Thứ Ba, 21 tháng 7, 2009

Tư liệu quý đọc lại và suy nghĩ

DANHNHANVIET. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: "Lịch sử, nói chính xác hơn, là hiện thực lịch sử chỉ xảy ra một lần, duy nhất và không thể chữa lại nhưng nhận thức lịch sử cũng như viết sử, có thể làm đi làm lại nhiều lần". Những năm qua, giới sử học trong và ngoài nước đã có nhiều công trình, nhiều cuộc Hội thảo sôi nổi về sự kiện Tết Mậu Thân. DANHNHANVIET giới thiệu bài viết "Mục tiêu chiến lược của đòn tiến công Tết Mậu Thân" của Đại tá PGS, TS Hồ Khang - Viện lịch sử quân sự Việt Nam, đăng trên Viet-studies. Đây là tư liệu quý tập hợp một cách hệ thống theo mạch thời gian các Nghị quyết, Chủ trương mà Bộ Chính trị đã từng bước cân nhắc, bổ sung để đi đến quyết định táo bạo trong việc xác định mục tiêu chiến lược của đòn Tết Mậu Thân 1968. Tư liệu này cùng với tư liệu " Bác Hồ với Tết Mậu Thân năm ấy" của Vũ Kỳ (Văn Nghệ số Tết Mậu Dần 1998, tr. 4.) đã góp phần làm rõ thêm nhiều điều trong nhận thức lịch sử.

MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC CỦA ĐÒN TIẾN CÔNG TẾT MẬU THÂN

Đại tá, PGS, TS Hồ Khang*
* Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.

40 năm đã trôi qua, sự kiện lịch sử Tết Mậu Thân 1968 vẫn còn là chủ đề gây tranh luận, mà một trong những điều nổi lên là đi sâu tìm hiểu kỹ hơn nữa quá trình hình thành ý đồ chiến lược và mục đích đích thực của cơ quan chỉ đạo chiến lược Việt Nam trong việc mở cuộc tiến công lịch sử này - cuộc tiến công táo bạo nhất: đồng loạt đánh vào toàn bộ các đô thị trên toàn miền Nam!

Cuộc tấn công Tết Mậu Thân bất ngờ và “khó hiểu” đến nỗi nhiều tác giả Mỹ khi đề cập tới “Tết Mậu Thân” đã tỏ ra lúng túng trong việc đoán định mục tiêu mà phía Việt Nam đặt ra cho cuộc tiến công. Ví như G. C. Herring trong cuốn Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, đã viết: “Có nhiều khả năng là cuộc tổng tiến công đã được đề ra với tâm trạng khá lạc quan… Nhưng không có dấu hiệu gì chứng tỏ Hà Nội nghĩ là cuộc tổng tiến công sẽ mang tính quyết định”[1].

Gần đây, trong luận án tiến sĩ Giữa những cơn bão: Lịch sử thế giới và chiến tranh Việt Nam 1968 - 1973, bảo vệ tại Đại học Yale (Hoa Kỳ), tác giả Nguyễn T. Liên Hằng nhìn nhận: “Dù cuộc tiến công Tết Mậu Thân 1968 tạo ra bước ngoặt then chốt trong cuộc chiến thứ hai ở Đông Dương, nhưng những tiến triển trong quá trình chuẩn bị và những quyết định của Bắc Việt Nam liên quan tới cuộc tiến công này vẫn chưa được làm sáng tỏ”. Theo tác giả, sở dĩ có tình hình đó là bởi: “Chiến lược thận trọng của Hà Nội trong khoảng thời gian từ mùa Xuân 1967 đến đầu 1968 vẫn nằm trong vòng bí mật. Thiếu những tài liệu chính thức liên quan đến Tết Mậu Thân, đã có rất nhiều những cuộc tranh luận nổ ra về căn nguyên, mục đích… Những sử sách của Việt Nam và phương Tây hiện thời chỉ đưa ra những câu trả lời hạn chế”.

Ở Việt Nam, trong các cuộc hội thảo và sách báo viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phần đông các nhà nghiên cứu đều nhất trí nhận định: trong Tết Mậu Thân, quân và dân ta đã giành thắng lợi to lớn. Tuy nhiên do mang những kết quả đạt được và tính đếm những tổn thất của ta trong và sau “Tết” làm hệ quy chiếu để so sánh với mục tiêu chiến lược đề ra ban đầu, có ý kiến đã không ngần ngại cho rằng cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân đã mắc những sai lầm do chủ quan, đánh giá không đúng tương quan lực lượng giữa ta và địch. Thậm chí, một số người còn khẳng định: “Tết Mậu Thân 1968 đã không tạo được một bước phát triển đi lên của chiến tranh cách mạng miền Nam, không thay đổi được cục diện chiến trường có lợi cho ta, mà còn làm cho cục diện đó xấu hơn năm 1968. Cũng có thể nói rằng, nó đã tạo nên một bước tạm thời đi xuống của cục diện chiến trường miền Nam, buộc quân và dân ta phải phấn đấu gian khổ, bốn năm sau mới phục hồi lại được”[2]. Theo Trần Văn Trà, cho đến nay không phải đã hết ý kiến cho rằng “Tết Mậu Thân là một thất bại của ta. Ngay như các cấp của ta tại chiến trường sau Tết Mậu Thân phải đối phó gay go với phản kích, bình định, với kế hoạch Phượng Hoàng, cũng không thấy hết thắng lợi; nghi ngờ sự giải thích ở trên”[3].

Từ những điều trình bày trên đây, căn cứ vào các nguồn tư liệu hiện có liên quan tới quá trình hoạch định cuộc tổng tiến công, trong đó có những tư liệu mới xuất hiện, bài viết của chúng tôi hy vọng góp phần làm rõ thêm ý đồ chiến lược của đòn tiến công Tết Mậu Thân 1968.

A- ĐÔI ĐIỀU NHÌN LẠI

Nhìn lại lịch sử từ 1967 trở về trước, có thể thấy rằng, trong suốt quá trình lãnh đạo quân và dân ta ở cả hai miền trong những năm kháng chiến chống Mỹ, không bao giờ Đảng ta có ảo tưởng thắng Mỹ - cũng như với Pháp trước kia, trên thế áp đảo về sức mạnh quân sự thuần túy.

Năm 1962, khi phân tích tình hình cách mạng Lào sau chiến thắng Nậm Thà, đồng chí Lê Duẩn từng lưu ý các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam: “Đế quốc Mỹ phải thua nhưng có thể thua đến mức nào. Ta phải thắng nhưng thắng đến mức nào”. Từ đó, vấn đề THẮNG MỸ ĐẾN MỨC NÀO đã thường xuyên xuất hiện trong nhiều bài nói, bài viết, điện chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn, được đồng chí đặt ra để suy nghĩ, “tính toán, đo lường cho chuẩn xác”.

Năm 1965, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 khóa III (tháng 12-1965) đã chỉ ra phương hướng giành thắng lợi trong "chiến tranh cục bộ" là: trên cơ sở tiếp tục quán triệt phương châm đánh lâu dài, “cần cố gắng cao độ, tập trung lực lượng của cả hai miền để tranh thủ thời cơ giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn trên chiến trường Miền Nam”. Cần lưu ý rằng, ngay ở nghị quyết này, khái niệm “giành thắng lợi quyết định” không bao hàm ý nghĩa tiêu diệt toàn bộ lực lượng quân sự địch mà thực chất chỉ là “đè bẹp ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, thực hiện mục tiêu về độc lập, tự chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới thống nhất nước nhà”[4].

Năm 1967, trong thư gửi Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, ngày 1-7-1967, đồng chí Lê Duẩn viết: “Phấn đấu tiến tới Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa (TCK - TKN) là quyết tâm cách mạng rất cao, là phương pháp cách mạng rất quyết liệt, rất triệt để của chúng ta. Song mặt khác, chúng ta phải có sách lược mềm dẻo và biết thắng với mức độ thích hợp”[5]. Gần 3 tháng sau đó, trong cuộc họp Bộ Chính trị tháng 10-1967 bàn về "Tết Mậu Thân", đồng chí Trường Chinh chủ trì cuộc họp đã kết luận mở cuộc TCK - TKN Tết Mậu Thân, "ta tranh thủ giành thắng lợi cao nhất, song cũng có thể đạt mức độ thôi". Từ những điều trình bày trên đây, chúng ta lần lại lịch sử để tìm hiểu quá trình hình thành chủ trương mở cuộc Tổng tiến công chiến lược này.


B- QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CHỦ TRƯƠNG CHIẾN LƯỢC “TẾT MẬU THÂN”

Sau khi đánh thắng hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967 của quân Mỹ trên chiến trường, làm thất bại một bước quan trọng chương trình “bình định” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, từ những tháng đầu của năm 1967, trên cơ sở phân tích tình hình mọi mặt có liên quan và theo dõi sát diễn biến thực tế chiến trường, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam nhận thấy một tình thế mới có lợi cho ta, bất lợi cho địch đã xuất hiện, cho phép ta có thể và cần phải tìm cách khai thác nhằm xoay chuyển cục diện chiến tranh. Kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1967 - 1968 lập tức được khởi thảo nhằm mục đích tận dụng thời cơ đó để đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ tiếp tục phát triển.

Tháng 5.1967, cuộc họp của Bộ Chính trị dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá tình hình, xem xét dự thảo kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1967 - 1968.

Tháng 6.1967, trên cơ sở nhận định những thắng lợi của quân và dân ta ở cả hai miền là to lớn, toàn diện, làm thất bại một bước rất cơ bản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đẩy Mỹ vào thế lúng túng, bị động cả về chiến lược lẫn chiến dịch, Hội nghị Bộ Chính trị chủ trương: “Trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nỗ lực chủ quan đến mức cao nhất để giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn”[6]. Nhưng tương đối ngắn là bao lâu? Chưa ai có thể hình dung được. Nhưng rõ ràng là Bộ Chính trị đã thể hiện quyết tâm rất lớn trong chủ trương tổ chức các trận đánh tiêu diệt từ 3 đến 5 lữ đoàn Mỹ, 3 đến 5 sư đoàn quân đội Sài Gòn. Xét về mặt cách làm, thì việc “định mức” thắng lợi như vậy là việc vẫn thường thấy trước mỗi chiến dịch được mở ra trong các đợt tấn công quân sự trước đây; có khác chăng là ở chỗ đến thời điểm tháng 6-1967 những chiến thắng ròn rã vừa qua đã cho phép đưa ra “định mức” cao hơn.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết tháng 6-1967 của Hội nghị Bộ Chính trị, Bộ Tổng tham mưu đã cử cán bộ tới các chiến trường, các mặt trận chỉ đạo thí điểm cách đánh tiêu diệt gọn các đơn vị quân Mỹ[7]. Đây được xem như một cuộc diễn tập nhằm thăm dò khả năng quân ta trước một đối thủ mạnh, được “trang bị tận răng” như quân đội Mỹ.

Câu hỏi đặt ra cho Bộ Tổng tham mưu là: vào mùa thu năm 1965, trong cuộc giao tranh với Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 của Mỹ tại thung lũng Ia Đrăng, chủ lực Quân giải phóng đã bao vây, tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn của sư đoàn này; nhưng liệu rằng tới đây, chúng ta có thể đạt được thắng lợi rất cao như dự kiến của BCT, “đánh tiêu diệt từ 3 đến 5 lữ đoàn Mỹ, 3 đến 5 sư đoàn quân đội Sài Gòn” hay không?

Tháng 7-1967, trong khi Bộ TTM đã cử cán bộ tới các chiến trường, các mặt trận chỉ đạo thí điểm cách đánh tiêu diệt gọn các đơn vị quân Mỹ, thì tại Tổng hành dinh, Bộ CT đã có nhiều cuộc họp với lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường, với các ngành, các cấp có liên quan để cùng tính toán, bàn bạc, cân nhắc, hoàn chỉnh dần từng bước chủ trương chiến lược đã đề ra tháng 6/1967. Nhờ đó, kế hoạch chiến lược lại tiếp tục được bổ sung.

Kết quả từ các cuộc họp tháng 7-1967 đã khiến Bộ CT nhận rõ hơn nữa rằng, Nghị quyết Bộ CT tháng 6-1967 đã đặt ra khả năng, giao cho “Tổ kế hoạch” lựa chọn :

a) Nếu cứ mở các đợt hoạt động quân sự như trước, đánh theo cách đánh cũ thì khó tận dụng được thời cơ có lợi để tạo nên chuyển biến lớn trên chiến trường, cuộc chiến vẫn sẽ diễn ra trong thế nhùng nhằng, giằng co.

b) Nhưng mặt khác, trước đối thủ có hoả lực mạnh và dồi dào, tính cơ động cao, khả năng tiếp ứng nhanh, lại chiếm uy thế áp đảo trên không, trên sông, trên biển như quân Mỹ thì phương án bao vây để tiêu diệt lớn đội quân này - như đã từng làm ở Điện Biên Phủ là không hiện thực.

Trong khi “Tổ kế hoạch” còn chưa tìm được giải pháp thì một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt trong Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chủ trương: Đột ngột chuyển hướng tiến công chiến lược của ta từ rừng núi, nông thôn đánh thẳng vào sào huyệt địch ở đô thị trên toàn miền Nam[8]. Ngay lập tức, kế hoạch chiến lược mà Bộ Tổng tham mưu đang triển khai được hình thành lại.

Tháng 10 năm 1967, trong 5 ngày, từ ngày 20 đến ngày 24-10-1967, Bộ Chính trị họp bàn cụ thể hơn về chủ trương và kế hoạch chiến lược năm 1968[9]. Đây là hội nghị rất quan trọng để quyết định kế hoạch tiến công táo bạo Tết Mậu Thân lịch sử. Bộ Chính trị dành thời gian nghe Dự thảo kế hoạch chiến lược Đông - Xuân - Hè 1967 - 1968 do đồng chí Văn Tiến Dũng thay mặt Quân ủy Trung ương trình bày, Báo cáo về tình hình địch của Cục 2, Về tình hình ta của Bộ Tổng tham mưu, về các kế hoạch tác chiến của Mặt trận đường 9 - Bắc Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khu 5, Tây Nguyên, Nam Bộ. Trên cơ sở thảo luận rất kỹ dự thảo và các báo cáo trên đây, Bộ Chính trị nhận định: “Mỹ đang thất bại lớn, vì có tăng quân cũng không giải quyết được gì, mà tình hình càng bế tắc, càng bị cô lập thêm, mâu thuẫn càng sâu sắc”. Tuy nhiên, “Mỹ còn rất ngoan cố… đang cố gắng tăng cường lực lượng để giữ cho tình hình không xấu đi”[10]. Chớp thời cơ này, Bộ chính trị quyết định một phương thức tiến công, một cách đánh mới có hiệu lực cao: Bất ngờ và đồng loạt đánh mạnh vào các đô thị trên toàn miền Nam, nhằm "làm thay đổi tình hình (làm được chủ yếu do cố gắng của ta), thay đổi cục diện, chuyển biến chiến lược"[11] trên chiến trường và trong sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta.

Phải thấy rằng, đây là một quyết định rất táo bạo, rất sáng tạo của Đảng ta. Bởi vì, cũng tại cuộc họp quan trọng này, Bộ Chính trị nhận thấy rất rõ ràng rằng, cho đến lúc ấy, ở miền Nam, khả năng đánh chiếm và trụ lại ở thị xã của quân ta là chưa thể[12] và "khả năng tiêu diệt của ta còn yếu"[13]. Điều đó cho thấy, nếu chỉ căn cứ vào tương quan lực lượng quân sự thuần túy giữa hai bên trên chiến trường lúc bấy giờ thì sẽ không có được chủ trương táo bạo ấy[14]. Vấn đề ở đây là chớp thời cơ, là táo bạo, sáng tạo cách đánh chiến lược mới. Cách mạng tháng Tám là như thế. Về sau này, chiến thắng mùa Xuân 1975 cũng là như vậy. Để tạo sự bất ngờ đối với địch, toàn bộ ý định chiến lược này được giữ bí mật nghiêm ngặt: a) không đưa ra bàn bạc ở Trung ương; b) trong Bộ Tổng tham mưu, chỉ ai được phân công làm kế hoạch mới biết về chủ trương mới này.

Ngày 28-12-1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, chính thức thông qua kế hoạch chiến lược năm 1968.

Tháng 1 năm 1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 họp, đã thông qua Nghị quyết tháng 12.1967 của Bộ Chính trị[15] quyết định thực hiện TỔNG CÔNG KÍCH – TỔNG KHỞI NGHĨA để giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Để thực hiện quyết tâm chiến lược đó, Bộ Chính trị chỉ rõ: trên mặt trận ngoại giao, cần có phương pháp và hình thức đấu tranh thích hợp và “phải mở đường cho địch đi vào thương lượng theo hướng có lợi nhất cho ta”[16]. Phát biểu trong Hội nghị, đồng chí Lê Duẩn lưu ý rằng, mặc dù Mỹ đang bị động, đang lâm vào thế khó khăn, “nhưng nó là kẻ mạnh… nên ta phải biết thắng nó”. Muốn thế chúng ta không thể đánh theo lối cũ, “mà phải chuyển qua một giai đoạn mới, tức là giai đoạn TCK - TKN, có khả năng đè bẹp ý chí xâm lược của nó; làm cho nó tan rã thực sự, buộc nó phải đi đến ngồi với ta, thương lượng với ta”[17]. Theo đồng chí, TCK-TKN là chủ trương mà "anh em ta không hiểu đâu. Không ai biết chuyện này, không ai ngờ đâu. ta không dám bàn với ai cả, bí mật lắm". Đồng chí khẳng định: ta biết khởi sự chiến tranh thì cũng biết cách kết thúc chiến tranh, "ta độc lập, không theo ai cả".

Như vậy theo đồng chí Lê Duẩn, chủ trương mở cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 nhằm giáng một đòn quyết liệt và ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải đơn phương ngừng ném bom miền Bắc, buộc phải đi đến ngồi với ta, thương lượng với ta chính là chủ trương “biết thắng Mỹ” vừa với sức ta[18], mở ra một giai đoạn mới vừa đánh vừa đàm, phù hợp với truyền thống quân sự Việt Nam.

Gần 20 năm sau, chúng ta bắt gặp những suy nghĩ như sự gợi ý phản biện cho công tác nghiên cứu khoa học về sự kiện lịch sử nổi tiếng này của đồng chí Lê Đức Thọ, khi đồng chí nói chuyện tại Viện Lịch sử Quân sự về nhiều vấn đề, nhằm gợi ý để các nhà nghiên cứu có thể viết cuốn sách Tổng kết chiến tranh và biên soạn lịch sử quân sự. Về sự kiện Tết Mậu thân, đồng chí viết:

“Bây giờ tổng kết lại thì thấy: Ngày đó, nếu mục đích trong cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân mà chúng ta đề ra chỉ là đánh địch thiệt hại nặng, nhất là nhằm vào những vị trí ở trung tâm đầu não địch để chúng phải ngồi vào bàn đàm phán thì, ta có cần phải mở cuộc Tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành chủ quyền như chúng ta đã đề ra để đến nỗi bị tiêu hao quá nhiều lực lượng như thế không?… Vì thế, sau này thảo luận về Tết Mậu Thân, có ý kiến cho rằng: chỉ cần mở một trận tập kích chiến lược hoặc là một cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên cả ba vùng chiến lược, nhằm mục tiêu như đã đề ra thì cũng làm cho địch thiệt hại nặng nề và đủ buộc địch phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán”[19].


C- MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC TẾT MẬU THÂN 1968

Trở lên, chúng tôi đã trình bày tổng quát quá trình hình thành chủ trương mở cuộc tiến công Tết Mậu Thân của các cơ quan chỉ đạo chiến lược Việt Nam, trên cơ sở đó, đi sâu hơn nữa vào việc tìm hiểu mục tiêu chiến lược đích thực của đòn tiến công Tết Mậu Thân - 1968. Từ những gợi ý của đồng chí Lê Đức Thọ, chúng tôi muốn nhìn lại một cách khái quát tình hình quân sự, chính trị ngoại giao của chúng ta từ 1965 đến 1968, ngõ hầu tìm một lời giải đáp.

Chúng tôi nhận thấy rằng trong toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, những năm từ 1965 đến 1968, về mặt quân sự và ngoại giao đã diễn ra như sau:

Về quân sự.

a) Phía Mỹ, cả ba quân chủng lục quân, không quân, hải quân đã được huy động tối đa vào cuộc chiến hòng nhanh chóng khuất phục ý chí kháng chiến của nhân dân Việt Nam[20]. Với tiềm lực và sức mạnh quân sự, kinh tế lớn hơn gấp nhiều lần, giới lãnh đạo nước Mỹ ngày đó chắc tin cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ ở cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu chiến lược theo kế hoạch đề ra ban đầu trong khoảng thời gian ngắn. Những tháng năm ấy, ở miền Nam, Mỹ có trong tay hơn một triệu quân (gồm quân Mỹ, quân một số nước đồng minh của Mỹ và quân đội Sài Gòn), đã liên tiếp tung ra hai cuộc phản công chiến lược (mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967), đánh ra các hướng chiến trường, đánh sâu vào hệ thống căn cứ địa kháng chiến của cách mạng miền Nam. Trên miền Bắc, không quân và hải quân Mỹ gia tăng hoạt động cả về quy mô và cường độ, đánh phá dữ dội toàn bộ hệ thống mục tiêu quân sự và dân sự.

b) Phía Việt Nam, trong khói lửa chiến tranh, quân và dân trên cả hai miền vẫn bền gan chiến đấu, giữ vững chiến lược tiến công, làm thất bại một bước quan trọng các mục tiêu chiến lược trong cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ, khiến cho Mỹ không thể dễ dàng đạt được mục tiêu chiến lược đề ra ban đầu là giành thắng lợi trong khoảng thời gian ngắn.

Về ngoại giao.

Trong những năm này, cả hai phía Mỹ và Việt Nam đều chú trọng đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao. Các hoạt động này được mỗi bên tính toán kỹ lưỡng, nhằm những mục tiêu xác định, gắn chặt với nhịp độ chiến tranh và đều chịu sự tác động của sức ép quốc tế và trong nước.

a) Phía Mỹ: Một tài liệu lịch sử từ phía Mỹ cho biết, “các quan chức Mỹ về sau tổng kết lại là từ năm 1965 đến năm 1967, đã có tới 2.000 nỗ lực nhằm bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình. Không bên nào tỏ ra thờ ơ với những nỗ lực như vậy, nhưng cũng không bên nào muốn có những nhượng bộ cần thiết để biến các cuộc đàm phán thành hiện thực”[21].

b) Phía Việt Nam: Nếu chính quyền Mỹ chịu sức ép ngày càng tăng ở trong nước và trên thế giới, đã nhiều lần toan mở đường đi vào thương lượng thì Việt Nam cũng đang trong hoàn cảnh phức tạp, phải tính toán sao cho vừa giữ được độc lập chủ quyền, vừa tranh thủ được tối đa sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Trong khi đó

- “Do đánh giá cao sức mạnh của Mỹ, Liên Xô tìm mọi cách hướng Việt Nam đi vào thương lượng với Mỹ khi điều kiện chưa chín muồi”[22]. Từ 1965 đến 1968, Liên Xô đã 24 lần truyền đạt ý kiến của Mỹ cho phía Việt Nam về đàm phán.

- Còn Trung Quốc, bằng suy nghĩ, kinh nghiệm của riêng mình, lại muốn thuyết phục Việt Nam kiên trì đường lối trường kỳ đánh Mỹ…

Vì thế, một mặt chúng ta vẫn ra sức tranh thủ sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc, nhưng mặt khác, chúng ta vẫn phải kiên quyết giữ vững đường lối độc lập, tự chủ. Do vậy, từ cuối 1966, đầu 1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đã chủ trương tạo điều kiện mở ra cục diện vừa đánh vừa đàm, nghĩa là không ngả theo gợi ý cụ thể của cả Liên Xô và Trung quốc. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (tháng 1-1967), Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh trình bày Đề cương báo cáo về công tác đấu tranh ngoại giao, trong đó chỉ rõ: “Để đánh bại kẻ thù hết sức ngoan cố và xảo quyệt là đế quốc Mỹ xâm lược, ta phải giữ vững quyết tâm cao độ, nắm vững phương châm chiến lược, đồng thời phải biết cách đánh thắng địch, vận dụng sách lược khôn khéo, giành thắng lợi từng bước”[23].

Đó là điều giải thích vì sao nếu như từ 1966 trở về trước, lập trường của phía Việt Nam là Mỹ phải rút quân ra khỏi miền Nam, chấm dứt hoàn toàn mọi hành động chống phá miền Bắc trước khi có bất cứ cuộc nói chuyện nào giữa hai bên thì, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13 ( tháng 1-1967), Đảng ta mềm dẻo hơn trong sách lược, bắt đầu chủ trương hé mở khả năng phía Việt Nam sẽ đi vào đàm phán nếu Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, chứ chưa bao gồm điều kiện Mỹ phải rút hết quân ra khỏi miền Nam như trước đây. Tuy nhiên, để lường trước những vấn đề sẽ nảy sinh do chủ trương mới, Hội nghị Trung ương 13 đã nêu rõ rằng, phải “có kế hoạch vận động, giải thích, thuyết phục những nước anh em có thể nghi ngờ ta thương lượng non, do đó tỏ thái độ trực tiếp hoặc gián tiếp không đồng tình với ta; hoặc quá nặng về đàm phán giải quyết vấn đề đi đến thúc ép ta sớm đi đến giải pháp chính trị trong khi tình hình chưa chín muồi; cần hết sức tránh không để quân thù lợi dụng sự bất đồng về sách lược giữa ta và các nước anh em”[24].

Thế nhưng, đáp lại thiện chí trên đây của phía Việt Nam, phía Mỹ vẫn kiên quyết đòi ta “có đi có lại”, đưa ra điều kiện buộc ta phải công khai cam kết không lợi dụng việc Mỹ ngừng ném bom để chi viện cho miền Nam. Phía Mỹ đưa ta yêu sách như vậy, khác nào đặt kẻ xâm lược và người bị xâm lược ngang nhau, thể hiện rõ lập trường cho rằng “miền Bắc xâm lược miền Nam(!)”. Thư của Tổng thống Mỹ Johnson gửi chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 8-2-1967, đã thể hiện rõ sự ngoan cố của Mỹ[25].

Thực vậy, Tổng thống Mỹ Johnson vừa gửi thư tới Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 8-2-1967 thì, ngày 14-2-1967, đã cho phép không quân và hải quân Mỹ nối lại các cuộc đánh phá miền Bắc với quy mô và cường độ ngày càng mở rộng, ngày càng khốc liệt. Đó là điều buộc Việt Nam phải tính toán, chọn lựa phương án giáng một đòn quyết liệt, buộc Mỹ phải ngừng ném bom miền Bắc trong năm bản lề này. “Lẽ phải thuộc kẻ mạnh”. Kinh nghiệm lịch sử của dân tộc đã cho chúng ta rút ra bài học đó. Vì vậy chúng ta muốn hòa bình, muốn đàm phán nhưng không thể ảo tưởng đàm phán trong thế yếu mà ngược lại chỉ có thể đàm phán trên thế thượng phong, thế áp đảo về quân sự.

Đây là bài toán vô cùng nan giải bởi vì tương quan lực lượng khi chúng ta quyết định “Tết Mậu Thân” như sau:

- Về phía Mỹ, lực lượng quân sự địch trên chiến trường đang tới đỉnh cao - hơn một triệu hai mươi vạn quân chủ lực; bộ máy chiến tranh vẫn còn hiệu lực; tiềm lực chiến tranh vẫn rất dồi dào; ý chí xâm lược của giới lãnh đạo Oasinhtơn chưa bị lung lay.

- Về phía Việt Nam, đến thời điểm ấy, chỉ có 27 vạn bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương Quân giải phóng trên chiến trường miền Nam.

Cần nhấn mạnh một điều tưởng như mâu thuẫn là, tại sao khi bàn về mối tương quan lực lượng giữa ta và địch, ngày 24-10-1967, Hội nghị Bộ Chính trị đã nhận định rằng với một tương quan lực lượng quá chênh lệch như vậy thì dù cho“đánh vào thị xã mà giữ lại (thì) ta cũng chưa làm được”; “khả năng đánh tiêu diệt của ta còn yếu”, mà mặt khác, lại đi tới quyết tâm mở cuộc Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa? Ấy là vì Bộ Chính trị đã nhất trí nhận định, “Mỹ còn rất ngoan cố… đang cố gắng tăng cường lực lượng để giữ cho tình hình không xấu đi”[26], để yên ổn đón chờ năm bầu cử, rồi sẽ tiếp tục theo đuổi cuộc chiến. Điều đó có nghĩa là Mỹ đang ở thế phòng ngự. Chớp thời cơ này, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa, không thể đánh theo lối cũ, theo kiểu "tuần tự nhi tiến", đánh theo mùa, đợt"[27] mà phải Bất ngờ và đồng loạt đánh mạnh vào các đô thị trên toàn miền Nam, nhằm “Làm thay đổi tình hình, thay đổi cục diện, chuyển biến chiến lược” trên chiến trường, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán[28].

Tháng 1 năm 1968, Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ 14 họp, đã thông qua Nghị quyết tháng 12-1967 của Bộ Chính trị, quyết định thực hiện TỔNG CÔNG KÍCH - TỔNG KHỞI NGHĨA giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Để thực hiện quyết tâm chiến lược đó, Bộ Chính trị chỉ rõ: trên mặt trận ngoại giao, cần có phương pháp và hình thức đấu tranh thích hợp và “phải mở đường cho địch đi vào thương lượng theo hướng có lợi nhất cho ta”[29]. Phát biểu trong Hội nghị, đồng chí Lê Duẩn lưu ý rằng, mặc dù Mỹ đang bị động, đang lâm vào thế khó khăn, “nhưng nó là kẻ mạnh… nên ta phải biết thắng nó”. Muốn thế chúng ta không thể đánh theo lối cũ, “mà phải chuyển qua một giai đoạn mới, tức là giai đoạn TCK - TKN, buộc nó phải đi đến ngồi với ta, thương lượng với ta”[30].

Khi nói chúng ta không thể đánh theo lối cũ "mà phải chuyển qua một giai đoạn mới" tức là đồng chí Lê Duẩn đã một lần nữa tâm đắc với ý kiến từ các cuộc họp tháng 6-1967 đã khiến Bộ CT nhất trí, đó là: nếu cứ mở các đợt hoạt động quân sự như trước, đánh theo cách đánh cũ thì cuộc chiến vẫn sẽ diễn ra trong thế nhùng nhằng, giằng co, khó có thể tạo nên chuyển biến lớn trên chiến trường; còn phương án bao vây để tiêu diệt lớn đội quân này như đã từng làm ở Điện Biên Phủ là không hiện thực.

Vì thế, chúng tôi cho rằng kế hoạch tổng tiến công Tết Mậu Thân được khởi xướng, là nhằm giải đáp bài toán của lịch sử trên đây. Do đó, chúng tôi không tán thành ý kiến của một số tác giả cho rằng, chỉ cần mở một trận tập kích chiến lược hoặc là một cuộc tiến công chiến lược trên cả ba vùng thì cũng làm cho địch thiệt hại nặng nề và đủ buộc địch phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán[31].

Nghiên cứu kỹ Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị Bàn về kế hoạch chiến lược mùa thu: TCK - TKN Đông Xuân Hè 1967 - 1968, Nghị quyết của cơ quan chỉ đạo chiến lược cũng như một số bài nói, bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội lúc bấy giờ, chúng ta nhận thấy quả thật chủ trương chiến lược táo bạo của Nghị quyết tháng 12-1967 của Bộ Chính trị thực hiện TỔNG CÔNG KÍCH - TỔNG KHỞI NGHĨA đã thấm tới từng câu chữ, chẳng hạn:

Đồng chí Trường Chinh cho rằng cần phải “tranh thủ thời cơ, tích cực chuẩn bị để tiến hành CK - KN làm thay đổi tình hình, thay đổi cục diện, chuyển biến chiến lược, thực hiện các Nghị quyết của TW bằng CK - KN…"; Đồng chí Phạm Văn Đông cũng “đồng ý nhất loạt CK - KN ở các khu trọng điểm, các nơi khác làm được như thế nào phải hết sức làm”; Đồng chí Lê Đức Thọ cho rằng “Tóm lại, ta đã tạo ra điều kiện chín muồi CK và KN”…; Đồng chí Tố Hữu cho rằng, “kế hoạch của ta dựa trên đánh giá tình hình địch - ta, vì vậy kế hoạch của ta có cơ sở vững chắc… vì vậy có nhiều khả năng ta chắc thắng; Đồng chí Lê Thanh Nghị tuy đã lưu ý “công tác chuẩn bị còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết để chuẩn bị cho quần chúng, qua báo cáo thấy khu trọng điểm còn yếu… về CK thì cứ làm, song về KN ở khu trọng điểm Sài Gòn nếu chuẩn bị không đầy đủ mà cứ làm thì phải cân nhắc kỹ, vì làm không chắc thì sau đó còn quần chúng thì sẽ thế nào? Nói như vậy là để chuẩn bị thật kỹ cho KN ở khu trọng điểm”… Nhưng đồng chí vẫn hoàn toàn “nhất trí với bản báo cáo của Quân ủy TW”.

Tựu chung, ý tưởng của các đồng chí trong cuộc họp này đều gặp gỡ, đi đến hoàn toàn nhất trí với chủ trương TCK - TKN nhằm tập trung sức mạnh tổng hợp của chiến tranh cách mạng miền Nam, kết hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, nhằm vào toàn bộ mục tiêu hiểm yếu của địch trên chiến trường, đặc biệt bằng cách đánh hiểm, đánh vào yết hầu, đánh vào tim óc của địch, vào thời điểm nhạy cảm nhất trong đời sống chính trị của nước Mỹ, buộc giới lãnh đạo Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán, mở ra một giai đoạn mới - giai đoạn vừa đánh vừa đàm, nhằm kết thúc cuộc chiến theo truyền thống quân sự Việt Nam [32].



*

* *



Tết Mậu Thân và tác động rộng lớn của nó đã hiện thực hoá mục tiêu chiến lược này của cơ quan chỉ đạo chiến lược Việt Nam về các mặt sau đây:

1. Phơi bày toàn bộ quá trình thất bại của Mỹ trên chiến trường cả về quân sự, chính trị; sự bất lực của một đạo quân đông tới gần 1 triệu 30 vạn, được trang bị vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại trước sức tiến công và cách đánh của đối phương.

2. Làm lộ rõ những sai lầm về chiến lược cũng như cách thức điều hành chiến tranh của giới lãnh đạo Oasinhtơn và giới tướng lĩnh Mỹ trên chiến trường.

3. “Tết” còn là sự biểu dương ý chí, nghị lực, sức mạnh và nghệ thuật điều hành chiến tranh của phía Việt Nam; làm bộc lộ những giới hạn trong sức mạnh quân sự, kinh tế của Mỹ; làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chiến lược toàn cầu mà Mỹ theo đuổi từ lâu[33].

4. Vì lẽ đó, cho dù Mỹ là một nước lớn, một nước chưa hề bại trận trong lịch sử 200 năm lập nước, nhưng “Tết Mậu Thân 1968” đã gây nên những chấn động dữ dội giữa lòng nước Mỹ, khiến cho đông đảo các tầng lớp xã hội Mỹ - kể cả các quan chức cấp cao, các nghị sĩ, các tập đoàn tài phiệt đầy thế lực, phải thay đổi quan điểm, không còn hậu thuẫn cho chính sách chiến tranh của chính quyền Johnson nữa.

5. Và cuối cùng, tất cả những điều đó đã buộc Tổng thống Mỹ Johnson, vào đêm 31-3-1968, chẳng những đã phải công khai tuyên bố: Mỹ đơn phương chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc (từ vĩ tuyến 20 trở ra), sẵn sàng cử đại diện đi vào đàm phán với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mà hơn thế, còn quyết định rút dần quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam khi chưa một mục tiêu nào của cuộc chiến tranh này được thực hiện. Việc trút bỏ gánh nặng chiến tranh xuống vai chính quyền và quân đội Sài Gòn - một lực lượng vốn đã bại trận trước khi quân Mỹ buộc phải tham chiến và ngày càng phụ thuộc vào sự hiện diện của quân Mỹ thì, về thực chất, đã làm cho Mỹ phải phụ thuộc vào chính kẻ đã và đang phụ thuộc vào mình. Đây là đảm bảo chắc chắn cho thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam.

Với tất cả những lý do đó, cho dù sau “Tết”, cuộc chiến vẫn còn kéo dài và rất quyết liệt - phải 5 năm sau Mỹ mới rút hết quân và 7 năm sau, chính quyền Sài Gòn mới sụp đổ hoàn toàn, nhưng với quyết định ngày 31-3-1968 của Tổng thống Mỹ Johnson, về thực chất, số phận cuộc chiến giữa đế quốc Mỹ và nhân dân Việt Nam đã được định đoạt[34].

Trên ý nghĩa này, vào năm 1971, khi nhìn lại “Tết Mậu thân”, Don Oberdorfer đã viết: “Vì cuộc chiến chưa đến hồi kết thúc và chung cuộc chưa rõ ràng, tầm quan trọng đầy đủ về cuộc tiến công Tết Mậu Thân đang nằm ngoài tầm nhận thức của chúng ta”. Nhưng dù vậy, “một điều xem ra đã rõ: Lịch sử sẽ chẳng quên đi sự kiện này. Đối với mọi loại người và mọi cách suy nghĩ khác nhau, đây là một sự kiện có tính chất bước ngoặt, một trong những bước ngoặt lớn trong thời đại chúng ta”[35]. Và, hai mươi năm sau, năm 1988, G. Kolko, giáo sư sử học Mỹ, đã khá xác đáng khi nhận xét rằng, “Đảng [Lao động Việt Nam] hoàn toàn không được chuẩn bị” để đón nhận “quy mô to lớn của tác động TẾT”[36]. Nói theo cách khác, theo G. Côn-cô, tác động rộng lớn của của đòn tiến công Tết Mậu Thân đã vượt ra khỏi sự lường định ban đầu của những người khởi xướng.

Khi một sự kiện lịch sử kết thúc, là lúc bắt đầu công việc của các nhà nghiên cứu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: "Lịch sử, nói chính xác hơn, là hiện thực lịch sử chỉ xảy ra một lần, duy nhất và không thể chữa lại nhưng nhận thức lịch sử cũng như viết sử, có thể làm đi làm lại nhiều lần"[37]. Những năm qua, giới sử học trong và ngoài nước đã có nhiều công trình, nhiều cuộc Hội thảo sôi nổi về sự kiện Tết Mậu Thân. Bằng những tư liệu hiện có trên tay, qua bài viết này, chúng tôi muốn hệ thống lại theo mạch thời gian các Nghị quyết, Chủ trương mà Bộ Chính trị từng bước cân nhắc, bổ sung để đi đến quyết định táo bạo trong việc xác định mục tiêu chiến lược của đòn Tết Mậu Thân 1968.

Qua những văn kiện này, chúng ta càng thấy rõ hơn rằng, mục tiêu chiến lược trên đây đã được sự nhất trí rất cao của tập thể Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, và lãnh đạo chỉ huy các chiến trường mà biểu hiện cao nhất là cuộc họp Bộ Chính trị tháng 12-1967 do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì. Không khí nhất trí cao độ của tập thể Bộ Chính trị đã thể hiện thành lời hiệu triệu qua bài thơ Chúc mừng năm mới của Bác:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta!



TÀI LIỆU DẪN

[1] G.C. Herring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Nxb. CTQG, H.1998, tr.240.

[2] Tham luận của Cục Khoa học quân sự Bộ Quốc phòng tại Hội nghị tổng kết cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân do Viện lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức, tháng 3-1986. Tài liệu lưu tại Viện LSQS VN.

[3] Trần Văn Trà: Thắng lợi và suy nghĩ về thắng lợi, Tạp chí lịch sử quân sự, số tháng 2 năm 1988.

[4] Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 (khoá III), tháng 12-1965.

[5] Lê Duẩn: Thư vào Nam, NXB. Sự thật, H, 1985, tr. 52.

[6] Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, Nxb. CTQG, H, 1995, tr.384-385.

[7] Tháng 7 và tháng 8-1967, Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu bắt tay xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược cho năm 1968 theo tinh thần nghị quyết Bộ Chính trị tháng 6 và chỉ thị của Quân uỷ Trung ương. Điểm lại hai năm đánh Mỹ, bộ đội ta đã diệt nhiều sinh lực, phương tiện chiến tranh của địch, trong dó có một số trận tiêu diệt gọn được những đơn vị cấp chiến thuật của chúng, nhất là với quân nguỵ Sài Gòn. Song, nhìn chung ngoài tiểu đoàn Mỹ bị tiêu diệt ở thung lũng Iađrăng tháng 11-1965, bộ đội ta chưa đánh tiêu diệt gọn được một đơn vị Mỹ nào khác, vì hoả lực phi pháo địch mạnh, sức cơ động của chúng nhanh, chỉ huy cấp chiến dịch của quân Mỹ thường không đi cùng với đơn vị trên địa bàn tác chiến. Do đó, vấn đề nâng mức đánh tiêu diệt từng đơn vị cấp chiến dịch, chiến lược khó có thể thực hiện được - nhất là đối với quân Mỹ”. (BQP - Viện LSQSVN, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 -1975. Tập V, .Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 29, 30.

[8] Lê Ngọc Hiền, Ghi nhớ về xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đòn tiến công chiến lược Mậu Thân 1968 (Bài đăng trong kỷ yếu Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu thân 1968, Nxb QĐND, H, 1998, tr.111-112. Cũng theo Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, tại bài viết in trong cuốn Lê Duẩn-một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của Cách mạng Việt Nam, Nxb CTQG, H, 2002, thì vào tháng 9-1967, đồng chí Văn Tiến Dũng gặp và lệnh cho “Tổ kế hoạch” làm kế hoạch đánh vào thành phố; sau này, Đại tướng Văn Tiến Dũng cho biết đó là đề xuất của đồng chí Lê Duẩn.

[9] Trong cuộc họp quan trọng này, “Anh Ba (tức đồng chí Lê Duẩn), anh Văn (tức đồng chí Võ Nguyên Giáp) vì lý do sức khoẻ vắng mặt đi chữa bệnh nước ngoài. Hội nghị do đồng chí Trường Chinh chủ trì” (Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị bàn về kế hoạch chiến lược mùa thu: Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa Đông -Xuân -Hè).

[10], 3 , 5 Kết luận của đồng chí Trường Chinh - Chủ trì Hội nghị. Dẫn trong Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị bàn về kế hoạch chiến lược mùa Thu: Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa Đông - Xuân - Hè 1967-1968.

[12] Nguyên văn lời kết luận Hội nghị của đồng chí Trường Chinh: "Nếu đánh vào thị xã mà giữ lại ta cũng chưa làm được".

[14] Nhiều tác giả khi đề cập tới vấn đề này thường căn cứ vào tương quan so sánh lực lượng hai bên trên chiến trường mà không để ý những chiều cạnh thuộc về tác động quốc tế đối với hai phía cũng như quan điểm đánh giá lực lượng và so sánh lực lượng của Đảng ta. Đồng chí Lê Duẩn, trong một bài viết đăng trên Tạp chí Quân đội nhân dân, tháng 3-1967, đã chỉ rõ: "Chiến tranh nhân dân ở miền Nam là một cuộc tiến công toàn diện của cách mạng miền Nam vào nền tảng thống trị của bọn Mỹ và tay sai của chúng không đơn thuần là một cuộc tiến công về quân sự". Trong thư gửi Khu uỷ Sài Gòn - Gia Định tháng 7 -1967, đồng chí nhấn mạnh: Xét lực lượng so sánh đôi bên trên chiến trường "là phải xét kết quả tổng hợp các yếu tố vật chất và tinh thần của các lực lượng chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá mà mỗi bên sử dụng để chống lại đối phương. Nó không phải là trừu tượng mà là cụ thể, nó không phải là một tỷ lệ bất biến mà là một so sánh trong vận động, kết quả của cả quá trình phát triển biện chứng về số lượng cũng như về chất lượng của các yếu tố, các lực lượng nói trên".

[15] Hội nghị họp vào ngày áp Tết, để thông qua Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 12-1967, chủ trương mở cuộc tiến công Tết Mậu thân 1968. Trong Hội nghị này, đồng chí Lê Duẩn yêu cầu các đại biểu “tập trung thảo luận thế nào để trước Tết ta về được” (Văn kiện Đảng toàn tập tập 29, Sđd, tr, 40).

[16] Nghị quyết hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (tháng1-1968). Dẫn trong Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29 (1968), Sđd.

[17] Bài gỡ băng ghi âm, lưu Hồ sơ Văn kiện Hội nghị lần thứ 14, đăng trong Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 29, Sđđ.

[18] Cũng trong bài nói tại Hội nghị Trung ương 14, đồng chí Lê Duẩn cho biết, đã mấy lần đồng chí nói với đồng chí Lưu Thiếu Kỳ, đồng chí Brêgiơnhép là: “Chúng tôi biết khởi sự cuộc chiến tranh thì chúng tôi cũng biết kết thúc cuộc chiến tranh”. Và đồng chí khẳng định: “Ta độc lập, không nghe ai cả. Nói rõ ràng như vậy, không mập mờ nữa đâu”.

[19] Đồng chí Lê Đức Thọ nói về một số vấn đề Tổng kết chiến tranh và biên soạn lịch sử quân sự. Tạp chí Lịch sử quân sự, số tháng 2 năm 1988.

[20] Vào dịp Tết Mậu Thân 1968, 40% số sư đoàn chiến đấu của lục quân Mỹ, 50% số sư đoàn lính thuỷ đánh bộ Mỹ, 50% số máy bay chiến đấu, 30% số tàu chiến Mỹ bị gìm chân ở chiến trường Việt Nam. Cần nói thêm rằng, trong chiến lược quân sự toàn cầu của Mỹ, châu Âu chứ không phải là châu Á, và lại càng không phải là Việt Nam, là hướng trọng điểm mà Mỹ luôn phải giành ưu tiên. Thế nhưng trên hướng trọng điểm này, vào những thời điểm căng thẳng, lực lượng quân đội Mỹ tập trung ở mức cao nhất cũng mới chỉ đạt tới 493.000 quân. Trong khi đó ở Việt Nam, vào đầu năm 1968, số quân Mỹ trên bộ và số quân ngoài khơi bờ biển Việt Nam lên tới 800.000, tức gần gấp đôi số quân Mỹ ở châu Âu.

[21] G.C. Herring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Sđđ, tr. 210.

[22] Ban chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước -Thắng lợi và bài học, Nxb. CTQG, H, 1995, tr.66.

[23] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 28 (1967) Nxb. CTQG, H, 2003, tr. 124, 125.

[24] Trong những năm tháng ấy, mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc ngày càng gia tăng, kể cả sự bất đồng trong vấn đề chiến tranh Việt Nam. Phát biểu tại Hội nghị Trung ương lần thứ 14 (3.1968), đồng chí Lê Duẩn cho rằng: “Nếu trong lúc này, theo tôi, nếu có hội nghị quốc tế cả phe họp lại, có cả ta, Liên Xô, Trung Quốc…, thì có lẽ nó khác rồi. Nhưng lúc này không họp được”. (Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, Sđd, tr..23).

[25] Về bức thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 8-2-1967, G. C. Herring viết: “Với tâm trạng điên khùng, Johnson quay lại lập trường cũ là Hà Nội phải ngừng thâm nhập trước khi ông ta ngừng ném bom”. Tại sao việc ngừng ném bom đối với phía Mỹ lại trở lên quan trọng đến vậy? Trả lời cho câu hỏi này, các nhà nghiên cứu Mỹ chỉ rõ: “Cuộc ném bom được duy trì không phải vì có người nghĩ rằng nó có hiệu lực mà Johnson cho rằng, nó cần thiết để làm yên lòng một số phe phái trong nước; và vì rằng, ngừng ném bom có thể được coi là một biểu hiện của sự yếu kém” (G. C. Herring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Sđđ, tr. 215, 229).

[26] Kết luận của đồng chí Trường Chinh chủ trì Hội nghị. Dẫn trong Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị bàn về kế hoạch chiến lược mùa Thu: Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa Đông-Xuân-Hè 1967-1968, Tư liệu đã dẫn.

[27] Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thành công nổi bật về chỉ đạo chiến lược sáng tạo tuyệt vời của tư duy quân sự Việt Nam, in trong Kỷ yếu Hội thảo Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, Sđd, tr.40.

- "Khi chuẩn bị xây dựng kế hoạch, đồng chí Tổng Tham mưu trưởng có chỉ thị gợi ý cho Tổ kế hoạch Cục tác chiến, BTTM: "Phải thay đổi cách đánh tạo cho được đòn tiến công có ý nghĩa chiến lược. Nếu cứ làm kế hoạch tác chiến theo cách đánh trước đây, kiểu "xuân thu nhị kỳ" thì chưa biết lúc nào ta mới đánh bại được địch" (Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, Ghi nhớ về xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đòn tiến công chiến lược Mậu Thân 1968, trong cuốn Kỷ yếu Hội thảo Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, Sđd, tr.111).

[28] Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10-1967, Tlđd.

[29] Nghị quyết hội nghị BCHTW Đảng lần thứ 14 ( tháng 1-1968). Dẫn trong: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29 (1968), Nxb. CTQG, H,.2004. tr.63

[30] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, Sđd, tr.23

[31] “Chỉ nên đánh giá thắng lợi của Tết Mậu thân ở mức chỉ là một trận tập kích lớn thôi, một trận tập kích giành được thắng lợi lớn" (Trần Độ: Thắng lợi và suy nghĩ về thắng lợi, Tạp chí Lịch sử quân sự, số tháng 2-1988).

- “Nếu có dự kiến chủ trương sẽ chuyển hướng ngay khi tình hình đã thay đổi, thì cách đánh sẽ khác, sẽ là cuộc tiến công chiến lược Xuân 1968, mở đầu bằng cuộc tập kích chiến lược Tết Mậu thân” (Hoàng Văn Thái: Phát biểu kết luận tại Hội nghị khoa học tổng kết các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ - từ ngày 1 đến ngày 8-3-1986).

[32] Liên quan tới ý đồ chiến lược của đòn tiến công Tết Mâu thân, trong tác phẩm Bước ngoặt lớn của cuộc KCCM (Nxb Sự thật, H. 1989), Đại tướng Văn Tiến Dũng cho biết, vào giữa năm 1967, khi thảo luận kế hoạch Đông Xuân 1967 - 1968, “Vấn đề đặt ra là ta phải có nỗ lực rất lớn, giáng cho địch một đòn mạnh kết hợp với sự khéo léo về sách lược và biết thắng với mức độ thích hợp, khiến địch từ chỗ ngập ngừng muốn ra đến chỗ buộc phải rút ra và có lối ra có thể chấp nhận được” (tr. 191). Tại Hội nghị Trung ương 14 (tháng 1-1968), đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: “Lịch sử Việt Nam ta đánh giặc rồi kêu gọi giặc; đánh mãi mãi không được. Nguyễn Trãi trước kia (làm) như vậy. Bây giờ chúng ta cũng làm như vậy. Vì nó là đế quốc mạnh, cho nên ta phải biết thắng nó” (Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, Sđd, tr.37,38).

[33] Khi Tết Mậu Thân nổ ra, Thượng nghị sĩ Mỹ Stennis - Chủ tịch Tiểu ban điều tra về tình hình sẵn sàng chiến đấu của Thượng nghị viện Hoa Kỳ đã phát biểu: “Nếu Mỹ thua ở Việt Nam thì Mỹ thua một cuộc chiến tranh. Nhưng nếu Mỹ lạc hậu một cách tuyệt vọng trong lĩnh vực chiến lược hạt nhân thì Mỹ có thể mất cả sự tồn tại của mình”. Dẫn theo Thất bại của đế quốc Mỹ, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1979, tr. 128.

[34] Lời thú nhận của Nguyễn Văn Thiệu vào trưa 22-4-1975 trên sóng đài phát thanh Sài Gòn cũng đã phần nào chứng tỏ điều đó: “Mỹ đã yêu cầu chúng ta điều không thể làm được. Vì vậy, tôi đã bảo với họ: các ông đòi chúng tôi làm điều mà các ông đã thất bại với nửa triệu lính tinh nhuệ và sĩ quan có tài với gần 300 tỉ đô la chi phí trong 6 năm trời. Nếu tôi không nói các ông bị Cộng sản Việt Nam đánh bại, thì tôi cũng phải nói một cách khiêm tốn là các ông không thể chiến thắng. Nhưng các ông đã tìm đường rút lui trong danh dự”.

[35] Don Oberdorfer: Tết, Sđd, tr. 180.

[36] Gabriel Kolko: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Tập 1, NXB. Quân đội nhân dân, H, 1991, tr. 310.

[37] Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ xưa và nay, Tạp chí Xưa & Nay, số tháng 5-1994.


BÁC HỒ VỚI TẾT MẬU THÂN NĂM ẤY

Vũ Kỳ

Hội nghị Trung ương 14 khoá ba họp vào tháng 6 năm 1967 đã quyết định mở cuộc tiến công và nổi dậy vào dịp Tết Mậu thân năm 1968 để đẩy cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lên một bước mới, giành thắng lợi quyết định.

Suốt 6 tháng rời nỗ lực ráo riết, việc chuẩn bị về cơ bản đã hoàn thành – cần có một cuộc họp Bộ Chính trị để rà soát lại toàn bộ mọi công tác và hạ quyết tâm chiến lược, cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Lúc này Bác Hồ đang nghỉ ở Bắc Kinh. Ra đi từ ngày 5-9-1967, bây giờ đã vào cuối năm. Sáng ngày 21-12-1967, Văn phòng Trung ương điện sang mời Bác trở về dự hội nghị Bộ Chính trị sẽ khai mạc vào sáng 28-12-1967.

Bấy giờ tối thứ bảy, ngày 23 tháng 12, máy bay đưa bác đến vùng trời Hà Nội. Lượn hai vòng vẫn chưa hạ cánh được vì đèn chỉ huy trên sân bay chệch 15 độ. Đồng chí lái giàu kinh nghiệm quyết tâm hạ cánh không theo đèn. Rất may là an toàn. Các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ ra đón Bác tại sân bay, đưa Bác về nhà và báo cáo công việc với Bác.

Buổi làm việc kéo dài đến tận khuya, Bác nói vui: “Sắp bước vào năm đánh lớn, phải giữ sức để đánh được liên tục”. Trước khi đi ngủ Bác gọi dây nói sang Văn phòng Quân uỷ, hỏi sức khoẻ của đồng chí Võ Nguyên Giáp – lúc này nghỉ ở Hung-ga-ri và nhắc gửi thiếp và quà cho vợ chồng chú Văn. Bác nói:

–Dịp Nô-en và Tết dương lịch bên ấy như Tết ta ở bên mình. Tâm lý những người xa quê hương rất mong có một món quà của Tổ quốc.

Trên các chiến trường công tác chuẩn bị khẩn trương vẫn được tiến hành; một số lớn các lượng thuốc nổ, vũ khí bí mật đã được chuyển vào các thành phố, đô thị miền Nam.

Sáng 25 tháng 12 năm 1967, thứ hai, 7 giờ 15 phút, Bác sang hội trường Ba đình, chủ toạ cuộc gặp mặt chúc mừng năm mới của Đoàn Ngoại giao ở Hà Nội. Bác rất vui, chúc năm mới Đoàn Ngoại giao. Tiếng Bác sang sảng và như trẻ ra.

Ngày 28 tháng 12 năm 1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt ngay bên nhà Bác Hồ, có bản đồ to kê trên bục trong phòng họp và nhiều tướng lĩnh đến báo cáo.

Từ sự phân tích và nhận định tình hình, Bộ Chính trị đề ra: “Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất, bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa đề giành thắng lợi quyết định”.

Chiều tối sau phiên họp Bộ Chính trị kéo dài và căng thẳng, Bác trở về nhà sàn, chân bước chậm rãi, có lẽ có một điều gì đó khiến Bác chưa thật an tâm. Cuộc họp hôm nay Bác chủ trì, ngồi ở ghế đầu bàn, đồng chí Lê Duẩn báo cáo toàn bộ vấn đề và quán xuyến việc thảo luận.

Đèn trên buồng ngủ Bác đêm nay tắt chậm hơn mọi tối.

Chiều 29 tháng 12, Bác Hồ mời Bác Tôn đến cùng ăn cơm. Ngắm hai cụ già thân mật đi bên nhau, thanh thản, ung dung, nói cười vui vẻ, ta cảm thấy cuộc đời đẹp biết bao, tưởng như đất nước thanh bình.

Ngày 30 tháng 12 thứ bảy, buổi sáng từ 7 giờ 15 đến 9 giờ 30 Bác lại dự họp Bộ Chính trị, nghe đồng chí Cao Văn Khánh, Phó tổng tham mưu trưởng, báo cáo thêm những diễn biến mới nhất của tình hình chiến sự miền Nam. Bác ngồi nghe, một tay giữ lấy kính, chăm chú nhìn vào bản đổ khổ lớn treo trên tường.

Buổi chiều từ 17 giờ đến 18 giờ, Bác tham dự phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ. Bác tặng mỗi người, từ Bộ trưởng đến nhân viên phục vụ một quả cam hái từ vườn Bác và một thiếp hồng chúc mừng năm mới. Nói chuyện trong phiên họp, Bác biểu dương những thắng lợi to lớn của quân và dân hai miền Nam Bắc, khen ngợi sự cố gắng của các Ngành, các Bộ. Bác đặc biệt khen ngợi các cháu thanh niên, thiếu niên, cả gái và trai. Bác nói: “Chúng ta là những người tham gia cách mạng lâu, đã chống Pháp thắng lợi, cứ tưởng chúng ta có nhiều kinh nghiệm rồi, nhưng bây giờ phải học tập chiến sĩ, học tập thanh niên. Thanh nien ta bây giờ hăng hái làm việc, không kể giờ giấc, ngày đêm, dám đánh giặc, không sợ chết. Một người đã không sợ chết, một dân tộc đã không sợ hy sinh, gian khổ thì nhất định sẽ chiến thắng”.

Bác nhận xét về hoạt động của Chính phủ: “Trong Chính phủ ta, tuy đã cố gắng, nhưng phải cố gắng nhiều hơn nữa, phải luôn luôn tự nhận xét mình về mọi hành động, về công tác cũng như về đạo đức cách mạng, chú ý tự phê bình và phê bình hơn nữa, có như vậy mới theo kịp quần chúng, theo kịp chiến sĩ”.

Lời dạy của Bác cách đây tròn 30 năm, trong một bối cảnh hoàn toàn khác, mà vẫn vô cùng cần thiết cho chúng ta hôm nay.

Họp Hội đồng Chính phủ về, Bác mời cơm chị Cúc, vợ đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và hai cháu. Anh Thanh vừa mất đột ngột cách đó 5 tháng. Bác tiếc thương vô hạn và muốn dành tình cảm thân thiết, yêu thương để an ủi gia đình.

Ngày chủ nhật 31-12-1967, ngày cuối cùng của một năm chiến đấu quyết liệt và chiến thắng vẻ vang trên khắp hai miền đất nước. Bảy giờ 30 sáng, Bác Hồ ung dung ra Phủ Chủ tịch để thu thanh chúc mừng năm mới Mậu Thân mà có lẽ Bác đã ngẫm nghĩ và trao đổi có lẽ đến 3 tháng ròng. Bài thơ “Toàn thắng ắt về ta” như bài hịch đã đi vào lịch sử. Chị Trần Thị Tuyết trực tiếp ngâm cho Bác nghe, vừa để ghi tiếng vào băng phát lúc Giao thừa. Bữa cơm chiếu nay Bác lại cho mời khách đặc biệt: 3 phụ nữ miền Nam Thành đồng tổ quốc. Chị Hai Hùng, vợ đồng chí Phạm Hùng; chị Mười Cúc, vợ đồng chí Nguyễn Văn Linh; chi Mười (Đồng Tháp). Tấm lòng của Bác đối với cả miền Nam là như thế. Đồng chí Phạm Hùng, Đồng chí Nguyễn Văn Linh đang ở chiến trường xa nhận được tin này chắc hẳn càng nhớ Bác rất nhiều.

Năm mới 1968, sáng mùng một 1 tháng 1, Bác đi thăm một số nơi bị máy bay Mỹ bắn phá tại Hà Nội.

2 giờ 30 phút chiều, Bộ Chính trị đến làm việc, Bác căn dặn công việc trước khi Bác lên đường tiếp tục đi nghỉ ở Trung quốc. Đó là quyết định của Bộ Chính trị và Hội đồng bác sĩ.

Thế trận đã dàn xong. Ba quân đã sẵn sàng. Lời hịch đã phát. Bác Hồ ra đi chuyến này an tâm hơn.

Ngoài liên lạc hàng ngày, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước vẫn thay nhau đến Bắc Kinh, trực tiếp báo cáo và xin ý kiến Bác. Bốn giờ chiều 20-1-1968, đồng chí Lê Đức Thọ sang làm việc với Bác đến 6 giờ tối. Sáng ngày 25 tháng 1 năm 1968, đồng chí Võ Nguyên Giáp đến trực tiếp báo cáo với Bác từ 8 giờ đến 9 giờ 15 phút. Tối 26 tháng 1 năm 1968, đã gần Tết Mậu thân, từ 7 giờ đến 8 giờ, hai Bác cháu ngồi im lặng trong phòng vặn nhỏ Đài tiếng nói Việt Nam.

Ở Miền Nam những binh đoàn chủ lực, theo kế hoạch đang bí mật áp sát các bàn đạp tiến công. Chỉ thị cụ thể của Bác cho các chiến trường là:

Kế hoạch phải thật tỉ mỉ

Hợp đồng phải thật ăn khớp

Bí mật phải thật tuyệt đối

Hành động phải thật kiên quyết

Cán bộ phải thật gương mẫu

Ngày 29 tháng Chạp ta. Năm nay 29 là 30 Tết. 6 giờ chiều, nhận được điện của Bộ Chính trị và Trung ương chúc mừng Bác Hồ năm mới.

Tối nay từ Bắc Kinh xa xôi, hai Bác cháu lại ngồi im lặng bên nhau, nghe tin tức, ca nhạc và nghe ngâm thơ Tết, chờ đón giao thừa. Thời gian trôi đi chầm chậm. Thấy vẻ Bác trầm ngâm đượm buồn. Chắc Bác đang nhớ về đất nước, nhớ chiến sĩ đồng bào, nhớ các cháu thiếu nhi. Từ ngày Bác trở về nước sau hơn 30 năm xa Tổ quốc, có năm nào Tết đến mà Bác không đến với đồng bào và chiến sĩ đâu… Chỉ có mùa Xuân này Bác phải xa Tổ quốc.

Bác bảo tôi: Chú mở cái băng gì vui vui cho Bác nghe với. Tôi biết Bác thương nhớ nhất các cháu nhỏ nên tôi chọn một băng có nhiều bài hát thiếu nhi mở cho Bác nghe. Khi một giọng hát ngây thơ của một em bé hát bài “Bé bé bồng bông… em đi sơ tán, mai về phố đông”, tôi thấy Bác mỉm cười.

Có tiếng pháo nổ ran tiễn Đinh Mùi đón Mậu Thân. Cùng lúc, từ chiếc đài bán dẫn, lời chúc Tết của Bác Hồ vang lên sang sảng:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên!

Toàn thắng ắt về ta!

Trong căn phòng vắng chỉ có hai người. Tiếng Bác Hồ ngân vang. Lời Bác Hồ chúc mừng năm mới trong Đài được truyền đi khắp mọi miền đất nước và cả thế giới nữa. Khi Đài đọc xong câu cuối của bài thơ “Tiến lên toàn thắng ắt về ta” tôi bỗng nghe Bác nói khẽ: “Giờ này miền Nam đang nổ súng…”.

Phải đến gần hết sáng mồng Một Tết Mậu thân, mới có tin chiến thắng báo cáo Bác Hồ: “Đánh khắp miền Nam” . Ánh mắt Bác rực sáng niềm vui.

Ngày 3 tháng 2 năm 1968, mồng Bốn Tết, cũng là ngày thành lập Đảng. Mới 6 giờ Bác bảo tôi chuẩn bị giấy bút, làm việc sớm hơn mọi ngày. Bác ngồi nhìn ra cửa sổ và đọc:

–Đã lâu không làm bài thơ nào, phẩy xuống dòng

Tôi ngừng bút hỏi:

–Thưa Bác, thơ à?

– Chú cứ viết tiếp: Nay lại thử làm thơ xem sao?, phẩy, xuống dòng

Tôi nghĩ đúng là thơ rồi. Nhưng sao như câu nói chuyện bình thường.

Bác đọc tiếp: Lục khắp giấy tờ vẫn chẳng thấy, phẩy xuống dòng.

Tôi phân vân quá vẫn chẳng thấy thơ đâu.

Bác nhìn tôi bảo:

–Chú viết tiếp.

Rồi Bác đứng dậy đọc to câu cuối cùng, giọng sảng khoái, ánh mắt vui:

–Bỗng nghe vần “thắng vút” lên cao!



Vũ Kỳ

Nguồn: Văn Nghệ số Tết Mậu Dần 1998, tr. 4.

Không có nhận xét nào: