Phan Hoàng
http://vietimes.com.vn/ Thứ tư, 12/11/2008
Sáng ngày 7.11.2008, tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch ở TP.HCM đã diễn ra lễ kỷ niệm 40 năm ngày mất của bác sĩ anh hùng Phạm Ngọc Thạch trong niềm xúc động của nhiều đồng nghiệp và các thế hệ học trò gần gũi với ông. Nhà trí thức lớn đã ngã xuống như một vị tướng trên chiến trường vào một chiều mùa đông ở rừng biên giới Tây Nam trong niềm tiếc thương của nhân dân cả nước lẫn bạn bè quốc tế. Ngay thời điểm ấy, trên tờ tạp chí của Hội Y học Pháp - Việt, Giáo sư thạc sĩ André Roussel đã phải thốt lên rằng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch “do tập trung được những đức tính hiếm có và quý báu, mà khi nói đến ông người ta dùng một câu rất hiếm: Đó là một người hiền vĩ đại”.
Trí thức với vận mệnh tổ quốc
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch
Lịch sử đã ghi nhận rằng, từ sau Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940 thất bại cho đến trước ngày Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, “trong đám lửa tàn lại nhen lên những hòn than hồng” mà chủ yếu là hoạt động yêu nước của tầng lớp học sinh, sinh viên, trí thức. Đó là nhóm ca nhạc Hoàng Mai Lưu với tiếng nhạc lời ca đầy hùng khí, là Đoàn Hùng ở Trường trung học Pétrus Ký, là bước tiến rầm rập của sinh viên từ Hà Nội về Nam trên những chiếc xe đạp để tổ chức những đêm dạ hội với các vở kịch Nợ Mê Linh, Hội nghị Diên Hồng, Hưng Đạo phá Nguyên, Đêm Lam Sơn… rồi tham gia làm báo Thanh niên của Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, dùng ngòi bút để tranh đấu. Trên cơ sở đó, phong trào yêu nước Thanh niên Tiền phong đã ra đời.
Trong Cách mạng tháng Tám, tầng lớp trí thức là lực lượng nhập cuộc rất sôi nổi tích cực. Quân Pháp tái chiếm Nam Bộ. Phần lớn trí thức Sài Gòn lục tỉnh theo tiếng gọi non sông, từ bỏ cuộc sống phố hội, dấn thân vào chốn bưng biền trong kháng chiến chín năm. Những trí thức còn kẹt lại trong thành phố, thì đa số bất hợp tác với quân xâm lược. Trong bài nói chuyện nhân dịp mừng sinh nhật 85 tuổi của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Giáo sư Trần Văn Giàu tâm sự rằng “trong Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chín năm, tầng lớp trí thức Sài Gòn và Nam Bộ đã tham gia rất đông đảo và bền bỉ với ý thức cao sâu, với tinh thần mãnh liệt. Người gãy gánh giữa đường rất ít. Anh chị em không phải nhất thời bị lôi cuốn theo phong trào; anh chị em là bộ phận cấu thành phong trào, trong một số trường hợp, anh chị em là chủ xướng”.
Từ trong máu lửa đấu tranh vì danh dự dân tộc đã nổi lên nhiều hình ảnh trí thức tiêu biểu của Sài Gòn và Nam Bộ, xin được kể ra một vài cái tên như: Lưu Văn Lang, Nguyễn Xuân Bái, Phan Văn Chương, Thái Văn Lung, Phạm Ngọc Thạch, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Ngọc Thuần, Lê Đình Chi, Phạm Văn Bạch, Nguyễn Văn Hưởng, Ca Văn Thỉnh, Huỳnh Tấn Phát… Giáo sư Trần Văn Giàu khẳng định: “Có thể nói chắc rằng đi với Cách mạng và Kháng chiến, người trí thức gần như tuyệt nhiên không vì quyền lợi thiết thực nào. Nếu nói quyền lợi thiết thực, thì đi kháng chiến họ chỉ mất, không được gì. Thế thì “duy tâm” à? Không! Ấy là “duy” danh dự dân tộc, “duy” lý tưởng độc lập tự do. Xưa nay, dám đi tù, chịu chết vì tấm áo, bát cơm, đúng là nhiều người; mà xưa nay ở đất nước Việt Nam này, dám chết vì giải phóng dân tộc, vì độc lập tự chủ, thì càng nhiều người hơn, không phải là hàng ngàn hàng vạn mà hàng triệu. Trí thức nhạy cảm ở danh dự. Cách mạng và Kháng chiến kích thích đến tột độ cái ý thức danh dự dân tộc của trí thức, được cái này thì dù phải bỏ của cải, phải xa gia đình cũng ưng”.
Thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong
Tháng 3.1945, trước sự lớn mạnh của phong trào học sinh, sinh viên và trí thức yêu nước, một nhóm các nhà tri thức tiên phong đã đứng ra thành lập phong trào Thanh niên Tiền phong tại Sài Gòn, sau đó phát triển nhanh ra khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được cử giữ chức Bí thư Đảng đoàn kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị phong trào Thanh niên Tiền phong ở Sài Gòn và Nam Kỳ. Chỉ trong vòng ba tháng đầu, số đoàn viên Thanh niên Tiền phong lên tới 1.200.000 người, riêng Sài Gòn chiếm 200.000 người..
Bên cạnh Phạm Ngọc Thạch, tham gia lãnh đạo Thanh niên Tiền phong còn có các nhà trí thức: Thái Văn Lung, Ngô Tấn Nhơn, Nguyễn Văn Thủ, Trần Bửu Kiếm, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng,… Luật sư Thái Văn Lung quê ở Thủ Đức, vốn là con của một hào phú, tốt nghiệp cử nhân luật và khoa học chính trị ở Paris. Bác sĩ Nguyễn Văn Thủ sinh ở Vĩnh Long, học trung học và đại học bên Pháp, tốt nghiệp bác sĩ nha khoa năm 1940, hai năm sau về nước. Trần Bửu Kiếm quê ở Ô Môn, Cần Thơ học trường trung học Pétrus Ký- Sài Gòn và đại học luật ở Hà Nội. Bộ ba nhóm Hoàng Mai Lưu (Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước) là những sinh viên yêu nước nổi tiếng, hưởng ứng phong trào “Xếp bút nghiên” đã rời Hà Nội về Nam bằng xe đạp, sáng tác nhạc, kịch, thơ, viết báo tham gia tranh đấu… Tất cả họ đã từ bỏ con đường danh vọng trước mắt để thực hiện nghĩa vụ của một công dân trước vận mệnh đất nước, tương lai dân tộc.
Ngày 18.8.1945, tại Vườn Ông Thượng (nay là Công viên Văn hóa TP.HCM) hơn 50.000 đoàn viên Thanh niên Tiền phong làm lễ tuyên thệ “Trung thành với Tổ quốc, chống địch đến cùng”. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã đứng trên bục cao chỉ huy biển người đồng ca bài Quốc dân hành khúc, tức Thanh niên hành khúc do chính ông sáng tác và được chỉnh sửa lời cho phù hợp với tình hình mới. Hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo cách mạng Trần Văn Giàu, Huỳnh Tấn Phát…, ngày 22.8.1945 Ban Chấp hành Thanh niên Tiền phong họp ra quyết nghị gia nhập Mặt trận Việt Minh chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Đêm 24 rạng ngày 25.8.1945, hàng chục vạn đồng bào Sài Gòn- Chợ Lớn, mà Thanh niên Tiền phong là một trong những thành phần chủ lực, đã kéo về trung tâm thành phố đấu tranh giành chính quyền.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch bên cây đa Tân trào
Một khu rừng nguyên sinh
Phạm Ngọc Thạch sinh 7.5.1909 tại Phan Thiết, thuộc hàng “danh gia vọng tộc”, ông nội là quan Án sát Phạm Ngọc Quát, còn mẹ là cháu nội Tuy Lý Vương, lấy vợ người Pháp. Ông học Đại học Y Hà Nội đến năm thứ 4 thì sang Paris học tiếp. Năm 1934, ông tốt nghiệp và về nước mở phòng mạch tư chữa bệnh lao tại thành phố Sài Gòn. Năm 1936, ông trở thành hội viên duy nhất ở Đông Dương của Hội Nghiên cứu bệnh lao Pháp. Vừa chữa bệnh cho nhân dân, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch vừa tham gia phong trào yêu nước thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Ngày 2.9.1945, ông là thủ lĩnh của Thanh niên Tiền phong, Ủy viên Lâm ủy hành chính, đứng ra tuyên bố khởi nghĩa giành chính quyền đã thành công trước hàng triệu đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn mít tinh mừng nước nhà độc lập. Sau đó, ông trở thành Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của Chính phủ lâm thời và là thành viên của đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đàm phán với Pháp tại Hội nghị trù bị ở Đà Lạt vào tháng 4.1946. Trong kháng chiến chín năm, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trở về hoạt động ở Nam Bộ, giữ trọng trách Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Cuối năm 1953, nhận chỉ thị của Hồ Chủ tịch, ông ra chiến khu Việt Bắc. Sau Hiệp định Genève năm 1954, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Viện trưởng đầu tiên của Viện Chống lao trung ương và là Ủy viên Ban Kỹ thuật Hội Bài trừ lao quốc tế. Ông đã dược chính phủ tặng danh hiệu Anh hùng Lao động do những đóng góp to lớn trong lĩnh vực y tế.
Nhà văn Nguyễn Hải Trừng đã viết: “Anh Phạm Ngọc Thạch như một dãy núi lớn, một khu rừng nguyên sinh có cây ngàn tuổi, có hoa bốn mùa phong phú vô cùng về hình thể, màu sắc và hương thơm tỏa ngát khỏi biên giới một quốc gia”. Với tư cách là thầy thuốc, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch hết lòng vì bệnh nhân. Trước Cách mạng tháng Tám, phòng mạch của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nằm trên đường Arras (nay là Cống Quỳnh thuộc quận 1), cùng đường phố với phòng mạch của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng thời đó. Với một tinh thần chung vì người bệnh, nhất là đối với bệnh nhân nghèo, phòng mạch của cả hai bác sĩ được sự tín nhiệm lớn của đông đảo đồng bào.
Trong dòng hồi ức của mình vào sáng ngày 7.11.2008, dược sĩ anh hùng Nguyễn Duy Cương- nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đã nói: “Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là một thầy thuốc nhân hậu, rất bình dân. Nửa đêm có người bệnh gõ cửa đánh thức, ông vẫn lái xe đến tận các khu nhà nghèo để khám và chữa bệnh cho người lao động”.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cũng là người hết sức tận tụy với đồng nghiệp. Năm 1953, trên đường ra Việt Bắc, ông ghé thăm hai bác sĩ Tôn Thất Tùng và Hồ Đắc Di. Gặp lúc bác sĩ Hồ Đắc Di đang bệnh nặng, dù công việc rất gấp, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch vẫn xin phép cấp trên nán lại một tuần để chữa bệnh và chăm sóc đồng nghiệp. Giáo sư Hồ Đắc Di nhớ lại với một sự xúc động sâu xa: “Tôi khâm phục tinh thần tận tụy phục vụ người bệnh của anh. Ngày đêm anh nằm cạnh giường tôi, nâng giấc tôi như một người mẹ hiền. Tôi mang ơn anh đã cứu sống tôi!”. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đọng lại trong ký ức nhiều bệnh nhân tại Viện Chống lao trung ương với hình ảnh đẹp đẽ thân thuộc: người thầy thuốc trong chiếc áo chòang trắng cùng chiếc ống nghe bên cổ, ân cần thăm hỏi từng giường bệnh. Không ít lần ông đã tự tiếp máu mình cho bệnh nhân khi gặp những ca cấp cứu nguy kịch. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là hiện thân sống động nhất của y đức “Lương y như từ mẫu”.
Một người hiền vĩ đại
Phạm Ngọc Thạch là một nhà bác học lớn, có nhiều công trình nghiên cứu y học được đánh giá cao trong và ngoài nước. Với hơn 80 bài nghiên cứu về bệnh lao được đăng tải trên nhiều tạp chí khoa học có uy tín tại nhiều quốc gia, cùng với những thực nghiệm thành công của mình, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được xem như một trong những chuyên gia lớn về bệnh lao của thế giới. Từ năm 1957, ông đã cùng đồng nghiệp nghiên cứu và phát minh nhiều phương pháp phòng chống và điều trị bệnh lao. Tư năm 1962, việc tiêm phòng lao ở nước ta được tiến hành rộng rãi và thu được kết quả to lớn. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cũng là người đầu tiên đề ra phương pháp dùng kích sinh chất Filatov điều trị bệnh lao và kết hợp Đông - Tây y để tiêm thuốc vào vùng huyệt chữa lao và bệnh phổi. Sau đó, nhờ chủng vi trùng Suptilite mang từ miền Nam ra Bắc, sau 10 năm trời nghiền ngẫm, ông đã thành công trong việc dùng Suptilite điều trị bệnh lao, bệnh phổi cũng như một vài bệnh nhiễm trùng khác. Những năm đầu thập niên 1990, khi nhìn lại công trạng người đi trước, Giáo sư bác sĩ Hoàng Minh khẳng định: “Đối với ngành lao và bệnh phổi, những nghiên cứu của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trong việc áp dụng miễn dịch học chữa ung thư, điều trị lao, giải quyết các bệnh phổi mạn tính đã được các đồng nghiệp, học trò của ông thừa kế một cách sáng tạo…”.
Là một bác học uyên thâm, nhưng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch rất chịu khó học hỏi từ đồng nghiệp cho tới ông lang, bà mế những kinh nghiệm chữa trị phù hợp với hoàn cảnh nước ta. Ông cũng đọc kỹ từng bài báo nhỏ của đồng nghiệp, học trò về một vấn đề mới cho tới những công trình lớn của Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh, Claude Bernard…
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch còn là lãnh đạo có uy tín. Với cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của nước ta, ông đã có công lớn trong việc tổ chức xây dựng mạng lưới y tế nhân dân từ địa phương tới trung ương trong kháng chiến. Giữa khói lửa đạn bom, hình ảnh Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch vai mang ba lô, đầu trần, chân đất có mặt trên mọi chiến trường đã gây xúc động mạnh. Ông quên ăn, quên ngủ để cứu chữa cho thương bệnh binh và đồng bào.
Con đường mang tên bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ở TP.Hồ Chí Minh
Quê hương Nam Bộ luôn là nỗi nhớ, niềm thôi thúc mạnh mẽ trong trái tim của ông. Và cũng chính quê Nam Bộ cũng chứng kiến sự hy sinh anh dũng của người con thân yêu ngã xuống trên chiến trường sau một cơn sốt rét ác tính giữa lúc đang chỉ đạo nghiên cứu căn bệnh này và những vấn đề y tế cấp bách. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch vĩnh viễn ra đi vào một chiều mùa đông 7.11.1968, để lại trong lòng mọi người sự tiếc thương vô hạn. Đột ngột nghe tin buồn, Hồ Chủ tịch đã ngồi lặng đi. Nhiều đồng nghiệp, cán bộ ngành y tế đã không cầm được nước mắt...
Chỉ trong vòng 72 giờ sau, một người bạn trí thức Nam Bộ của ông là nhà điêu khắc Diệp Minh Châu đã hoàn tất bức tượng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch to gấp mười lần người thật trong một niềm rung cảm mãnh liệt, hiện đang đặt tại Viện Lao và bệnh phổi. Nghệ sĩ Diệp Minh Châu thổ lộ: “Tôi say mê tài năng và có duyên làm bạn với nhiều tài năng. Không chỉ với nghệ sĩ mà cả giới khoa học. Cuộc đời giản dị, cao đẹp và tinh thần xả thân của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã chinh phục mạnh mẽ trái tim tôi, giúp tôi tạo nên tác phẩm ưng ý về ông”. Đối với bạn bè thế giới thì bác sĩ Phạm Ngọc Thạch “do tập trung được những đức tính hiếm có và quý báu, mà khi nói đến ông người ta dùng một câu rất hiếm: Đó là một người hiền vĩ đại (Giáo sư thạc sĩ André Roussel viết trên tạp chí của Hội Y học Pháp - Việt, 3.1969). Và theo Madeleine Riffeau trên báo Nhân đạo số ra 13.12. 1968, nhà bác học lớn Phạm Ngọc Thạch đã vĩnh viễn ra đi nhưng hình ảnh ông vẫn còn mãi “trong làn nước trong xanh của hàng vạn giếng khơi mà ông đã cho đào, trong các tiếng khóc chào đời của các bé sơ sinh, trong những buồng phổi khỏe mạnh của nhân dân…”.
Tại mảnh đất Sài Gòn đã dựng nên tên tuổi và sự nghiệp bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, ngay sau ngày đất nước thống nhất tên ông đã được trân trọng chọn đặt cho một con đường lớn ở trung tâm thành phố và một bệnh viện chống lao. Ngày 10.10.2008 vừa qua, một ngôi trường Đại học y khoa mang tên Phạm Ngọc Thạch cũng đã được khai giảng niên khoá đầu tiên. Hình ảnh nhà trí thức lớn mãi mãi hiện diện trong lòng dân tộc.
Phan Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét