Thứ Hai, 17 tháng 6, 2019

Tư liệu lịch sử về quan hệ Hồ Chí Minh – Stalin những năm 1950

TƯ LIỆU LỊCH SỬ VỀ QUAN HỆ HỒ CHÍ MINH VÀ STALIN NHỮNG NĂM 1950

Danh nhân Việt dẫn nguồn Nghiên cứu Quốc tế

Biên dịch: 
Hồ Anh Hải

1. Đối thoại thân mật Hồ Chí Minh – Stalin ngày 16/02/1950


Tạp chí Triển vọng, tiếng Trung Quốc, xuất bản tại Hong Kong, số 511 tháng 11/1983 có đăng một bài trích trong cuốn “Trải nghiệm tám năm ở Bộ Ngoại giao” của ông Ngũ Tu Quyền[1] nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Bài này viết về sự kiện Liên Xô và Trung Quốc ký kết Hiệp ước Hữu hảo đồng minh tương trợ Xô-Trung ngày 14/02/1950 tại Moskva. Tối 16/2, phía Liên Xô tổ chức chiêu đãi tiễn đoàn Trung Quốc về nước.[2] Chủ tịch Hồ Chí Minh được mời tới dự, ngồi cùng bàn với Stalin, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai. Dưới đây dịch nguyên văn đoạn Ngũ Tu Quyền kể về mấy câu đối thoại giữa Hồ Chí Minh với Stalin tại buổi chiêu đãi nói trên:

… Ngày 16 tháng Hai năm 1950, Chính phủ Liên Xô mở tiệc chiêu đãi Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai và toàn thể Đoàn Đại biểu Trung Quốc. Hầu như toàn bộ các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô, Chính phủ và Quân đội Liên Xô đều tới dự. Trong hai buổi chiêu đãi này,[3] Stalin tỏ ra rất vui vẻ, luôn trò chuyện thân mật, thậm chí pha trò với các vị khách.

Hôm ấy lãnh tụ Việt Nam là đồng chí Hồ Chí Minh đang ở Moskva cũng tới dự buổi chiêu đãi. Trong bữa tiệc, khi Hồ Chí Minh hỏi Stalin là đồng chí có chỉ thị gì cho tôi không thì Stalin tươi cười trả lời: “Sao tôi có thể chỉ thị cho đồng chí được nhỉ? Đồng chí là ‘Tổng thống’ rồi, làm quan còn to hơn cả tôi nữa kia mà.”[4]

Hồ Chí Minh lại nửa đùa nửa thật nói với Stalin: “Các đồng chí đã ký kết Hiệp ước Hữu hảo đồng minh tương trợ với Trung Quốc rồi. Nhân dịp tôi đang ở đây, chúng ta [Liên Xô và Việt Nam] có thể ký một hiệp ước tương tự được không?”

Vì lần này Hồ Chí Minh bí mật đến Liên Xô nên Stalin nói: “Thế thì người ta sẽ hỏi đồng chí từ đâu bỗng dưng xuất hiện ở đây thế nhỉ?”. Hồ Chí Minh nói: “Chuyện ấy dễ giải quyết thôi. Đề nghị phía Liên Xô cho một chiếc máy bay đưa tôi lên trời bay một vòng  rồi cho người ra sân bay đón tôi, sau đó đăng tin lên báo, chẳng phải là xong đấy ư?”

Stalin cười: “Đây thật là đầu óc tưởng tượng chỉ người phương Đông các đồng chí mới có mà thôi!” Stalin lúc ấy thật hiền từ dễ gần….”


Ảnh Ngũ Tu Quyền hồi trẻ ở Liên Xô 

2. Hai bức thư Hồ Chí Minh gửi Stalin tháng 10/1952


Dưới đây là ảnh chụp hai bức thư do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tay bằng tiếng Nga gửi Stalin ngày 30 và 31 tháng Mười năm 1952. Các ảnh này lấy từ trang mạng portal.rusachives.ru  của Cục Lưu trữ Hồ sơ Liên bang Nga trong dịp Phòng Triển lãm của Cục này tổ chức trưng bày kỷ niệm 40 năm Hợp tác Liên Xô-Việt Nam về kinh tế và khoa học kỹ thuật (1950-1990).

Федеральное архивное агентство. Государственное управление по делопроизводству и архивному делу Вьетнама. Российский государственный архив экономики.  Письмо Хо Ши Мина И.В.Сталину. 1952 г.

Bức thư thứ nhất, viết ngày 30/10/1952.


Bản dịch bức thư viết ngày 30/10/1952
Đồng chí I. V. Stalin kính mến

Tôi đã bắt đầu soạn bản dự thảo chương trình ruộng đất[5] của Đảng Lao Động Việt Nam, bản dự tháo này sẽ được đệ trình đồng chí muộn một chút.

Tôi xin gửi tới đồng chí các yêu cầu dưới đây, hy vọng nhận được chỉ thị của đồng chí về các yêu cầu đó:
  1. Biệt phái một hoặc hai đồng chí Liên Xô đến Việt Nam để tìm hiểu và nghiên cứu tình hình nơi ấy. Nếu các đồng chí đó biết tiếng Pháp thì họ có thể giao tiếp với nhiều người. Từ Bắc Kinh tới chỗ chúng tôi cần khoảng 10 ngày đi đường.
  2. Nên chăng chúng tôi có thể gửi 50-100 học sinh đã có trình độ văn hóa lớp 9 ở Việt Nam tới Liên Xô để học tập, trong số họ có người là đảng viên và không đảng viên, độ tuổi của họ từ 17 đến 22. Đồng chí đồng ý về vấn đề này chứ?
  3. Chúng tôi muốn nhận từ các đồng chí 10 tấn thuốc Ký ninh trong một năm để dùng cho quân đội và dân chúng, có nghĩa là 5 tấn trong mỗi nửa năm.
  4. Chúng tôi cần những loại vũ khí sau:
     (a) Pháo phòng không 37 mm cho 4 trung đoàn, tất cả là 144 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu pháo.
     (b) Pháo dã chiến 76,2 mm cho hai trung đoàn, tất cả 72 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu.
     (c) Súng máy phòng không 12,7 mm – 200 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu.
Sau khi nhận được chỉ thị của đồng chí về những vấn đề trên, tôi dự định sẽ rời khỏi Moskva vào ngày 8 hoặc 9 tháng Mười Một.
Gửi đồng chí lời chào cộng sản và lời chúc tốt đẹp nhất!
Hồ Chí Minh
Ngày 30 tháng Mười năm 1952 
[ký tên bằng tiếng Nga và chữ Hán]
Bức thư thứ hai viết ngày 31/10/1952


Bản dịch bức thư viết ngày 31/10/1952

Đồng chí I.V. Stalin kính mến
Tôi xin gửi tới đồng chí bản dự thảo Chương trình ruộng đất của Đảng Lao động Việt Nam. Bản dự thảo chương trình này do tôi soạn thảo với sự giúp đỡ của đồng chí Lưu Thiếu Kỳ và Vương Gia Tường[6] Đề nghị đồng chí xem xét bản dự thảo này và cho chỉ thị về văn bản đó.
Gửi đồng chí lời chào cộng sản!
                                                            Hồ Chí Minh
                        Ngày 31 tháng Mười năm 1952.
Chữ ký tiếng Việt
[Mấy chữ Nga viết rất nhỏ và không rõ ở dưới cùng có lẽ là ghi chú của cơ quan tiếp nhận thư này: Các bản sao gửi cho Malenkov, Molotov và Grigorian (?). 1/11/1952…]
Hồ Anh Hải  sưu tầm, biên dịch và ghi chú.
——————
[1] Ngũ Tu Quyền (伍修权, Wu Xiuquan, 1908-1997), năm 1925 được Đảng Cộng sản Trung Quốc cử sang học trường Đại học Tôn Trung Sơn ở Moskva, năm 1927 học trường Lục quân Liên Xô, sau đó làm công tác bảo vệ biên giới Viễn Đông Liên Xô, là đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô. Năm 1931 về TQ công tác trong quân đội, từng làm Phó ban Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu. Thời gian 1950-1958 làm Vụ trưởng Vụ Liên Xô-Đông Âu thuộc Bộ Ngoại giao TQ, rồi Thứ trưởng Bộ này. Từng là Ủy viên Trung ương ĐCSTQ các khóa VIII và XI, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng TQ. Tham gia phái đoàn Chính phủ TQ do Thủ tướng Chu Ân Lai dẫn đầu sang Moskva đàm phán ký kết Hiệp ước Hữu hảo đồng minh tương trợ Xô-Trung đầu năm 1950.
[2] Đoàn Chu Ân Lai đến Moskva ngày 21/12/1950 và bắt đầu đàm phán với đoàn Liên Xô về vấn đề dự thảo Hiệp ước nói trên. Trước đó, Chủ tịch TQ Mao Trạch Đông đã đến Moskva từ ngày 16/12/1949 để dự lễ chúc thọ Stalin 70 tuổi và thăm một số nơi ở Liên Xô, Mao có bàn với Stalin về việc soạn thảo và ký Hiệp ước nói trên. Theo một nguồn tin khác, ngày 17/02/1950, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và Hồ Chí Minh rời Moskva về TQ trên cùng một chuyến xe lửa riêng. Phía Liên Xô dành cho ba vị khách quý này mỗi vị (cùng cán bộ đi theo) một toa xe. Dọc đường đoàn tàu có dừng lại vài nơi để khách xuống tham quan. Ngày 4/3 đoàn tàu về đến Bắc Kinh. Ngày 11/3/1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Bắc Kinh đi Việt Nam.
[3] Tác giả muốn nói tới bữa tiệc tối hôm 14/2 do Vương Gia Tường Đại sứ Trung Quốc tại Liên Xô thay mặt phía TQ chiêu đãi phía Liên Xô.
[4] Stalin là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tương đương Thủ tướng. Hồ Chí Minh là Chủ tịch nước, tương đương Tổng thống.
[5] “Chương trình ruộng đất” viết trong hai bức thư trên nên hiểu là chương trình cải cách ruộng đất ở Việt Nam, một vấn đề Stalin rất quan tâm.
[6] Hồi ấy Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shaoqi) là Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản TQ, Phó Chủ tịch Chính phủ nước CHND Trung Hoa; Vương Gia Tường (Wang Jiaxiang) là Đại sứ TQ tại Liên Xô.
 587
 0  3  616