Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Khảo cứu lại về Hồ Chí Minh

DANH NHÂN VIỆT. Khảo cứu lại về Hồ Chí Minh là bài viết của Tsuboi Yoshiharu tại Kỷ yếu Hội thảo Việt Nam học lần thứ III. Tập 1 NXB Đại học Quốc gia HN. Hà Nội, năm 2008, do trang Văn hóa Nghệ An đăng ngày 8 tháng 12 năm 2011. Đây là một khảo cứu nghiêm túc cần đọc lại và suy ngẫm.  

Hồ Chí Minh (19 tháng 5 năm 1890 – 2 tháng 9 năm 1969) sinh thời đã từng nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 4, tr. 161, khi trả lời các nhà báo nước ngoài vào tháng 1 năm 1946). Về lập trường và quan điểm Hồ Chí Minh cũng từng nói:  “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo của Jêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Jêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có ưu điểm chung đó sao? Họ đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu hạnh phúc cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, tôi tin rằng họ nhất định sống chung với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm một người học trò nhỏ của các vị ấy..”- Trích "Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng", NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1996, tr. 152. (Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng).

Đó là điều "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Bác để soi sáng phép xử thế và hiểu về Người. (HK)



KHẢO CỨU LẠI VỀ HỒ CHÍ MINH

Tsuboi Yoshiharu 

Hồ Chí Minh với tư cách là một người theo chủ nghĩa Cộng hòa 

Trong bài viết này, chúng ta thử thoát khỏi những quan niệm về "Tư tưởng Hồ Chí Minh" của Đảng Cộng sản Việt Nam  cũng như cách đánh giá Ông Hồ như một người cộng sản Marx-Lenin,  lần theo những nẻo đường trong cuộc đời Hồ Chí Minh để khảo cứu lại tư tưởng của Ông trên một lập trường giá trị tự do hơn. 
 

Từ khi bắt đầu nghiên cứu Việt Nam năm 1973, mỗi  lần có cơ hội, tôi lại cố gắng lần theo những dấu vết cuộc hành trình của Hồ Chí Minh. Bắt đầu từ xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - quê hương của Hồ Chí Minh, tôi  lần theo dấu chân Ông ở Nhà kỉ niệm Hồ Chí Minh ở Vinh - thủ phủ của tỉnh Nghệ An; phòng làm việc, Bảo tàng và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thủ đô Hà Nội; Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Thành phố Hồ Chí Minh; trường Quốc học Huế, v.v... Ở Trung Quốc, tôi đã đến thăm Hồng Kông, Quảng Đông, Thượng Hải, Diên An, v.v... Tôi cũng tìm đến ngôi nhà Hồ Chí Minh từng sống ở Moscow.  Tôi đã đứng trong ngôi nhà ở  phố Compoint, đƣợc coi là nơi hoạt động của Hồ Chí Minh ở Paris. Ở London, tôi đã tới thăm khách sạn nơi Ông  từng  làm đầu bếp dưới sự hướng dẫn của Escoffier. Ở New York, tôi đã thử hình dung Hồ Chí Minh đã ngắm nhìn bức tượng Nữ thần tự do từ góc độ nào. Tôi cũng có dịp thảo luận với các nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh người Pháp như Brocheux, G.Boudarel ... Đương nhiên, tôi cũng có dịp trao đổi ý kiến với những nhà trí thức, học giả người Việt như Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Đình Đầu, Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang, Nguyên Ngọc, v.v... Trong quá trình đó, tôi luôn cảm thấy dường như chưa có ai đoán đúng được tư tưởng "bè trầm liên tục" của Hồ Chí Minh. 
Cho đến gần đây, tôi nhận ra rằng có lẽ giá trị mà Hồ Chí Minh coi trọng nhất trong suốt cuộc đời của mình là những giá trị của nền Cộng hòa. Tôi cho rằng nếu nhận thức Hồ Chí Minh nhƣ một ngƣời theo chủ nghĩa Cộng hòa, chúng ta có thể đánh giá được một cách đầy đủ và đúng đắn nhất những tư tưởng và hành động của Ông.
Không ai phủ nhận việc Hồ Chí Minh là một nhà ái quốc. Mục tiêu tối thượng của Ông là giải phóng dân tộc và giành lại nền độc lập cho Tổ quốc từ tay thực dân Pháp. Để thực hiện công cuộc đó, cơ sở lý luận của Ông là  "Tự do, Bình đẳng, Bác ái" - những biểu tượng của nền Cộng hòa. 
Khi đặt chân đến nước Pháp, đất nước đã biến Việt Nam thành thuộc địa, Ông phát hiện ra rằng tầng lớp lao động nghèo khổ ở Pháp cũng ở trong tình cảnh bi thảm  như các dân tộc bị áp bức ở thuộc địa. Đồng thời, Ông cũng ngạc nhiên trước tinh thần Cộng hòa đối xử bình đẳng với con người bất kể sự khác biệt về màu da, ngôn ngữ, văn hóa. Có một câu chuyện nổi tiếng liên quan đến vấn đề này. Sau chuyến hải hành dài bắt đầu từ Sài Gòn, cuối cùng Hồ Chí Minh cũng đến được Marseille. Đây là lần đầu tiên Ông Hồ đặt chân lên nước Pháp. Ông vào một quán cà phê và gọi một tách cà phê. Người hầu bàn đáp lại: "Vâng, thưa Ông" (Oui, Monsieur). Khi còn ở Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân, Hồ Chí Minh chưa bao giờ được gọi bằng từ "Mousieur".
Đối với chàng thanh niên Hồ Chí Minh khi đó mới 21 tuổi, được một người Pháp gọi là "Mousieur" là một sự ngạc nhiên thú vị.  Có lẽ khi đó người hầu bàn cũng không nghĩ rằng vị khách của mình là một người Việt Nam đến từ xứ thuộc địa, hoặc cũng có thể anh ta không quan tâm tới quốc tịch của vị khách. Câu nói của người hầu bàn chỉ là một câu nói "đương nhiên" thường dùng để xác nhận với khách hàng. Nó được anh ta sử dụng như một cái máy chứ không có ý kính trọng gì đặc biệt ở đây. Thế nhưng, đối với Hồ Chí Minh, một người vốn đã quen chứng kiến quang cảnh phân biệt đối xử ở xứ thuộc địa, câu trả lời "đương nhiên" đó lại là một hiện tượng thật ngạc nhiên và mới mẻ.
Tinh thần nền Cộng hòa Pháp 
Tinh thần nền Cộng hòa Pháp mang tính lý tưởng cao. Qua Cách mạng Pháp, một quan điểm mới về giá trị con người khác hẳn với giai đoạn trước đã được xác lập.
 
Như đã thể hiện trong câu nói của bản Tuyên ngôn Nhân quyền: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng", sự khác biệt căn bản nhất của thời Cận đại so với các thời đại khác là sự thay đổi 180 độ quan điểm về giá trị con người. Tinh thần nền Cộng hòa chính là cuộc vận động nhằm tạo nên và lý tưởng hóa hình tượng con người mới, thúc đẩy mỗi cá nhân tiếp cận với hình tượng lý tưởng đó.  

Đó là cách nhận thức con người bằng việc bài trừ những thuộc tính cá nhân. Lấy ví dụ, nó không quan tâm tới người đó là người Nhật hay người Việt Nam, sinh ra ở tỉnh nào, xuất thân trong gia đình hay dòng họ nào, bao nhiêu tuổi, là nam hay nữ. Vấn đề quan trọng là con người đó với tư cách là một "cá nhân" có đủ khả năng suy nghĩ một cách lý tính hay không.  Nền Cộng hòa được xây dựng bởi những cá nhân là nhân dân Pháp, bất kể giai cấp, màu da hay người đó có sinh ra ở Pháp hay không. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất của nền Cộng hòa là phải giáo dục ra được những "cá nhân" có đủ khả năng suy nghĩ một cách lý tính.
 
Tuy nhiên, không dễ dàng hiện thực hóa được những lý tưởng đó của tinh thần Cộng hòa. Đã có rất nhiều hành động nhằm kéo xã hội quay về với tư tưởng cũ. Để xác lập được tinh thần Cộng hòa, nước Pháp cần phải đợi đến thời kỳ nền Đệ  tam Cộng hòa, khoảng 100 năm sau Cách mạng Pháp. Ở nước Pháp khi đó cũng như ngày nay, nông dân luôn đóng vai trò trung tâm. Họ có tư tưởng cực kỳ bảo thủ. Ở người nông dân, tình cảm thích nhà vua, coi trọng gia đình, truyền thống và dòng dõi là hết sức mạnh mẽ. Trong số họ có rất nhiều người vừa hiếu kỳ đối với những người khác, đồng thời lại có những suy nghĩ mang tính phân biệt chủng tộc, cho rằng người da trắng ưu việt hơn so với các chủng tộc khác. 
Cách mạng Pháp đã thay đổi tư tưởng bảo thủ của nông dân thành những "cá nhân" theo giá trị con người kiểu Cận đại, quá trình biến đổi đó kéo dài 100 năm. Ngay trong thời đại hiện nay, dù có quá nửa người Pháp tán thành tinh thần Cộng hòa, nhưng rõ ràng cũng có không ít người vẫn duy trì thể tạng cũ của nông dân. Nói một cách chính xác hơn, vẫn còn rất nhiều người vẫn mang trong mình mâu thuẫn giữa một bên là con người được giáo dục để mang tinh thần Cộng hòa một cách tự giác, với một bên là quan điểm bảo thủ về giá trị con người vốn được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình thủ cựu. 
Về mặt này, có thể nói người Pháp vẫn mang đầy mâu thuẫn, và tinh thần Cộng hòa vẫn đang tiếp tục bị thử thách ở nước Pháp. Trong khi đó, người Việt Nam lại hoàn toàn ngược lại. Người Việt Nam trước tiên coi trọng thuộc tính. Mỗi khi đến Việt Nam, tôi thường rất lúng túng khi bị người Việt Nam đặt những câu hỏi liên quan đến cá nhân như bao nhiêu tuổi, làm việc cho công ty nào, ở vị trí gì, xuất thân từ trường đại học nào, vùng nào, tầng lớp nào, gia đình như thế nào. Hay những câu hỏi đại loại như "Đã kết hôn chưa?", "Đã có con chưa, nếu có con thì được mấy con rồi?", "Con mấy tuổi"... Tại sao người Việt Nam lại chấp nhặt những thông tin cá nhân và hoàn cảnh gia đình như vậy. Đó là vì: thông qua những câu hỏi đó, người Việt muốn làm rõ vị trí của đối phương, dựa vào đó xác định rõ ràng mối quan hệ xã hội trên dưới giữa mình và đối phương. Từ đó, quan hệ đó sẽ được phản ánh qua cách dùng từ và động tác ứng xử, qua việc sử dụng cách nói kính trọng hay khiêm tốn, có nên chào hỏi và bắt tay như đối với người lớn hơn hay không. 
Để xây dựng được quan hệ tốt đẹp cho hai bên và ứng xử đúng với những qui tắc xã hội vô hình, trước tiên người Việt phải tìm hiểu những thuộc tính của đối phương. Đây không chỉ là truyền thống của riêng Việt Nam mà là truyền thống của cả khu vực theo văn hóa Nho giáo, tương ứng với thế giới Đông Á bao gồm cả Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, những nơi cũng lấy  "quan hệ" giữa con người với con người làm qui tắc chuẩn cho hành động. 
Ở Đông Á, nơi thuộc tính cá nhân và quan hệ con người đóng vai trò chủ đạo, người ta đã không lý giải được hết được tinh thần nền Cộng hòa. Người ta thường viện dẫn những ví dụ của nước Pháp và nước Mỹ để đưa ra những định nghĩa mang tính mô phạm về nền Cộng hòa, kiểu như nền Cộng hòa là việc chặt đầu nhà vua, phế bỏ chế độ quân chủ, xây dựng thể chế chính trị "của dân, do dân, vì dân"; nền Cộng hòa là thể chế chính trị mà nhân dân đóng vai trò chính,... Ngƣời ta đã không đạt tới được nhận thức rằng: điều kiện tiền đề của nền Cộng hòa là những "cá nhân" theo quan điểm giá trị mới về con người. 
Nhận thức về tinh thần nền Cộng hòa của Hồ Chí Minh 
Người viết cho rằng có lẽ Hồ Chí Minh là lãnh đạo chính trị duy nhất ở Đông Á nhận thức được một cách đúng đắn nhất tinh thần nền Cộng hòa và Ông đã  cố gắng đưa nó vào Việt Nam. Tôi muốn lần theo những hành động của Hồ Chí Minh trong quãng thời gian 10 năm Ông phát huy đƣợc năng lực lãnh đạo của mình nhất, tức là quãng thời thời gian từ lúc về nước năm 1941 sau ba chục năm bôn ba ở hải ngoại đến những năm 1950, để chứng minh cho giả thuyết nêu trên. 
Trước tiên, tôi cho rằng cần phải khảo cứu lại vấn đề tại sao Hồ Chí Minh lại "phát hiện" ra Lênin và trở thành một người Cộng sản. Để định nghĩa lại Hồ Chí Minh từ một người cộng sản Marx-Lênin thành một người theo chủ nghĩa Cộng hòa, cần phải làm rõ mối quan hệ này. 
Hồ Chí Minh biết đến Lênin nhờ đọc bài viết đƣợc công bố của Lênin về vấn đề thuộc địa. Ông đã bị thu hút mạnh mẽ bởi mối quan tâm sâu sắc cũng như cách đưa ra những phương pháp giải quyết cụ thể đối với vấn đề thuộc địa của Lênin. Ông Hồ cho rằng để giải phóng thuộc địa, chỉ có con đường duy nhất là Đảng Cộng sản, do vậy Ông đã từ bỏ Đảng Xã hội và trở thành một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Sau đó, Ông sang Moscow, trở thành một thành viên của Quốc tế cộng sản và hoạt động năng nổ. Kể từ lúc đó, trong quá trình hoạt động của mình, Ông học được rằng: để giành được độc lập cho Việt Nam từ tay nhà nước Pháp, một trong những liệt cường của Tây Âu có lực lượng quân sự và chính trị khổng lồ, cần phải có một tổ chức đoàn kết chặt chẽ đóng vai trò trung tâm cho công cuộc giải phóng, cũng  như cần hoạt động liên kết quốc tế nhằm nhận được sự đồng cảm rộng rãi từ quốc tế. Ông đồng tình với đề xướng của Lênin về Bôn-sê-vich, Đảng Cộng sản - một đảng tiên phong có kỷ luật sắt. Về điểm này, đúng là Hồ Chí Minh là một người theo chủ nghĩa Lênin. 
Tuy nhiên, ngoài mặt tổ chức ra, Hồ Chí Minh cho rằng vấn đề cần ưu tiên nhất là đấu tranh giải phóng dân tộc giành lại độc lập cho Việt Nam chứ không phải là vấn đề giai cấp. Về mặt này, Hồ Chí Minh không phải là một người cộng sản "chính thống" theo chủ nghĩa Marx-Lenin. Đối với những người cộng sản "chính thống", việc Hồ Chí Minh coi trọng giải phóng dân tộc, coi nhẹ đấu tranh giai cấp là hành động xa rời Chủ nghĩa Cộng sản, do đó, Ông Hồ đã bị phê phán một cách gay gắt. Vào những năm 1930, Hồ Chí Minh đã bị những người cộng sản Việt Nam trẻ tuổi như Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập phê phán một cách gay gắt và công khai. Furuta Motoo, tham khảo nghiên cứu  của Kurihara Hirohide. đã trích dẫn một phần lá thư của Ủy ban hải ngoại Đảng Cộng sản Đông Dương gửi cho Quốc tế Cộng sản như sau:
 
"Ở Đông Dương, các tổ chức cộng sản đã triển khai một cuộc đấu tranh công khai với đường lối của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội  - đường lối là tàn dư kết hợp giữa chủ nghĩa dân tộc với chủ nghĩa cải lương duy tâm. Tàn dư này hết sức nặng nề và đang trở thành một chướng ngại cho sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản. Cần thiết phải đấu tranh không thương tiếc với chủ nghĩa cơ hội và lý luận kiểu cũ của Quốc và Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Chúng tôi đề xuất đồng chí Lin (Bút danh lúc đó của Nguyễn Ái Quốc  - Tsuboi) phải viết bản tự kiểm điểm bản thân." 

Trước những phê phán này, Ông Hồ đã phải thay đổi đôi chút lập trường của mình và phải rất vất vả để giữ được vị trí của mình trong Quốc tế Cộng sản. Tuy nhiên, Ông đã bị gạt ra ngoài hoạt động lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và bị buộc phải sang Moscow học tập. Nhưng cũng nhờ đó mà Ông Hồ đã thoát nạn. Dưới sự đàn áp khốc liệt của nhà đương cục thực dân, nhiều người Cộng sản hoặc bị chết hoặc bị xử tử. Lê Hồng Phong bị bắt tháng 6 năm 1938 và sau đó qua đời trong tù vào khoảng tháng 9 năm 1942. Hà Huy Tập bị bắt tháng 7 năm 1938, sau đó đƣợc thả ra một thời gian rồi bị bắt lại năm 1940 và bị xử tử vào tháng 8 năm 1941. Khi Ông Hồ trở về nước vào năm 1941, ở Việt Nam hầu như không còn một người Cộng sản "chính thống" nào. 

Nhờ vậy, trong quãng thời gian 10 năm tính từ khi trở về nước năm 1941, Ông Hồ, dựa vào sự ủng hộ của Quốc tế Cộng sản cũng như tiếng tăm của mình, đã có thể hành động một cách tự do hơn theo những suy nghĩ của mình. 

Có một giai thoại thể hiện rất rõ hình ảnh Hồ Chí Minh là một người theo chủ nghĩa Cộng hòa. Năm 1941, Hồ Chí Minh về nước sau 30 năm bôn ba ở hải ngoại, chủ trì Hội nghị lần thứ Tám Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, xác định cách mạng là Cách mạng giải phóng dân tộc, công bố ý tưởng thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (tên thường gọi là "Việt Minh"). Tên gọi Việt Minh cho thấy mục tiêu của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ là đánh đổ ách thống trị của Nhật và Pháp, giành lại độc lập, tập trung toàn lực vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. 

Hồ Chí Minh nêu lên chủ trương của Việt Nam Độc lập Đồng minh là "liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, xu hướng, đảng phái chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp, Nhật, giành quyền độc lập cho "xứ sở". Mục tiêu của Việt Nam Độc lập Đồng minh là "sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngôi sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc."
Tuyên ngôn Độc lập 
Tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được cho là do Hồ Chí Minh đặt. Nội dung của nó được thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập tháng 9 năm 1945 và Hiến pháp năm 1946. Câu đầu tiên của bản Tuyên ngôn Độc lập có đề cập đến Hiến pháp Mỹ và bản Tuyên ngôn Nhân quyền Pháp.  "Tất cả mọi ngƣời đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ.

Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". 


Tuyên ngôn Nhân quyền được viết trong Cách mạng Pháp năm 1791 đã trình bày nội dung tương tự như sau: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".
 
"Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được. Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cƣớp đất nƣớc ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chúttự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhƣợc. Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xƣơng tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn". (Lược một đoạn - Tsuboi)

"Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam. Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp" (trích ―Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945").
 
Còn có một câu chuyện nữa về Hồ Chí Minh ít được biết đến. Sau khi thành lập Việt Minh năm 1941, để kêu gọi sự ủng hộ của các nước Đồng minh trong đó có cả Trung Quốc, Ông Hồ đã quay trở lại Trung Quốc. Tuy nhiên, do Việt Minh nằm dưới cái bóng của Chủ nghĩa Cộng sản nên Ông Hồ đã bị Quốc dân đảng nghi ngờ. Ông bị chính quyền địa phương của Quốc dân đảng bắt và bị giam từ tháng 8 năm 1942 đến tháng 9 năm 1943. Sau cùng, Quốc dân đảng nhận định rằng Việt Minh là thế lực chính trị chống Nhật trong phạm vi Việt Nam nên Ông Hồ đã được thả. Tháng 8 năm 1944, khi được tự do và chuẩn bị về nước, Hồ Chí Minh đã nói với tướng Trương Phát Khuê của Quốc dân đảng như sau: "Tuy tôi là một người cộng sản nhưng bây giờ vấn đề mà tôi quan tâm không phải là chủ nghĩa cộng sản mà là độc lập tự do của Việt Nam. Tôi xin hứa với anh một lời hứa đặc biệt: trong vòng 50 năm tới sẽ không thực hiện chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam". (trích theo Furuta Motoo). 
Cách mạng Tháng Tám 
Tuy nhiên, không thể có được Con người mới gánh vác độc lập tự do chỉ bằng đấu tranh giải phóng đơn thuần. Hồ Chí Minh biết rõ rằng, để đạt được điều đó cần một cuộc cách mạng làm đòn bẩy. Cuộc cách mạng đó ở Việt Nam là "Cách mạng Tháng Tá". Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện quân Đồng minh, nước Pháp bảo hộ thì chưa khôi phục được thế lực của mình. Cách mạng Tháng Tám là cuộc khởi nghĩa trên toàn quốc do Việt Minh tổ chức nhân cơ hội đó nhằm giành quyền tự chủ thực sự cho Việt Nam. Nhận được tin Nhật đầu hàng, từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8 năm 1945, Đảng Cộng sản đã tổ chức Hội nghị toàn quốc ở Tân Trào, ra quyết định khởi nghĩa. Ngày 16-17 tháng 8, Việt Minh tổ chức Đại hội Quốc dân, quyết định thành lập Chính phủ lâm thời nƣớc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó, bắt đầu từ việc giành chính quyền ở Hà Nội ngày 19 tháng 8, Việt Minh đã lãnh đạo thành công khởi nghĩa ở các thành thị khác, xác lập được quyền làm chủ đất nước. 
Kết quả của quá trình này là sự ra đời của bản Tuyên ngôn độc lập. Có nhà nghiên cứu cho  rằng Cách mạng Tháng Tám không đơn thuần là một cuộc đảo chính bằng vũ lực. Đúng là khi cách mạng nổ ra, quân Nhật, lúc đó đã đầu hàng Đồng minh, đã không tiến hành đàn áp cuộc khởi nghĩa của Việt Minh. Đồng thời ở Việt Nam cũng không có mặt quân Pháp và  quân Đồng minh. Nhờ vậy, cuộc khởi nghĩa đã diễn ra một cách tương đối dễ dàng và không phải đổ nhiều máu. Đối với Hồ Chí Minh, cuộc cách mạng này chính là quá trình giành lại quyền lực của nhân  dân dựa trên khát khao mạnh mẽ về tự do của họ, nó chính là quá trình xây dựng nên Con người mới. 
Ý nghĩa của Độc lập - Tự do - Hạnh phúc 
Ước mơ "Độc lập" từ lâu của Hồ Chí Minh là Việt Nam được giải phóng khỏi tay Thực dân Pháp và trở thành một nước độc lập. Nhưng Độc lập của Hồ Chí Minh không phải là khái niệm "độc lập" theo nghĩa cũ, vốn thường được lặp đi lặp lại trong  sách giáo khoa - là quá trình Việt Nam giữ vững được độc lập và bản sắc (identity) của mình trước  sự uy hiếp của Trung Quốc. Việt Nam có lịch sử khởi nghĩa, đánh bại, đánh đuổi sự xâm lược của các triều đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh của Trung Quốc, nhưng sau mỗi lần đánh đuổi quân xâm lược Trung Quốc, Việt Nam lại chỉ xây dựng một thể chế chính trị mô phỏng Trung Quốc. Nhưng "Độc lập" mà Hồ Chí Minh muốn xây dựng là một nước độc lập, một nhà nước chủ quyền theo kiểu Cận đại. Từ "Độc  lập" của Ông bao hàm ý nghĩa xây dựng một quốc gia chủ quyền có lực lượng sánh vai  được với các cường quốc trên thế giới. Ý tưởng của Ông là không chỉ xây dựng một chế độ Dân chủ Cộng hòa mà còn xây dựng nên hình ảnh những Con người mới đóng vai trò gánh vác quốc gia độc lập.
 
 "Tự do" của Hồ Chí Minh rõ ràng chịu ảnh hưởng từ chữ "Tự do" trong khẩu hiệu "Tự do, Bình đẳng, Bác ái" của Cách mạng Pháp và quyền mưu cầu Tự do của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Tự do của Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là đất nước được độc lập, nhà nước có chủ quyền và có quyền tự do phát ngôn, hoạt động trên trường quốc tế, mà phải là thứ tự do được từng người dân ca ngợi. Nó cũng yêu cầu  mỗi người dân ca ngợi quyền tự do đó phải trở thành chủ thể xây dựng từ dưới lên trật tự của nền Cộng hòa, yêu cầu từng cá nhân phải có khả năng suy nghĩ, quyết định với tinh thần trách nhiệm cao. Nhà nước kiểu Cận đại chính là nhà nước xây dựng được hệ thống giáo dục đào tạo ra được những con người như vậy, đồng thời  có những thiết chế chính trị đi kèm đảm bảo cho việc giáo dục đó. Nước Cộng hòa của Hồ Chí Minh là Chủ nghĩa dân chủ kết hợp với Tự do. 
Cuối cùng như được đề cập trong bản Tuyên ngôn độc lập, "Hạnh phúc" của Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng của "quyền mưu cầu hạnh phúc" trong Hiến pháp của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.  Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ chính là bản Hiến pháp đầu tiên viết rõ ràng về "quyền mưu cầu hạnh phúc".  Hạnh phúc là một từ có tính đa nghĩa, nhƣng ý nghĩa từng cá nhân có quyền mưu cầu hạnh phúc là một khái niệm hết sức mới mẻ của thời kỳ Cận đại. Lịch sử Việt Nam là lịch sử tranh sáng tranh tối của những cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lược của Trung Quốc, đấu tranh chống lại những thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, hạn hán. Con người Việt Nam coi những nguy cơ đó là "bất hạnh", đặc điểm của Việt Nam là có lịch sử chiến đấu và chiến thắng  những "bất hạnh" đó. Nếu coi những "bất hạnh" mà dân tộc Việt Nam phải chịu đựng là những thử thách của ông Trời mang lại để dân tộc Việt Nam phải vượt qua thì quả thực, dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng và quả cảm. Thế nhưng, quá trình đó bản chất là một quá trình mang tính thụ động. 
Thông điệp về hạnh phúc của Hồ Chí Minh là thông điệp mỗi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc và phải chủ động, tích cực tranh đấu để giành được hạnh phúc đó. 
Trong bản Hiến pháp làm cơ sở cho nhà nước, Hồ Chí Minh đã tham khảo nước Cộng hòa Pháp và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và nêu lên ý tưởng về nước Việt Nam Dân  chủ Cộng hòa. Con người  Hồ Chí Minh được phản ánh sắc nét trong Hiến pháp là một người theo Chủ nghĩa Cộng hòa và chủ nghĩa hòa bình hơn là một người theo Chủ nghĩa Cộng sản. Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2 tháng 9 năm 1945. 
Trong vòng xoáy tương quan lực lượng quốc tế mà Việt Nam bị lôi vào, Liên Hiệp quốc đóng vai trò vô cùng quan trọng. Để các nước công nhận nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đã có một hành động mạo hiểm là xóa đi hình ảnh người cộng sản của mình. Tháng 11 năm 1945, Ông Hồ đã ra quyết định dứt khoát giải tán Đảng Cộng sản. Đương nhiên, trên thực tế, tổ chức của Đảng vẫn được giữ nguyên, do đó cũng có thể coi nó như một "hành động ngụy  trang". Thế nhưng, để được các nước công nhận nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông Hồ đã lựa chọn con đường ưu tiên "quyền lợi dân tộc" lên trên "quyền lợi đảng phái". Về điểm này, chúng ta có thể nhìn thấy một phần cách suy nghĩ theo chủ nghĩa Cộng hòa của Hồ Chí Minh. 
Người Việt Nam có hiểu Hồ Chí Minh không? 
Ở đây có một vấn đề là những người Việt Nam khác có hiểu được nguyên lý về  nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà Hồ Chí Minh đã trình bày cũng như tinh thần nền Cộng hòa được đúc kết trong khẩu hiệu "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" của Ông hay không?  Thật tiếc phải nói rằng thông điệp của Hồ Chí Minh hầu như không được truyền bá và lý giải một cách đầy đủ và đúng đắn. Người ta đã coi Ông như một người lãnh đạo của phong trào Cộng sản quốc tế, một người theo chủ nghĩa Marx-Lênin. Đó là vì sau Chiến tranh Thế giới II, thế giới rơi vào cục diện Chiến tranh Lạnh, Việt Nam đã bị đặt vào tiền tuyến xung đột của Chiến tranh Lạnh Đông - Tây. 
Trong bối cảnh quốc tế đó, Hồ Chí Minh sau khi thành lập nước đã phải nhận sự hỗ trợ của Trung  Quốc và Liên Xô, trở thành lãnh tụ lãnh đạo một cuộc chiến tranh lâu dài chống Pháp và Mỹ. Ai cũng lấy ý thức hệ làm chủ thể để lý giải Ông Hồ, và ngay bản thân Ông Hồ, để nhận được viện trợ tiếp tục công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mình, không có một sự lựa chọn nào khác ngoài việc phát ngôn và hành động như một thành viên của liên minh những người cộng sản. 
Thế hệ kém Ông Hồ 10 tuổi như Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay ông Trần Văn Giàu, do chịu sự giám thị gay gắt của nhà đương cục thực dân, đã phải hoạt động tại nước ngoài một thời gian. Chính vì vậy, họ đã hiểu được tình hình bên ngoài và lý giải được một phần tinh thần nền Cộng hòa của Hồ Chí Minh. Sự lý giải của họ là nhờ vào kinh nghiệm sống ở các nước Âu Mỹ, chủ yếu là nước Pháp.

Tuy nhiên đối với những thế hệ trẻ hơn, do phải tiến hành cách mạng và chiến tranh trên đất Việt Nam, nên hầu như không có mấy người có kinh nghiệm sống ở nước ngoài. Do đó, họ thiếu đi nền tảng tư tưởng để có thể lý giải được đầy đủ "Tinh thần nền Cộng hòa" mà Hồ Chí Minh đã đúc kết được sau 30 năm bôn ba ở hải ngoại. Càng đến những thế hệ trẻ hơn, người ta càng có xu hướng lý giải Hồ Chí Minh chỉ theo góc độ là nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản. Cùng với việc thần tượng hóa Hồ Chí Minh, người ta đang đánh mất đi khả năng lý giải nội tại Hồ Chí Minh với tư cách là một CON NGƯỜI bình thường./.    

 
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Việt Nam học lần thứ III. Tập 1. NXB Đại học Quốc gia HN. Hà Nội, 2008

Video yêu thích 
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính 
hoangkim vietnam, hoangkim, hoangkimvietnam, Hoàng Kim, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, VietnamAfricaCassavaRice, Khát khao xanh, DayvahocHọc mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sốngThơ cho con
 



Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Lương Định Của cuộc đời và sự nghiệp

Giáo sư Nông học Lương Định Của, anh hùng lao động
Giáo sư Nông học Lương Định Của, anh hùng lao động

Giáo sư bác sĩ Nông học Lương Định Của, anh hùng lao động, giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật, cuộc đời và sự nghiệp còn mãi với thời gian, với con đường lúa gạo Việt Nam đang tỏa rộng nhiều vùng đất nước kết nối lớp lớp những dâng hiến lặng lẽ tôn vinh hạt ngọc Việt. Cây lúa Việt Nam nửa thế kỷ nhìn lại (1975-2014) có tốc độ tăng năng suất vượt 1,73 lần so với thế giới. Thành tựu này có cống hiến hiệu quả của nhà bác học nông dân Lương Định Của ở chặng đường đầu của nước Việt Nam mới.

Giáo sư Lương Định Của (Quốc – 梁定国) sinh ngày 16 tháng 8 năm 1920 tại xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, Theo văn bia gia đình thì ông nội của giáo sư là Lương Đức Ngãi, bà nội là Trịnh Thị Xuân, cha là Lương An Hùng và mẹ là Huỳnh Thị Có. Ông Lương Định Của lên Sài Gòn học xong tú tài và đã du học ở Hương Cảng (y học) rồi Thượng Hải (kinh tế) trước khi được học bổng của chính phủ Nhật Bản, sang Nhật năm 1942, được nhập ngang vào học năm thứ ba tại Trung tâm Nghiên cứu Nông học Nhiệt đới thuộc Trường Đại học Quốc gia Kyushu. Năm 1945 ông cưới vợ là bà Nobuko Nakamura (中村信子) người Nhật.  Năm 1946, ông chuyển sang Trường Đại học Quốc gia Kyoto và được cấp bằng tiến sỹ nông học ở Nhật Bản. Năm 1954, ông cùng gia đình về Sài Gòn. Sau đó tập kết ra Bắc, làm Phó Giám Đốc Học Viện Nông Lâm Hà Nội , giảng dạy di truyền giống ở Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam) và làm Viện trưởng Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm.

Giáo sư Lương Định Của là người có công lớn trong giáo dục đào tạo, Thầy đã huấn luyện được  nhiều thế hệ học trò trở thành cán bộ đầu đàn trong các lĩnh vực khoa học nông nghiệp với nhiều người xuất sắc. Giáo sư Lương Định Của đã chọn tạo được nhiều giống cây trồng nông nghiệp nổi tiếng một thời như Giống lúa Nông nghiệp I lai tạo từ giống Ba thắc (Sóc Trăng – Nam Bộ) với Kun Ko (Nhật Bản) là giống lúa sớm đi vào sản xuất trên đồng ruộng Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước. Sau đó là nhiều giống mới mang tên  “giống bác sĩ Của” như lúa chiêm 314 (lai giữa dòng Đoàn Kết và Thắng Lợi), NN75-1 (lai giữa giống 813 với NN1), NN8-388 (chọn giống từ IR8), lúa mùa Saisubao, lúa xuân sớm NN75-5, giống dưa lê, cà chua, khoai lang, dưa hấu không hạt, chuối, rau, táo…  cùng với những ứng dụng tiến bộ kĩ thuật tam bội thể, tứ bội thể, chất kích thích sinh trưởng. Giáo sư đề xướng mô hình canh tác “bờ vùng, bờ thửa” “cấy nông tay thẳng hàng” “đảm bảo mật độ” được hàng chục triệu nông dân áp dụng trên diện rộng, tạo ra cuộc cách mạng trong nông nghiệp.

Cuộc đời của giáo sư là tấm gương sáng của một trí thức lớn dấn thân vì đại nghĩa, sống thanh đạm, giản dị, say mê, tận tuỵ với sự nghiệp trồng người và nghiên cứu khoa học tạo giống cây trồng, cải tiến kỹ thuật canh tác để mang lại đời sống tốt hơn cho người dân.

Giáo sư Lương Định Của được bầu là đại biểu Quốc hội các khoá 2, 3, 4, 5, được phong danh hiệu Anh hùng Lao động và Huân chương Lao động Hạng Nhất năm 1967 và được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt 1 năm 1996.

Nhiều con đường, mái trường Việt Nam mang tên Thầy. Năm 2006, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã lập Giải thưởng Lương Định Của để hằng năm trao tặng cho những thanh niên có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

LuongDinhCua3

GS Lương Định Của mất ngày 28 tháng 12 năm 1975, mai táng tại Nghĩa Trang Thành phố Hồ Chí Minh. Vợ của giáo sư, bà Nobuko Nakamura, sống cùng gia đình con trai cả Lương Hồng Việt ở thành phố Hồ Chí Minh.

Cuộc đời và sự nghiệp của nhà bác học nông dân Lương Định Của còn mãi với thời gian, với con đường lúa gạo Việt Nam đang tỏa rộng nhiều vùng đất nước kết nối lớp lớp những dâng hiến lặng lẽ tôn vinh hạt ngọc Việt.  Cây lúa Việt Nam nửa thế kỷ nhìn lại (1975-2014) tốc độ tăng năng suất  vượt 1,73 lần so với thế giới (Năm 2013 năng suất lúa gạo Việt Nam đạt 5,57 tấn/ ha so với năm 1975 là 2,11 tấn/ ha, gia tăng 3,46 tấn/ ha. Năm 2013 năng suất lúa gạo thế giới đạt 4,48 tấn/ ha so năm 1975 là 2,49 tấn/ ha gia tăng 1,99 tấn/ ha). Thành tựu này có cống hiến hiệu quả của nhà bác học nông dân Lương Định Của ở chặng đường đầu của nước Việt Nam mới.

Hoàng Kim

Lương Định Của, con đường lúa gạo
Lương Định Của cuộc đời và sự nghiệp
Lương Định Của quê hương và dòng họ Lương Định Của những năm tháng tuổi trẻ Lương Định Của luồng gió từ Hà Nội Lương Định Của nhà bác học nông dân Lương Định Của chính khách giữa lòng dân Thầy bạn và học trò Lương Định Của Ông bà Của, cổ tích giữa đời thường

Video yêu thích 
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam


Trở về trang chính 
hoangkim vietnam, hoangkim, hoangkimvietnam, Hoàng Kim, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, VietnamAfricaCassavaRice, Khát khao xanh, DayvahocHọc mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sốngThơ cho con

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Lương Định Của, quê hương và dòng họ


 Rằm xuân thăm thầy Lương Định Của tại ấp Ngãi Hòa, xã Đại Ngãi  (ảnh Hoàng Kim)

Rằm xuân thăm thầy Lương Định Của tại ấp Ngãi Hòa, xã Đại Ngãi (ảnh Hoàng Kim)

Chuẩn bị xong những việc sau cùng để ngày mai cấy các bộ giống lúa mới, chúng tôi lên đường về thăm quê hương thầy Lương Định Của khi trời đã xế chiều. Chúng tôi đến thăm cụ Sáu, em gái Thầy Lương Định Của và thắp hương tại khu mộ gia đình Thầy khi trăng rằm tháng giêng lồng lộng đang lên. Ruộng lúa Đại Ngãi, Trường Khánh xanh ngát dưới ánh trăng.

Ngôi nhà niên thiếu và phần mộ tổ tiên, cha mẹ song thân của giáo sư Lương Định Của tại ấp Ngãi Hoà, cách trụ sở Uỷ ban Nhân dân xã Đại Ngãi khoảng 3 km, và phải đi bằng xe ôm vì lối đi nhỏ bé, thuần phác, khiêm nhường giữa vùng quê Nam Bộ. Xe ôm chạy hun hút dưới vòm dừa nước y như trong vườn thiêng cổ tích.

Một số hình ảnh Rằm xuân thăm thầy Lương Định Của tại ấp Ngãi Hòa, xã Đại Ngãi

Cha và mẹ của thầy Lương Định Của là Lương An Hùng và Huỳnh Thị Có cùng ông bà nội là Lương Đức Ngãi và Trịnh Thị Xuân đều an táng tại làng quê Đại Ngãi. Chúng tôi bâng khuâng trước phần mộ tổ tiên, cha mẹ song thân của bậc anh hùng. Nơi đây mấy trăm năm trước hẵn rất hoang vu, bởi lẽ mãi cho đến tận nay, vẫn vùng quê hẻo lánh đến vậy.

Tôi chợt thấm thía câu thơ Sơn Nam:  
Trong khói sóng mênh mông
Có bóng người vô danh
Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Tay ôm đàn độc huyền
Điệu thơ Lục Vân Tiên
Với câu chữ
Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả
Từ Cà Mau Rạch Giá
Dựng chòi đốt lửa giữa rừng thiêng
Muỗi vắt nhiều hơn cỏ
Chướng khí mờ như sương
Thân chưa là lính thú
Sao không về cố hương?


Anh Lương Hồng Việt nói với tôi tổ tiên họ Lương của anh có nguồn gốc Phúc Kiến lánh nạn Mãn Thanh sang cư trú ở Đàng Trong hồi thế kỷ XVII. Nam Bộ là nôi nuôi dưỡng của đại gia đình các dân tộc người Việt, người Hoa, người Khơ Me. Nhiều người Hoa trong số họ đã chung sức cùng người Việt, người Khơ Me khẩn hoang, giữ gìn và sinh sống nhiều đời tại quê hương.

Từ Đại Ngãi, Sóc Trăng về Hà Tiên không xa. Đó là nơi khởi nghiệp của Mạc Cửu công thần đất Hà Tiên ”phên dậu Đại Việt đất phương Nam” và vùng danh thắng Hà Tiên thập vịnh Mạc Thiên Tích. Mạc Cửu là Tổng trấn Hà Tiên, thành hoàng lập trấn địa đầu của đất cực Nam Tổ quốc. Mạc Thiên Tích con của Mạc Cữu làm Tổng binh Đại đô đốc thời chúa Nguyễn Phúc Trú. Hai cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích và dòng họ Mạc là những người có công lớn đối với non sông Việt trong sự khai khẩn và trấn giữ miền Tây Nam Bộ. “Chẳng đội trời Thanh Mãn/ Lần qua đất Việt bang/ Triều đình riêng một góc/ Trung hiếu vẹn đôi đường/ Trúc thành xây vũ lược/ Anh Các cao văn chương” (thơ Đông Hồ). Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt đã nhận xét rất chí lý: “Nhờ có Mạc Cửu, người Việt mới bước qua bờ nam sông Tiền”.

Từ Đại Ngãi, Sóc Trăng đi lên hướng Sài Gòn – Gia Định – Đồng Nai – Biên Hòa là vùng đất khởi nghiệp lừng lẫy của Trịnh Hoài Đức công thần nhà Nguyễn, quan Thượng thư, hiệp Tổng trấn, Điền toán (chuyên coi về sự cày cấy khai khẩn đất đai Nam Bộ), nhà thơ, nhà văn, sử gia nổi tiếng với tác phẩm Gia Định thành thông chí một công trình được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao. Đó cũng là nơi có bậc danh nho Võ Trường Toản cùng với các học trò của ông cũng là những công thần lỗi lạc của nhà Nguyễn như Ngô Tùng Châu, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tĩnh,  Phạm Ngọc Uẩn, Lê Bá Phẩm, những người Việt gốc Hoa noi theo gương thầy Chu Văn An đời Trần, thực lòng yêu thương cộng đồng đại dân tộc Việt Nam, cùng chung lưng đấu cật, góp xương máu, công sức xây đắp nên cơ nghiệp muôn đời.

Và nay có người phụ nữ Nhật Nakamura Nobuko thuận theo giáo sư Lương Định Của “thuyền theo lái, gái theo chồng” tạo dựng nên công đức cùng chồng là vậy.

Hoàng Kim

Lương Định Của, con đường lúa gạo
Lương Định Của cuộc đời và sự nghiệp
Lương Định Của quê hương và dòng họ Lương Định Của những năm tháng tuổi trẻ Lương Định Của luồng gió từ Hà Nội Lương Định Của nhà bác học nông dân Lương Định Của chính khách giữa lòng dân Thầy bạn và học trò Lương Định Của Ông bà Của, cổ tích giữa đời thường

Video yêu thích 
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam


Trở về trang chính 
hoangkim vietnam, hoangkim, hoangkimvietnam, Hoàng Kim, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, VietnamAfricaCassavaRice, Khát khao xanh, DayvahocHọc mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sốngThơ cho con

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Lương Định Của những tháng năm tuổi trẻ

Ruông lúa Trường Khánh Đại Ngãi Long Phú Sóc Trăng dưới ánh trăng rằm tháng Giêng lúc 7g30 mà lồng lộng xanh mướt lạ thường (ảnh Hoàng Kim)
Ruông lúa Trường Khánh Đại Ngãi Long Phú Sóc Trăng dưới ánh trăng rằm tháng Giêng lúc 19g30 mà lồng lộng xanh mướt lạ thường (ảnh Hoàng Kim)

Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời bắt đầu bằng tuổi trẻ. Tuổi xuân của Lương Định Của khởi đầu ở vùng quê Đại Ngãi, Long Phú, Sóc Trăng, nơi vùng lúa Trường Khánh (hình) Ông là con trưởng trong một gia đình cha mẹ là điền chủ, mất sớm,. Ông có hai em gái và một em trai. Ông theo học tiểu học ở Sóc Trăng, trung học ở Sài Gòn, học tiếng Anh ở Hồng Công và Thượng Hải nhờ hoa lợi số ruộng đất cha mẹ ông để lai. Sau đó ông xin được học bổng Nhật Bản theo học Khoa Nông học Trường Đại học Tổng hợp Kyushu. Kế đó, ông lấy vợ Nhật và theo học tiếp Tiến sĩ Nông học, rồi làm giảng sư Đại học Tổng hợp thành phố Kyoto. Con đường tuổi thơ và quê hương Lương Định Của lung linh huyền thoại

Con đường tuổi thơ Ngãi Hòa, Đại Ngãi, Trường Khánh quê hương Lương Định Của lung linh huyền thoại (ảnh Hoàng Kim)

Tuổi xuân và những năm tháng đại học

Nhà báo Phan Quang kể về tuổi xuân và những năm tháng đại học của giáo sư Lương Định Của trong bài Kỷ niệm đời thường về nhà khoa học Lương Định Của.


“ Lương Định Của sinh ngày 16-7-1919 tại làng Đại Ngãi, huyện Long Phú tỉnh Sóc Trăng trong một gia đình điền chủ theo đạo Thiên chúa. Cha mẹ mất sớm, lúc ông mới mười hai tuổi. Hồi nhỏ học Trường tiểu học Taberd ở thị xã Sóc Trăng, rồi chuyển lên Sài Gòn theo bậc trung học cũng tại Trường Taberd.

Đến năm thứ tư, Lương Định Của xin sang Hồng Công học tiếp tại trường La Salle College với ý định trau dồi tiếng Anh thật giỏi để sau này đi vào ngành thương mại. Sau khi trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh vào đại học (tiếng Anh gọi là University Matriculation), ông rời Hồng Công lên Thượng Hải học. Ở Hồng Công thời ấy chỉ có mỗi một trường đại học, học phí rất cao, trong khi tại Thượng Hải, sinh hoạt rẻ hơn.

Tại đây, ông theo học Trường đại học Saint John’s. Đang học dở chừng thì chiến tranh thế giới lan rộng và ngày càng ác liệt. Cuộc sống của lưu học sinh tại Trung Quốc trở nên bấp bênh. Lương Định Của hiểu, cần phải tìm nguồn sinh hoạt ổn định ở ngay nước ngoài, vì rất khó trông chờ vào món tiền mà ông bác ruột trích từ hoa lợi số ruộng đất cha mẹ ông để lại ở Sóc Trăng vẫn tháng tháng gửi sang cho như những năm trước. Thấy một người bạn học gửi thư xin học phí du học tại Nhật Bản và được chấp thuận dễ dàng, ông cũng nộp đơn và được chấp nhận cho sang Nhật.

Bước chân lên đất nước Phù Tang xưa kia không mấy khác nước mình, nay nhờ công cuộc duy tân đã trở thành một quốc gia hùng mạnh, chàng thanh niên Lương Định Của vẫn ôm ấp mộng làm giàu bằng con đường thương mại. Nhờ tiếp xúc với một số nhà yêu nước Việt Nam sống lưu vong, theo lời khuyên của họ, sau một năm học tiếng Nhật, ông bỏ ngành thương mại chuyển sang học ngành nông nghiệp với hoài bão rõ rệt mang vốn kiến thức về quê hương thiết thực phục vụ đất nước.

Ông theo học Khoa Nông học Trường Đại học Tổng hợp Kyushu. Năm 1945, Nhật Bản thua trận. Nhân dân Nhật trải qua một thời kỳ cực kỳ khó khăn dưới sự chiếm đóng và cai quản trực tiếp của quân đội Mỹ. Miếng ăn hằng ngày còn chưa đủ, không ít người Nhật đói rét. Chính phủ Nhật Bản làm gì còn có học bổng ưu ái cho du học sinh nước ngoài.

Để có thể tiếp tục theo học, cũng như mọi sinh viên khác, Lương Định Của làm đủ nghề: gia sư, biên dịch tài liệu, phiên dịch tiếng Anh… Cái vốn Anh ngữ lúc này thật sự có ích vì hồi ấy không có nhiều người Nhật sử dụng thành thạo ngoại ngữ. Sự giúp đỡ của Việt kiều ở Nhật là niềm khích lệ lớn đối với ông. Đặc biệt những người Việt Nam vì chống Pháp phải sống xa quê đã bồi dưỡng và khuyến khích lòng yêu nước vốn có trong chàng thanh niên Nam Bộ.”

Bác sĩ Nông học, Giảng sư Đại học

Sau thời kỳ tuổi xuân và những năm tháng đại học. giáo sư Lương Định Của học tiếp Tiến sĩ Nông học và làm giảng sư Đại học Tổng hợp thành phố Kyoto, Nhật Bản. Nhà báo Phan Quang trong bài Kỷ niệm đời thường về nhà khoa học Lương Định Của  phần 1 viết tiếp:

“Lương Đình Của miệt mài học tập, nghiên cứu. Một nhà khoa học nổi tiếng khác, cũng là lưu học sinh cùng thời với Lương Định Của là bác sĩ Đặng Văn Ngữ, trước khi về nước phục vụ đã khuyên ông nên ráng ở lại học tập cho thành đạt rồi về sau cũng không muộn. Lương Định Của mãi biết ơn lời khuyên của bạn.

Năm 1947, tốt nghiệp cử nhân Trường Đại học Tổng hợp Kyushu, ngành nông nghiệp. Phần lớn lưu học sinh nước ngoài ở Nhật Bản hồi ấy giật được mảnh bằng đều đi kiếm việc làm hoặc về nước để sớm chấm dứt cảnh thiếu thốn nơi đất khách quê người. Lương Định Của phân vân. Ông cảm thấy vốn kiến thức của mình còn mong manh quá. Nếu muốn thật sự phục vụ đất nước thì còn phải học tập thêm nhiều.

Ông quyết định xin vào làm phụ việc ở Trường Đại học Tổng hợp thành phố Kyoto, cố đô nước Nhật và cũng là quê hương bà Của, tình nguyện làm việc không hưởng lương. Đổi lại, ông được phép đọc sách ở thư viện và dùng một số giờ nghiên cứu, thực nghiệm tại phòng thí nghiệm của nhà trường.

Một lần nữa, cái vốn ngoại ngữ lại có ích cho ông. Ngoài công việc chuyên môn hằng ngày, còn nhận biên dịch ra tiếng Anh và đánh máy các công trình, luận văn cho một số giáo sư trong trường.

Sức làm việc của chàng thanh niên Việt Nam cần cù, ít nói, gây ấn tượng và dần dần giành được lòng yêu mến của các thầy. Trường Đại học Kyoto chính thức cấp cho ông học bổng nghiên cứu sinh. Một thời gian sau, trường bổ nhiệm ông làm một chân tập sự trợ lý (sub-assistant), trong khi chờ đợi hội đủ điều kiện thi lấy bằng tiến sĩ. Một số tạp chí khoa học Nhật Bản và ở nước ngoài bắt đầu đăng tải các công trình nghiên cứu của nghiên cứu sinh Lương Định Của. Bài báo đầu tiên ông được công bố trên một tạp chí khoa học tên tuổi ở nước ngoài phản ánh phần nào sức đọc của ông.

Đó là Thư mục về các công trình nghiên cứu di truyền học xuất bản ở Nhật Bản, thời gian 1941- 1948 (tạp chí Heredity, London, số 4 năm 1950, trang 121-133). Trong khoảng thời gian trên dưới hai năm (1950-1952), các tạp chí khoa học lớn công bố mười hai công trình của nhà nghiên cứu trẻ.

Ông là một người rất thành thục công việc trong phòng thí nghiệm. Với thiết bị của Trường Đại học Kyoto, Lương Định Của đã chụp được ba vạn tấm ảnh nhiễm sắc thể cây trồng. Sau này có dịp sang thăm Viện Nghiên cứu Lúa gạo Hoa Nam, gặp nhà khoa học Trung Hoa chuyên gia nổi tiếng thế giới về cây lúa là Giáo sư Đình Dĩnh, bác sĩ nông học Lương Định Của được Giáo sư mời thao tác phương pháp chụp ảnh nhiễm sắc thể đã nhuộm mầu sau khi cắt tế bào tại phòng thí nghiệm cho các nhà khoa học của Viện tham khảo.

Mùa hè năm 1951, Lương Định Của trình luận văn về công trình nghiên cứu nhiều năm của mình với chủ đề: “Cách xử lý đa bội thể di truyền nhằm tạo nên giống lúa mới”. Hội đồng khoa học Trường Đại học Tổng hợp Kyoto nhận xét, với kết quả nghiên cứu khoa học của mình, Lương Định Của đã có cống hiến lớn cho nền nông học trong việc cải thiện giống lúa, và bỏ phiếu nhất trí cấp học vị Bác sĩ Nông học cho ông. ”

“Cùng với học vị bác sĩ, Lương Định Của còn nhận được bằng khen và tiền thưởng của Viện Nghiên cứu Sinh học Kinhara về công trình “Sự sinh sản của giống lúa lai tạo từ hai giống lúa Japonica và Indica”.

Báo cáo khoa học của Viện khẳng định, với công trình này Lương Định Của đã giải quyết tốt một vấn đề từ năm 1930 đến lúc bấy giờ chưa có ai xử lý được. Một số kỹ thuật do Lương Định Của phát minh, trong đó có phương pháp xử lý rễ trước khi cố định trong việc nghiên cứu hình thái nhiễm sắc thể công bố lần đầu trên tạp chí Botanical Gazette (Mỹ) được ứng dụng rộng rãi tại Nhật Bản.


Kỹ sư Hồ Đắc Song, phó vịên trưởng Viện Cây Lương thực, Cây Thực phẩm một người cộng tác nhiều năm với bác sĩ Lương Định Của, có lần cho biết: Phát minh của Lương đã được ứng dụng ngay từ hồi ấy trong việc lai tạo giống lúa tại Hoa Kỳ, gọi là phương pháp Lương Định Của.


Theo báo chí Nhật Bản, kể từ những năm đầu công cuộc duy tân đất nước thời Minh Trị thiên hoàng cho đến lúc bấy giờ (1888-1951), trong hơn sáu mươi năm, nước Nhật mới cấp học vị bác sĩ nông học cho hai trăm năm mươi người. Lương Định Của là nghiên cứu sinh trẻ tuổi nhất khi nhận học vị, và cũng là người ngoại quốc duy nhất được cấp bằng bác sĩ nông học tại Nhật bản cho đến lúc bấy giờ.

Nhà báo Phan Quang có dịp được xem những bài báo viết về sự kiện ấy, những mẩu báo cắt chữ in vẫn còn rõ nét tuy giấy đã ố vàng và cứ chực mủn ra vì được xếp lẫn quần áo trong chiếc va ly tàng tàng bất ly thân của gia đình sau mấy chục năm cùng hai ông bà Lương Định Của bôn ba chuyển dịch nhiều nơi.

Báo Mainichi Shimbun số ra ngày 26 tháng Năm năm Chiêu Hòa thứ 26 đăng chân dung lớn của nhà khoa học trẻ với vầng trán cao, chiếc cằm nhọn, khuôn mặt gầy thanh nhã. Tin đăng kèm cho biết nhà khoa học ba mươi mốt tuổi Lương Định Của là người Việt Nam đầu tiên được cấp bằng bác sĩ nông học của Nhật bản. Báo đưa khá chi tiết lý lịch của ông, nói rõ Lương được sự hướng dẫn của Giáo sư nổi tiếng Kinhara, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sinh học mang tên ông.

Cũng báo Mainichi, một số trước đó đăng ảnh Lương chăm chú trước kính hiển vi, bên cạnh là tấm ảnh khác chụp cận cảnh những hạt lúa do ông lai tạo nên, to gấp đôi những hạt lúa so sánh.

Báo Kyoto Shimbun cũng in ảnh những bông lúa mới được lai tạo nên. Bài báo cho biết thêm, kết quả này đã được thông báo cho Tổ chức Lương Nông Quốc tế (FAO) đóng tại Rome, đồng thời cũng thông báo đến Thủ tướng Ấn Độ J.Nerhu là người đang hết sức quan tâm giải quyết vững chắc vấn đề lương thực cho năm trăm triệu dân nước Ấn Độ mới giành lại được độc lập. v.v…

Mấy tháng sau khi nhận học vị bác sĩ nông học, tháng Mười năm 1951, Lương Định Của được Bộ Giáo dục Nhật Bản bổ nhiệm làm giảng sư Trường đại học Kyoto. Ông là người ngoại quốc duy nhất thời ấy được bổ nhiệm làm giảng sư chính thức ở một trường đại học quốc lập Nhật Bản. Theo những người am hiểu, chức vị giảng sư ở Nhật tương đương với phó giáo sư (tiếng Nhật gọi là phó giáo thụ) tuy chưa phải chính ngạch, bởi Nhà nước khống chế số lượng giáo sư và phó giáo sư ở các trường đại học trong một khung biên chế nhất dịnh, chỉ khi nào có ghế khuyết thì nhà trường mới được bổ nhiệm người khác thay vào, còn lại đều gọi là chung là giảng sư.

Khi bắt đầu nhận việc với chức trách giảng sư một Trường đại học quốc lập Nhật Bản, Lương Định Của đã kết hôn với một phụ nữ địa phương dòng dõi quý tộc và đã có hai con. Cuộc sống gia đình ổn định. Tương lai xán lạn mở ra trước mắt nhà khoa học trẻ.“
Sự mô tả khá chi tiết trên đây của nhà báo bậc thầy Phan Quang đã cung cấp cho chúng ta các thông tin chân thực từ năm 1919 đến năm 1951.

Theo Thông tin về một người đàn anh (Đặng Lương Mô) thì Giáo sư Ogata Kazuo (緒方一夫) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nông học Nhiệt đới(熱帯農学研究 センタ ー), Đại học Quốc gia Kyushu đã viết về hai người tiến sỹ nông học xuất thân Đại học Quốc Gia Kyushu này. Đó là Lương Định Của (Quốc) và Võ Tòng Xuân.

LuongDinhCua3 
Tài liệu : (九州大学広報誌)

Năm 1945, ông tốt nghiệp Đại học Đế quốc Kyushu, coi như là đợt cuối cùng của chế độ đại học cũ (旧制大学)của Nhật Bản. Cũng năm 1945, sau khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc, ông lấy bà Nakamura Nobuko(中村信子). Rồi ông chuyển sang ĐHQG Kyoto, ở đó ông được cấp bằng Tiến sỹ Nông học (農学博士).

Điều chưa rõ là ngày sinh 16.8.1920 hay 16.7.1919 cần được xác minh thêm. Cách gọi học vị “Bác sĩ Nông học” thay vì “Tiến sỹ Nông học” cũng là một chủ đề thú vị.

Chúng ta  đọc những trang văn Phan Quang và tìm về tuổi thơ của nhà nông học Lương Định Của ở Ngãi Hòa, Đại Ngãi, Long Phú Sóc Trăng. Chúng ta sẽ đọc tiếp bài “Lương Định Của quê hương và dòng họ“. Tuổi trẻ Lương Định Của đã vượt lên như thế nào sau khi cha mẹ mất sớm? Con đường tuổi thơ Lương Định Của còn đó với lối đi khiêm nhường, hun hút, loang loáng như đi trong vườn thiêng cổ tích, với cô em gái thầy Của ngày xưa nay đã là bà lão ở trên chính vùng đất hương hỏa của ông bà. Chúng ta sẽ gặp lại thầy Của và cụ Sơn Nam: ”Năm tháng đã trôi qua/ Ray rứt mãi đời ta/ Nắng mưa miền cố thổ/ Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê “.

Hoàng Kim
(sưu tầm, tuyển chon, biên soạn)

Video yêu thích 
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính 
hoangkim vietnam, hoangkim, hoangkimvietnam, Hoàng Kim, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, VietnamAfricaCassavaRice, Khát khao xanh, DayvahocHọc mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sốngThơ cho con

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Lương Định Của, luồng gió từ Hà Nội

Tượng Lương Định Của ở Viện Cây Lương thực và Cây Thực phẩm (ảnh HDO)
Tượng Lương Định Của ở Viện Cây Lương thực và Cây Thực phẩm (ảnh HDO)

Đạt được học vị cao, có công ăn việc làm, Lương Định Của vẫn nghĩ tới việc về nước phục vụ, kịp trước khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi hoàn toàn nhưng “Đường về Việt Bắc xa xôi lắm!”. Luồng gió từ Hà Nội đã thôi thúc ông hướng về Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đang tạo lập. Ông từ chối các cơ hội đi làm nghiên cứu sinh ở Mỹ, làm việc cho Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) để tìm cách về nước tham gia kháng chiến. Sau nhiều nỗ lực móc nối, chờ đợi, xoay đường này cách khác, năm 1952 ông đã đưa cả gia đình về Sài Gòn, làm việc một thời gian ngắn ở Viện Khảo cứu Nông nghiệp Sài Gòn, Bộ Canh Nông (nay là Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam), sau đó quá cảnh bưng biền và đầu năm 1954 cả nhà cùng lên một chuyến tàu tập kết ra Bắc (Tượng nhà nông học Lương Định Của ở Viện Cây Lương thực và Cây Thực phẩm, bài và  ảnh HDO trong bài Nhà nông học Lương Định Của với Hải Dương).
 
Nhà báo Phan Quang kể tiếp câu chuyện Kỷ niệm đời thường về nhà khoa học Lương Định Của:

“Hồi còn là sinh viên, ông đã cùng nhiều lưu học sinh Nhật và nước ngoài trong đó có Đặng Văn Ngữ, tham gia các cuộc biểu tình tuần hành phản đối thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Theo như ông còn nhớ, ít nhất có bốn cuộc lớn, ba lần ở Tokyo, và một lần ở Kyoto. Hoạt động chống chiến tranh Việt Nam có thuận lợi là Đảng Cộng sản Nhật Bản hết lòng ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Nhiều Việt kiều ở Nhật nhờ thông qua Đảng Cộng sản Nhật Bản hoặc các tổ chức nhân dân do Đảng lãnh đạo mà giữ được mối liên hệ liên tục với phong trào kháng chiến trong nước. 

Qua sự giới thiệu của một người bạn, một mặt Lương Định Của tiếp xúc với các nghị sĩ tiến bộ trong Quốc hội Nhật, nhờ giúp đỡ tạo điều kiện cho ông sớm được trở về vùng tự do nước Việt Nam. Thượng Nghị sĩ Kazami được các bạn Nhật cử đứng ra lo liệu việc này. Mặt khác, Lương viết thư gửi Đại sứ quán ta ở Bắc Kinh bày tỏ mong muốn của mình, và chẳng bao lâu sau nhận được thư Đại sứ trả lời đã chuyển nguyện vọng của ông về nhà. Theo sự hướng dẫn của ông Kazami, mùa hè 1952 Lương Định Của xin thôi việc ở Kyoto, lên thủ đô Tokyo chờ ngày về nước.

Ông xin việc làm ở Sở Nghiên cứu Khoa học Nông nghiệp Trung ương của Nhật Bản để có thể thu nhập trong thời gian chờ đợi. Đầu những năm 50, sau chiến thắng biên giới, tình hình nước ta rất sôi động. Đảng Lao động Việt Nam đảm nhiệm công khai sứ mệnh lịch sử lãnh đạo toàn dân kháng chiến. Mặt trận Liên Việt thành lập, giương cao ngọn cờ đại đoàn kết. Các vùng tự do được giữ vững. Chiến tranh nhân dân phát triển mạnh ở vùng sau lưng địch. 

Thực dân Pháp ý thức rõ, tiến hành phá hoại kinh tế, gây nạn đói kém, cắt nguồn hậu cần của Quân đội Nhân dân Việt Nam là một mặt trận có ý nghĩa chiến lược đối với thành bại của chúng trong chiến tranh.Thông tri của tướng De Linarès, tư lệnh chiến trường Bắc Bộ gửi các cấp dưới đề ngày 14-3-1951 hướng dẫn cụ thể như sau: 

“… Về phá hoại, có hai cách thực tế có thể áp dụng: a) làm ướt thóc hoặc bắt dân phải để thóc lúa ngoài trời trong mùa mưa ẩm. Tuy nhiên, để chắc chắn hạt gạo sẽ thối hẳn, phải dấp nước cho ướt thóc trong thời gian bốn mươi tám giờ. Ngoài ra, để cho sự phá hoại bảo đảm hiệu quả chắc chắn của nó, trong thời gian ấy, phải canh giữ không để cho dân chúng đến lọc lấy phần thóc còn tốt mang đi cất giấu; b) những kho thóc quan trọng nào phát hiện được, cho tưới xăng hoặc dầu nặng vào…” .

Tháng Chín năm 1952, ông Kazami báo cho Lương Định Của biết, có một tàu buôn Nhật Bản sắp sang Hồng Công rồi từ đó đến thành phố Thiên Tân của Trung Quốc. Ông đề nghị Lương đáp chuyến tàu ấy. Vào được Trung Quốc rồi thì rất dễ dàng về Việt Bắc vì biên giới Việt Trung đã thông, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã kiến lập quan hệ ngoại giao; giữa hai nước có tình hữu nghị sâu sắc. Ông nói đã nhờ Hội Hoa kiều tại Nhật Bản làm các thủ tục cần thiết cho gia đình Lương nhập cảnh Trung Quốc, ông cũng đã có liên hệ để thông báo với Chính phủ Việt Nam về chuyện này.
Lương Định Của vào Hồng Công, đến biên giới Cửu Long trình giấy giới thiệu của Hội Hoa kiều tại Nhật Bản. Biên phòng Trung Quốc cho biết chưa nhận được chỉ thị. Các bạn khuyên Lương nên trở lại Hồng Công lấy visa nhập cảnh. Hành lý có thể cho chuyển trước sang biên giới, đưa về thành phố Quảng Châu. Vài hôm nữa gia đình Lương đến thì có thể vào Trung Quốc, đến thẳng Quảng Châu luôn. 

Trở lại khách sạn, Lương tìm cách liên hệ với Đại sứ quán ta ở Bắc Kinh, vừa gọi điện thoại vừa gửi thư song chờ mãi không thấy hồi âm. Tiền túi cạn dần: phòng trọ khách sạn rất đắt. Hàng ngày bà Của xuống phố mua bánh mì cho cả nhà ăn. Lúc này mới thấy hết bản lĩnh của người phụ nữ ấy. Ông lo cuống lên, bà chỉ cười: “Không sao, để tính xem”. Về đến Việt Nam ông thú thật với bạn bè, nếu không có bà thì với hai đứa con nhỏ, ông chẳng biết đường nào xoay xở trong những ngày quá cảnh Hồng Công. Thái độ bình tĩnh và đầy thông cảm của bà có tác dụng trấn an ông.


Sau một tuần chờ đợi trong lo âu, xuất hiện một người lạ mặt ăn mặc sang trọng. Ông nói: nếu Lương có giấy giới thiệu của Ngân hàng Trung Hoa thì ông có thể giúp cho qua biên giới. Lương Định Của chẳng có giấy tờ gì khác ngoài thư giới thiệu của Hội Hoa kiều tại Nhật Bản. Người lạ mặt khuyên, nếu vậy thì nên theo ông về Macao, ở nhờ nhà con trai ông một thời gian, chờ xin phép nhập cảnh.

Hồng Công là điểm quá cảnh, khách không được phép ở lại lâu. Lương Định Của hết sức phân vân. Người này ông chưa từng quen biết. Trong túi ông lại không có tiền, trừ gói hạt giống dưa. Đến áo quần thay hằng ngày cũng không có đủ vì các valy đã gửi hết vào Trung Quốc rồi. 

Ông quyết định hẵng trở về Sài Gòn, rồi tìm cách ra vùng tự do sau. Ông đánh điện cho một người bạn ở Sài Gòn, báo tin mình đang trên đường về nước, đến Hồng Công thì mất hết đồ đạc, nhờ bạn đặt mua vé máy bay cho hai người lớn hai trẻ con, và cho vay tạm hai nghìn USD.

Ngay chiều hôm ấy, nhận được ngân khoản người bạn gửi đến thông qua một ngân hàng lớn. Có tiền, có vé trong tay, ông còn nấn ná lại thành phố này ba tuần nữa, hy vọng có tin tức Đại sứ quán ta tại Bắc Kinh. Cuối cùng hết hạn quá cảnh mới đáp máy bay về Sài Gòn.
Chính quyền Sài Gòn nồng nhiệt đón bác sĩ nông học Lương Định Của du học từ Nhật Bản về. Bộ trưởng Nông Lâm mời ông đến cơ quan, mở rượu whisky chúc mừng, và ngỏ ý mời ông làm thứ trưởng. Lương tìm cách thoái thác khéo. Ông khiêm tốn nói mình xa đất nước đã lâu, xin cho làm việc hợp đồng một thời gian để quen thêm thung thổ và bạn bè, rồi mới dám chính thức nhận nhiệm vụ.” 

Theo lời kể của anh Lương Hồng Việt. Bác sĩ nông học Lương Định Của sau đó đã nhận làm việc ở Viện Khảo cứu Nông nghiệp Bộ Canh nông (nay là Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam)

Theo hồi ức của thầy Phan Gia Tân, giảng viên Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh, thì sau ngày Việt Nam thống nhất 30.4.1975, giáo sư Lương Định Của đã đi tìm Giáo sư Tôn Thất Trình ở Trường Đại học Nông nghiệp Sài Gòn (nay là Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh). Thầy Của tiếc không gặp được thầy Trình vì thầy đã ra đi trước đó. Tấm lòng tri ngô của họ mãi là dấu ấn của những trí thức lớn…

Giáo sư Tôn Thất Trình là người đã hai lần làm Bộ trưởng Bộ Canh nông chính quyền Sài Gòn và Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Sài Gòn. Thầy trực tiếp giảng dạy môn cây lương thực, nông học đại cương và một số môn học khác. Trong cơn lốc của các sự biến, thầy Trình đã sang làm việc ở FAO với cương vị Chánh Chuyên viên và Tổng Thư ký Chương trình Lúa Gạo Quốc tế để tiếp tục giúp Việt Nam sau hậu chiến.

Vị trí Tổng Thư ký Chương trình Lúa Gạo Quốc tế ở FAO, sau ngày GS. Tôn Thất Trình nghỉ hưu được tiếp nối bởi TS. Trần Văn Đạt, TS. Nguyễn Văn Ngưu, và nay là PGS.TS. Bùi Bá Bổng nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Đó là những người Việt lỗi lạc ở FAO.

Câu chuyện về thầy Trình, tôi đã có kể trong bài Thầy bạn là lộc xuân cuộc đời. Cái bàn và nơi ngồi làm việc của thầy Trình, sau ngày Việt Nam thống nhất là chỗ ngồi và nơi làm việc của PGS.TS. Lê Minh Triết giảng viên cao cấp và tôi được may mắn được kế nhiệm tiếp nối việc giảng dạy và nghiên cứu cây lương thực (lúa, ngô, sắn, khoai lang).

Trở lại câu chuyện giáo sư Lương Định Của. Theo lời kể của nhà báo Phan Quang: “Gia đình ông sống cùng gia đình người em trong ngôi nhà ở Đa Cao. Em gái ông có chồng đi kháng chiến, thỉnh thoảng lại kiếm cớ vắng nhà. Ông biết chị ra bưng thăm chồng.


Một hôm, vào ngày chủ nhật, ông đang ngồi chơi trước cửa thì thấy một người ăn vận có vẻ như vừa từ nông thôn ra, đi thẳng vào nhà sau nói chuyện với cô em gái. Khách về, Lương hỏi ai vậy, cô em trả lời: “Người ta muốn mời anh ra vùng kháng chiến đấy”. – Vậy em trả lời họ thế nào? Cô em cười: “Em nói, anh vợ con tùm lum thế kia thì làm sao đi kháng chiến được”. Lương Định Của lặng im, vì dự định từ Nhật Bản về thẳng miền Bắc không thành, ông không hề hé răng cho ai biết.


Hiệp định Genève về Đông Dương (1954) được ký kết. Trong giới trí thức Sài Gòn lại một lần nữa xôn xao – tuy thầm lặng – về việc ra đi hay ở lại. Nơi cơ quan Lương làm việc có một chị tên là B., em gái một bác sĩ nha khoa vốn là bạn của ông sau này cũng tập kết ra Bắc và cùng gặp lại nhau tại Hà Nội, có lần hỏi giọng nửa đùa nửa thật: “Nè, Chính phủ Việt Minh kêu gọi trí thức ra Bắc đấy, anh có đi không?”.

Lương nghiêm trang trả lời ông muốn đi. Chị B. bắt liên lạc, bố trí kế hoạch cho ông rời Sài Gòn. Chờ đợi một thời gian khá lâu mới có hồi âm. Lương Định Của nói với các em, ông muốn cho gia đình đi nghỉ mát ở Ô Cấp (Cap Saint Jacques – Vũng Tàu ngày nay) mấy hôm. Nửa đường, theo mật hiệu “cứ theo người có chửa mà đi”, ông đổi xe, đổi hướng, theo người phụ nữ ấy về thành phố Mỹ Tho. Từ đấy lại đổi xe khác, có người khác đón ra bưng biền.


Lương Định Của được nhà lãnh đạo Phạm Hùng tiếp ngay khi vừa đến cứ. Anh Bảy trò chuyện thân tình, và cho ông một bộ quần áo bà ba. 

Năm 1954, qua liên lạc biệt động, gia đình giáo sư gửi thư xin phép đi tập kết. Anh Hồng Việt kể lại: “Từ Sài Gòn, theo biệt động đưa về Cần Thơ, xuống căn cứ Cà Mau và đi tàu Ba Lan ra Sầm Sơn, Thanh Hoá. 

Ấn tượng đầu tiên là hưởng luôn một trận gió mùa đông bắc. Nhưng ngày hôm sau là 1.1.1955, gia đình được chứng kiến ngày lễ tưng bừng”. 

Luồng gió từ Hà Nội là bước ngoặt của nhà nông học Lương Định Của.

Lương Định Của, luồng gió từ Hà Nội là phần 5 trong tài liệu “Lương Định Của, con đường lúa gạo”, phần 6: Lương Định Của nhà bác học nông dân, phần 7  Lương Định Của chính khách giữa lòng dân, phần 8 Thầy bạn và học trò Lương Định Của, phần 9  “Ông bà Của, cổ tích giữa đời thường”  Mời bạn đọc tiếp phần 4: Lương Định Của những năm tuổi trẻ.

Hoàng Kim 

Video yêu thích
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam 


Trở về trang chính
Hoàng Kim, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, VietnamAfricaCassavaRice, Khát khao xanh, Dayvahoc,Học mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sốngThơ cho con