Việt Nam tổ quốc tôi
Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2008
Nguyễn Bỉnh Khiêm
Hoàng Kim
(Tuyển chọn, biên soạn)
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585) là nhà giáo, nhà tiên tri, nhà thơ triết lý, nhà văn hoá lớn của thời Lê -Mạc.
TIỂU SỬ
Nguyễn Bỉnh Khiêm, sinh năm Tân Hợi (1491) đời vua Lê Thánh Tông, năm Hồng Ðức thứ 21, quê gốc ở huyện Vĩnh Lại, Hải Dương, nay là huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Ông sinh cùng thời với Nostradamus (1503-1566) là nhà tiên tri đại tài của phương Tây. Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh trưởng trong một danh gia vọng tộc, thân phụ ông là Thái bảo Nghiêm Quận công Nguyễn Văn Định, thân mẫu là bà Nhữ Thị Thục, con gái quan Thượng thư Nhữ Văn Lan, là người giỏi văn thơ và am hiểu lý số, nên Nguyễn Bỉnh Khiêm từ sớm đã hấp thụ truyền thống gia giáo.Ông khôi ngô tuấn tú và có tư chất thông minh khác thường, một tuổi đã nói sõi, năm tuổi đã thuộc nhiều thơ văn chữ Nôm truyền miệng và kinh sách được mẹ dạy cho. Năm 1497, vua Lê Thánh Tông mất, truyền ngôi cho Lê Hiếu Tông. Khi đó mới bảy tuổi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phải sống với cha vì mẹ đã bỏ nhà đi do bất đồng trong dạy con.
Lớn lên, ông theo học người thầy nổi tiếng tinh thông Lý học là Bảng nhãn Lương Đắc Bằng ở làng Lạch Triều, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Ông có nhân cách và tài năng lỗi lạc nên đã được thầy giảng dạy Bát quái đồ, Kinh Dịch, Lý học và trao truyền cho bộ sách Thái Ất Thần Kinh.
Khi Nguyễn Bỉnh Khiêm vào tuổi trưởng thành thì nhà Lê cũng bắt đầu giai đoạn cực kỳ suy yếu dưới thời vua Lê Uy Mục (1505-1509) " vua nghiện rượu, hay giết người, hoang dâm, thích ra oai, giết hại người tôn thất, giết ngầm tổ mẫu, họ ngoại chuyên quyền, trăm họ oán giận, người đời gọi là vua Quỷ". Tiếp đó là triều vua Lê Tương Dực (1510- 1516) "mặt thì đẹp mà người lệch,tính thích dâm, là vua Lợn" "ham chơi mà không quyết đoán, việc thổ mộc bừa bãi, nhân dân thất nghiệp, trộm cướp nổi dậy" (Đại Việt sử ký toàn thư). Năm 1508, Mạc Đăng Dung vốn là chàng đánh cá khoẻ ở làng Cổ Trai thuộc vùng Đồ Sơn đã thi trúng võ cử được lên chức Đô chỉ huy sứ. Năm 1526, ông được phong tước Thái Sư và đã hiếp vua phải nhường ngôi để lập ra nhà Mạc. Trong nước biến loạn, nhà Mạc tuy thay thế nhà Lê nhưng chưa được lòng dân. Cựu thần nhà Lê là Lê Ý, Nguyễn Kim dựng cờ “Lê Trung hưng” ở Thanh Hoá. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã ở ẩn suốt hai mươi năm, cùng hai người bạn thân là Bùi Doãn Đốc và Nguyễn Thừa Hưu (tam hữu: Tùng, Mai, Trúc) không ra dự thi tiến sĩ.
Lúc Nguyễn Bỉnh Khiêm 45 tuổi, thời Mạc Đăng Doanh lên nối ngôi năm Đại Chính thứ sáu (1535), thì ông mới ra thi và đã đỗ Trạng nguyên. Hai bạn thân của ông đã đỗ Bảng nhãn và Thám hoa. Vua Mạc cất ông lên làm Ðông các Hiệu thư rồi được thăng tới chức Lại Bộ Tả thị lang kiêm Đông các Đại học sĩ.
Nguyễn Bỉnh Khiêm làm quan Tam phẩm triều Mạc 8 năm. Sau khi vua giỏi Mạc Đăng Doanh đột ngột từ trần (1540), nhà Mạc không có vua sáng nối nghiệp. Ông dâng sớ hạch tội 18 lộng thần dưới triều vua Mạc Phúc Hải nhưng không được vua nghe. Năm 1542, ông đã xin cáo quan ở tuổi 53.
Sau khi về trí sĩ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã mở trường dạy học, dựng am Bạch Vân, quán Trung Tân cạnh sông Hàn Giang, lấy hiệu là Bạch Vân Cư Sĩ và học trò gọi ông là "Tuyết Giang Phu tử". Học trò của ông có nhiều người nổi tiếng như: Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, nhà ngoại giao lỗi lạc; Nguyễn Dữ, tác giả "Truyền kỳ mạn lục"; Lương Hữu Khánh, Lễ bộ Thượng thư của triều Lê Trung hưng; Giáp Hải, Trạng nguyên của triều Mạc; Nguyễn Quyện, danh tướng của triều Mạc; Trương Thời Cử, Trương Thời Trung, Nguyễn Mãn, Đinh Bá Lộc, Nguyễn Văn Chính ... đều là những nhân tài kiệt xuất một thời. Ngay cả khi đã lui về dạy học, cụ vẫn được các vua Mạc đến vời ra giúp hoặc hỏi về mưu lược. Mặc dù Nguyễn Bỉnh Khiêm tôn phù nhà Mạc nhưng chúa Trịnh, chúa Nguyễn đều kính phục và vấn kế.
Nguyễn Bỉnh Khiêm được dân gian truyền tụng và suy tôn là "nhà tiên tri" số một của Việt Nam. Ông đã cho ra đời "Sấm ký" là những lời tiên tri mà người đời gọi là "Sấm Trạng Trình”. Tương truyền, khi Nguyễn Hoàng sợ bị anh rể Trịnh Kiểm giết, ông khuyên nên xin về phía nam với câu "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân". Khi vua Lê Trung Tông chết không có con nối, Trịnh Kiểm sai người đến hỏi ông. Ông nói với chú tiểu, nhưng thực ra là nói với bề tôi họ Trịnh: "Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản" (ý nói giữ là tôi của các vua Lê thì lợi hơn). Trịnh Kiểm nghe theo, sai người tìm người tôn thất nhà Lê thuộc chi Lê Trừ (anh Lê Lợi) đưa lên ngôi, tức là vua Anh Tông. Họ Trịnh mượn tiếng thờ nhà Lê nhưng nắm thực quyền điều hành chính sự, còn nhà Lê nhờ họ Trịnh lo đỡ cho mọi chuyện chính sự, hai bên nương tựa lẫn nhau tồn tại tới hơn 200 năm. Bởi thế còn có câu: "Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong". Lúc nhà Mạc sắp mất cũng sai người đến hỏi ông, ông khuyên vua tôi nhà Mạc "Cao Bằng tuy thiển, khả diên sổ thể" (tức Cao Bằng tuy nhỏ, nhưng có thể giữ được). Nhà Mạc theo lời ông và giữ được đất Cao Bằng gần 80 năm nữa.
Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà văn hoá lớn, nhà thơ triết lý, nhà hiền triết thông kim bác cổ, tài danh lỗi lạc "tác giả lớn của văn học thế kỷ XVI và của cả giai đoạn văn học thế kỷ XVI, XVII và nửa đầu thế kỷ XVIII" (Từ điển Văn học Việt Nam). Ông đã để lại tập thơ chữ Nôm "Bạch Vân Quốc ngữ thi tập" "có cả ngàn bài" theo lời "Bài tựa" của chính ông, và nhiều bài thơ chữ Hán. Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm đề cập đến nhiều vấn đề hiện thực xã hội, là tiếng nói về đạo lý ở đời. Vũ Khâm Lân đã khen "văn chương của tiên sinh thường bộc lộ cái tấc dạ ưu thời mẫn thế, không cần điêu luyện mà tự nhiên, giản dị mà lưu loát, thanh đạm mà ý vị, câu câu đều có ngụ ý răn đời" "ý nghĩa thanh cao mà siêu thoát", Phan Huy Chú thì cho rằng đọc qua thơ ông, dù nghìn năm sau còn tưởng như trăng trong, gió mát".
Cụ từ trần ngày 28 tháng 11 năm Ất Dậu (1585) hưởng thọ 95 tuổi. Vua Mạc Mậu Hợp truy phong Nguyễn Bỉnh Khiêm là Lại Bộ Thượng Thư Thái Phó Trình Quốc Công, nên nhân dân quen gọi là Trạng Trình.
Nhận xét về Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà sử học Phan Huy Chú đã viết trong bộ sách lớn Lịch triều hiến chương lọai chí: "Một bậc kỳ tài, hiền danh muôn thuở". La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp khi về thăm đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, có bài thơ Quá Trình tuyền mục tự (Qua thăm đền cũ Trình tuyền) đã xem Trình tuyền là người có tài "Huyền cơ tham tạo hóa" (nắm được huyền vi của tạo hóa). Tiến sĩ thời nhà Hậu Lê Vũ Khâm Lân đã làm bia ở đền Trạng Trình và nói rằng danh tiếng Trạng Trình “ như núi Thái sơn, sao Bắc Ðẩu / nghìn năm sau như vẫn một ngày/. Đạo Cao Đài đã suy tôn ông là một trong ba vị Thánh cùng với Tôn Trung Sơn và Victor Hugo.
TÁC PHẨM CHỌN LỌC
NHÀN (Thơ Nôm, bài 73)
Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến cội cây, ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
CHÍN MƯƠI (Thơ Nôm, bài 29)
Tóc đã thưa, răng đã mòn,
Việc nhà đã phó mặc dâu con.
Bàn cờ, cuộc rươu, vầy hoa cúc
Bó củi, cần câu, trốn nước non.
Nhàn được thú vui hay nấn ná,
Bữa nhiều muối bể chứa tươi ngon
Chín mươi thì kể xuân đà muộn
Xuân ấy qua thì xuân khác còn.
DƯỠNG SINH THI
Tích khí, tồn tinh, cánh dưỡng thần
Thiểu tư, qủa dục, vật lao thân.
Thực thôi ban bảo, vô kiêm vị,
Tửu chỉ tam phân, mạc quá tần
Mỗi bả hý ngôn, đa thủ tiếu,
Thường hàm, lạc ý, mạc sinh xân
Nhiệt viêm, biến trá, đô hưu vấn
Nhiệm ngã tiêu dao qúa bách xuân
Tạm dịch:
Giữ khí, gìn tinh, lại dưỡng thần
Ít lo, ít muốn, ít lao thân.
Cơm nên vừa bụng, đừng nhiều vị,
Rượu chỉ vài phân, chớ qúa từng.
Miệng cứ câu đùa, vui miệng mãi,
Bụng thường nghĩ tốt, bụng lâng lâng.
Bốc đồng, biến trá, thôi đừng hỏi,
Để tớ tiêu dao đến tuổi trăm.
(GS. Lê Trí Viễn dịch)
Tài liệu tham khảo: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. Nguyễn Bỉnh Khiêm; Bạch Vân Trình Quốc Công Lục ký VNB3;Minh Giang 2006. Bạch vân cư sĩ- Nhà Xuất bản Thanh Niên, Hà Nội 351 trang; Đinh Gia Khánh (chủ biên) 1983. Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhà Xuất bản Văn học, Hà Nội.Phan Trọng Luận (Tổng Chủ biên) và ctv. 2006. Ngữ văn lớp 10, tập 1, Nhà Xuất bản Giáo dục, Hà Nội,trang 128-129; TS. Nguyễn Hữu Sơn, 2003. Nguyễn Bỉnh Khiêm nhà thơ triết lý thế sự. Nhà xuất bản Trẻ, Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TP. Hồ Chí Minh 160 trang; Trình Tiên sinh Bạch Vân quốc ngữ thi tập AB 444; Trình Quốc Công Sấm ký AB 345, Phạm Đan Quế 2000, Giai thoại và sấm ký Trạng Trình. Nhà Xuất bản Văn học.
CẢM NHẬN
Em đã đọc nhiều gương sáng danh nhân
Hãy biết nhục, biết hèn mà lập chí
Thắp đèn lên đi em, ngọn đèn dầu bền bỉ
Sáng giữa đời, lấp lánh một niềm tin!
(trích...)
THƠ HOÀNG KIM, Thắp đèn lên đi em!
Tags: | Nguyen_Binh_Khiem (Những chữ in màu xanh lá cây là có chú giải))
Post 1: 09.10.2006 http://blogtiengviet.net/ DAYVAHOC
Post 2: 16.6.2007 http://blog.360.yahoo.com/hoangkim_vietnam
Post 3:: 4.1.2008 http://blog.360.yahoo.com/hoangkim_vietnam
(Ảnh tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm: theo Lê Văn Hảo chimviet.free.fr/.../nguyenbinhkhiem.jpg)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét