Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Ông bà Của cổ tích giữa đời thường



Ông bà Của chuyện cổ tích giữa đời thường (ảnh tư liệu gia đình)

Ông bà Của chuyện cổ tích giữa đời thường (ảnh tư liệu gia đình)

Cách đây mấy hôm, anh Lương Hồng Việt vừa mới cùng với vợ chồng thầy Trần Như Nguyện và Trần Thị Nữ Thanh ghé lên thăm chúng tôi ở Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc ở Trảng Bom, Đồng Nai. Anh Việt ghé nhà anh chị Đào Đức Miên và anh chị Trần Quang Khuông những công nhân, kỹ sư “quân” bác Của thời Tứ Lộc, Hải Dương. Chúng tôi cùng ăn cháo gà và kể chuyện những ngày gian khổ. Câu chuyện rôm rã lại quay trở về chuyện ông bà Của, cổ tích giữa đời thường.

Ai cũng nói thời ấy cực mà vui. Vợ chồng ông bà Của chịu đựng khổ cực giỏi và thực sự gầy dựng được một lớp kỹ sư thực hành vừa tâm huyết vừa tài năng thực sự có ích cho xã hội.
Ví như kỹ sư Trần Minh Chánh học trò bác Của, nguyên Trưởng trại Giống lúa Ma Lâm Bình Thuận (Thuận Hải cũ), từ năm 1981 đến năm 2004, đã nghiên cứu lai tạo, tuyển chọn được trên 35 giống lúa như TH5, TH6, ML24, ML48, ML49… Trong đó có nhiều giống được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận giống quốc gia như TH6, TH28, ML4, ML202 hoặc công nhận giống sản xuất thử như: TH41, ML29, ML48, ML107, ML214, suốt miền Trung ai cũng ngợi khen.

Ví như kỹ sư Nguyễn Văn Loãn quân bác Của cán bộ Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long tác giả chính của các giống lúa chủ lực và triển vọng của Nam Bộ giai đoạn 2004-2010 như OMCS 2000, OM 3536 (OMCS 21), OM 2517.

Ví như kỹ sư Phan Hùng Diêu, anh hùng lao động, PGS. TS. Nguyễn Thị Trâm chuyên gia hàng đầu lúa lai của Việt Nam, TS. Phạm Văn Ro, chuyên gia chọn giống lúa, Tiến sĩ Lê Hưng Quốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống Cây trồng   … v.v… và biết bao gương tấm khác. Ông bà Của sống phúc hậu gắn bó máu thịt với những lớp người đó, cùng chia sẽ khó khăn gian khổ và ông bà Của là tấm gương mẫu mực đời thường.

Nhà báo Phạm Vũ trong bài Người vợ Nhật của Lương Định Của đã viết: Bà Nobuko bảo câu ngạn ngữ Nhật Bản mà bà thích nhất là “Ngày mai sẽ thổi cơn gió riêng của nó”, tương ứng với câu “Sau cơn mưa trời lại sáng” của Việt Nam. Lạc quan vậy nên bà cứ cười hoài khi xua tay giải thích: “Mọi người bảo Nhật Bản là một nước phát triển, giàu có, còn Việt Nam thì nghèo, thời tôi đến lại còn có chiến tranh, sợ tôi vất vả. Nhưng mà không phải vậy đâu. Tôi có vất vả mấy cũng không bằng người nông dân Việt Nam, sáng sớm đã phải ra đồng, ngâm chân xuống bùn lạnh buốt, ăn uống thì cực khổ. Người Việt Nam lại luôn giúp đỡ tôi. Bên cạnh tôi còn có anh Của, có các con”.

Câu chuyện của bà tràn ngập hình ảnh về ông Lương Định Của, thật khác với những gì người ta thường hình dung về ông giáo sư, viện trưởng đạo mạo, tác giả của những giống lúa năng suất cao, cây ăn trái nổi tiếng. “Anh Của” của bà dí dỏm, dễ gần, luôn đắm trong tình yêu với khoa học và lý tưởng về một xã hội chỉ có những điều tốt đẹp. Người Nhật trọng lễ nghi, phép tắc, đôi khi quá lịch sự mà trở thành xã giao, vậy nhưng chàng thanh niên Lương Định Của lại đến gặp cô gái làm việc trong phòng thí nghiệm trường mình rồi đưa ra một gói giấy: “Xin nhờ chị Nobuko may giúp tôi một cái áo sơmi”. Lần đầu tiên được Nobuko đưa đến nhà mình để nhờ mua giúp lương thực đang rất khan hiếm trong thời điểm chiến tranh, “anh Của” đã ngọt ngào gọi “Cha ơi! Mẹ ơi!” trước sự ngỡ ngàng của cha mẹ Nobuko. Bà Nobuko hôm nay cười thật tươi: “Sau này đến Việt Nam, tôi mới biết người miền Nam có tập quán xưng hô thân mật như thế. Nghe anh gọi “mẹ”, mẹ tôi thích lắm, và vì thế mà sau đó ít lâu bà đồng ý gả con gái cho anh sinh viên ấy. Bà còn tự tay đi chợ, nấu ăn cho đám cưới”.

Những ngày mùa thu 1945, ngoài niềm vui vì hạnh phúc riêng tư, ông Lương Định Của còn một niềm vui khác khiến ông như muốn bay lên, đôi mắt sáng loáng lên khi nói với vợ: “Em Nobuko ơi, Việt Nam đã được độc lập rồi. Việt Nam không còn là thuộc địa nữa. Từ nay trở đi, anh là người của nước Việt Nam độc lập, em ạ”. Từ ngày ấy, cơn gió thổi từ Hà Nội đã len vào tổ ấm nhỏ của đôi vợ chồng trẻ, theo họ từ Fukuoka đến Kyoto, Tokyo, từ lúc Lương Định Của còn là sinh viên cho đến khi nhận được danh hiệu bác sĩ nông học danh giá, tạo ra được giống lúa mới hột to, từ khi Nobuko là một cô gái trẻ cho đến lúc cô đã là một bà mẹ với hai con trai nhỏ.

Ông Lương Định Của đã say sưa nói với vợ về tương lai mới của đất nước, về xã hội tốt đẹp, tất cả vì nhân dân mà Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đang tạo lập. Ông từ chối các cơ hội đi làm nghiên cứu sinh ở Mỹ, làm việc cho Viện Nghiên cứu lúa gạo thế giới (IRRI) để tìm cách về nước tham gia kháng chiến. Sau nhiều nỗ lực móc nối, chờ đợi, xoay đường này cách khác, năm 1952 ông đã đưa cả gia đình về Sài Gòn, và đến năm 1954 cả nhà lại cùng lên một chuyến tàu tập kết ra Bắc.

Từ đấy, bà Nobuko đã biết đến nỗi cực khổ của người nông dân Việt Nam khi cùng ông Lương Định Của ra khỏi phòng thí nghiệm bước xuống ruộng làm khoa học thực nghiệm, nuôi con gà, con lợn trong sân nhà; biết đến tem phiếu, xếp hàng, thiếu trước hụt sau khi phải chăm sóc đàn con; biết đến hầm trú ẩn, bom đạn rơi sát bên mình trong những năm tháng ở lại Hà Nội để dịch và đọc những bản tin tiếng Nhật tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Bà đã thay mặt đài viết từng lá thư tay trả lời thính giả Nhật, cảm ơn những lời động viên trong cuộc chiến tranh tàn khốc, giới thiệu những món ăn, những điểm du lịch Việt Nam… Tình yêu nước của chồng, những “cơn gió thổi từ Hà Nội” đã thấm vào bà từ bao giờ. Bà Nobuko lặp lại: “Tôi sống ở Việt Nam rất dễ chịu. Thời tiết dễ chịu, thức ăn dễ chịu, con người cũng dễ chịu, và cả cách ăn mặc nữa. Tôi rất thích áo dài, vừa nhẹ nhàng, vừa đẹp, lịch lãm, lại vừa dễ mặc”.

Tấm ảnh bà mặc áo dài đứng cạnh chồng chụp mấy mươi năm trước, dịu dàng, nền nã không khác gì một phụ nữ Việt Nam. Cầm tấm ảnh, bà lặng đi: “Chỉ tiếc anh Của mất sớm quá, mới 55 tuổi”. Đất nước vừa thống nhất, ông Lương Định Của đã hai lần vào Nam khảo sát để chuẩn bị xây dựng Trung tâm Nông nghiệp miền Nam. Rồi ông bác sĩ nông học hăng say tính chuyện trở về quê hương sinh sống, háo hức vì sắp được phát huy khả năng của mình trên những đồng ruộng mênh mông, màu mỡ của đồng bằng sông Cửu Long. Tháng 12-1975, ông tham dự kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa V, dự định kết thúc thì chuyển vào miền Nam nhận công tác. Chỉ còn hai ngày nữa lên đường, bỗng một đêm ông lên cơn nhồi máu cơ tim.

Hôm ấy là ngày 28-12-1975.”

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải trong bài Nobuko Nakamura  & Luồng gió từ Hà Nội đã viết: “Một sự trùng hợp hay hay: ngôi nhà của gia đình giáo sư Lương Định Của ở TP.HCM nằm ngay trên con đường có ngôi trường mang tên ông. Ông mất đã lâu, năm 1975, lúc mới 55 tuổi, còn rất nhiều khả năng cống hiến và chưa được hưởng không khí hoà bình bao lâu.

Bà Nakamura Nobuko (ảnh T.Trung)
Bà Nakamura Nobuko (ảnh T.Trung)
Bây giờ, trên con đường này, vợ ông – bà Nubuko Nakanura, trên 90 tuổi, vẫn ngày ngày được con trai đưa mẹ tập đi bộ giữa đường phố náo nhiệt. Khách qua đường mấy ai biết đó chính là người vợ Nhật Bản đã cùng chia sẻ cuộc đời lao động sáng tạo của một vị giáo sư – anh hùng lao động danh tiếng, đã rời bỏ quê hương cùng chồng trải qua cuộc chiến tranh gian khổ của Việt Nam. …

Bà đưa ra một cuốn sách viết bằng tiếng Nhật, do một nhà xuất bản ở Nhật ấn hành năm 2000. “Đây là cuốn hồi ký của bà, tên sách là Luồng gió từ Hà Nội, gây tiếng vang lớn ở Nhật nhưng tiếc là chưa ai dịch ra tiếng Việt để người Việt Nam có thể đọc và thấy rõ thêm một anh hùng của dân tộc mình, một trí thức lớn lăn lộn trên ruộng đồng, dưới bom đạn để tạo ra các giống lúa mới giúp hậu phương miền Bắc đạt kỷ lục 5 tấn lúa/ha, góp phần đảm bảo lương thực cho cuộc chiến tranh.

“Tính tình chúng tôi khác nhau nhưng lòng tin là một. Tin cậy lẫn nhau, gian khổ cùng vượt, đồng cam cộng khổ”. Bà thêm: “Chỉ cần nói ngắn, nói ít như vậy thôi”.

Hồi ký của bà Nobuko viết: “Tôi luôn tin tưởng là tôi hiểu biết về anh Của nhiều nhất, nhưng chứng kiến cảnh tang lễ, niềm tin này bắt đầu lung lay. Nhiều đoàn cán bộ cao cấp, nhiều cơ quan đoàn thể, đại biểu địa phương, những đoàn dài học sinh, sinh viên, hàng trăm người nông dân đứng xếp hàng trước cổng Bộ Nông Lâm nghiệp… Tôi mới hiểu anh với tư cách một người chồng, người cha, chứ chưa hiểu hết những đánh giá về mặt xã hội”.

Đúng là mỗi ngày lại có một cơn gió mới. Với những phát hiện mới về người chồng quá cố, bà Nobuko cùng các con quyết định chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh để được sống trên quê hương ông Lương Định Của, tiếp tục làm việc ở Sở Ngoại vụ, tiếp tục cùng Việt Nam vượt qua những thời kỳ từ khó khăn đến đổi mới về kinh tế, đường lối chính sách.

Trong năm người con của bà, có tới ba người theo cha vào ngành nông nghiệp. Trong đó, từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, phục vụ mười năm trong quân đội rồi lại tiếp tục theo nông nghiệp, người con trai cả Lương Hồng Việt bây giờ đã nghỉ hưu, luôn sát vai cùng mẹ Nobuko trên những nẻo đường: về quê cha ở Sóc Trăng lo phần mộ tổ tiên, về Hà Nội mỗi năm để trao Giải thưởng Lương Định Của cho những thanh niên nông thôn xuất sắc, về quê mẹ Nhật Bản để bà vơi nỗi nhớ hoa anh đào…

Nhắc về ông Lương Định Của, bà Nobuko bảo: “Ai cũng nói nếu chúng tôi vẫn cứ ở Nhật Bản thì sẽ giàu có lắm, sự nghiệp của anh cũng rực rỡ hơn về khoa học. Nhưng vật chất không làm nên hạnh phúc. Ở lại Nhật Bản thì anh Của sẽ không thể vui được đâu, vì những “cơn gió thổi từ Hà Nội”. Tôi đến đây, được làm vợ anh 30 năm, hợp nhau tới từng lời nói, như vậy là tôi được ở nấc thang trên cùng của hạnh phúc rồi”. Ông Việt cười tiếp lời: “Nhìn vào câu chuyện cuộc đời của ông bà, lớp con như chúng tôi thì thấy như huyền thoại, đám cháu thì bảo như cổ tích, không thể có được. Cả nhà bảo nhau phấn đấu theo ông bà thôi”.

Hiện nay, nhiều mái trường Việt Nam mang tên Lương Định Của. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã lập giải thưởng mang tên Lương Định Của hàng năm xét trao cho 100 gương mặt tiêu biểu đại diện cho 13 triệu thanh niên nông thôn có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, xây dựng nông thôn mới. Đó là những “ông chủ mới” năng động dám nghĩ dám làm trong phong trào thanh niên nông thôn thực hiện bốn mới (kĩ thuật mới, ngành nghề mới, thị trường mới, mô hình mới).
Quận Đống Đa thủ đô Hà Nội có một đường phố mang tên Ông. Tại ngã ba Phạm Ngọc Thạch -Lương Định Của có một dãy ki-ốt kinh doanh hoa tươi bốn mùa rực rỡ sắc màu tỏa hương thơm ngát như luôn tưởng nhớ tới Lương Định Của, một nhà nông học xuất sắc, người đi đầu trong lĩnh vực cải tạo giống cây trồng của Việt Nam.

Con đường lúa gạo mang tên nhà bác học nông dân Lương Định Của ở huyện Long Phú tỉnh Sóc Trăng được tiếp nối với đường Tôn Đức Thắng tại Trường Khánh đi về Đại Ngãi. Lúa ở đây rất tốt. Đoạn đường này có công sức và tấm lòng nhân hậu của người vợ Nhật đối với quê hương chồng, thật tình nghĩa biết bao !

Chúng ta đang đi trên con đường đó, lớp này tiếp lớp khác, theo con đường khai sáng của người thầy biết dấn thân vì đại nghĩa dân tộc, vì một tương lai mới của đất nước và xã hội tốt đẹp hơn.

Chuyện ông bà Của là câu chuyện cổ tích sống động giữa đời thường.

Câu chuyện vinh danh hạt ngọc Việt, hạt gạo làng ta, hạt vàng Việt Nam có con đường lúa gạo Lương Định Của. Đó là câu chuyện dài về con đường lúa gạo Việt Nam, mà vợ chồng bác Của đang nắm tay nhau đi trên chặng đường đầu.


“Dạy và học không chỉ trao truyền kiến thức mà thắp lên ngọn lửa! Chừng nào mỗi chúng ta chưa ứa nước mắt thấm hiểu sự nhọc nhằn của người nông dân một nắng hai sương làm ra hạt gạo. Chừng nào những giá trị lao động khoa học cao quý, liên tục, âm thầm chưa mang lại đủ niềm vui cho bữa ăn của người dân nghèo. Chừng đó chúng ta sẽ còn phải DẠY VÀ HỌC CÂY LƯƠNG THỰC. Cái gốc của sự học là HỌC LÀM NGƯỜI.

“Ông bà Của, cổ tích giữa đời thường” là phần 9 (cuối cùng) trong “Lương Định Của, con đường lúa gạo” của Hoàng Kim.  Mời đọc tiếp phần 8: Thầy bạn và học trò Lương Định Của.

Hoàng Kim
Giảng viên chính Cây Lương thực
Bộ môn Cây Lương thực Rau Hoa Quả, Khoa Nông học,
Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0903613024; email:hoangkim.vietnam@gmail.com


Video yêu thích
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam 

Trở về trang chính

Hoàng Kim
, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, VietnamAfricaCassavaRice, Khát khao xanh, Dayvahoc,Học mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sốngThơ cho con

Không có nhận xét nào: