Thứ Hai, 31 tháng 12, 2007

Nguyễn Thiếp

Hoàng Kim
(Tuyển chọn, biên soạn)

Nguyễn Thiếp (l723-1804) là nhà văn hoá lớn của Việt Nam, bậc thầy hiền sĩ thức thời, danh tiết thanh cao, biết người và biết mình. Người được Hoàng đế Quang Trung ba lần mời ra giúp sức. Người được chúa Trịnh Sâm, vua Gia Long và các sĩ phu đương thời nể trọng.

TIỂU SỬ
Nguyễn Thiếp có tên hiệu La Sơn phu tử. Ông là bậc thầy hiền sĩ thức thời, danh tiết thanh cao, biết người biết mình, không màng danh lợi. Ông sinh ngày 25 tháng 8 năm Quý Mão (1723) ở làng Mật Thôn, xã Nguyệt Úc, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông còn có nhiều tên hiệu, tên tự khác như La Giang phu tử, Lam Hồng Dị Nhân, Khải Xuyên, Khải Chuyên, Nguyệt Úc, Lạp Phong cư sĩ, Hạnh Am, Hầu Lục niên, Lục niên Tiên sinh, Điên ẩn, Cuồng ẩn. Ông được nuôi dưỡng trong một gia đình văn hóa uyên thâm. Bên nội thuộc dòng dõi của Bảng nhãn Nguyễn Bật Lạng triều Lê Thần Tông. Bên ngoại là họ Nguyễn “Trường Lưu”, một dòng họ khoa bảng nổi tiếng “văn phái Hồng Sơn”. Nguyễn Thiếp nổi tiếng thiên tư sáng suốt, học rộng, hiểu sâu. Năm 20 tuổi, ông thi hương đậu giải nguyên. Năm 26 tuổi, ông thi hội đậu tam trường. Năm 30 tuổi, ông nhậm chức huấn đạo ở phủ Anh Sơn. Năm 40 tuổi, ông làm tri huyện Thanh Chương. Năm 46 tuổi, ông từ quan, về dựng nhà sống ẩn trên núi Thiên Nhẫn (Lục niên thành). Thời ấy, thế cuộc rối ren, vua Lê suy nhược, chúa Trịnh lộng quyền, Trịnh Giang giết vua, loạn thần chuyên chính, Lê Duy Mật dấy loạn, lời trung khó dùng, can gián mang họa. Nguyễn Thiếp thức thời, chán cảnh quan trường, không màng danh lợi nên đã từ quan về sống ẩn, đi chơi nay đây mai đó, xem xét địa thế. Ông trèo đèo, vượt suối vào sâu trên 99 ngọn núi Hồng Lĩnh thăm chùa Hương có từ đời Trần “Cổ Nguyệt Linh Quang” nơi nguồn thiêng của sông núi. Ông lên núi Chung khảo sát vượng khí của nước Nam và đã để lại cho hậu thế hai câu thơ lạ "Chung sơn tại đỉnh hình vương tự, Kế thế anh hùng vượng tử tôn" (Trên đỉnh núi Chung có hình chữ vương, con cháu nơi này tiếp bước nhau là những anh hùng). Ông đến am Bạch Vân thăm đền cũ Trạng Trình và có bài thơ “Quá Trình tuyền mục tự” (Qua thăm đền cũ Trình tuyền), ca ngợi Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có tài "huyền cơ tham tạo hóa" (nắm được huyền vi của tạo hóa). Ông viếng mộ Phạm Viên “tiên ông đắc đạo”, nghiên cứu kỹ về hình thế núi sông, cửa biển và các đường sá giao thông. Ông viết về phong thổ làng Cương Gián: "Tổ tiên ta ngày xưa ở tại làng này. Phía sau làng núi Hồng đồ sộ, phía trước là biển cả mênh mông. Bàu nước Hoa Viên mượt mà dải lụa uốn lượn quanh làng. Đây là một làng quê đông đúc giàu có". "Họ ta vốn gốc từ Diêm Phá, thuộc tỉnh Thanh vất vả vào đây, mến yêu cảnh vật nơi này, cần cù lương thiện vui vầy làm ăn ". Ông được giới sĩ phu đương thời rất nể trọng và chúa Trịnh Sâm mời ông ra Kinh đô để hỏi mưu kế. Ông can chúa Trịnh đừng tiếm vị vua Lê nhưng tình thế phức tạp nên ông lại trở về núi.

Nguyễn Thiếp được Hoàng đế Quang Trung ba lần mời ra giúp sức, ông là vị quân sư tài giỏi của vua Quang Trung. Năm 1786, lúc Nguyễn Thiếp 63 tuổi, Nguyễn Huệ chiếm Thuận Hóa, tiến ra Bắc tiêu diệt Trịnh Khải và trả quyền lại cho vua Lê. Trên đường ra Bắc, Nguyễn Huệ đã tìm đến Nguyễn Thiếp để cầu hiền và mời ông ra giúp sức. Nguyễn Thiếp lấy cớ ông là thần tử nhà Lê để từ chối. Trên đường về Nam, Nguyễn Huệ một lần nữa lại đến mời ông nhưng ông cũng khéo léo từ chối để đủ thời gian đánh giá phương cách xử sự của nhà Tây Sơn đối với nhà Lê. Khi lực lượng Tây Sơn rút về Nam, con cháu họ Trịnh lại nổi lên trở lại. Vua Lê Chiêu Thống mời Nguyễn Hữu Chỉnh, người Bắc Hà nhưng đã theo phò gia đình Tây Sơn, lúc đó đang ở Nghệ An, ra Thăng Long để dẹp họ Trịnh. Nguyễn Hữu Chỉnh dẹp xong con cháu họ Trịnh, lại chuyên quyền và quay qua muốn gây hấn với Tây Sơn ở trong Nam. Nguyễn Huệ liền cử Võ Văn Nhậm, Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân ra Bắc dẹp Nguyễn Hữu Chỉnh. Chỉnh bỏ chạy rồi bị bắt giết. Vua Lê Chiêu Thống cũng bỏ chạy luôn. Võ Văn Nhậm đưa chú của Chiêu Thống là Lê Duy Cận lên làm Giám quốc. Nguyễn Huệ đã tự cầm quân ra Thăng Long giết Võ Văn Nhậm (vì tội Nhậm đã không thận trọng để cho Lê Chiêu Thống trốn thoát, Nhậm là con rể của Nguyễn Nhạc) và giao quyền thống lĩnh lực lượng Tây Sơn ở Bắc Hà cho Ngô Văn Sở. Trong lúc Lê Chiêu Thống lẩn trốn ở Bắc Hà, thì mẹ của nhà vua đem con của nhà vua vượt ải Thủy Khẩu qua Long Châu cầu cứu với nhà Thanh vào tháng 7 năm Mậu Thân (1788). Nhà Thanh liền chụp lấy cơ hội đem quân sang xâm lược Việt Nam. Nguyễn Huệ đã đăng quang hoàng đế ngày 25 tháng 11 (22.12. 1788) và cấp tốc kéo quân ra Bắc sau hơn một tháng chuẩn bị. Tại Nghệ An, (có tài liệu nói là tại đỉnh đèo Ngang nơi Nguyễn Thiếp đã viết bài thơ cảm khái sau này) vào ngày 29 tháng 11 (âm lịch) La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã hội kiến vua Quang Trung. Trong lần gặp gỡ thứ ba này, Nguyễn Thiếp trên lập trường dân tộc đã đứng hẵn về vua Quang Trung để lo việc chống giặc. Nhà vua bàn với Nguyễn Thiếp kế hoạch hành quân. Nguyễn Thiếp nói: "Người Thanh ở xa tới, mệt nhọc, không biết tình hình khó dễ thế nào, thế nên chiến thủ thế nào. Và nó có bụng khinh địch. Nếu đánh gấp đi thì không ngoài 10 ngày sẽ phá tan. Nếu trì hoãn một chút thì khó lòng mà được nó." Lời bàn của Nguyễn Thiếp được vua Quang Trung rất hợp ý. Nguyễn Thiếp đã quân sư trong các kế lớn “xuất sư chính danh”, “ bổ sung quân Thanh Nghệ”,“hành binh thần tốc”, “xuất kỳ bất ý” “đánh trong dịp Tết”. Vua Quang Trung đã cấp tốc tuyển quân Thanh Nghệ trong mười ngày đến ngày mồng 10 tháng chạp (5.1.1789) thì tiếp tục hành quân ra Bắc. Ngày 20 tháng chạp (15.1.1789), nhà vua đến Tam Điệp hội quân với lực lượng Tây Sơn ở Bắc Hà do đại tư mã Ngô Văn Sở chỉ huy. Vua Quang Trung cho quân nghỉ ngơi tại Tam Điệp và chuẩn bị chiến trường trong mười ngày, sau đó đã mở chiến dịch Tết Kỷ Dậu tấn công ào ạt trong sáu ngày thì đánh tan quân Thanh.

Hoàng đế Quang Trung đã giao cho Nguyễn Thiếp và Thận Quận công chọn địa điểm và chủ trì xây dựng kinh thành Phượng Hoàng Trung Đô tại tỉnh Nghệ An để thay thế kinh đô Phú Xuân. Vị trí kinh đô đặt tại vùng núi Dũng Quyết bên dòng sông Lam nay là thành phố Vinh. Đây là đất tổ nghiệp “họ Hồ” của triều Tây Sơn để cố kết và thu phục lòng dân; vị thế chiến lược hết sức quan trọng “đóng đô ở Nghệ An là độ đường vừa cân, vừa có thể khống chế được trong Nam ngoài Bắc, và sẽ làm cho người tứ phương đến kêu kiện tiện việc đi về”; vị trí kinh đô hội tụ đủ "tứ linh": Long thủ (đầu rồng), Kỳ Lân (con mèo), Quy Bối (cồn rùa), Phượng Dực (cánh phượng). Nguyễn Thiếp đã gấp rút xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô trong bốn năm thì cơ bản đã hoàn thành. Hoàng đế Quang Trung đã làm việc tại đây ít nhất hai lần vào tháng 5-1791 và tháng 1-1792, nhưng sáu tháng sau, vua đột ngột qua đời nên không kịp dời đô từ Phú Xuân ra Trung Đô. Khi Nguyễn Quang Toản lên ngôi, lời trối của vua Quang Trung và kế sách của Nguyễn Thiếp đề nghị hãy gấp rút dời kinh đô ra vùng Nghệ Tĩnh để làm căn cứ địa đã không được thực thi. Nguyễn Ánh sau khi tiêu diệt nhà Tây Sơn đã huỷ bỏ tất cả những gì do triều Tây Sơn đã tạo dựng. Hiện nay, Phượng Hoàng Trung Đô chỉ còn lưu dấu tích dưới chân núi Dũng Quyết. Theo sách La Sơn Phu Tử thì Phượng Hoàng Trung Đô có hai lần thành là thành nội và thành ngoại. Thành ngoại xây bằng đất và đá ong, hình tứ giác, chu vi 2.820 m, bờ thành cao 3-4 m, diện tích 22 ha, bao quanh thành ngoại là con hào rộng 30 m, sâu 3 m. Thành nội xây bằng gạch vồ và đá ong, chu vi 1.680 m, có hai dãy hành lang nối với điện Thái Hòa, nơi vua thiết triều.

Nguyễn Thiếp là nhà văn hoá lớn tiêu biểu cho sự độc lập văn hóa của Việt Nam. Ông đã tận lực giúp vua Quang Trung hoàn thiện chữ Nôm, biên dịch các sách chữ Hán sang chữ Nôm để phục vụ cho chính sách sử dụng chữ Nôm trong mọi sinh hoạt văn hoá Việt Nam, dùng chữ Nôm trong các văn bản, sắc dụ để thay thế chữ Hán. Ông làm Viện trưởng Viện Sùng chính đã dày công phiên dịch các bộ sách Tứ thư và Ngũ kinh. Ông là một học giả uyên thâm Hán văn và chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa sâu đậm, nhưng đã gìn giữ trọn vẹn văn hoá truyền thống của dân tộc. Tiếc rằng những tác phẩm của La Sơn phu tử đến nay không còn nữa, vì vua Quang Trung chết yểu, sau đó là triều nhà Nguyễn bị ảnh hưởng Tống Nho chỉ chú trọng chữ Hán nên những tác phẩm chữ Nôm và những văn bản triều Tây Sơn không còn được bảo tồn. Vào khoảng đầu năm 1803, lúc Nguyễn Thiếp 80 tuổi, vua Gia Long đã triệu ông vào Phú Xuân để hỏi việc nước. Trên đường về, khi qua đỉnh đèo Ngang, ông đã cảm khái đọc bài thơ Nôm:

Đã trót lên đèo, phải xuống đèo
Tay không mình tưởng đã cheo leo
Thương thay thiên hạ người gồng gánh
Tháng lọn ngày thâu chỉ những trèo!

Nguyễn Thiếp mất năm 1804, hưởng thọ 81 tuổi. Lăng mộ Nguyễn Thiếp, hiện thuộc xã Nam Kim dưới chân dãy Thiên Nhẫn. Trước mộ ông là hồ nước Nam Kim trong xanh, phẳng lặng. Mộ ông là một trong những điểm đến nổi tiếng của quần thể di tích lịch sử-văn hoá vùng đất Lam Hồng.

Nguồn: 1) Trần Trọng Kim (viết năm 1919, bản in lần thứ nhất năm 1921), 1999, Việt Nam Sử Lược, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin, Hà Nội, trang 407; 2) Bách khoa toàn thư mở Wikipedia; 3) Hoàng Xuân Hãn. 1952. La Sơn Phu tử. Giải thưởng Hồ Chí Minh về cụm công trình lịch sử và lịch Việt Nam ; 4) Trần Gia Phụng 2006. Mùa xuân nói chuyện Đống Đa. 5) Nguyễn Thế Kỷ, 2004. Làng Chùa, làng Sen cổ xưa gần gũi hơn giữa thời hiện đại. 6) Nam Dao, 2000. Gió lửa. Tiểu thuyết lịch sử. Thi văn.

Nguồn: DAYVAHOC http://blog.360.yahoo.com/hoangkim_vietnam
Tags: danhnhanviet_nguyen_thiep
Saturday June 16, 2007 - 06:38am (ICT)

Không có nhận xét nào: