khía cạnh của cuộc tổng công kích-tổng khởi nghĩa, nghĩa là những cuộc tấn công vào mọi đô thị và thủ phủ các tỉnh, chỉ đơn giản là dựa vào kế hoạch cũ, nhờ cậy tới lực lượng chính, những cuộc tấn công và những “trận đánh lớn” đối với một số đô thị được lựa chọn nhằm tạo cơ sở cho những cuộc nổi dậy trong tương lai. Yếu tố “trận đánh lớn” chủ yếu của kế hoạch mới giờ đây được tập trung vào Chiến trường B5, tức nửa phía Bắc tỉnh Quảng Trị, ngay phía Nam của Vùng Phi quân sự và giới tuyến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và trải dài từ Khe Sanh trên biên giới với Lào sang tới vùng Đông Hà, bờ biển phía Đông. Bốn sư đoàn chính quy của Quân đội Nhân dân Việt Nam và các đơn vị hỗ trợ ở khu vực này chịu trách nhiệm “tiêu diệt khoảng từ hai mươi tới ba mươi nghìn quân địch, tiêu diệt tổng cộng từ năm tới bảy tiểu đoàn lính Mỹ và từ hai tới ba trung đoàn quân ngụy, và dụ từ hai đến ba sư đoàn địch (ít nhất là hai trong số đó là lính Mỹ) ra khỏi các vùng khác nhằm tham chiến dọc theo Đường 9.”[47]

Cuối tháng Mười, Bộ Chính trị họp trong năm ngày (từ 20 đến 24 tháng Mười) để xem xét và thông qua kế hoạch mới được trình lên. Thật đáng ngạc nhiên, cả Lê Duẩn lẫn Võ Nguyên Giáp đều không dự cuộc họp này, và Trường Chinh là người chủ trì hội nghị Bộ Chính trị đó. Một cuốn sách thời hậu chiến của Việt Nam cho biết cả Lê Duẩn lẫn Võ Nguyên Giáp đều “ở nước ngoài” để điều trị sức khỏe.[48] Các “vấn đề sức khỏe” rất có thể chỉ là một cái cớ, và người ta có thể hữu lý khi cho rằng cuộc tranh cãi giữa hai người đã trở nên gay gắt đến mức nhằm giữ được “hòa khí” cả hai đều không được dự hội nghị.

Quả thực, vào quãng thời gian Bộ Chính trị họp, Võ Nguyên Giáp, nhận ra lý lẽ của mình có khả năng bị thua, đã ở Hungary, nơi ông “nghỉ ngơi” và điều trị bệnh thận. Vị tướng cố tình trì hoãn việc trở về Việt Nam và mãi đầu tháng Hai 1968 mới về tới Hà Nội, sau khi Cuộc Tấn công Tết đã bắt đầu.[49] Võ Nguyên Giáp không công khai phản đối cuộc tấn công, nhưng ông đã để cho sự vắng mặt của mình ngầm chỉ ra sự bất đồng đối với kế hoạch mới.

Vào cuối cuộc hội nghị tháng Mười, Bộ Chính trị thông qua phần quân sự của kế hoạch chiến dịch đông-xuân 1967-1968. Tuy nhiên, Bộ Chính trị nhất quyết hoãn việc thông qua khía cạnh tổng khởi nghĩa của kế hoạch, cho rằng cần phải “nghiên cứu thêm”. Các thành viên của Bộ Chính trị nhận định rằng quyết định về phần cuộc tổng khởi nghĩa của kế hoạch cần được thực hiện sau này, sau khi đã tham khảo ý kiến “của các đồng chí lãnh đạo khác”. Rõ ràng điều này muốn ám chỉ sự vắng mặt của Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, và Hồ Chí Minh, người đang “hồi phục sức khỏe” tại Trung Quốc.[50] Nhưng tướng Võ Nguyên Giáp sẽ không cố gắng biện hộ cho lý lẽ của mình nữa, và “Bác Hồ”, người tỏ ra phản đối trong các thảo luận của Bộ Chính trị hồi tháng Bảy, đã không còn đủ sức lực hoặc uy quyền để lấn lướt Lê Duẩn được nữa.

Sau thêm nhiều bàn luận và xem xét hăng hái về kế hoạch, Bộ Chính trị lại họp vào tháng Mười hai, thông qua kế hoạch dưới hình thức một nghị quyết sẽ được trình lên Trung ương Đảng Cộng sản để được thông qua lần cuối cùng. Hồ Chí Minh từ Trung Quốc trở về một thời gian rất ngắn để dự cuộc họp này nhưng sau đó lại ngay lập tức quay lại Trung Quốc để tiếp tục “điều trị”.[51]

Vào tháng giêng, Trung ương họp để xem xét và thông qua nghị quyết của Bộ Chính trị cho phép tiến hành tổng công kích-tổng khởi nghĩa. Để giữ “bí mật”, thay vì họp ở Hà Nội các đại biểu Trung ương được chuyển đi cách thành phố năm mươi km tới một huyện lỵ ở tỉnh Hòa Bình.[52] Lê Duẩn đọc diễn văn khai mạc phiên họp của Trung ương. Trong bài diễn văn Lê Duẩn cho biết “trong Bộ Chính trị cũng có đồng chí bận việc không đến được” và nói tướng Văn Tiến Dũng (chứ không phải Võ Nguyên Giáp) sẽ thay mặt Quân ủy Trung ương báo cáo cho hội nghị.[53] Thành công của tướng Văn Tiến Dũng, ít nhất tạm thời, là hoàn toàn.

Sau một số tranh luận, Trung ương thông qua kế hoạch, gọi tên là Nghị quyết hội nghị mười bốn Ban Chấp hành Trung ương. Theo một nguồn tin của Việt Nam, Hồ Chí Minh từ chối bỏ phiếu thông qua nghị quyết như một cách thể hiện những dè dặt của ông về tính chất khôn ngoan của kế hoạch.[54]

Không chỉ có một chi tiết cuối cùng còn chưa được rõ ràng. Thật đáng ngạc nhiên, có lẽ là vì những xung đột nội bộ gay gắt và các tranh cãi đi liền với việc hình thành kế hoạch, ngày giờ chính xác của cuộc tấn công chưa được ấn định. Quyết định cuối cùng theo đó cuộc tấn công sẽ được tiến hành vào đêm 30-31 tháng Giêng, đêm Nguyên đán, mãi 15 tháng Giêng mới được đưa ra, chỉ hai tuần trước khi khởi đầu cuộc tấn công.[55] Sự chậm trễ này gây ra bối rối đáng kể trong các tổng hành dinh cấp vùng, tiểu vùng, và cấp tỉnh tại miền Nam. Ở một số vùng, bức điện phút cuối của Bộ Tổng Tham mưu ra lệnh mở cuộc tấn công vào đêm cuối cùng của năm âm lịch còn bị hiểu nhầm vì giữa Bắc và Nam Việt Nam có khác biệt một ngày về khởi đầu của năm âm lịch. Chính vì vậy, một số tỉnh miền Trung tiến hành tấn công sớm hơn một ngày, đây là một phần nguyên nhân làm mất đi tính chất bất ngờ của cuộc tấn công chính.[56] Thêm vào đó, nhiều tổng hành dinh nhận được thông báo về ngày giờ cuộc tấn công quá muộn thành thử không thể điều lực lượng đúng lúc để tấn công theo đúng kế hoạch.[57]

Âm mưu hay trùng hợp?

Cuối tháng Bảy năm 1967, ngay tiếp theo sau sau phiên họp Bộ Chính trị căng thẳng khi ý tưởng mới về cuộc tấn công 1968 của Lê Duẩn-Văn Tiến Dũng được đem ra bàn luận, đợt đầu tiên trong nhiều đợt bắt các nhóm những người bị gọi là chống đảng được thực hiện tại Hà Nội. “Nhóm chống đảng” được cho là nằm dưới sự cầm đầu của Hoàng Minh Chính, trước đây là viện trưởng Viện Triết học Marx-Lenin, và bị nghi ngờ là âm mưu chống đảng và cung cấp thông tin cho một thế lực nước ngoài không được nêu tên. Một đợt bắt bớ thứ hai những kẻ bị coi là đồng mưu được tiến hành có tường thuật vào ngày 18 tháng Mười, hai ngày trước khi diễn ra cuộc họp thứ hai của Bộ Chính trị bàn về kế hoạch cuộc tấn công 1968, và đợt bắt bớ thứ ba được tiến hành vào tháng Mười hai năm 1967, đồng thời với cuộc họp của Bộ Chính trị với mục đích thông qua kế hoạch.[58]

“Vụ án Chống Đảng” có nguồn gốc từ xung đột Trung Quốc-Liên Xô hồi đầu những năm 1960. Cuối năm 1963, tiếp theo những thảo luận mở rộng và tranh cãi nội bộ, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, dưới sự lãnh đạo của tổng bí thư Lê Duẩn, đã thông qua một nghị quyết chống lại “xét lại hiện đại”, một thuật ngữ được người Trung Quốc dùng để miêu tả các chính sách của lãnh tụ Liên Xô Nikita Khrushchev về “cùng tồn tại hòa bình” và tránh đối đầu quân sự trực tiếp với phương Tây.[59] Nghị quyết này và một nghị quyết đi kèm kêu gọi một nỗ lực quân sự một mất một còn để đánh bại chế độ Ngô Đình Diệm tại Việt Nam Cộng hòa chính là nguồn cơn cho sự chia rẽ bên trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiều cán bộ cao cấp, trong đó có Hoàng Minh Chính, khi ấy là viện trưởng Viện Triết học Marx-Lenin, và thượng tướng Đặng Kim Giang, bị giáng chức hoặc mất chức, như là hậu quả của việc họ phản đối các nghị quyết đó, những nghị quyết đã đặt người cộng sản Việt Nam (ít nhất là trong thời điểm này) hẳn về phe Trung Quốc trong cuộc xung đột Nga-Trung đang mở rộng. Sự phản đối trước các nghị quyết mạnh mẽ đến mức một số cán bộ cao cấp Việt Nam đã trốn sang Liên Xô.[60]

Những rạn nứt nội bộ của đảng thể hiện qua các tranh luận tại Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục dai dẳng. Các rạn nứt nghiêm trọng đến mức vào tháng Mười hai năm 1965, tổng bí thư Lê Duẩn buộc phải nói tới chúng trong một bài diễn văn tại Hội nghị lần thứ mười hai Ban Chấp hành Trung ương. Trong bài diễn văn này Lê Duẩn công nhận: “Từ khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 về các vấn đề quốc tế, Trung ương Đảng ta vẫn giữ vững và làm đúng đường lối đã đề ra. Nhưng sở dĩ có một số đồng chí hiểu lầm rằng hình như đường lối của Đảng ta đã thay đổi là vì các đồng chí ấy không hiểu đúng tinh thần cơ bản của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 của Trung ương, do sự phổ biến nghị quyết ở một số nơi không được đầy đủ và nghiêm túc.”[61] Lê Duẩn tiếp tục bằng cách tuyên bố sẽ là sai lầm nếu nghĩ nghị quyết của Hội nghị lần thứ 9 cho thấy đảng đã chọn phe trong cuộc tranh cãi Trung Quốc-Liên Xô. Ông cho biết “đường lối của Đảng ta khác về chiến lược với đường lối của Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc.”[62]

Một cuốn sách chính thức của Công an Việt Nam xuất bản vào cuối những năm 1970 công nhận rằng chế độ coi sự phản đối trước nghị quyết “chống xét lại” năm 1963 của Trung ương Đảng Cộng sản là một mối đe dọa về an ninh và cho biết sự phản đối này đã trực tiếp dẫn tới các sự kiện của Vụ Chống Đảng năm 1967:

“Bè lũ xét lại hiện đại tìm cách tuyên truyền xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lê nin. Một số phần tử trong nước ta đã sao chép các luận điểm của chúng, sử dụng các khái niệm xét lại để tuyên truyền chống lại các chính sách của đảng ta. Bọn họ đã vứt bỏ nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào năm 1963, đường lối cơ bản của nghị quyết là phê phán và phủ nhận chủ nghĩa xét lại hiện đại. Mặc dù các hoạt động của bè lũ này không gây ra tổn thất nghiêm trọng, chủ nghĩa xét lại đã bắt đầu gây ảnh hưởng tới hàng ngũ cán bộ tại một số cơ quan chính quyền, đặc biệt là trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học, và luật pháp. Cần ghi nhận rằng bè lũ này đã tập hợp các cá nhân bất mãn, ghen tị và đồi trụy bên trong đảng để lập ra một “tổ chức chính trị phản động để làm một tổ chức ngụy cho người nước ngoài.”[63]

Một chú thích cho đoạn trên nói, “Vụ Chống Đảng đã được giật dây bởi các phần tử chịu ảnh hưởng của ý thức hệ xét lại và do Hoàng Minh Chính cầm đầu.”[64]

Một số cá nhân bị bắt trong đợt bắt bớ năm 1967 là sĩ quan cao cấp của quân đội, gồm cả thượng tướng Đặng Kim Giang, người vào quãng thời gian ấy đã bị điều sang Bộ Nông nghiệp, Thứ trưởng và Phó Tổng Tham mưu trưởng thượng tướng Nguyễn Văn Vĩnh, và cục trưởng Cục Quân báo của Bộ Tổng Tham mưu, đại tá Lê Trọng Nghĩa. Hai trong số những sĩ quan ấy, thượng tướng Nguyễn Văn Vĩnh và đại tá Lê Trọng Nghĩa, từng có dính líu rất sâu vào công việc chuẩn bị các kế hoạch cuộc tấn công của Bộ Tổng Tham mưu, và cả hai đều tham gia trong các báo cáo cho Bộ Chính trị trong cuộc thảo luận về kế hoạch vào tháng Mười.[65] Nhiều sĩ quan trong số đó rõ ràng là có liên hệ mật thiết với tướng Võ Nguyên Giáp, và một số người bị bắt tuyên bố rằng các sĩ quan an ninh thẩm vấn họ đã tìm kiếm sự liên kết giữa vị tướng họ Võ và âm mưu Chống Đảng.[66] Trong hồi ký của mình, tướng Cao Phá, Phó Cục trưởng Cục Quân báo cho tới 1968, công nhận ông đã bị rối trí trước việc đảng bắt đầu “sắp xếp lại các cấp bậc sĩ quan của… Bộ Chỉ huy Tối cao” vào quãng thời gian diễn ra Cuộc Tấn công Tết.[67] Vì “Chỉ huy Tối cao” là tên chính thức của bộ tổng hành dinh Võ Nguyên Giáp, lời bình luận này dường như đã xác nhận rằng quả thực đã từng có một nhóm sĩ quan làm việc chung với tướng Võ Nguyên Giáp.

Thông tin về vụ việc tuyệt mật này vẫn quá sơ sài, không đủ để rút ra được kết luận cuối cùng nào về sự thật của những liên kết nước ngoài như cáo buộc, nhưng các tài liệu do Ilya Gaiduk phát hiện tại lưu trữ chính thức của Liên Xô trước đây cho thấy trong quãng thời gian này các nhân viên Đại sứ quán Liên Xô tại Hà Nội, có khả năng là có cả một số sĩ quan tình báo, quả thực đã liên lạc với một nhóm “chống đối” nhỏ gồm các nhân vật chính trị Bắc Việt từng bị cắt chức từ nhiều năm trước đó. Những người ly khai này đã yêu cầu người Liên Xô giúp đỡ nhằm làm giảm tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong các quyết định về chính sách tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.[68] Miêu tả của nhóm này có vẻ rất khớp với Hoàng Minh Chính và các bạn của ông. Những liên hệ với người Liên Xô có vẻ đã là quá đủ để biện minh cho các cuộc bắt bớ và tra hỏi, và một khi một “mối nguy về gián điệp” và khe hở về an ninh đã lộ diện, một đợt bắt bố lớn gần như là không thể tránh khỏi, đặc biệt là tại một nhà nước cảnh sát như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong khi còn chưa thể tiếp cận tài liệu lưu trữ của Đảng Cộng sản và An ninh Việt Nam, không thể nào xác định tuyệt đối liệu việc lên kế hoạch các vụ bắt bớ có liên quan tới những suy tư của Bộ Chính trị về kế hoạch Tấn công Tết hay không, và liệu Võ Nguyên Giáp có quả thực là một trong các mục tiêu của cuộc điều tra hay không. Tuy nhiên, có vẻ như là khi quyết định về thực hiện Tấn công Tết được đưa ra, một cuộc tấn công hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố bất ngờ, một mệnh lệnh đã được ban xuống ở mức độ cao nhất, “thắt chặt an ninh”. Ban đầu mệnh lệnh này có thể không hướng tới các mục tiêu cụ thể, nhưng chắc chắn là các lực lượng an ninh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã diễn giải nó như là một mệnh lệnh nhằm, nói như những lời bất hủ của Claude Raines trong bộ phim Casablanca, “Tóm hết những kẻ tình nghi!”

Tuy cơ quan an ninh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thoạt đầu có thể chỉ làm một việc là kiểm soát một cách thụ động các đường dây liên kết với cán bộ Liên Xô của nhóm Hoàng Minh Chính, nhưng giờ đây đã rõ ràng rằng các thành viên của nhóm bị bắt là để loại trừ mọi khả năng bí mật về cuộc Tấn công Tết sắp diễn ra bị lọt ra bên ngoài. Sau đợt bắt bớ đầu tiên, bất kỳ ai có liên hệ thậm chí là vô hại nhất với những người âm mưu kia, bất kỳ ai từng biểu hiện bất kỳ sự dè dặt nào đối với Nghị quyết 9 của Trung ương Đảng, và bất kỳ ai có tì vết dù là nhỏ nhất trong lý lịch hoặc xuất thân gia đình đều phải đối mặt với các điều tra viên hăng hái đáp ứng yêu cầu của thượng cấp trong việc tìm ra những “mối đe dọa an ninh” tiềm ẩn. Có bằng chứng cho thấy rằng quả thực điều này đã xảy ra. Chẳng hạn, theo một hồi ký viết bởi một sĩ quan cao cấp của tình báo và an ninh cộng sản Việt Nam, sự suy sụp của tướng Nguyễn Văn Vĩnh chính là kết quả của những nghi ngờ không có căn cứ theo đó con trai của vị tướng có liên hệ với tình báo Pháp. Phải mười năm sau, ngay trước khi qua đời, tướng Nguyễn Văn Vĩnh rốt cuộc mới minh oan được cho mình.[69] Mặt khác, việc liệu các nghi ngờ về con trai vị tướng có được sử dụng để chống lại ông bởi ông có quan hệ mật thiết với tướng Võ Nguyên Giáp (Nguyễn Văn Vĩnh là thứ trưởng quốc phòng và đã làm việc rất gần gũi với tướng Võ Nguyên Giáp) hoàn toàn là một vấn đề khác.

Mặc dù không có bằng chứng chính xác nào cho thấy các vụ bắt bớ là cố tình nhắm vào tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng minh của ông, thì cũng rõ ràng rằng quả thực chúng đã gây tổn hại tới vị tướng, cả về mặt nghề nghiệp lẫn mặt cá nhân. Năm 2004, trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên một tờ báo Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm Điện Biên Phủ sụp đổ, Võ Nguyên Giáp đã nhờ người phóng viên gọi điện cho một thuộc cấp trung thành của ông, một người mà vị tướng nói đã rất gần gũi với ông từ trận Điện Biên Phủ cho tới ngay trước cuộc Tấn công Tết nhưng vị tướng nói là chỉ biết ông ta “tách rời” khỏi ông vì những lý do “bất khả kháng” (tác giả nhấn mạnh). Võ Nguyên Giáp yêu cầu người phóng viên nói với người thuộc cấp trước kia là trong cuộc phỏng vấn này vị tướng đã không “quên” nhắc tới đóng góp của người thuộc cấp trong chiến thắng Điện Biên Phủ. Người thuộc cấp ngày xưa là người phụ trách bộ phận tình báo tại Điện Biên Phủ, đại tá Lê Trọng Nghĩa, người từng là một trong các nạn nhân của đợt bắt bớ năm 1967.[70] Hành động này không chỉ cho thấy Võ Nguyên Giáp vẫn còn một số tình cảm đối với đại tá Lê Trọng Nghĩa và tin Lê Trọng Nghĩa đã bị đối xử bất công, mà còn cho thấy vị tướng vẫn không thể trực tiếp liên lạc với Lê Trọng Nghĩa, vì các lý do chính trị.

Kết luận
Sau khi từ Đông Âu trở về tiếp sau khi cuộc Tấn công Tết Mậu Thân đã bắt đầu, Võ Nguyên Giáp quay lại giữ chức tổng tư lệnh tối cao của Các Lực lượng Vũ trang và bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nơi ông chỉ đạo đợt Tấn công Tết thứ hai và thứ ba. Tướng Võ Nguyên Giáp vẫn giữ các cương vị lãnh đạo trong Bộ Chính trị và các lực lượng vũ trang cho tới khi chiến tranh kết thúc năm 1975, và ông đóng một vai trò quan trọng trong việc lên kế hoạch và tiến hành cuộc tấn công cuối cùng của cộng sản dẫn đến sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa và chiếm được Sài Gòn tháng Tư năm 1975.[71] Rõ ràng là quyền lực của ông bị giảm sút, nhưng ông vẫn là người lính trung thành và “giữ đoàn kết” với các nhân vật còn lại của ban lãnh đạo đảng.

Bốn mươi năm sau cuộc Tấn công Tết, giờ đây chúng ta vẫn chưa có được kết luận về việc liệu quyết định của Lê Duẩn và Văn Tiến Dũng tung một cuộc tổng công kích-tổng khởi nghĩa một mất một còn ngay lập tức là đúng, hay liệu Võ Nguyên Giáp đã đúng khi phản đối quyết định ấy. Tôi tin rằng đây là một việc tế nhị và câu chuyện quá phức tạp, với quá nhiều biến số được đưa vào, nên không thể nói dù là ở mức độ chắc chắn như thế nào về việc một tình huống cụ thể có thể xảy ra như thế nào nếu lựa chọn một con đường khác.

Tuy nhiên, lợi thế về thời điểm cũng cho phép chúng ta có được một số kết luận về cuộc Tấn công Tết. Nhận định tình hình của cộng sản theo đó chiến lược Tấn công Tết đã sinh ra rõ ràng là không chính xác ở nhiều khía cạnh: Nhận định đó đã đánh giá quá cao số lượng thương vong mà các lực lượng cộng sản gây ra cho Mỹ và các đồng minh; nó đã đánh giá quá cao sự ủng hộ mà lý tưởng cộng sản nhận được trong dân chúng miền Nam; và nó đã đánh giá thấp đến nực cười sức mạnh và khả năng của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên, quả thực người cộng sản đã làm đúng được nhiều điều quan trọng: Họ đã kết luận một cách đúng đắn rằng mức độ sẵn sàng can dự của Mỹ vào Chiến tranh Việt Nam là một điểm yếu chính có thể khai thác trong nỗ lực chiến tranh liên minh ở miền Nam; nhận định của họ cho rằng mùa chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 1968 sẽ là giai đoạn trọng yếu trong việc xác định con đường tương lai của chiến tranh Việt Nam từ phía Mỹ là vô cùng chính xác; và kết luận của họ rằng chỉ thông qua việc sử dụng các biện pháp đặc biệt họ mới có thể khai thác thời điểm của “điểm bùng phát” này nhằm biến chuyển tình thế có lợi cho họ, xét cho cùng, cũng là đúng. Chiến lược “các trận đánh lớn” đã từng có khả năng gây tổn thất cho các lực lượng Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa, nhưng Văn Tiến Dũng đã tuyệt đối đúng khi ông kết luận rằng các lực lượng cộng sản chỉ đơn giản là không đủ khả năng dùng các trận đánh lớn để tạo ra được các tổn thất hàng loạt lên kẻ thù mà quyết định của Bộ Chính trị về tìm kiếm một “chiến thắng nhanh chóng” đòi hỏi.

Rốt cuộc, với tất cả những thất bại của cuộc Tấn công Tết Mậu Thân của cộng sản, ở số lượng rất nhiều, có một điều lộ ra: cuộc Tấn công Tết đã thuyết phục cử tri Mỹ và vị lãnh đạo người Mỹ, tổng thống Johnson, rằng không thể giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh và đã đến lúc bắt đầu đàm phán tìm ra một giải pháp và người Mỹ phải rút đi. Đây là một thời điểm bước ngoặt trong cuộc chiến, một thời điểm kể từ đó không có đường lùi nữa. Ý tưởng của Lê Duẩn-Văn Tiến Dũng đã hoàn thành một trong những mục tiêu được đề ra: “đè bẹp ý chí xâm lược [của kẻ thù]… nó phải đi đến ngồi với ta, thương lượng với ta.”[72] Trong khảo luận về binh pháp của mình, chiến lược gia quân sự Trung Quốc cổ đại Tôn Tử viết: “Phàm việc tác chiến, dùng chính binh đối địch, kỳ binh thủ thắng.”.[73]
Tôn Tử cũng viết: “Nước lũ chảy xiết cuốn trôi cả đá gạch, đó là nhờ thế nước lũ. Chim ưng vồ mồi chỉ một cú có thể xé nát con mồi, đó là dựa vào thế tiết nhanh như chớp nhoáng.”[74]. Trong quyết định tung cuộc Tổng tiến công Tết, người cộng sản đã làm theo lời chỉ dạy của Tôn Tử. Họ đã sử dụng sự “biến hóa”, và “thế tiết” của họ là hoàn hảo.

Merle L. Pribbenow II
là cựu sĩ quan tác chiến CIA và chuyên gia tiếng Việt, về hưu vào năm 1995. Một phần tiểu luận này được trình bày tại Sixth Triennial Vietnam Symposium, Vietnam Center, Texas Tech University, tháng Ba năm 2008. Tác giả muốn bày tỏ lòng biết ơn với giáo sư A. J. Langguth và Annenberg Institute for Justice and Journalism của Đại học Southern California vì đã tài trợ cho chuyến đi của tác giả tới Hà Nội mùa hè năm 2007 để thực hiện các cuộc phỏng vấn tại chỗ, một trong số những cuộc phỏng vấn đó đã làm nảy ra ý tưởng về bài viết này. Tác giả cũng muốn cám ơn một người bạn không nêu tên, người đã, nhiều năm trước đây, giảng qua cho tác giả về cách tiến hành công việc nội bộ của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ghi chú của người dịch: Một số trích dẫn của tác giả do nằm ở các trang web trên Internet không còn hoạt động hoặc ở những cuốn sách rất khó tìm nên được dịch sát nghĩa chứ chưa được truy nguyên; cách gọi “Đảng Cộng sản” được thống nhất trong bài, mặc dù tên chính thức hồi đó là Đảng Lao động Việt Nam; cách viết tên riêng người Việt Nam của tác giả được giữ nguyên, kể cả các trường hợp như “Hồ Kháng” hoặc “Cao Phá”.

Nguồn: Journal of Vietnamese Studies, Volume 3, Number 2, Summer 2008
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
--------------------------------------------------------------------------------

[1] Stanley Karnow, tướng Phillip Davidson, và một người viết tiểu sử Võ Nguyên Giáp cho rằng tướng Võ Nguyên Giáp là đạo diễn của cuộc Tấn công Tết. Xem Karnow, Vietnam: A History (New York: Penguin Books, 1987), 548-549; Davidson, Vietnam at War: The History 1946-1975 (New York: Oxford University Press, 1988), 441-446; và Peter Macdonald, Giap: The Victor in Vietnam (New York: W.W. Norton & Company, 1993), 262-263. Những người khác viết tiểu sử Võ Nguyên Giáp lại nhận định tướng Nguyễn Chí Thanh là người đầu tiên đưa ra kế hoạch Tấn công Tết, lúc đầu tướng Võ Nguyên Giáp phản đối ý tưởng này nhưng đã đồng ý khi Bộ Chính trị bỏ phiếu thông qua kế hoạch. Xem Cecil B. Currey, Victory at Any Cost: The Genius of Vietnam’s Gen. Vo Nguyen Giap (Virginia: Potomac Books, 2005), 261-265; và A. J. Langguth, Our Vietnam: The War 1954-1975 (New York: Simon & Schuster, 2000), 439-440. Lien Hang T. Nguyen viết về các tranh cãi về ý hệ trong “The War Politburo: North Vietnam’s Diplomatic and Political Road to the Tết Offensive,” Journal of Vietnamese Studies 1, số 1-2 (2006): 4-58. Sophie Quinn-Judge cũng có cùng chủ đề trong “The Ideological Debate in the DRV and the Significance of the Anti-Party Affair, 1967-1968,” Cold War History 5, số 4 (11/2006): 479-500. Tiến trình phát triển của kế hoạch Tấn công Tết Mậu Thân cũng tiếp tục là chủ đề trao đổi và tranh luận của các sử gia Việt Nam. Xem đại tá Hồ Kháng, “Mục tiêu chiến lược của đòn Tết Mậu Thân 1968,” Nhân Dân, 21/1/2008, www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=37&sub=130&article=114233 (truy cập 21/1/2008); và đại tá Trần Trọng Trung, phần đầu của bài báo “Kế hoạch tổng tiến công chiến lược xuân 1968 ra đời như thế nào?”, Quân Đội Nhân Dân, 9/1/2008, www.qdnd.vn/qdnd/baongay.quocphongnghethuatquansu.27876.qdnd (truy cập 17/1/2008).
[2] “Nghị quyết của hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương Đảng”, in trong Văn kiện đảng toàn tập, Tập 24, 1963, bs. Trần Tình (Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia, 2003), 822. Cũng xem “The Political Bureau’s Resolution on South Vietnam, November 1963,” bản dịch một tài liệu Việt Cộng do quân lực Mỹ thu được vào 29/4/1969, số hiệu 2320109002, bộ sưu tập Douglas Pike, Unit 6, Virtual Archive,
The Vietnam Center and Archive, Texas Tech University, www.virtualarchive.vietnam.ttu.edu/starweb/virtual/vva/servlet.starweb?path=virtual/vva/virtual.web. Rõ ràng nghị quyết Bộ Chính trị này là tiền thân của Nghị quyết 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
[3] Trần Tình, bs., Văn kiện đảng 1963, 839.
[4] Sđd., 840.
[5] Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Victory in Vietnam: The Official History of the People’s Army of Vietnam, 1954-1975 (Lawrence: University Press of Kansas, 2002), 137-138.
[6] Hồ Sơn Đài và Trần Phán Chấn, Lịch sử Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định kháng chiến (1945-1975) (TP. Hồ Chí Minh, 1994), 391, 393.
[7] Lê Duẩn, Thư vào Nam (Hà Nội: Sự Thật, 1986), 79.
[8] Sđd., 88.
[9] Sđd., 90-91.
[10] Sđd., 95.
[11] Sđd., 115.
[12] Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng Tham mưu, Lịch sử cục tác chiến 1945-2000 (Hà Nội: Quân Đội Nhân Dân, 2005), www.quansuvn.net/index.php?topic=82.105 (truy cập 20/12/2007). Theo phần 7 của cuốn sách này (www.quansuvn.net/index.php?topic=82.90), các thành viên của tiểu ban Bộ Chính trị trong khoảng giữa những năm 1960 là Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, và Phạm Hùng (tiếp theo sự bổ nhiệm tướng Nguyễn Chí Thanh vào tổng hành dinh Trung ương Cục miền Nam ở miền Nam).
[13] Đại tá Trần Trọng Trung, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia, 2006), 34 (tác giả nhấn mạnh).
[14] Đại tá Trần Trọng Trung, phỏng vấn với tác giả, 19/6/2007, Hà Nội.
[15] Để có một phân tích tuyệt vời về xung đột bên trong Bộ Chính trị, xem Nguyễn, “The War Politburo”.
[16] William J. Duiker, Ho Chi Minh: A Life (New York: Hyperion, 2000), 484-485.
[17] Sđd., 503.
[18] Hoàng Tùng, “Nghị quyết T.Ư. về giải phóng miền Nam ra đời thế nào?”, Tien Phong Online, 29/4/2007, www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=82719&ChannelID=2 (truy cập 4/5/2007).
[19] Trịnh Nhu, bs., Lịch sử biên niên xứ ủy Nam Bộ và Trung ương cục miền Nam (1954-1975) (Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia, 2002), 140.
[20] Cục Tác chiến, Lịch sử cục tác chiến 1945-2000 (xem chú thích số 12).
[21] Sđd.
[22] Trần Tình, bs., Văn kiện đảng toàn tập Tập 28, 1967 (Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia, 2003), 112, 119-120.
[23] Phạm Thị Vinh, bs., Văn kiện đảng toàn tập Tập 26, 1965 (Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia, 2003), 594-595.
[24] Đại tá Hồ Kháng, “Mục tiêu chiến lược của đòn Tết Mậu Thân 1968” (xem chú thích số 1). Cũng xem Qiang Zhai, Beijing and the Vietnam Peace Talks, 1965-1968: New Evidence from Chinese Sources (Washington, DC: Cold War History International Project, Woodrow Wilson Center, 1997), 19-22.
[25] Trần Tình, bs., Văn kiện đảng 1967, 125.
[26] Sđd., 147.
[27] Sđd., 153-154.
[28] Có thể xem tóm tắt về những tranh luận giữa Nguyễn Chí Thanh và Võ Nguyên Giáp trên báo chí trong tướng Phillip Davidson, Vietnam at War, 418-422, và Nguyễn, “The War Politburo,” 22.
[29] Tướng William Westmoreland, A Soldier Reports (New York: Dell Publishing, 1980), 298-299.
[30] Cục Tác chiến, Lịch sử cục tác chiến 1945-2000, phần 8.
[31] Sđd.
[32] Tướng Văn Tiến Dũng, trích từ “Tạo một bước ngoặt trong kháng chiến chống Mỹ,” Quân Đội Nhân Dân, 3/12/2004, www.quandoinhandan.org.vn/sknc/?id=1108&subject=7, (truy cập 2/1/2005), hiện nay có ở http://202.151.160.173/webqdndcu/sknc/?id=1587&subject=8. Trong bài báo này Văn Tiến Dũng cho biết các mục tiêu của kế hoạch ban đầu của Bộ Tổng Tham mưu là tiêu diệt từ ba đến năm lữ đoàn lĩnh Mỹ và từ ba đến năm sư đoàn quân đội Việt Nam Cộng hòa, giải phóng từ tám đến mười triệu người, và “tăng cường” đấu tranh chính trị tại các khu vực thành thị.
[33] Cục Tác chiến, Lịch sử cục tác chiến 1945-2000, phần 8.
[34] Hồ Kháng, The Tet Mau Than 1968 Event in South Vietnam (Hà Nội: Thế Giới Publishers, 2001), 28-29.
[35] Cục Tác chiến, Lịch sử cục tác chiến 1945-2000.
[36] Tiến sĩ Nguyễn Thị Bảo, “Những ngày cuối cùng của anh Nguyễn Chí Thanh,” trong Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Nhà chính trị quân sự lỗi lạc (Hà Nội: Quân Đội Nhân Dân, 1997), 350-360. Nhiều báo cáo từ cả nguồn Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, một số trong đó vẫn được các tác giả ngày nay sử dụng, theo đó Nguyễn Chí Thanh bị giết ở miền Nam bởi một cuộc ném bom rải thảm B-52 rõ ràng là đã nhầm lẫn. Phiên bản bên cộng sản về cái chết của ông mới đúng và rõ ràng là không hề bị bịa ra. Rõ ràng là người cộng sản Việt Nam thích được tuyên bố Nguyễn Chí Thanh qua đời như một anh hùng ở mặt trận, bị một cuộc thả bom dã man của Mỹ giết chết, hơn là chấp nhận cái chết tầm thường không lấy gì làm cao đẹp mà họ miêu tả – một cơn nhồi máu vì stress, làm việc quá sức, và ăn uống quá độ trong những bữa tiệc khi ông quay về nhà ở Hà Nội.
[37] Tướng Chu Huy Mân và đại tá Lê Hải Triều, Thời sôi động (Hà Nội: Quân Đội Nhân Dân, 2004), 463.
[38] Currey, Victory at Any Cost, 231.
[39] “Tạo một bước ngoặt trong kháng chiến chống Mỹ” (xem chú thích số 32). Mặc dù bài báo không cung cấp ngày tháng chính xác về cuộc gặp Văn Tiến Dũng-Lê Duẩn, bối cảnh và sự so sánh với thông tin từ các nguồn khác cho thấy cuộc gặp có khả năng đã diễn ra trong những ngày đầu tiên sau khi Nguyễn Chí Thanh chết. Một bài báo mới đây của Việt Nam có thể xem là đã chỉ ra rằng cuộc gặp diễn ra không lâu trước khi Nguyễn Chí Thanh chết, nhưng từ ngữ trong bài báo đó rất mơ hồ. Trong phần thứ ba của một bài báo mang tên “Kế hoạch tổng tiến công chiến lược xuân 1968 ra đời như thế nào (Quân Đội Nhân Dân, 11/1/2008, xem chú thích số 1), đại tá Trần Trọng Trung viết rằng một cuộc gặp giữa Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã được tiến hành vào ngày 30 tháng Sáu và 1 tháng Bảy năm 1967, nó được “quyết định đưa cuộc cách mạng miền Nam tiến về phía trước tới một bước phát triển mới. Cuộc hội nghị này khẳng định khả năng giành một thắng lợi mang tính quyết định thông qua một cuộc tổng công kích-tổng khởi nghĩa. Cơ hội lớn nhất là Đông-Xuân 1967-1968, Hè 1968, hoặc sớm hơn.” Tuy nhiên, từ ngữ ở đây không rõ ràng và tương hợp với ý tưởng trong kế hoạch ban đầu của Bộ Tổng Tham mưu về một cuộc tấn công nhằm mục đích tạo ra điều kiện cần thiết cho việc tung ra một cuộc tổng công kích-tổng khởi nghĩa vào một thời điểm còn chưa biết trong tương lai, bên cạnh các mục đích khác. Cục Tác chiến, Lịch sử cục tác chiến 1945-2000, phần 8 cho biết vào ngày 20 tháng Sáu năm 1967, Quân ủy Trung ương thông qua một “giải pháp chiến lược”, nói, “Chúng ta cần thực hiện những cuộc tấn công mạnh mẽ, cả về quân sự và chính trị, vào các thành phố, thị trấn, và trung tâm chính trị nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền ngụy và tạo ra các cơ hội và điều kiện để tung ra một cuộc tổng tiến công và nổi dậy” (tác giả nhấn mạnh). Cuộc họp giữa Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương ngày 30 tháng Sáu và 1 tháng Bảy năm 1967 có khả năng được tổ chức để xem xét và thông qua “giải pháp chiến lược” ngày 20 tháng Sáu của Quân ủy Trung ương, rõ ràng là vẫn phản ánh kế hoạch cũ trong việc “tạo điều kiện” để tung ra một cuộc tổng công kích-tổng khởi nghĩa chứ không phải là kế hoạch mới do Lê Duẩn và Văn Tiến Dũng nói tới trong cuộc họp. Tuy nhiên, một bài báo gần đây của một sử gia quân sự Việt Nam kỳ cựu, lại ủng hộ giả thuyết cho rằng ý tưởng chuyển sang một cuộc tổng công kích-tổng khởi nghĩa một mất một còn đối với các thành phố chỉ xuất hiện vào tháng Bảy năm 1967, sau khi Nguyễn Chí Thanh chết. Xem đại tá Hồ Kháng, “Mục tiêu chiến lược của đòn Tết Mậu Thân 1968” (xem chú thích số 1). Cân nhắc các dữ kiện, nhiều khả năng cuộc gặp Lê Duẩn-Văn Tiến Dũng đã diễn ra không lâu sau cái chết của Nguyễn Chí Thanh
[40] “Tạo một bước ngoặt trong kháng chiến chống Mỹ” (xem chú thích số 32).
[41] Để có một ý kiến ủng hộ việc ý tưởng của Văn Tiến Dũng theo đó ý tưởng chung về Cuộc Tấn công Tết Mậu Thân xuất phát từ một gợi ý của Lê Duẩn rồi được Văn Tiến Dũng phát triển, xem đại tá Nguyễn Văn Minh, bs., Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 1954-1975, Tập V: Tổng tiến công và nổi dậy 1968 (Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia, 2001), 30-31.
[42] Xem H. R. McMaster, Dereliction of Duty: Lyndon Johnson, Robert McNamara, the Joint Chiefs of Staff, and the Lies that Led to Vietnam (New York: Harper Collins, 1997).
[43] Cục Tác chiến, Lịch sử cục tác chiến 1945-2000 (tác giả nhấn mạnh). Trong phần thứ hai của bài báo mang tên “Kế hoạch tổng tiến công chiến lược ra đời như thế nào?” (xem chú thích số 1), đại tá Trần Trọng Trung cũng đưa ra cùng câu trích dẫn đó của Hồ Chí Minh nhưng lại nói rằng nó xuất hiện trong các thảo luận của Bộ Chính trị ngày 18 và 19 tháng Bảy năm 1966 (khác với ngày 18 và 19 tháng Bảy năm 1967 theo tài liệu của Cục Tác chiến). Xem xét kỹ các vấn đề, tôi tin rằng 18 và 19 tháng Bảy năm 1967 mới đúng, nhưng dù cho ngày tháng nào mới chính xác, câu trích dẫn rõ ràng đã cho thấy Hồ Chí Minh phản đối mọi kế hoạch liều lĩnh nhằm giành một chiến thắng nhanh chóng.
[44] Đại tá Trần Trọng Trung, “Kế hoạch tổng tiến công chiến lược xuân 1968 ra đời như thế nào?” (xem chú thích số 20).
[45] Đại tá Trần Trọng Trung, phỏng vấn với tác giả, 19/6/2007, Hà Nội. Cũng xem Lưu Đoàn Huỳnh, “The Perspective of a Vietnamese Witness,” trong The War That Never Ends: New Perspectives on the Vietnam War, David L. Anderson và John Ernst bs. (Lexington: University Press of Kentucky, 2007), 91-92.
[46] Đại tá Nguyễn Văn Minh, Lịch sử kháng chiến, 1968, 29-32; Thượng tướng Trần Văn Quang bs., Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: Thắng lợi và bài học (Lưu hành nội bộ) (Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia, 1995), 68 và 314, các chú thích 27-28.
[47] Hoàng Đan và Hưng Đạt, Chiến dịch tiến công đường số 9-Khe Sanh xuân hè 1968 (Lưu hành nội bộ) (Hà Nội: Viện Lịch Sử Quân Sự Việt Nam, 1987), 14. Vẫn những mục tiêu cho Tết Mậu Thân ấy đối với chiến trường B5 được tìm thấy trong Kiều Tam Nguyên, bs., Chiến trường Trị-Thiên-Huế trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước toàn thắng (Huế: Thuận Hóa, 1985), 136.
[48] Nguyễn Văn Minh, Lịch sử kháng chiến, 1968, 32.
[49] Sophie Quinn-Judge, “The Ideological Debate in the DRV,” 482; đại tá Trần Trọng Trung, trong lần phỏng vấn với tác giả, 19 tháng Sáu năm 2007 tại Hà Nội. Theo tướng Cao Phá, tướng Võ Nguyên Giáp vẫn ở Hungary cho tới cuối tháng Mười hai năm 1967. Xem Những ký ức không bao giờ quên (Hà Nội: Quân Đội Nhân Dân, 2006), 166. Theo tướng Philip Davidson, người ta không thấy tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội từ 2 tháng Chín năm 1967 cho tới 5 tháng Hai năm 1968. Xem Davidson, Vietnam at War (New York: Oxford University Press, 1988), 563.
[50] Duiker, Hồ Chí Minh, 556.
[51] Sđd., 557.
[52] Đại tá Nguyễn Văn Minh, Lịch sử kháng chiến, 1968, 40.
[53] Đào Trọng Cảnh, bs., Văn kiện đảng toàn tập, Tập 29, 1968 (Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia, 2004), 1, 32.
[54] Lưu Đoàn Huỳnh, được trích dẫn trong Anderson và Ernst, The War That Never Ends, 92.
[55] Thượng tướng Trần Văn Quang, Tổng kết cuộc kháng chiến, 314, chú thích 28.
[56] Cục Tác chiến, Lịch sử cục tác chiến, phần 8; đại tá Nguyễn Văn Minh, Lịch sử kháng chiến, 1968, 74-75.
[57] Tướng Huỳnh Công Thân và Nguyễn Hữu Nguyên, Ở chiến trường Long An: hồi ức (Hà Nội: Quân Đội Nhân Dân, 1994), 131-132; đại tá Trần Dương, bs., Lịch sử quân khu 6 (cực Nam Trung Bộ-Tây Nguyên) kháng chiến chống Mỹ, 1954-1975 (Hà Nội: Quân Đội Nhân Dân, 1995), 221.
[58] Nguyễn, The War Politburo, 25-26; Quinn-Judge, “The Ideological Debate in the DRV,” 481-482. Cũng xem “Alleged Coup d’Etat Plot in Hanoi: 1967,” trích dịch từ cuốn sổ tay lính cộng sản bị quân đội Mỹ thu được vào năm 1970, số hiệu 2320120032, Douglas Pike Collection, Unit 06, Virtual Archive, The Vietnam Center and Archive, Texas Tech University, www.virtualarchive.vietnam.ttu.edu/starweb/virtual/vva/servlet.starweb?path=virtual/vva/virtual.web (truy cập 10/1/2008). Để biết một trong số rất ít dẫn chiếu tới các vụ bắt bớ năm 1967 trong các ấn phẩm công khai của cộng sản Việt Nam, xem “Hoàng Minh Chính: ông là ai?”, Hà Nội Mới, 20/10/2005, http://www/hanoimoi.com.vn/41/62857 (truy cập 11/7/2007).
[59] Xem “Nghị quyết của hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam về tình hình thế giới và nhiệm vụ quốc tế của đảng ta, tháng 12 1963”, Trần Tình, bs., Văn kiện đảng 1963, 716-800.
[60] Nguyễn, “The War Politburo,” 15-19; Quinn-Judge, “The Ideological Debate in the DRV,” 483. Để có một dẫn chiếu ngắn tới sự phản đối của tướng Đặng Kim Giang trước nghị quyết 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, xem một bài diễn văn đọc năm 1969 của Bộ trưởng Nội vụ Trần Quốc Hoàn: “Kết luận của đồng chí Bộ trưởng về công tác sưu tra và xác minh hiểm nghi (1969)”, trong Một số vấn đề về đấu tranh chống phản cách mạng (Tối mật: chỉ lưu hành nội bộ ngành công an) (Hà Nội: Viện Nghiên Cứu Khoa Học Công An, 1975), 352.
[61] Phạm Thị Vịnh, Văn kiện đảng 1965, 609.
[62] Sđd., 610.
[63] Viện Nghiên Cứu Khoa Học Công An, Công an nhân dân Tập II, 1954-1965 (Dự thảo: chỉ lưu hành nội bộ) (TP. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên Cứu Khoa Học Công An, 1978), 206.
[64] Sđd., 206.
[65] Nguyễn Văn Minh, Lịch sử kháng chiến, 1968, 32. Theo Cục Tác chiến, Lịch sử cục tác chiến, phần 8, tướng Nguyễn Văn Vịnh tham gia các cuộc bàn luận lên kế hoạch về Tấn công Tết cho đến tận 11/11/1967, cho nên có vẻ như là ông chưa bị bắt cho tới đợt giam giữ/bắt bớ cuối cùng vào tháng Mười hai.
[66] Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, chương 18, truy cập vào trang Đặc Trưng tại http://dactrung.net/truyen/noidung.aspx?BaiID=8AyT%2feTR1%2fFqSJaT6QufqQ%3d%3d (truy cập 15/12/2007); đại tá Bùi Tín (dưới bút danh Thành Tín), Mặt thật: Hồi ký chính trị của Bùi Tín (Garden Grove, CA: Turpin Press, 1994), 189-190.
[67] Tướng Cao Phá, Những ký ức không bao giờ quên (Hà Nội: Quân Đội Nhân Dân, 2006), 140.
[68] Ilya V. Gaiduk, The Soviet Union and the Vietnam War (Chicago: Ivan R. Dee Publishers, 1996), 67-68.
[69] Trần Quốc Hương và Nguyễn Thị Ngọc Hải, Trần Quốc Hương: Người thầy của những nhà tình báo huyền thoại (Hà Nội: Quân Đội Nhân Dân, 2004), 200; tướng Trần Văn Trà, Những chặng đường lịch sử của B2 Thành Đồng, Tập I: Hòa bình hay chiến tranh (Hà Nội: Quân Đội Nhân Dân, 1992), 36.
[70] Dương Trung Quốc, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 7/5/2004,” Vietnam Net, 8/5/2004, www.vnn.vn/thuhanoi/2004/05/108102/ (truy cập 22/12/2007).
[71] Xem Merle Pribbenow, “North Vietnam’s Final Offensive,” Parameters 29, số 4 (mùa xuân 1999-2000): 60.
[72] Bản gỡ băng diễn văn của Lê Duẩn tại Hội nghị mười bốn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong Văn kiện đảng 1968, Đào Trọng Cảnh bs. (xem chú thích số 53), 23.
[73] Nhóm dịch Denma, The Art of War: A New Translation (Boston: Shambhala Publishing, 2001), 16.
[74] Samuel B. Griffith, d., Tôn Tử: Binh pháp (New York: Oxford University Press, 1963), 92.

Chín tư liệu Võ Nguyên Giáp trên Danh nhân Việt (http://danhnhanviet.blogspot.com)

1) Nhân cách lớn của đại tướng Võ Nguyên Giáp
2)Tướng Giáp trí tuệ bậc Thầy
3)Võ Nguyên Giáp sao sáng trời Nam
4)Võ Nguyên Giáp vị nhân tướng khuyến học
5)Võ Nguyên Giáp thiên tài quân sự
6)Đại tướng Võ Nguyên Giáp chân dung một huyền thoại
7)Võ Nguyên Giáp đọc lại và suy ngẫm
8)Đọc lại và suy ngẫm Tết Mậu Thân 1968
9) Võ Nguyên Giáp vị tướng của lòng dân

Video yêu thích

Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh thế kỷ


Đại tướng Võ Nguyên Giáp Tập 1 (Phần 1)


Đại tướng Võ Nguyên Giáp tập 2 (phần 3)

http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính
Hoàng Kim, Ngọc Phương Nam, Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Học mỗi ngày, Danh nhân Việt, Food Crops News, CassavaViet, foodcrops.vn

Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2010

Võ Nguyên Giáp đọc lại và suy ngẫm



DANH NHÂN VIỆT. Merle L. Pribbenow, cựu nhân viên CIA về Đông Dương đã có một công trình nghiên cứu khá công phu về Tổng tiến công năm 1975. Đấu pháp chiến lược kết thúc chiến tranh có một không hai do Đoan Trang lược dịch và chú thích. Đây là một tài liệu quý cung cấp những thông tin và góc nhìn của một chuyên gia tình báo Mỹ về tầm vóc tư duy chiến lược và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đồng thời cũng làm rõ thêm về tương quan lực lượng, vai trò của Tổng hành dinh và tài năng chói sáng của đại tướng Võ Nguyên Giáp.



ĐẤU PHÁP CHIẾN LƯỢC KẾT THÚC CHIẾN TRANH CÓ MỘT KHÔNG HAI 


Merle L. Pribenow, Cựu nhân viên CIA về Đông Dương
Đoan Trang lược dịch và chú thích


Vào mùa xuân năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam đối diện với vấn nạn thiếu đạn dược nghiêm trọng, trong khi Quân đội Việt Nam Cộng hòa của chính quyền Sài Gòn “không hề là hổ giấy”. Merle L. Pribbenow, cựu nhân viên CIA về Đông Dương, nhận định như vậy về tình hình hai bên trong một bài nghiên cứu chi tiết có tựa đề: “Tổng tiến công Mùa Xuân 1975: Đấu pháp chiến lược kết thúc chiến tranh có một không hai”.


Gần một phần tư thế kỷ trước, một đất nước thuộc thế giới thứ ba đã giành thắng lợi trong trận đánh cuối cùng của một cuộc chiến tranh gian khổ kéo dài, nhờ áp dụng một chiến lược tấn công hiện đại, dứt khoát và bất ngờ. Ngày nay, bài học rút ra từ chiến thắng này vẫn thật đáng nhớ, khi chúng ta đang sống trong một thời đại có khuynh hướng cậy vào công nghệ hơn là vào tư duy chiến lược và mặc định rằng các kỹ năng chiến lược của đối phương cũng lạc hậu như nền kinh tế, cấu trúc xã hội và nền tảng công nghệ của họ.


Vào ngày mồng 4 tháng 3 năm 1975, Quân đội Nhân dân Việt Nam (miền Bắc) tiến hành chiến dịch cuối cùng trong cuộc chiến 30 năm của họ bằng một loạt đợt tấn công vào các vị trí của miền Nam ở đèo Măng Giang, Tây Nguyên. Chiến dịch của họ - kết thúc thắng lợi hoàn toàn không đầy hai tháng sau đó - không giống như bất kỳ trận đánh nào trong lịch sử kéo dài của cuộc chiến tranh.


Khác biệt là ở chỗ, lần đầu tiên, nghệ thuật làm chiến dịch của Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) không đặt cơ sở vào ý chí sẵn sàng hy sinh nhiều hơn đối thủ. Ngoài ra, họ cũng chỉ nhắc một cách chiếu lệ tới học thuyết cũ về một cuộc toàn dân nổi dậy. Thay vì tất cả những cái đó, chiến dịch của QĐNDVN dựa vào các kỹ năng đánh lừa, nghi binh (vu hồi), gây bất ngờ, tiếp cận gián tiếp , đánh lần lượt từng cụm căn cứ - nói tóm lại, một chiến dịch rất trí tuệ. QĐNDVN cuối cùng đã vươn tới một chiến dịch xứng tầm với một lực lượng quân đội chuyên nghiệp, hiện đại, thứ mà các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã nỗ lực rất lâu để xây dựng.


Nhiều sử gia vẫn cho rằng trong bối cảnh viện trợ quân sự của Mỹ cho miền Nam giảm toàn diện sau năm 1973, bất kỳ một cuộc tấn công lớn nào của cộng sản cũng sẽ thắng lợi. Tuy vậy, lực lượng đương đầu với QĐNDVN hồi đầu năm 1975 - Quân đội Việt Nam Cộng hòa (QĐVNCH) - không hề là hổ giấy. Khi QĐVNCH gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về hậu cần và tinh thần chiến đấu, phần lớn lãnh đạo của họ kém năng lực, thì những người lính trong QĐVNCH, vốn dày dạn trận mạc, lại vẫn duy trì được một lượng đạn dược và trang thiết bị khổng lồ (như đã thể hiện qua số lượng cực lớn các phương tiện chiến tranh mà quân Bắc Việt thu được khi chiến tranh kết thúc). Cứ cho rằng sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam là không thể tránh khỏi, nhưng kết cục có lẽ đã đẫm máu và kéo dài hơn nhiều nếu những người cộng sản chọn một kế hoạch tấn công khác, theo kiểu truyền thống hơn . Đòn tiêu diệt mạnh nhất của toàn bộ chiến dịch tổng tiến công thực ra chính là đòn tâm lý choáng váng mà chiến lược tài ba và đầy bất ngờ của họ đã nện vào tổng tư lệnh Việt Nam Cộng hòa.


Kế hoạch ban đầu


Những hạt mầm của chiến dịch Tổng Tiến công 1975 của miền Bắc Việt Nam đã được gieo từ hai hội nghị quân sự cấp cao tổ chức tại Hà Nội vào tháng ba và tháng tư năm 1974 để đánh giá tình hình chiến sự. Hai hội nghị này đi đến kết luận rằng QĐNDVN đã giành lại được thế chủ động ở miền Nam, lần đầu tiên kể từ chiến dịch Quảng Trị 1972. Sau Hiệp định ngừng bắn ký tại Paris tháng giêng năm 1973, QĐNDVN đã mở rộng đáng kể tuyến đường huyết mạch chuyên chở hậu cần của họ tới miền Nam - Đường Hồ Chí Minh. Do con đường không còn chịu sự tấn công của không quân Mỹ, miền Bắc Việt Nam nay đã có thể vận chuyển khối lượng khổng lồ trang thiết bị và hàng tiếp tế vào Nam: chỉ riêng trong năm 1973, đã có 80.000 tấn hàng quân sự được cung cấp, trong đó có 27.000 tấn vũ khí, 6.000 tấn chế phẩm xăng dầu, và 40.000 tấn gạo. 100.000 quân nhân mới của QĐNDVN đã hành quân dọc Đường Hồ Chí Minh vào Nam trong suốt năm 1973, và 80.000 người khác lên đường Nam tiến trong nửa đầu năm 1974. Sức mạnh quân đội của QĐNDVN ở chiến trường miền Nam, vốn bị mất đi một phần trong chiến dịch Quảng Trị 1972, giờ đây ở mức hùng hậu nhất trong lịch sử cuộc chiến tranh: 400.000 lính chính quy. QĐNDVN đã có thể thấy ánh sáng cuối đường hầm. Vấn đề họ đang đối diện là làm thế nào để đi tới đoạn cuối đó.


Sau hai hội nghị tháng ba và tháng tư, vào tháng năm, Bộ Tổng Tham mưu ở Hà Nội hoàn thành dự thảo, “Đề cương sơ bộ về một kế hoạch giành chiến thắng trong chiến tranh ở miền Nam”. Nghiên cứu này được gửi tới Tổng Tư lệnh của QĐNDVN, đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, để ông duyệt. Ngày 18-1-1974, sau khi đánh giá cẩn thận đề cương này, Tướng Giáp gọi người phó của ông, Tướng Hoàng Văn Thái, và ra lệnh chuẩn bị cho một kế hoạch chiến dịch chính thức nhằm vào việc giành thắng lợi hoàn toàn ở miền Nam muộn nhất trong năm 1976. Quan điểm chung của ông Giáp là một cuộc tấn công hai giai đoạn, bao gồm một đợt công kích lớn của quân chủ lực vào Tây Nguyên, sau đó là một cuộc tấn công dốc toàn lực nhằm vào lực lượng bảo vệ Sài Gòn. (Nhiều sử gia – những người khẳng định Tướng Giáp ít hoặc không đóng vai trò nào trong Tổng Tiến công 1975 - cho rằng tới lúc đó ông đã bị hạn chế đến mức chỉ còn vị thế bung xung, do sức khỏe kém và do thất bại của ông trong hai chiến dịch 1968 và 1972. Tuy nhiên, những tư liệu của chính quyền cộng sản lại mô tả Giáp với tư cách một người tham gia rất nhiều vào việc lập kế hoạch và chỉ huy tổng thể chiến dịch từ lúc hình thành ý tưởng cho tới thắng lợi cuối cùng). Ngày 26-8-1974, sau khi xem lại một số bản dự thảo trước đó, Bộ Tổng Tham mưu hoàn tất “Kế hoạch chiến lược 1975-76" và ban hành trong ban lãnh đạo cấp cao của Đảng cũng như chuyển cho các chỉ huy quân sự cấp cao để xin ý kiến. Kế hoạch hoàn chỉnh cuối cùng được trình các lãnh đạo Đảng duyệt tại một phiên họp kéo dài của Bộ Chính trị vào tháng 10 năm 1974.


Mặc dù QĐNDVN biết họ đã giành được thế chủ động chiến lược ở miền Nam Việt Nam, kế hoạch ban đầu của Bộ Tổng Tham mưu vẫn khá thận trọng, bởi họ vẫn đang phải đương đầu với một số vấn đề nghiêm trọng. Các nỗ lực của cộng sản nhằm xây dựng lại căn cứ du kích ở vùng nông thôn Việt Nam đã thất bại trên diện rộng, chỉ đạt 30% trong tổng số mục tiêu sức mạnh quân sự trong kế hoạch 1973-74 của các lực lượng vũ trang địa phương ở miền Nam. Thêm vào đó, cơ sở chính trị ở nội đô cũng rất yếu, và quan trọng nhất là, các lực lượng chính quy của QĐNDVN đối diện với tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng về vũ khí hạng nặng và đạn dược. Thêm nữa, mặc dù giới lãnh đạo của Bắc Việt tin rằng họ có một cửa cơ hội vài năm có một để giành chiến thắng trước khi Mỹ phục hồi trở lại sau những bê bối chính trị trong nước, QĐNDVN tin rằng họ vẫn phải cảnh giác với sự can thiệp có thể có từ nước ngoài. Trong các chỉ thị ban đầu của Tướng Giáp, có yêu cầu các lực lượng quân đội của miền Bắc phải chuẩn bị cho khả năng cuộc tổng tiến công có thể khiêu khích Mỹ ném bom trở lại vào miền Bắc hoặc thậm chí đổ bộ vào vịnh Bắc Bộ. Bộ Tổng Tham mưu quyết định rằng, xét các vấn đề này, QĐNDVN không thể đi tới một chiến dịch “tổng tấn công và nổi dậy toàn quốc” kiểu Tết Mậu Thân 1968, huy động lượng lớn du kích ở nông thôn và thành thị (mà họ không hề có), cũng như không có các nguồn lực để tiến hành một cuộc tấn công ồ ạt, trên toàn tuyến, theo kiểu truyền thống như chiến dịch Quảng Trị 1972.


Sự thiếu hụt về tăng thiết giáp và trọng pháo - điều kiện cần để tấn công vào các căn cứ ở cấp sư đoàn và trung đoàn vốn được trang bị rất đầy đủ của VNCH - đè nặng lên tâm trí những nhà hoạch định chiến lược của Bộ Tổng Tham mưu QĐNDVN, những người đã lập nên bản kế hoạch để trình Bộ Chính trị vào tháng 10 năm 1974. Sau này, người ta chủ yếu tìm hiểu xem tình trạng thiếu đạn trong quân đội VNCH tác động như thế nào đến sự sụp đổ của Miền Nam Việt Nam, mà không biết rằng chính QĐNDVN mới chịu thiếu hụt nghiêm trọng. Viện trợ quân sự của Liên Xô và Trung Quốc, đặc biệt ở danh mục “vũ khí tấn công” (xe tăng và pháo), đã giảm đáng kể từ sau Hiệp định Paris 1973. Những thiệt hại lớn của QĐNDVN trong chiến dịch Quảng Trị 1972 càng làm trầm trọng thêm vấn nạn thiếu hụt do sự suy giảm viện trợ này gây ra. Ngoài ra, phần lớn xe tăng và pháo của QĐNDVN ở trong tình trạng rất tồi tệ, phụ tùng thì thiếu. Nhiều đơn vị pháo binh của QĐNDVN, nhất là ở miền Nam, vẫn chỉ được trang bị súng cối hạng nhẹ, súng trường không giật (DKZ), hoặc ống phóng hỏa tiễn vác vai (B40).


Ở địa bàn hoạt động của Văn phòng Trung ương cục Miền Nam, tức là nửa phía nam của đất nước, bảy sư đoàn bộ binh (số 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9) và khung quân đoàn 4 chỉ được yểm trợ bởi năm tiểu đoàn pháo (hai trong số đó có trang bị pháo lấy được của Mỹ nhưng còn rất ít đạn) và ba tiểu đoàn tăng thiết giáp thiếu bộ đội. Khi Quân đoàn 2 của QĐNDVN chiếm Sài Gòn vào tháng 4 năm 1975, họ cũng chỉ có tổng cộng 89 xe tăng và thiết giáp chở quân, 87 cỗ pháo.


Tuy nhiên, vấn đề gay go nhất là nạn thiếu nghiêm trọng đạn cho xe tăng và trọng pháo (tức là pháo dã chiến và cối 85mm trở lên). Hồi chiến dịch Quảng Trị 1972, quân đội miền Bắc đã bắn hơn 220.000 viên đạn xe tăng và trọng pháo, trong đó 150.000 viên đã được sử dụng chỉ riêng tại mặt trận Quảng Trị. Cho đến năm 1974, toàn bộ kho đạn pháo và đạn tăng của QĐNDVN, bao gồm tất cả đạn dược của cả các đơn vị chiến đấu ở chiến trường lẫn của các kho dự trữ chiến lược, tổng cộng chỉ được 100.000 viên. Tình hình đạn dược nghiêm trọng tới mức các chỉ huy pháo binh phải thay pháo lớn ở một số đơn vị bằng các khẩu pháo đã lỗi thời 76,2mm và 57mm, lấy từ kho ra.


Vì những vấn đề này, Bộ Tổng Tham mưu QĐNDVN ban hành sắc lệnh rằng tất cả các vũ khí hạng nặng và đạn dược còn lại phải được sử dụng thật tiết kiệm, để dành cho một đòn quyết định, chỉ tiến hành khi trận cuối cùng diễn ra. Kế hoạch 1975-76 chỉ cho phép dùng hơn 10% kho đạn tăng-pháo còn lại của QĐNDVN trong cả chiến dịch 1975. 45% được phân phối cho chiến dịch 1976, phần còn lại để dự trữ.


Ngày 26-8-1974, Bộ Tổng Tham mưu hoàn tất “Kế hoạch chiến lược 1975-1976”. Tháng 10-1974, Bộ Chính trị họp thông qua bản kế hoạch hoàn chỉnh.


Nếu theo đúng kế hoạch ban đầu của Bộ Tổng Tham mưu, cuộc tổng tiến công sẽ phải kéo dài hết năm 1975, sang năm 1976. Sở dĩ phải thận trọng như thế bởi QĐNDVN lúc đó đối diện với rất nhiều khó khăn mà nổi bật lên là vấn nạn thiếu đạn và nguy cơ can thiệp từ nước ngoài.


Vì các lý do trên, Bộ Tổng Tham mưu nhận định rằng không thể tiến hành một chiến dịch “tổng tấn công và nổi dậy toàn quốc” kiểu tết Mậu Thân 1968, huy động lượng lớn du kích ở nông thôn và thành thị (mà họ không hề có), cũng như không đủ lực để tiến hành một cuộc tấn công ồ ạt trên toàn tuyến theo kiểu chiến tranh quy ước như ở Quảng Trị hồi 1972.


“Thời cơ chiến lược”


Kế hoạch tháng 10 thận trọng song cũng rất đề cao yếu tố thời cơ. Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là bằng bất cứ cách nào khả dĩ, tạo ra cái mà QĐNDVN gọi là “thời cơ chiến lược”. Thời cơ chiến lược này có thể là một cuộc binh biến ở Sài Gòn, một cuộc đảo chính dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Miền Nam Việt Nam, hoặc một chiến thắng quân sự quyết định của các đơn vị quân chủ lực QĐNDVN. Kế hoạch lệnh cho tất cả các lực lượng cộng sản hành động ngay lập tức và quyết liệt, bất cứ khi nào thời cơ chiến lược xuất hiện, để khai thác thời cơ ấy bằng cách tổ chức tấn công toàn diện, nhằm giành thắng lợi hoàn toàn trong thời gian ngắn nhất có thể trước khi các nước “có xu hướng can thiệp”, chủ yếu ám chỉ Mỹ và Trung Quốc, kịp phản ứng.


Kế hoạch tấn công năm 1975 được chia thành ba giai đoạn và sẽ được tiếp nối vào năm 1976 bởi một cuộc “tổng tiến công và nổi dậy” để “giải phóng” hoàn toàn miền Nam. Giai đoạn đầu của kế hoạch 1975 là một cuộc tấn công có giới hạn trong địa bàn tác chiến của Văn phòng Trung ương Cục Miền Nam, kéo dài từ tháng 12 năm 1974 tới tháng 2 năm 1975. Giai đoạn hai, trung tâm của Tổng Tiến công 1975, sẽ bắt đầu từ tháng 3 năm 1975 với cuộc tấn công tầm cỡ quân đoàn vào tiền đồn gần biên giới Đức Lập trên Đường 14 tại phần cực phía nam của Tây Nguyên. Trận Đức Lập sẽ được hỗ trợ bởi các hoạt động phụ có tính chất nghi binh ở miền Đông Nam Bộ (toàn khu vực từ Sài Gòn tới rìa Tây Nguyên), vùng hạ du ở miền Trung Việt Nam, và khu vực Trị Thiên (phía bắc vùng hoạt động của Quân đoàn I VNCH). Giai đoạn ba, từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1975, kết hợp các cuộc tấn công truy đuổi ở phần phía bắc của miền Trung, củng cố lực lượng QĐNDVN trên phần còn lại của miền Nam, và chuẩn bị “kế hoạch bất ngờ” khi cần. Các mục tiêu kế hoạch cho năm 1975 là tiêu hao một phần đáng kể tổng lực của VNCH; làm thất bại chương trình “bình định”; mở rộng mạng lưới hậu cần tiếp tế của QĐNDVN xuống Đường 14 tới tận Đồng bằng Sông Cửu Long; chặt đứt đường liên lạc của đối phương; phá hoại nền kinh tế miền Nam Việt Nam; và kích động chống đối chính trị nhằm vào chính quyền miền Nam. Tất cả các mục tiêu khác nhau này đều hướng tới mục đích tối hậu: làm hao mòn sức kháng cự của miền Nam Việt Nam và tạo điều kiện cho sự xuất hiện “thời cơ chiến lược”.


Mặc dù Bộ Chính trị phê chuẩn kế hoạch của Bộ Tổng Tham mưu trong phiên họp tháng 10, nhưng họ không hoàn toàn thỏa mãn và quyết định gặp lần nữa vào tháng 12 để xem lại các bước tiến triển và duyệt lại kế hoạch nếu thấy cần thiết. Mọi sự cố xảy ra lúc này đều có thể làm thay đổi đáng kể kế hoạch của QĐNDVN. Tại phiên họp toàn thể hồi tháng 10, Bộ Chính trị đã nhận định rằng căn cứ tình hình nội bộ nước Mỹ (hậu quả chính trị của vụ Nixon từ chức), Mỹ sẽ không can thiệp trở lại vào cuộc chiến tranh một cách đáng kể. Điều này dẹp bỏ mối lo ngại chính yếu của các nhà hoạch định chiến lược miền Bắc, cho phép họ tự do cân nhắc khả năng tấn công mạnh hơn. Thêm vào đó, trong một cuộc giao tranh kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1974, Sư đoàn 304 của QĐNDVN đã phá được căn cứ Thượng Đức ở khu vực miền núi phía tây Đà Nẵng, và đánh bại một loạt cuộc phản công quyết liệt của hai sư đoàn VNCH - Sư đoàn số 3 và Sư đoàn Kỵ binh bay. Chiến thắng Thượng Đức thuyết phục các nhà lãnh đạo QĐNDVN rằng quân đội của họ giờ đây đã có thể đánh bại ngay cả những đạo quân tinh nhuệ nhất mà VNCH có thể xây dựng được.


Tuy nhiên, hai yếu tố tối hậu trong sự hình thành và phát triển chiến dịch cuối cùng của QĐNDVN, là hai điều mà các nhà hoạch định chiến lược ở bất kỳ nơi đâu đều cần đến: thời (thời cơ) và nhân (con người). Yếu tố con người trong trường hợp này là một vị tướng đầy tham vọng, Trần Văn Trà. Ông là tư lệnh quân đội của Trung ương Cục Miền Nam, một vị trí mà ông đã nắm giữ rồi thôi, rồi lại tiếp tục, suốt từ năm 1964 đến lúc đó. Tướng Trà bị nhiều ý kiến chê trách là người đã chịu trách nhiệm hoạch định cuộc tấn công thảm họa Tết Mậu Thân 1968 vào Sài Gòn, và hậu quả là sự nghiệp của ông bị chững lại từ hồi đó. Giờ đây, ông đã nhìn thấy một cơ hội để chuộc lỗi.


Như chúng ta đã biết, điểm chính trong kế hoạch tổng thể của Bộ Tổng Tham mưu là yêu cầu toàn quân phải chuẩn bị để khai thác ngay lập tức bất kỳ thời cơ chiến lược nào nảy sinh. Khi Tướng Trà nhận lệnh từ Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu Trung ương Cục Miền Nam phải dự kiến các tình huống cho một cuộc tấn công thần tốc vào Sài Gòn trong trường hợp xảy ra một “sự biến chính trị - quân sự” (đảo chính), ông biến cái “dự kiến” này thành nền tảng kế hoạch của toàn Trung ương Cục Miền Nam cho năm 1975. Tướng Trà đặt việc chiếm Sài Gòn trong năm 1975, không kéo dài sang năm 1976, là mục tiêu cao nhất trong kế hoạch của Trung ương Cục Miền Nam. Ông yêu cầu Hà Nội ngay lập tức gửi cho mình 3-4 sư đoàn để triển khai kế hoạch này, và ông thay đổi giai đoạn một – giai đoạn tấn công của Trung ương Cục Miền Nam theo lời kêu gọi của Bộ Tổng Tham mưu - thành một chiến dịch lớn nhằm vào việc tạo cơ sở cho cuộc tấn công vào Sài Gòn, bằng cách chiếm quyền kiểm soát toàn tỉnh Phước Long. Bộ Tổng Tham mưu không đáp lại yêu cầu này, Tướng Trà bèn quay về Hà Nội để thuyết phục từng cá nhân.


Trở về Hà Nội vào cuối tháng 11 năm 1974, Trần Văn Trà được biết rằng Bộ Tổng Tham mưu đã bác phần lớn kế hoạch tấn công Phước Long của ông và không tán thành việc Trung ương Cục Miền Nam sử dụng trước bất kỳ xe tăng và trọng pháo nào trong các cuộc tấn công có quy mô nhỏ. Trần Văn Trà bắt đầu vận động các đồng chí cũ trong ban lãnh đạo Đảng, đặc biệt là Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, ngõ hầu lật ngược quyết định của Bộ Tổng Tham mưu. Sau nhiều nỗ lực, may mắn cuối cùng đã mỉm cười với Tướng Trà. Suốt những cuộc tấn công đầu tiên, quân của Tướng Trà cả phá các đồn nhỏ của VNCH ở Bù Đăng và Bù Na trên Đường 14. Tổng Tư lệnh Quân đội Trung ương Cục Miền Nam báo cáo về Hà Nội vào ngày 20 tháng 12 rằng trong đợt phá hai đồn này, các lực lượng QĐNDVN đã thu được nguyên vẹn 4 khẩu lựu pháo 105 mm và 7.000 viên đạn pháo. Kho báu ngoài dự tính này làm các nhà lãnh đạo ở Hà Nội choáng váng. 7.000 viên đạn pháo là hơn nửa số đạn Bộ Tổng Tham mưu có kế hoạch sử dụng trên toàn quốc trong suốt chiến dịch 1975. Tướng Trà bây giờ đã có thể lập luận rằng ông có thể sử dụng kho báu này cho cuộc tấn công vào thủ phủ của tỉnh Phước Long theo kế hoạch ông đã lên mà thậm chí không cần động tới số dự trữ đạn dược hiện tại. Trên thực tế, QĐNDVN có thể kỳ vọng sẽ chiếm được thậm chí còn nhiều đạn được hơn ở các căn cứ lớn hơn. Đó là một lập luận mà các nhà lãnh đạo không thể bác được. Tướng Trà được phép triển khai kế hoạch ban đầu của ông.


Vào ngày 6 tháng 1, Sư đoàn số 3 và số 7 của QĐNDVN hoàn tất việc chiếm tỉnh Phước Long bằng cách chiếm thủ phủ của tỉnh và thu được thêm 10.000 viên đạn pháo. Miền Nam thậm chí không có nổi một nỗ lực động tác giả để lấy lại Phước Long, và tuy Mỹ đe dọa hành động bằng cách cho tàu sân bay Enterprise cất cánh về phía Miền Nam Việt Nam, nhưng Enterprise đã sớm quay lưng và mối đe dọa từ Mỹ tan thành mây khói.


Chiến thắng bất ngờ ở Phước Long cuối cùng đã thuyết phục các nhà lãnh đạo cộng sản rằng kế hoạch ban đầu của họ là quá thận trọng.


Đánh giá của Bộ Chính trị rằng Mỹ sẽ không tái can thiệp vào chiến cuộc đã tỏ ra là đúng đắn, những điểm yếu trong hàng phòng thủ của VNCH đã bị bộc lộ, và, cũng quan trọng chẳng kém, là cuối cùng đã có giải pháp cho vấn nạn thiếu đạn dược nghiêm trọng: đánh và chiếm các kho đạn dược của VNCH. Thêm vào đó, trận chiến ở Phước Long chứng tỏ cho Bộ Chính trị thấy rằng kế hoạch cho cuộc tấn công chính của QĐNDVN vào năm 1975, cuộc tấn công tháng ba vào Đức Lập bởi ba sư đoàn QĐNDVN, bây giờ đã lỗi thời và cần phải thay đổi. Kế hoạch được phê duyệt vào tháng 10 đặt ra hai mục tiêu chính cho trận Đức Lập: thứ nhất, đánh thông Đường 14 để sử dụng làm đường vận tải chiến lược cho cuộc tấn công cuối cùng vào Sài Gòn; thứ hai, kéo quân vào tiêu diệt một phần đáng kể binh lính VNCH khi họ cố gắng lấy lại các vùng lãnh thổ đã mất. Căn cứ vào các kinh nghiệm thu được từ Phước Long, bây giờ đã rõ ràng rằng nếu Đức Lập bị tấn công thì mục tiêu thứ hai sẽ không đạt được. Chiến thắng Phước Long chứng tỏ rằng VHCN vốn đã có ý định bỏ các khu vực ở xa và không quan trọng về mặt chiến lược như Đức Lập. Nếu VNCH không cố gắng chiếm lại Đức Lập, thì toàn bộ ba sư đoàn của QĐNDVN sẽ bị bỏ lại ở nơi không có ai để đánh, và như thế, yếu tố bất ngờ đã bị mất. Trần Văn Trà cho rằng chính ông là người đầu tiên đề nghị thay đổi mục tiêu tấn công sang Buôn Mê Thuột. Dù Tướng Trà có phải là người đầu tiên đưa ra ý tưởng đó hay không, thì các nhà lãnh đạo cộng sản cũng đã giang rộng vòng tay ôm lấy cơ hội chiếm Buôn Mê Thuột.


Buôn Mê Thuột là một thành phố có hơn 100.000 dân, “thủ phủ” của người dân tộc ở Tây Nguyên. Nơi đây có cơ quan đầu não và hậu cứ của Sư đoàn 23 VNCH, trong đó có khu căn cứ hậu cần Mai Hắc Đế đầy cám dỗ với những kho đạn pháo lớn. Thành phố nằm trên một giao điểm quan trọng sống còn, là nơi Đường 14 - chạy từ Kontum xuống phía nam tới cửa ngõ phía bắc của Sài Gòn - gặp Đường 21 - chạy theo hướng đông tới thành phố duyên hải Nha Trang. Nếu chiếm được Buôn Mê Thuột, các lực lượng QĐNDVN có thể di chuyển nhanh chóng bằng đường bộ lên phía bắc để chiếm Pleiku ở hậu phương, sang phía đông để cắt Việt Nam làm đôi, hoặc xuống phía nam để tấn công Sài Gòn. VNCH không thể để mất một vị trí chiến lược như vậy và sẽ bị buộc phải tổ chức phản công. Điều này càng đúng hơn bởi vì các gia đình của những quân nhân trong Sư đoàn 23 lại đều sinh sống ở Buôn Mê Thuột – quân đội VNCH chỉ đơn giản là không thể bỏ mặc vợ con mà tháo chạy, không chiến đấu. Trước đó 10 năm, thôn Bình Giã nhỏ xíu ở phía đông Sài Gòn đã được chọn làm mục tiêu của chiến dịch hợp đồng tác chiến liên trung đoàn đầu tiên của quân đội miền Bắc trong chiến tranh (tháng 12 năm 1964) chủ yếu vì lẽ, gia đình của nhiều lính thủy đánh bộ VNCH sinh sống ở Bình Giã. Các chỉ huy của QĐNDVN đã biết từ trước rằng VNCH sẽ buộc phải tấn công để chiếm lại thôn này, cứu người thân, nên họ đã giăng bẫy và tiêu diệt lực lượng viện binh của VNCH. Giờ đây, QĐNDVN lặp lại mẹo đó trên một quy mô rộng lớn hơn. Bởi vì Buôn Mê Thuột được bảo vệ rất mỏng (chỉ bởi Trung đoàn Bộ binh số 53 thiếu quân số, một tiểu đoàn xe tăng và pháo, và vài tiểu đoàn lính địa phương), một cuộc tấn công mạnh và bất ngờ vào thành phố sẽ nhanh chóng chế ngự những người bảo vệ nó. Một khi thành phố đã mất, các lực lượng QĐNDVN có thể triển khai phong tỏa và bẻ gãy các cuộc phản công của VNCH, trong khi đó viện binh của VNCH bị kẹt ở nơi đồng không mông quạnh, không kịp đào công sự bảo vệ.


Vào ngày 7-1-1975, theo nghị quyết của phiên họp Bộ Chính trị phê duyệt kế hoạch mới, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đặt ra các mục tiêu của cuộc tấn công: Ở Quân khu 5 và Tây Nguyên, sử dụng ba sư đoàn chủ lực tấn công Tây Nguyên, mở ra một hành lang nối kết phần phía nam của Tây Nguyên với phía đông của Nam Bộ, và tạo điều kiện cho quân chủ lực di chuyển nhanh vào đông Nam Bộ, hợp tác với quân chủ lực của Trung ương Cục Miền Nam tấn công Sài Gòn. Các trận giao tranh mở màn sẽ nhằm chiếm Buôn Mê Thuột, đánh thông sang Tuy Hòa và Phú Yên, cắt đôi vùng hạ du ở Quân khu 5 (và miền Nam Việt Nam), và tạo ra một hướng khác để từ đó mau chóng tiến về phía nam, uy hiếp Sài Gòn.


Các triển vọng đầy hứa hẹn đến mức Bộ Chính trị, theo một đề xuất của Tướng Giáp, đã ra lệnh cho Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị kế hoạch mới để chiếm toàn bộ Miền Nam Việt Nam trong năm 1975.


Hai ngày sau, Quân ủy Trung ương họp và đặt ra các mục tiêu cụ thể cho chiến dịch Tây Nguyên 1975:


- Tiêu diệt từ 4 đến 5 sư đoàn bộ binh địch, 1 đến 2 chiến đoàn thiết giáp, gây tổn thất nặng nề cho các đơn vị thuộc Quân đoàn 2 VNCH.


- Giải phóng các tỉnh Đắc Lắc, Phú Bổn, Quảng Đức, đặt thành phố Buôn Mê Thuột làm mục tiêu chính.


- Nếu thời cơ phát sinh, mở rộng cuộc tấn công lên phía bắc để giải phóng Pleiku và Kontum, hoặc sang phía đông để chiếm Phú Yên, Khánh Hòa.


Để thể hiện tầm quan trọng mà các nhà lãnh đạo đánh giá đối với chiến dịch, Tổng Tham mưu trưởng, Thượng tướng Văn Tiến Dũng nhận lệnh vào Buôn Mê Thuột ngay lập tức với tư cách phái viên của Bộ Chính trị và Bộ Tổng Tham mưu trong Chiến dịch Tây Nguyên.


Kế hoạch mới này của QĐNDVN đầy táo bạo và sáng tạo. Sau này, khi Sài Gòn đã sụp đổ, một vị tướng cao cấp của Miền Nam Việt Nam phát biểu rằng ông đã nhìn thấy ở chiến lược của QĐNDVN sự phản ánh thuật “tiếp cận gián tiếp” của B.H. Liddell Hart. Đòn đánh quyết định của QĐNDVN sẽ không nhằm vào quân đội chính của kẻ thù, mà vào những điểm chiến lược được phòng thủ yếu nhất mà đối phương lại không thể để mất được. Kế hoạch nhấn mạnh vào các nguyên tắc: tập trung binh lực, tốc độ, bất ngờ, nghi binh. Cuối cùng, việc chiếm Buôn Mê Thuột sẽ cho phép QĐNDVN lựa chọn bất kỳ nơi nào trong nhiều phương án để làm mục tiêu tấn công tiếp theo, do đó buộc VNCH vốn đã bị dàn mỏng phải vắt óc cố đoán xem QĐNDVN sẽ tấn công ở đâu tiếp theo. Việc triển khai kế hoạch này sẽ đặt Miền Nam Việt Nam vào một tình thế mà Liddell Hart rất thích bẫy kẻ thù của mình vào: “Lưỡng nan giữa muôn trùng gai”. Nó buộc các chỉ huy của VNCH phải phạm sai lầm và đảm bảo cho QĐNDVN chuẩn bị khai thác mọi thời cơ có thể.


Từ đây, mọi sự bắt đầu diễn tiến nhanh. Các đơn vị tham gia cuộc tấn công (gồm Sư đoàn số 10 và 320 của Mặt trận Tây Nguyên; Sư đoàn 968 từ Lào; Sư đoàn 316 tiến từ miền Bắc xuống phía nam; bốn trung đoàn bộ binh độc lập; các đơn vị tăng, pháo, và kỹ thuật; và 8.000 quân nhân tuyển mộ từ miền Bắc Việt Nam) bắt đầu tiến về điểm hẹn của họ. Mạng lưới tình báo tuyệt vời cho những người cộng sản biết rằng Miền Nam Việt Nam không hề hay biết gì về dự định thật của họ, cũng như họ đã giữ bí mật tuyệt đối lượng cung cấp hậu cần khổng lồ. Được đảm bảo như vậy, quân đội miền Bắc đã thực hiện một chiến dịch nghi binh vô cùng tinh xảo nhằm trực tiếp vào điểm mạnh nhất trong hệ thống tình báo của đối phương: hệ thống thiết bị điện tử và thám không của miền Nam Việt Nam và đồng minh Hoa Kỳ. Tại tất cả các đơn vị tham gia chiến dịch Tổng Tiến công, sóng vô tuyến đều im lặng tuyệt đối. Nhân viên tình báo của QĐNDVN gửi đi hàng trăm tín hiệu vô tuyến giả, tổ chức những đoàn xe tải di chuyển lộ liễu, và tiến hành các hoạt động làm đường – những con đường ma – tất cả đều nhằm làm Miền Nam Việt Nam tin rằng Sư đoàn số 10 và 320 của QĐNDVN đang tập trung về Pleiku và Kontum và hai thành phố ở phía bắc Tây Nguyên này là mục tiêu thật sự của Việt Cộng. Chiến dịch nghi binh hiệu quả đến nỗi các chỉ huy quân đội Miền Nam Việt Nam đã bỏ qua một số báo cáo từ các điệp viên và bản khai của tù binh cho thấy QĐNDVN thật ra đang sắp tấn công Buôn Mê Thuột.


Đến cuối tháng 2, tất cả các đơn vị QĐNDVN đều đã sẵn sàng. Ngày 1 tháng 3, Sư đoàn 968 tấn công vài đồn nhỏ ở phía tây Pleiku, thu hút sự chú ý của VNCH vào mối đe dọa đối với thành phố Pleiku. Ngày 4/3, chiến dịch của QĐNDVN bắt đầu với một cuộc tấn công của Sư đoàn 95A, phá tan vài đồn nhỏ của VNCH canh Đường 19 trên Đèo Mang Yang, do đó cắt đứt đường tiếp tế chính cho các lực lượng VNCH ở Tây Nguyên. Xa hơn ở phía đông, trên Đường 19, Sư đoàn số 3 QĐNDVN tổ chức tấn công cắt đứt tuyến đường huyết mạch này và uy hiếp Sư đoàn số 22 VNCH. Ngày tiếp theo, Trung đoàn số 25 của QĐNDVN cắt Đường 21 - con đường duy nhất còn lại nối từ bờ biển vào Tây Nguyên, nối Buôn Mê Thuột và Nha Trang. Các lực lượng VNCH ở Tây Nguyên giờ đây bị cô lập và hoàn toàn phụ thuộc vào tiếp tế từ trên không. Tuy nhiên, phương tiện vận tải hàng không nghèo nàn của không quân VNCH hoàn toàn không thích ứng với việc tiếp tế khẩn cấp ở quy mô này. Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và Bộ Chỉ huy của ông nhận ra rằng nếu Đường 19 và 21 không được mở lại sớm, các lực lượng VNCH ở Tây Nguyên sẽ nhanh chóng cạn kiệt lương thực, hết nhiên liệu và đạn dược. Ngày 8 tháng 3, Sư đoàn 320 của QĐNDVN tràn ngập một huyện lỵ trên Đường 14 ở phía bắc Buôn Mê Thuột, cắt đường đi Pleiku và hoàn tất việc cô lập Buôn Mê Thuột. Sân khấu đã sẵn sàng cho cuộc tấn công cuối cùng của QĐNDVN, mà VNCH thì vẫn không đoán được Buôn Mê Thuột là mục tiêu.


Theo dõi các diễn biến từ Sài Gòn, Tổng thống Thiệu và Bộ Chỉ huy của ông không thể nào biết được đòn tiếp theo của cộng sản sẽ đánh vào đâu. Tiếp tục chiến dịch nghi binh của QĐNDVN và nhằm ngăn chặn lực lượng dự trữ của VNCH được chuyển lên để củng cố Tây Nguyên, trong những ngày trước khi đánh Buôn Mê Thuột, QĐNDVN tổ chức một đợt sóng các cuộc tấn công trên toàn Miền Nam Việt Nam. Ở phía bắc, vào ngày 5 tháng 3, công binh và du kích tấn công vùng hạ du Quảng Trị và Thừa Thiên, và ngày 8 tháng 3, Sư đoàn 324 của QĐNDVN đánh mạnh vào tuyến phòng thủ chính của VNCH ở tây nam Huế. Về phía nam, ngày 7 tháng 3, quân đội cộng sản tiến hành một loạt vụ tấn công vào khu vực Sài Gòn và Đồng bằng Sông Cửu Long, mà đỉnh cao là chiếm một huyện lỵ chính ở phía tây bắc Sài Gòn. Tổng thống Thiệu và các tướng nghĩ nát óc. Rõ ràng là một cuộc tổng tiến công tổng lực của phe cộng sản diễn ra đến nơi rồi, nhưng đâu là mục tiêu chính? Đâu là nơi nguy hiểm nhất? Với Thiệu và các tướng, câu trả lời đã hiển nhiên: thủ đô Sài Gòn. Kế hoạch nghi binh của QĐNDVN đã diễn ra một cách hoàn hảo.


Ngày 9 tháng 3, Sư đoàn 10 của QĐNDVN, với hai trung đoàn bộ binh (số 26 và 66) và được yểm trợ chỉ với hai khẩu lựu pháo 105mm, 50 viên đạn, tấn công và đánh chiếm Đức Lập cùng toàn bộ các vị trí phòng thủ ở đó trong vòng 24 tiếng. VNCH mất ở đây tổng cộng ba tiểu đoàn, 14 khẩu pháo và 20 xe tăng. Sau khi củng cố chiến thắng, Sư đoàn 10 tiến theo hướng bắc, lên Buôn Mê Thuột.


Rạng sáng 10 tháng 3, 12 trung đoàn QĐNDVN tổ chức tiến công bất ngờ mãnh liệt vào Buôn Mê Thuột. Sư đoàn công binh 198 và hai tiểu đoàn bộ binh đã bí mật lọt vào thành phố từ trước, sau đó tấn công hai sân bay của Buôn Mê Thuột, kho chứa hàng tiếp tế Mai Hắc Đế, và đầu não của Sư đoàn số 23 VNCH. 5 trung đoàn bộ binh (ba từ Sư đoàn 316, Trung đoàn số 24 thuộc Sư đoàn 10, và các chiến binh lão luyện của Trung đoàn 95B thuộc Sư đoàn 325) tiến vào thành phố từ ba hướng, dẫn đường là xe tăng và xe chở thiết giáp của Trung đoàn Thiết giáp số 273, và dưới một lưới lửa tạo bởi 78 súng hạng nặng của Trung đoàn pháo số 40 và 675. Trung đoàn chống máy bay 232 và 234 đi kèm các mũi tấn công, tạo ra một chiếc ô hỏa lực chắn máy bay rát đến mức các đợt tấn công bằng bom của không quân VNCH hầu như đều vô hiệu và gây hại cho chính quân đội họ ngang với cho đối phương. Sau 32 giờ giao tranh, các lực lượng QĐNDVN phá tan đầu não của Sư đoàn 23, bắt sống Phó tư lệnh Sư đoàn. Tướng Dũng báo về Hà Nội rằng quân của ông đã thu được 12 khẩu pháo và 100 tấn đạn pháo ở Buôn Mê Thuột. Điều này đảm bảo với Bộ Tổng Tham mưu rằng chiến dịch sẽ tiến triển mà không bị cản trở bởi nỗi lo thiếu đạn. Các nhà lãnh đạo Bắc Việt ngay lập tức nhận ra tầm quan trọng của chiến thắng này. Trong suốt cuộc họp Bộ Chính trị vào 11/3, Lê Duẩn thảo luận về khả năng thời cơ chiến lược - thời điểm để tiến hành cuộc tổng tiến công cuối cùng - sắp đến. Chiến thắng trong chiến tranh sẽ đến với bên nào sẵn sàng đón lấy nó. Miền Bắc Việt Nam đã sẵn sàng.


Hồi trống trận tiến công lúc đầu dường như nhằm vào Pleiku, sau là vào Sài Gòn và Huế, và bây giờ, thật bất ngờ, lại là cuộc tấn công Buôn Mê Thuột. Đó là những đòn tâm lý làm choáng váng các nhà lãnh đạo phía VNCH. Bối rối, tuyệt vọng, và hẳn là trong trạng thái sốc thực sự, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra hai quyết định trọng yếu vào ngày 10 và 11 tháng 3, đánh dấu chấm hết cho số phận của Miền Nam Việt Nam. Việc đầu tiên là Thiệu ra lệnh rút lập tức Sư đoàn Kỵ binh bay VNCH, vốn là nền tảng phòng thủ của Quân đoàn 1, để về chống đỡ cho Sài Gòn. Khi các chỉ huy của VNCH cố gắng rút những đơn vị này về và tái triển khai để lấp đầy lỗ hổng để lại sau khi Sư đoàn Kỵ binh bay đã rút đi, hệ thống phòng thủ của Quân đoàn 2 bắt đầu nghiêng ngả như một căn nhà xây bằng các lá bài.


Tiếp theo, đúng như Miền Bắc Việt Nam đã đoán trước, Thiệu ra lệnh phản công lập tức để chiếm lại Buôn Mê Thuột “bằng mọi giá”. Do đường lên Buôn Mê Thuột đã bị cắt, viên chỉ huy Quân đoàn II của VNCH, Tướng Phạm Văn Phú, buộc phải dùng trực thăng đưa hai trung đoàn còn lại trong Sư đoàn 23 của ông lên trận địa, thả 5 tiểu đoàn vào một khu đất ở phía đông Buôn Mê Thuột trong thời gian từ ngày 12 tới 14 tháng 3 mà không có xe tăng và chỉ có sự trợ lực giới hạn của pháo binh. Trung đoàn đã hạ cánh vào chính giữa “vùng chết” (quyết chiến điểm) mà QĐNDVN giăng ra. Sư đoàn 10 của QĐNDVN, vừa trở về từ Đức Lập, có xe tăng và pháo binh hùng mạnh yểm trợ, đã chờ sẵn. Trong một cuộc tấn công chớp choáng bốn ngày, Sư đoàn 10 tràn lên và đánh tan hoang phần còn lại của Sư đoàn 23 và Chiến đoàn Biệt động quân số 21. Trong lúc đó thì với những kẻ hấp hối trong đội quân một thời hùng mạnh của VNCH ở Tây Nguyên, khi đường tiếp viện đã bị cắt và không còn hy vọng được cung ứng thêm hay cứu trợ, số phận của họ đã được định đoạt. Mệnh lệnh ngày 14 tháng 3 của Thiệu rút các lực lượng khỏi Pleiku xuống theo Đường 7B ra biển là một hành động tuyệt vọng nhằm cứu vãn những gì còn lại của lực lượng VNCH ở Tây Nguyên. Mệnh lệnh ngu xuẩn, thực hiện thì dốt nát, nhưng trong tình hình ấy thì đó là điều có thể hiểu được.


Khi các đoàn quân của Tướng Dũng hoàn tất việc tiêu diệt mũi rút lui của VNCH khỏi Pleiku, Tướng Giáp ra lệnh cho các lực lượng của ông xung quanh Huế đi vòng qua tuyến phòng thủ của VNCH – những dãy núi đã cản trở các cuộc tấn công trước kia của QĐNDVN. Ông Giáp ra lệnh cho Quân đoàn 2 QĐNDVN phái Sư đoàn 324 và 325 đánh trực tiếp vào vùng hạ du ở duyên hải, cắt đứt Đường 1 - đường rút lui chính của VNCH - và phá tan các đoàn quân tháo chạy trước khi họ có thể tập hợp và củng cố lại. Bị kẹt giữa đồng không mông quạnh, bị cô lập và cắt mọi đường tiếp tế, các đơn vị VNCH trên đường rút lui trong hoảng loạn đã bị quét sạch. Tới ngày 29 tháng 4, Huế, Đà Nẵng, và toàn bộ Quân đoàn 1 của VNCH đã nằm trong tay những người cộng sản.


Hồi kết


Trong khi đó, trong một phiên họp lịch sử của Bộ Chính trị vào ngày 18 tháng 3, Tướng Giáp đã đóng nhát búa cuối cùng vào cỗ quan tài của chế độ Miền Nam Việt Nam với một quyết định chiến lược lớn cuối cùng trong sự nghiệp quân sự chói sáng của ông. Tướng Giáp tuyên bố rằng cơ hội chiến lược chờ đợi từ bao lâu nay đã đến. Ông lệnh cho QĐNDVN ngay lập tức tổ chức một cuộc tổng tiến công trên toàn chiến trường để kiểm soát hoàn toàn Miền Nam Việt Nam ngay trong năm 1975. Lực lượng dự bị chiến lược cuối cùng của Miền Bắc Việt Nam - Quân đoàn số 1 tinh hoa - bây giờ đã đến lúc xung trận. Bộ Chính trị tức tốc phê chuẩn đề nghị của Tướng Giáp và ra lệnh tổng tiến công Sài Gòn từ mọi hướng.


Với quyết định này, kết cục của cuộc chiến không còn gì phải nghi ngờ nữa. Giấy báo tử coi 30 tháng 4 năm 1975 là ngày giỗ, nhưng phát súng hạ gục VNCH đã được bắn từ ngày 18 tháng 3 bởi Tướng Võ Nguyên Giáp. Chiến thắng cuối cùng này của Tướng Giáp đồng thời cũng là chiến thắng ít đổ máu nhất.
--------------------------------------------------------------------------------
Merle L. Pribbenow tốt nghiệp Đại học Washington năm 1968, chuyên ngành khoa học chính trị. Ông là nhân viên Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) ở Đông Dương, có 27 năm kinh nghiệm nghiên cứu về Việt Nam, trong đó có năm năm làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn tính đến ngày 29-4-1975. Kể từ khi về hưu (năm 1995), ông đã viết ba bài nghiên cứu lịch sử chiến tranh ở Việt Nam và dịch một cuốn sách của Bộ Quốc phòng Việt Nam sang tiếng Anh, xuất bản tháng 5-2002 tại Mỹ.
(*) Liddell Hart (1895-1970), nhà tư tưởng quân sự nổi tiếng người Anh, đưa ra khái niệm chiến lược “tiếp cận gián tiếp”, nghĩa là thay vì tấn công trực tiếp thì đánh vào chỗ đối phương không ngờ tới (ví dụ tập hậu, tạt sườn…).


Nguồn: Đoan Trang lược dịch và chú thích
http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Nhan-Thuc/Nghe_thuat_chien_tranh_VN_tien_cong_mua_xuan_1975


Đọc lại và suy ngẫm

NHỮNG ĐIỀU ÍT ĐƯỢC BIẾT ĐẾN VỀ TƯỚNG GIÁP

By Trọng Nghĩa RFI 13-10-13
Nguồn: http://viet-studies.info/kinhte/VNGiap_DieuItBiet_RFI.htm

Vào hôm nay, 13/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về đến nơi an nghỉ cuối cùng tại quê nhà tỉnh Quảng Bình. Từ lúc ông qua đời đến nay, đã có rất nhiều bài viết về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Trong khuôn khổ tạp chí đặc biệt hôm nay, RFI Việt ngữ xin giới thiệu nhận định của Giáo sư Carl Thayer - chuyên gia kỳ cựu về quân sự và chính trị Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc (Đại học New South Wales) - về một số yếu tố ít được nói đến, nếu không muốn nói là hoàn toàn vắng bóng - trong tiểu sử chính thức của Đại tướng Giáp.

RFI : Cho đến nay, các nhà báo và các nhà bình luận đã nói rất nhiều về cuộc đời của tướng Giáp. Theo quan điểm của Giáo sư, di sản chính của ông Giáp là gì ?

CarleThayer : Sự nghiệp của Tướng Võ Nguyên Giáp trải dài trên 64 năm kể từ năm 1927, khi ông bị trục xuất khỏi trường Quốc Học vì hoạt động chính trị, cho đến năm 1991 khi ông chính thức rời bỏ tất cả các chức vụ trong Đảng và Nhà nước. Sự nghiệp của ông có thể chia thành năm giai đoạn :

- 1927-1944 : Ông còn là một học sinh đấu tranh, nhà báo, một nhà tuyên truyền chính trị, một tù nhân, một giáo viên và một sinh viên sau đại học ;

- 1944-1973 : Ông giữ nhiều chức vụ trong đó có chức chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Ủy viên Bộ Chính trị ;

- 1974-1980 : Ông từ bỏ quyền kiểm soát hoạt động của quân đội và giữ chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Ủy viên Bộ Chính trị ;

- 1980-1991 : Ông thôi làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Ủy viên Bộ Chính trị ; trong thời gian này, ông phụ trách khoa học và công nghệ, dân số và kế hoạch hóa gia đình, và sau đó giáo dục ;

- 1991-2013 : Tướng Giáp rời khỏi chức vụ cuối cùng là Phó Thủ tướng chính phủ và nghỉ hưu vĩnh viễn.

Di sản chính của Tướng Giáp xuất phát từ vai trò tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trong giai đoạn hai (1944-1973). Ông bắt đầu chỉ huy một trung đội 34 người và phát triển lực lượng này thành một đạo quân nhân dân gồm vài trăm ngàn người trong không đầy mười năm. Tướng Giáp đồng thời kết hợp các tác phẩm quân sự của Napoleon, Clausewitz và Mao Trạch Đông với truyền thống quân sự cổ xưa của Việt Nam.

Tướng Giáp nắm vững nghệ thuật chiến tranh nhân dân bằng cách vận động dân chúng để chiến đấu và trở thành nhân công trong mạng lưới hậu cần rộng lớn của ông. Tướng Giáp biết kết hợp đấu tranh chính trị và quân sự. Mục tiêu của ông là đuổi Pháp ra khỏi Việt Nam trong một cuộc chiến tranh trường kỳ.

Chiến công lẫy lừng nhất của ông là chiến dịch dẫn đến sự thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ. Tướng Giáp dùng chiến thuật nghi binh, gửi lực lượng của mình sang Lào và rồi sau đó cấp tốc chuyển hướng tiến đến vùng thung lũng Điện Biên Phủ. Tướng Giáp đã nhanh chóng bác bỏ lời khuyên của các chuyên gia Trung Quốc tung các làn sóng người tấn công vào doanh trại quân Pháp. Ông đã sử dụng chiến thuật bao vây, với lực lượng được tiếp ứng liên tục về mặt hậu cần, cung cấp lương thực, thiết bị vật tư, vũ khí và đạn dược cho chiến trường.

Tầm quan trọng của trận Điện Biên Phủ là nó không chỉ đánh dấu sự thất bại của thực dân Pháp ở Đông Dương, mà cả của chủ nghĩa thực dân như một hệ thống trên toàn thế giới. Trong vòng tám năm sau đó, Pháp sẽ phải chịu thất bại ở Algeri.

Hai tiểu sử : Chính thức và không chính thức

RFI : Giáo sư đánh giá sao về một số « điều được che giấu » về cuộc đời của Tướng Võ Nguyên Giáp, những điều không hề xuất hiện trong tiểu sử chính thức ?

Carl Thayer : Có hai phiên bản về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trước hết là tiểu sử chính thức mang tính chất tôn vinh, gán cho ông tất cả những thành công quân sự của Việt Nam kể từ năm 1944 và miêu tả ông như một viên tướng tài ba hoàn hảo.

Phiên bản thứ hai về sự nghiệp của Tướng Giáp không mang tính chất chính thức và cho thấy rằng ông là một người kiên định – có người cho đây là tính kiêu ngạo về mặt trí thức – một người cá nhân chủ nghĩa dễ nổi giận khi bị can thiệp vào vai trò tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang của ông. Ông được mô tả như là "ngọn núi lửa dưới lớp băng tuyết" chính vì yếu tố được cho là nóng nảy đó.

Tướng Giáp có nhiều người ủng hộ nhưng cũng bị nhiều người gièm pha. Lúc còn công tác, ông thường xuyên đụng chạm với những người gièm pha và các đối thủ của ông, những người không ngần ngại chỉ trích ông. Những người phê phán ông xuất phát từ hai động cơ : Chủ nghĩa giáo điều về mặt ý thức hệ và lòng ghen tị, sợ rằng Tướng Giáp nổi tiếng sẽ làm quyền lực của họ suy yếu. Đấy là thời kỳ lãnh đạo tập thể vô danh.

Trong suốt sự nghiệp của mình, ông Giáp từng bị chỉ trích vì đã tìm kiếm một học bổng của chính quyền thực dân Pháp, có người thậm chí còn hàm ý rằng - nếu không nói là buộc tội ông - là một nhân viên Sở Mật thám Pháp.

Ông cũng bị đả kích vì học chương trình Pháp, có được bằng tú tài baccalauréat, học tại trường Trung học Albert Sarraut có uy tín, nơi ông đứng đầu môn triết học, và Trường Đại học Luật Hà Nội, nơi ông tốt nghiệp thủ khoa về kinh tế chính trị. Đối thủ của Tướng Giáp đã dùng thành tích học tập của ông để quật lại ông. Dẫu sao thì ông thành viên duy nhất trong ban lãnh đạo bên trong (tối cao) của Đảng có được một nền giáo dục phương Tây.

Các yếu tố không được phép nêu lên trong sự nghiệp của Tướng Giáp cho thấy một tập thể lãnh đạo chia rẽ và sự ganh đua rõ ràng giữa các cá nhân. Cuộc đối đầu giữa Tướng Giáp với nhà ý thức hệ Trường Chinh đã thành huyền thoại, tương tự như các cuộc đụng độ sau này của ông với Tướng Nguyễn Chí Thanh và ông Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất của Đảng Cộng sản.

Bất đồng với Trường Chinh về vai trò cố vấn Trung Quốc

Năm 1946, Trường Chinh, đứng thứ hai trong ban lãnh đạo sau Hồ Chí Minh, đã thất bại trong việc ngăn không cho ông Giáp được phong cấp Đại tướng và chức chỉ huy Quân đội Nhân dân. Trường Chinh và Tướng Giáp bất đồng về phạm vi và mức độ mà các cố vấn quân sự Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến chiến lược chiến trường của Việt Nam, và trên quyền của Tướng Giáp được đơn phương bổ nhiệm các trợ lý quan trọng.

Vào năm 1951, Tướng Giáp đã cho mở một cuộc tấn công quá sớm vào các vị trí kiên cố của Pháp ở đồng bằng sông Hồng. Chiến dịch thất bại và Quân đội Nhân dân bị thương vong nặng nề. Tướng Giáp bị buộc phải tự phê bình, cách chức một số phụ tá quan trọng, cho phép thành lập một hệ thống chính trị viên trong quân đội, và chấp nhận các cố vấn quân sự Trung Quốc ở các cấp độ khác nhau trong Quân đội Nhân dân.

Sau khi Chiến tranh Đông Dương đầu tiên (1946-1954) kết thúc Việt Nam bị chia cắt. Mặc dù Tướng Giáp đã có uy tín rất lớn, nhưng những kẻ đả kích ông vẫn tiếp tục thách thức quyền lực của ông và đặt nghi vấn về cách ông điều hành cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam. Bí thư Thứ nhất của Đảng là Lê Duẩn muốn đẩy mạnh việc lật đổ chính quyền miền Nam, ông Giáp thận trọng hơn và hai người kình chống nhau.

Phe gièm pha Tướng Giáp đã thành công trong việc đề bạt ông Nguyễn Chí Thanh (1959) và sau đó là ông Văn Tiến Dũng (1974) lên cấp Đại tướng. Trước lúc những người này được thăng cấp, chỉ có ông Giáp mang cấp Đại tướng mà thôi. Cả hai vị tướng mới đề bạt về sau, đều đã giành lấy quyền kiểm soát hoạt động chiến tranh trong Nam từ tay của ông Giáp.

Vào năm 1960, Tướng Giáp đã bị đẩy lùi từ hàng thứ tư xuống hàng thứ sáu trong Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ba. Chủ trương chung sống hòa bình của lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev vào năm 1960 là điều đã tác hại đến nhiều người trong giới lãnh đạo Việt Nam.

Tướng Giáp, người thiên về phía Liên Xô – nước đã hỗ trợ quân sự cho Việt Nam – và có thái độ phê phán với Trung Quốc, đã không đồng nhịp với các lãnh đạo khác. Một lần nữa, ông đã bị các đồng chí chỉ trích.

Trong năm 1965, khi Hoa Kỳ tung lực lượng chiến đấu vào Việt Nam, Lê Duẩn và Nguyễn Chí Thanh ra lệnh tung các đơn vị Quân đội Nhân dân miền Bắc vào cuộc chiến. Nguyễn Chí Thanh là người thiết kế chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 nhưng qua đời vì một cơn đau tim trước khi chiến dịch được thực hiện. Lực lượng Cộng sản miền Nam nằm vùng bị thương vong rất lớn, Tướng Giáp được phuc hồi và uy tín của ông tăng thêm.

Sau cái chết của Hồ Chí Minh vào năm 1969, một bộ ba lãnh đạo mới nổi lên : Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp. Vào thời điểm đó, Tướng Giáp nắm ba vai trò quan trọng : Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, ông không bao giờ lấy lại được quyền kiểm soát hoạt động của các lực lượng vũ trang. Tướng Giáp đã phản đối cả hai chiến dịch Tết Mậu Thân và chiến dịch Nguyễn Huệ 1972, và ý kiến ông đã bị bác bỏ cả hai lần.

Tháng 4 năm 1972, Tướng Văn Tiến Dũng chỉ huy chiến dịch Nguyễn Huệ và đến tháng 10 năm 1973, ông được trao quyền chỉ huy của cuộc tấn công cuối cùng của cuộc chiến : Chiến dịch Hồ Chí Minh. Điểm đáng chú ý, đó là sự kiện chính một Ủy viên dân sự cao cấp của Bộ Chính trị - ông Lê Đức Thọ - chứ không phải là Tướng Giáp, là người ra chỉ thị cho Quân đội Nhân dân bắt đầu chiến dịch tấn công cuối cùng của mình bằng cách tấn công Ban Mê Thuột ở vùng Cao nguyên.

Sau năm 1975, bị gạt ra bên lề, nhưng vẫn lên tiếng

RFI : Về các hoạt động của ông sau năm 1975, một số người cho rằng ông đã hoàn toàn không còn vai trò gì, nhưng cũng có người thấy rằng người ta gạt được ông ra bên lề, nhưng không hoàn toàn bịt miệng được ông. Ý kiến ​​của Giáo sư như thế nào ?

Carl Thayer : Sau khi Việt Nam thống nhất, Tướng Giáp vẫn làm Bộ trưởng Quốc phòng cho đến năm 1980. Nhưng chính Tướng Văn Tiến Dũng là người chỉ huy quân đội Việt Nam đánh qua Cam Bốt vào cuối năm 1978 và bảo vệ miền Bắc Việt Nam vào tháng Hai - tháng Ba năm 1979 khi Trung Quốc xâm lăng Việt Nam để trả thù.

Rõ ràng ngôi sao của Tướng Giáp vào thời điểm đó lu mờ nhanh chóng. Năm 1976, Tướng Văn Tiến Dũng là người đọc báo cáo quân sự tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ tư, còn Tướng Giáp được phân công nói về các chính sách của Đảng về khoa học và công nghệ. Tướng Giáp cũng không thành công khi phản đối việc giao cho quân đội nhiệm vụ xây dựng đất nước sau chiến tranh. Ông đã phải cúi đầu trước nguyên tắc "tập trung dân chủ" của Đảng và bảo vệ chính sách của Đảng trước công chúng.

Tháng 2 năm 1980, Tướng Giáp rời khỏi Bộ Quốc phòng, nhưng vẫn giữ chức Phó Thủ tướng. Năm 1981, ông thoạt đầu bị giáng cấp từ Phó Thủ tướng thứ nhất xuống làm Phó Thủ tướng thứ ba. Đến tháng Ba năm 1982, Tướng Giáp bị loại ra khỏi Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ năm, nhưng vẫn giữ được chức Ủy viên Trung ương Đảng.

Tướng Võ Nguyên Giáp rất được lòng dân và có hậu thuẫn mạnh mẽ trong Đảng. Vào giữa những năm 1980, những người ủng hộ ông đã thất bại trong việc đưa ông lên thay thế ông Phạm Văn Đồng ở chức Thủ tướng. Cũng có rất nhiều tin đồn về việc những người ủng hộ Tướng Giáp vận động để ông trở thành lãnh đạo Đảng. Sau đó, ông Giáp lần lượt phụ trách vấn đề nhân khẩu học và kế hoạch hóa gia đình, rồi vấn đề giáo dục. Ông rời khỏi chính quyền vào năm 1991 khi về hưu trong tư cách là Phó Thủ tướng.

Rất khó đánh giá về những đóng góp của Tướng Giáp trong giai đoạn này. Việt Nam khi ấy được lãnh đạo tập thể, và cho đến năm 1986 vẫn tiếp tục đi theo mô hình kế hoạch tập trung không thành công của Liên Xô. Điều đáng nêu bật là Tướng Giáp tiếp tục hoạt động trong chính phủ cho đến năm tám mươi tuổi.

Kiên trì bảo vệ chủ quyền Việt Nam trước Trung Quốc

RFI : Có người cho rằng gần đây Tướng Giáp rất lo ngại về sự thao túng của Trung Quốc đối với Việt Nam. Nhận định này có phần nào đúng hay không ?

Carl Thayer : Sự nghiệp quân sự lâu dài của Tướng Giáp cho thấy rõ là ông sẵn sàng chấp nhận sự giúp đỡ của Trung Quốc và kể cả những tư vấn, nhưng ông vẫn đấu tranh để giữ được sự tự chủ và độc lập trong hành động của Việt Nam.

Tướng Giáp nghiêng về Matxcơva nhiều hơn Bắc Kinh trong thời kỳ chiến tranh, vì sự chi viện quân bị to lớn của Liên Xô cho Việt Nam - bao gồm cả tên lửa phòng không. Mặc dù Liên Xô được cho là đã khuyên Tướng Giáp “thực hiện một vụ Afghanistan” bằng cách tấn công Cam Bốt và lật đổ chế độ Khmer Đỏ được Trung Quốc ủng hộ, Tướng Giáp vẫn chống lại việc can thiệp quân sự trên quy mô lớn.

Khi Trung Quốc và Việt Nam bình thường hóa quan hệ trở lại vào năm 1991, Tướng Giáp đã hoàn toàn nghỉ hưu

Trong những năm tháng nghỉ hưu, Tướng Giáp rất được biết đến với hai lần lên tiếng.

Năm 2004, ông đã viết thư cho Bộ Chính trị phê phán sự can thiệp của tình báo quân đội (Tổng Cục II) vào các công việc nội bộ của Đảng.

Năm 2009, ông thu hút sự chú ý của công luận khi viết ba thư ngỏ gửi tới các lãnh đạo Đảng và Nhà nước cảnh báo tác động môi trường của dự án khai thác bauxite, do Trung Quốc tài trợ, ở Cao nguyên Trung phần. Ông đề cập đến vấn đề này với lập luận rằng đó là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Sự kiện đó gây ra một dây chuyền cộng hưởng trong dân chúng nói chung, đang ngày càng lo lắng trước sự quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông.

Vị anh hùng Việt Nam cần khi phải đối mặt với ngoại bang xâm lược

RFI : Giáo sư giải thích thế nào về việc Tướng Giáp được lòng dân đến như vậy ?

Carl Thayer : Tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà chiến lược quân sự tầm cỡ thế giới. Vào năm 1944 - khi ông chỉ huy một trung đội 34 người - ai có thể nghĩ được rằng trong vòng 10 năm, ông đã phát triển lực lượng lên thành một quân đội có hàng trăm ngàn binh sĩ và đánh bại được Pháp, một trong những thế lực quân sự mạnh nhất vào thời điểm đó ? Tướng Giáp đã có được uy phong rất lớn với chiến thắng tại Điện Biên Phủ, một sự kiện đã để lại dấu ấn trong suốt cuộc đời ông.

Sự được lòng dân của ông dựa trên nhiều nền tảng. Trước tiên, hàng triệu người Việt Nam đã phục vụ trong Quân đội Nhân dân khi Tướng Giáp là Tổng chỉ huy và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông là nguồn cảm hứng của họ. Các cựu chiến binh và gia đình của họ là một thành phần to lớn trong cư dân tại Việt Nam.

Thứ hai, sau Hồ Chí Minh và có thể Phạm Văn Đồng, Tướng Giáp là lãnh đạo quốc gia duy nhất nổi bật bên trên một ban lãnh đạo tập thể mờ nhạt. Ông có sức lôi cuốn, phát biểu lưu loát và truyền cảm hứng cho người dân. Ông là vị anh hùng mà Việt Nam cần có khi phải đối mặt với sự xâm lược của ngoại bang, từ năm 1946 đến 1973 và sau đó, trong những năm 2000, khi Trung Quốc đe dọa chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Sau thời gian làm một nhà quân sự, Tướng Giáp đã phụ trách những lãnh vực quan trọng liên quan đến sự phát triển như khoa học và công nghệ, dân số và kế hoạch hóa gia đình và giáo dục. Đó là nền tảng thứ ba của việc ông được lòng dân.

Uy tín Tướng Giáp trong dân chúng còn dựa trên sự thành công của ông trong suốt 64 năm phục vụ Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam và đất nước Việt Nam. Ông sẽ luôn luôn được tưởng nhớ như là người chỉ huy chính, đã đánh bại hai cường quốc lớn.

Rõ ràng, Tướng Giáp đã thu hút được cảm tình của cả hai thế hệ trẻ và già tại Việt Nam. Điều này được thấy qua việc người dân đủ mọi lứa tuổi thể hiện sự đau buồn, tự động đổ xô đến nhà ông để thắp nến và hương.

Tướng Giáp là hiện thân của một chính khách Việt Nam biết sử dụng trí tuệ để đưa ra các chiến thuật và chiến lược cho phép kẻ có vẻ là yếu đánh bại được kẻ mạnh.



Đọc lại và suy nghĩ:

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ HIỆN TƯỢNG
NHỮNG NGÀY QUỐC TANG ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP



Bùi Minh Quốc


Hãy nhìn lại hình ảnh các đoàn người vào viếng đại tướng thuộc đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần, tôn giáo, chức sắc, từ những cụ già ngồi trên xe lăn, những cựu chiến binh được bế được cõng, đến những đứa trẻ chỉ mới một vài tuổi được bố mẹ bế trên tay quàng trên cổ… hàng triệu người nối đuôi nhau cả ngày lẫn đêm để vào tiễn đưa đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một điều rất đặc biệt, là hàng triệu con người này, đến với đại tướng không qua bất cứ hình thức tổ chức sắp đặt của bất kỳ một cơ quan đoàn thể nào, mà họ đến bằng trái tim, những giọt lệ của họ là xuất phát tự trái tim và khối óc của chính họ.

Có lẽ, đây là một hiện tượng duy nhất xảy ra kể từ ngày quốc tang chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 44 năm. Tại sao vậy? Từ năm 69 đến nay cũng có biết bao những bậc khai quốc công thần đã ra đi, như tổng bí thư Lê Duẩn, tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, chủ tịch Tôn Đức Thắng, chủ tịch Trường Chinh, nhà khai quốc công thần Hoàng Quốc Việt, thủ tướng Phạm Văn Đồng, đều không có được những hình ảnh xúc động như lễ quốc tang lần này. Đã có rất nhiều bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng của các nhà sử học, các học giả, các nhà chính trị, nhà thơ, nhà văn trong và ngoài nước… phân tích về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nói trên. Các phân tích này đều đúng, nhưng, tôi thấy vẫn thiếu đi những yếu tố rất quan trọng. Tôi xin phép được không nhắc lại các ý tứ đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi chỉ xin nêu những nội dung mà theo chủ quan của tôi, có thể giải mã được phần nào sự kiện đột biến này:

Cuộc đời của tướng Giáp là cuộc đời của một vĩ nhân đầy gian nan, khốn khó, và rất nhiều lúc rơi vào hoàn cảnh cực kỳ nguy hiểm, bĩ cực, do chính những đồng đội, đồng chí của mình gây ra. Bắt đầu từ những năm 60, đặc biệt từ khi Nikita Khrushchev bị phế truất khỏi chức vị tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô và khi phe xã hội chủ nghĩa đồng thanh mở một chiến dịch bài bác Khrushchyov nói riêng và những người theo ông nói chung là những kẻ xét lại, cũng là lúc mà tướng Giáp bị các đồng chí của mình trong Bộ chính trị đưa vào tầm ngắm giống những kẻ xét lại. Hàng loạt các tướng lĩnh cấp dưới của đại tướng bị bắt bớ vì những “tội lỗi” như theo kiểu “âm mưu lật đổ”, “những phần tử xét lại”. Tướng Giáp trong tình thế đó đã phải rất tỉnh táo, “án binh bất động” không có bất kỳ một sự phản kháng nào, và do vậy, ông đã được tha, không bị quy chụp công khai, nhưng quyền lực và uy tín của ông đã bị giảm sút mạnh mẽ. Sau đó, giữa tướng Giáp với BCT lúc bấy giờ, cụ thể là tổng bí thư Lê Duẩn, và ban tổ chức TW, cụ thể là trưởng ban Lê Đức Thọ đã có rất nhiều bất đồng quan điểm trong hàng loạt các sự kiện quan trọng như Mậu Thân 68, cuộc chiến Quảng Trị 1972. Có thể nói, hố sâu mâu thuẫn giữa tướng Giáp với đa số các ủy viên bộ chính trị khác ngày càng bị khơi rộng. Từ lúc này, tướng Giáp đã bị coi như một nhân vật nguy hiểm trong BCT và bị theo dõi rất sát sao. Những cá nhân, đơn vị nào mà có ý kiến, thái độ ủng hộ tướng Giáp đều bị nằm trong tầm ngắm và bị vô hiệu hóa một cách mạnh mẽ và công khai. Sau năm 75, tướng Giáp lại tiếp tục có những bất đồng trong hàng loạt các sự kiện trong việc xử lý đối với các đội ngũ “ngụy quân, ngụy quyền”, cũng như một loạt các vấn đề khác nảy sinh từ nhũng ý kiến khác biệt giữa một số tướng lĩnh và chính trị gia đầu tầu của miền Nam như Trần Văn Trà, Trần Bạch Đằng với ban lãnh đạo tối cao của Đảng…. Lại thêm một lần nữa, tướng Giáp lại rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo hơn nữa. Chính vì vậy, tướng Giáp đã bị loại ra khỏi BCT và sau đó là ban chấp hành TƯ. Sự căng thẳng mà tướng Giáp phải chịu đựng trong giai đoạn này nhiều khi lên tới mức độ tột đỉnh như việc tướng Giáp bị phong tỏa gần như tuyệt đối khỏi mọi sự tiếp xúc với các địa phương, đoàn thể, thậm chí là các cá nhân. Ngay cả đối với các cuộc tiếp xúc với các nhân vật quốc tế, tướng Giáp cũng phải chấp thuận việc các nội dung trao đổi chỉ nằm trong khuôn khổ đã được cho phép và tướng Giáp đã tuân thủ rất nghiêm ngặt các khuôn khổ này vì biết rằng chỉ cần chỉ chệch hướng một chút, dù chỉ là một chút thôi, cũng đủ để phía các đồng chí của mình có cớ để thực hiện những biện pháp quyết liệt đối với bản thân với danh dự, uy tín của đại tướng. Có những lúc đại tướng phải đối mặt với những hành động cảnh cáo dằn mặt rất quyết liệt từ phía các tổ chức an ninh của Đảng như việc không cho lên máy bay từ trong Nam bay ra Hà Nội, rơi vào trạng thái gần như bị giam lỏng tại thành phố Hồ Chí Minh, và chỉ khi thủ tướng Phạm Văn Đồng đứng ra xin với tổng bí thư Lê Duẩn thì tướng Giáp mới được lên máy bay để quay về nhà. Đỉnh điểm của sự chịu đựng là vụ Sáu Sứ. Sự kiện này đã được nêu rõ trong cuốn sách bên thắng cuộc của Huy Đức. Nếu như lúc bấy giờ một số người tham gia vào vụ án này mà không giữ nổi lương tâm, và họ đã không dũng cảm từ chối, không tham gia vào việc ngụy tạo những bằng chứng cho sự” phản bội “của Đại tướng, thì tướng Giáp sẽ công khai trở thành kẻ thù của cách mạng, của đất nước !!!. Chỉ khi sức khỏe của đại tướng đã hoàn toàn suy kiệt, thì các” đồng chí “của đại tướng mới nới lỏng dần những sự giám sát vô cùng nghiêm ngặt trong những năm còn lại của đại tướng. Những điều tôi nêu ở trên thì hầu hết tất cả các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội đều biết, thậm chí chịu đựng cùng với đại tướng. Những ai trong giai đoạn này mà đến tiếp xúc với đại tướng đều phải có sự dũng cảm nhất định, hoặc là được Đảng cho phép và phân công cụ thể. Khi vụ Sáu Sứ bị đổ bể, đại tướng yêu cầu BCT phải làm sáng tỏ và tìm ra thủ phạm thực sự cố tình tạo dựng vụ này thì đều nhận được thái độ lảng tránh, và khi đại tướng yêu cầu gắt gao, thì tổng bí thư lúc bấy giờ Nông Đức Mạnh đã đưa ra một giải pháp có tính đánh đổi là thay vì làm sáng tỏ sự việc, thì Đảng và nhà nước sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ một cách hoành tráng và tên tuổi đại tướng sẽ được tôn vinh đầy đủ và mạnh mẽ trong lễ kỷ niệm này. BCT coi việc làm này là một sự thanh minh tốt nhất cho vụ án Sáu Sứ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn đe dọa “Đại tướng đừng vin là người có công để yêu cầu nọ kia đối với TƯ Đảng, những người có công với đất nước nhất đều đang nằm ở nghĩa trang Trường Sơn”. Và tất cả các ý kiến của đại tướng góp ý về các vấn đề có liên quan đến sát nhập Hà Nội, phá nhà quốc hội, hay nhân sự của tổng cục 2, Bauxite Tay Nguyên …, đều bị bỏ ngoài tai. Những điều tôi nói trên đây bất kỳ một tướng lĩnh nào, hoặc những cán bộ chính trị chủ chốt trong chính phủ lúc bấy giờ đều biết ….Do vậy, khi đại tướng ra đi, dường như tạo ra một hiệu ứng chia sẻ, thông cảm một cách mạnh mẽ nhất từ những người lính, đến những vị sỹ quan, tướng lĩnh trong quân đội đã biết, đã hiểu về đại tướng, cũng như rất nhiều trong số họ cũng là nạn nhân ở các mức độ khác nhau về những định kiến của chủ nghĩa thành phần, những toan tính phe cánh , sự đố kỵ, ghen ghét đối với những người có công, có đức, có tài đã gắn cuộc đời mình vào cuộc cách mạng thần thánh của dân tộc. Họ đến viếng đại tướng như để chia sẻ nỗi lòng của chính bản thân họ trong suốt cuộc đời mà họ đã trải qua. Hiệu ứng này sẽ vô cùng lớn và là một sự lên án gián tiếp mặt trái trong tổ chức của đảng cộng sản Việt Nam.

Lý giải về hiện tượng tại sao có rất nhiều các cháu thanh thiếu niên, và rất nhiều những ông bố bà mẹ đem theo những đứa con bé thơ của mình, đã không quản ngày đêm mưa nắng, lặng lẽ xếp hàng đến viếng đại tướng - hiện tượng này đối lập hẳn với thói quen đáng sợ hiện nay của người dân là ngày càng có xu hướng chạy theo cuộc sống thực dụng, ích kỷ, bon chen, sống chết mặc bay, khuất mắt trông coi, vô kỷ luật, vô pháp luật đang diễn ra khắp nơi, khắp chốn, minh chứng đặc trưng và rõ nét nhất của hiện tượng này dược thể hiện trong văn hóa giao thong. Sự hỗn loạn xuống cấp trong này vẫn hàng ngày hàng giờ diễn ra bất chấp mọi sự tuyên truyền “giáo dục”, răn đe cua Đảng và nhà nước…

Nhưng những hàng dài đến vô tận dòng người xếp hàng trật tự vào viếng đại tướng …, tại sao lai có sự thay dổi đột biến dến như vậy? Điều này, theo tôi, chỉ có thể lý giải là các hiện tượng tiêu cực, xuống cấp về đạo đức, văn hóa trong xã hội trong thời diểm hiện nay diễn ra khắp nơi, khắp chốn chỉ có tính nhất thời, do một hoặc những nguyên nhân nào đó mà những vị lãnh đạo đất nước không tìm ra hoặc không muốn tìm ra, thậm chí họ còn dung túng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp , bằng các cơ chế hoặc chính sách, biện pháp nửa vời, hình thức. Còn dân tộc Việt Nam, dù trong hoàn cảnh nào, vẫn ẩn chứa và gìn giữ được sự tự hào, sự tự tôn về long tự trọng và phẩm giá của con người Việt . Họ không lẫn lộn giữa vàng và thau, giữa những người chân chính và những kẻ ngụy chân chính. Phẩm chất này của người Việt Nam đã thấm vào máu thịt của dân tộc Việt, nó sẽ được phát tác khi có điều kiện thích hợp.

Những ngày lễ tang của tướng Giáp là lúc để những người con Việt Nam có được giây phút được trở lại với chính mình, những giọt mồ hôi, những giọt nước mắt rơi trong những ngày lễ tang đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhu cầu bản năng của dân tộc Việt. Những người lính, người cựu chiến binh họ khóc thương đại tướng, nhưng đồng thời dường như họ thấy việc đại tướng ra đi làm họ mất đi niềm tin cuối cùng của cả một thế hệ đã hy sinh tuổi trẻ, xương máu của mình vì đất nước, nhưng dường như sự hy sinh đó cho dến nay đã không được thế hệ kế tiếp phát huy mà ngược lại còn bị làm dụng, thậm chí bị phản bội .

Việc các ông bố bà mẹ đưa con nhỏ đi theo sẽ không phải vì bất cứ lý do gì , ngoài mục tiêu day dỗ cho những đứa con ruột thịt của mình về thế nào là phẩm giá, là lương tri của người VN. Bây giờ những đứa trẻ này còn quá bé để hiểu ra những điều bố mẹ chúng đang làm, nhưng khi chúng lớn lên, chắc chắn chúng sẽ kính trọng và biết ơn bố mẹ.

Tôi cho rằng sẽ là thật sự khiếm khuyết nếu không nhắc tới một hiện tượng của hàng triệu người dân hiện nay là sự khát khao:

- Sự khát khao được bày tỏ lòng yêu nước khi đã lâu lắm rồi thật không dễ dàng gì để những người dân Việt được thể hiện lòng yêu nước của mình.

- Sự khát khao được đặt lòng tin yêu của mình đối với lãnh tụ của đất nước. Cũng đã từ lâu lắm rồi, đất nước VN thiếu vắng những hình ảnh, những địa chỉ đáng tin cậy và có tính thuyết phục để người dân được thể hiện lòng kính trọng, sự tin yêu đối với các bậc lãnh tụ của đất nước.

- Sự khát khao được nghiêng mình trước một con người, một phẩm cách đáng tự hào, làm thêm rạng rỡ dân tộc Việt khi mà đã từ rất nhiều năm nay, biết bao nhiêu những tệ nạn, những hiện tượng do kết quả của sự suy đồi về văn hóa đạo đức trong xã hội đã làm ứa máu những sự tự tôn tự hào, sự kiêu hãnh của con người Việt.

Trong lịch sử đương đại của VN vừa qua, các vị lãnh tụ, nhân vật có nhân cách lớn đã lần lượt ra đi từ nhiều thập kỷ nay và tạo nên sự thiếu vắng về những nhân cách, những bộ óc và trái tim vĩ đại đối với người dân VN. Các thế hệ lãnh đạo mới của đất nước trong nhũng năm gần đây đã ngày càng bộc lộ những yếu kém về mọi mặt . Họ ngày càng xa rời những kỳ vọng của nhân dân. Nhiều khi họ trở thành lực lượng đối lập chống lại nhân dân. Trong bộ máy nhà nước và trong xã hội tràn ngập những sự ngụy biện, sự giả dối, và tham nhũng.

Tôi thật sự sung sướng, sung sướng đến nhòa lệ khi nhìn những dòng người này lặng lẽ tuôn chảy đến nhà số 30 Hoàng Diệu cũng như trong suốt 50 Km đường đưa linh cữu của đại tướng đi qua. Sự tiếc thương của người dân VN đối với đại tướng cũng là dịp để thế giới thấy rằng con người VN, dân tộc VN luôn có tiềm ẩn và luôn gìn giữ trong mình giòng máu Lạc Hồng, không phải dễ dàng gì có thể khuất phục họ bằng bom đạn, bằng sự áp chế vũ lực và bằng cường quyền. Sẽ đến lúc sự giả dối, sự ngu dốt, sự hèn nhát và các toan tính bẩn thỉu sẽ bị quét sạch ra khỏi đất nước này.


Bùi Minh Quốc

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 15-10-13
Nguồn: http://viet-studies.info/kinhte/BuiMinhQuoc_VeQuocTangVNG.htm

Tư liệu Võ Nguyên Giáp trên Danh nhân Việt (http://danhnhanviet.blogspot.com)

1) Nhân cách lớn của đại tướng Võ Nguyên Giáp
2)Tướng Giáp trí tuệ bậc Thầy
3)Võ Nguyên Giáp sao sáng trời Nam
4)Võ Nguyên Giáp vị nhân tướng khuyến học
5)Võ Nguyên Giáp thiên tài quân sự
6)Đại tướng Võ Nguyên Giáp chân dung một huyền thoại
7)Võ Nguyên Giáp đọc lại và suy ngẫm
8)Đọc lại và suy ngẫm Tết Mậu Thân 1968
9) Võ Nguyên Giáp vị tướng của lòng dân

Video yêu thích

Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh thế kỷ


Đại tướng Võ Nguyên Giáp Tập 1 (Phần 1)


Đại tướng Võ Nguyên Giáp tập 2 (phần 3)

http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính
Hoàng Kim, Ngọc Phương Nam, Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Học mỗi ngày, Danh nhân Việt, Food Crops News, CassavaViet, foodcrops.vn