Thứ Ba, 24 tháng 11, 2009

Nguyễn Lân người thầy Việt mẫu mực



DANHNHANVIET. Giáo sư Nguyễn Lân (1906-2003) là người Thầy về tâm lý giáo dục và ngôn ngữ Việt, là gương sáng của một dòng họ lớn. Ông là nhà giáo nhân dân, nhà biên soạn từ điển, học giả nổi tiếng của Việt Nam. Ông đã công hiến trọn đời mình cho nền giáo dục Việt Nam và là người có công trong việc xây dựng bộ môn và khoa tâm lí học, giáo dục học của hệ thống các trường Sư phạm ở Việt Nam. GS Nguyễn Lân Dũng đã xúc động viết về giáo sư Nguyễn Lân "Chúng tôi vô cùng tự hào về cái gia tài tinh thần mà cụ đã để lại cho muôn đời con cháu. Đó là tấm gương về lòng tin, tin ở chính mình, tin ở sự nghiệp vẻ vang của dân tộc, tin ở lẽ phải, ở chính nghĩa, tin ở tất cả những người lương thiện sống quanh ta. Đó là tấm gương về lòng hiếu học và ý chí phấn đấu học tập suốt đời để không ngừng làm giàu kiến thức cho mình và dùng kiến thức ấy để cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đó là tấm lòng nhân ái, yêu đời, yêu người, vị tha, khoan dung dành cho những người sống quanh mình. Đó là tấm gương về nếp sống giản dị, tiết kiệm, không màng công danh, phú quý, không chuộng hình thức, luôn khiêm nhường và quý trọng sức lao động của người khác."


Kỉ niệm 10 năm Ngày mất của NGND Nguyễn Lân (2003-2013) video của Lê Văn

NGUYỄN LÂN GƯƠNG SÁNG MỘT DÒNG HỌ LỚN

VTC News đã tóm tắt vài nét về NGND, GS Nguyễn Lân

Giáo sư Nguyễn Lân sinh năm 1906.
Năm 1927: Ông đỗ thủ khoa vào trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương.
Năm 1945: Ông được Chính phủ Trần Trọng Kim mời làm đốc lý ở Huế.
Năm 1946: Ông trở ra Hà Nội và dạy học tại trường Chu Văn An.
Năm 1956: Ông về dạy tại khoa tâm lý giáo dục của trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Năm 1971: Ông về nghỉ hưu ở tuổi 67.
Năm 1988: Ông được nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.
Năm 2001: Ông được nhà nước trao tặng Giải thưởng nhà nước về khoa học công nghệ.
Ngày 7 tháng 8 năm 2003: Ông qua đời ở tuổi 97.

Ông có 8 người con, tất cả đều là giảng viên của các trường đại học lớn và đều là những nhà khoa học xuất sắc, nổi tiếng của Việt Nam.

Người con trai cả là Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Tuất, nguyên Chủ nhiệm khoa lý luận và sáng tác của Nhạc viện Novôximbiêc - Nga, Phó Chủ tịch Hội người Việt ở Nga, người Việt đầu tiên được phong tặng Nghệ sĩ Công huân Nga (năm 2001).

Người con thứ hai là nữ Tiến sĩ Nguyễn Tề Chỉnh (bà đã qua đời), nguyên là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Người con thứ ba là Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng, Giám đốc Trung tâm vi sinh vật học ứng dụng, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa X, XI, XII, giảng viên khoa Sinh học trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Người con thứ tư là Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường, chuyên viên cổ nhân học, Viện khảo cổ học Việt Nam, giảng viên khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Người con thứ năm là Nhà giáo Nguyễn Lân Hùng, tổng thư kí các hội sinh học Việt Nam, giảng viên khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Người con thứ sáu là Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Tráng, giảng viên bộ môn Hệ thống điện, khoa Điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Người con thứ bảy là Giáo sư - Tiến sĩ - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Việt là Viện trưởng Viện tim mạch Việt Nam, Chủ nhiệm Bộ môn Tim mạch - Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam. Ông nguyên là Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội.

Người con út là Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Trung, Hiệu phó trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Wikipedia Tiếng Việt viết về GS. Nguyễn Lân

Nguyễn Lân 1906-2003 Giáo sư Nhà giáo nhân dân, nhà biên soạn từ điển, Học giả nổi tiếng của Việt Nam. Ông đã cống hiến trọn đời mình cho nền giáo dục Việt Nam và là người có công trong việc xây dựng bộ môn và khoa tâm lí học, giáo dục học của hệ thống các trường Sư phạm ở Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Lân sinh ngày 14 tháng 6 năm 1906 trong một gia đình nhà nông nghèo, hiếu học ở làng Ngọc Lập, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Trong ông luôn có một nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn mãnh liệt.

Ông thi đỗ Thủ khoa vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Năm 1932 Ông dạy tại Trường Hồng Bàng, sau đó làm giám học và dạy 2 môn văn, sử tại Trường Thăng Long. Tại Trường Tư thục Thăng Long, cùng với các nhà giáo giỏi như Đặng Thai Mai Hoàng Minh Giám Tôn Thất Bình ... ông đã đào tạo ra những tú tài xuất sắc cho Việt Nam. Từ năm 1935 đến năm 1945 ông sinh sống tại Huế Ông được Chính phủ Trần Trọng Kim mời làm Đốc lý ở Huế, ông đã chấp thuận với 2 yêu cầu: 1. tuy làm đốc lý nhưng vẫn ăn lương nhà giáo và có giờ dạy học, 2. không giao thiệp với người Nhật đang có mặt ở Huế lúc ấy. Thời gian này ông đã mở một lớp sư phạm, đồng thời tiến hành một số hoạt động hướng về cách mạng Việt Nam, ông đã mời các nhân sĩ ở Huế đến họp để đổi tên các đường phố từ tên tiếng Pháp sang tên tiếng Việt.

Năm 1946 Ông trở ra Hà Nội và dạy học tại Trường Chu Văn An. Được một thời gian, kháng chiến bùng nổ, Ông đưa vợ con lên vùng Việt Bắc và được cử làm Giám đốc giáo dục Liên khu 10 gồm 6 tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Yên(nay là Vĩnh Phúc), Tuyên Quang, Lào Cai, Hà Giang.

Năm 1951 Ông được cử đi học ở khu học xã Trung Quốc tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Năm 1956 Ông về dạy tại khoa tâm lý giáo dục của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông cùng với các nhà giáo nổi tiếng và xuất sắc khác như: Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Ngụy Như Kon Tum, Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám,Nguyễn Khánh Toàn ... là lớp người đầu tiên được nhà nước Việt Nam phong Học hàm Giáo sư.

Năm 1971 Ông về nghỉ hưu ở tuổi 67. Từ đó cho đến khi qua đời, ông đã dành trọn thời gian cho việc biên soạn từ điển và nghiên cứu nhằm gìn giữ, phát triển tiếng Việt. Các cuốn từ điển nổi tiếng do ông biên soạn như: Từ điển Việt - Pháp (1989), từ điển Hán - Việt, từ điển thành ngữ, tục ngữ Pháp – Việt (1993), từ điển từ và ngữ Việt Nam (2000)...

Năm 1988 Ông được được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.

Năm 2001 Ông được nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng nhà nước về khoa học và công nghệ cho "Cụm công trình về giáo dục học từ điển tiếng Việt".

Ngày 7 tháng 8 năm 2003 Ông qua đời ở tuổi 97.

Những đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam

Giáo sư Nguyễn Lân đã cống hiến trọn tâm và lực suốt đời mình cho nền giáo dục Việt Nam. Khi đất nước còn bị thực dân Pháp cai trị, ông đã giáo dục, dạy dỗ và truyền tinh thần yêu nước vào một bộ phận tầng lớp tiểu tư sản để rồi sau đó họ là những người phục vụ đất nước, cách mạng Việt Nam. Khi giữ chức vụ giám đốc giáo dục liên khu 10, ông đã bổ dụng các trưởng ty giáo dục (nay là giám đốc các Sở Giáo dục và đào tạo) và cùng họ lo toan để đưa nền giáo dục dần vào nề nếp. Ông tích cực tham gia các hoạt động kháng chiến như tăng gia sản xuất, lấy tiền giúp quỹ thương binh, dạy các lớp bình dân học vụ, thăm hỏi bộ đội. Bên cạnh đó ông còn biên soạn tài liệu để in thành sách giáo khoa văn, sử đầu tiên của nhà nước Việt Nam độc lập. Khi giảng dạy ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông đã đào tạo được một đội ngũ giáo viên tâm lý – giáo dục giỏi cho các viện và các trường đại học, phổ thông mới thành lập. Cũng trong thời kỳ này, ông đã biên soạn nhiều cuốn giáo trình về khoa học giáo dục có giá trị như: Ngữ pháp Việt Nam (1956), Lịch sử giáo dục thế giới (1958), Người thầy giáo XHCN (1960), Giảng dạy trên lớp (1961). Đến khi nghỉ hưu, ông cũng dành trọn thời gian cho việc lưu trữ tiếng Việt thông qua các cuốn từ điển.

NGUYỄN LÂN DI SẢN VÀ BÀI HỌC

Gia đình Giáo sư Nguyễn Lân đã đúc kết di sản và bài học của Giáo sư Nguyễn Lân trong tác phẩm "Vinh quang nghề Thầy". Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã xúc động kể về người cha của mình trong bài "Hồi ức xúc động về người cha của GS. Nguyễn Lân Dũng" và sau này được bổ sung thêm hình ảnh và tư liệu mới trong bài viết đầu xuân 2013: Mười năm xa cha (2003-2013):

"Cha tôi, Nhà giáo nhân dân (NGND) Nguyễn Lân đã được nhiều người biết đến với những đóng góp cho nền giáo dục nước nhà. Cụ là người thầy giáo mẫu mực trong suốt cuộc đời gần một thế kỷ. Với chúng tôi, Cụ là người thầy lớn đã chỉ ra cho chúng tôi cách vượt qua biết bao nhiêu khó khăn của những năm tháng chiến tranh gian khổ để trưởng thành lên như ngày hôm nay. Hiện tại trong 8 người con của Cụ, có tới 7 người là Tiến sĩ, trong đó 3 người được phong hàm Giáo sư và 3 Phó giáo sư.

Những năm tháng gian khó

Cha tôi sinh ra từ một làng quê nghèo. Ông cụ từng kể: “Nhà rất nghèo lại không có ruộng đất gì trong một miền bạc điền, thường xuyên bị hạn hán, bố mẹ mất sớm, bốn anh em nheo nhóc, bố tôi đành phải bỏ làng ra đi tha phương cầu thực”...Ông cụ may mắn được một người anh họ, vì nhận thấy tư chất cậu bé Lân thông minh và hiếu học nên được đưa ra Hải Phòng nuôi cho ăn học. Con đường học vấn của cha tôi bắt đầu đơn giản như thế.

Sau này khi thi vào trường Bưởi, cha tôi đã nhận được học bổng toàn phần. Năm 1925 hồi đó khi còn là học sinh trung học, cha tôi đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên “Cậu bé nhà quê”. Đó là một phần tự truyện về thời thơ ấu của cha tôi. Nhà văn Nguyễn Khải đánh giá cha tôi là một trong những người đầu tiên viết tiểu thuyết ở Việt Nam. Cuốn tiểu thuyết này về sau được dịch sang tiếng Pháp và đến năm 1934 được xác định dùng làm sách giáo khoa cho học sinh. Ông cụ tốt nghiệp thủ khoa trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương năm 1932. Từ đó cha tôi gắn bó suốt đời mình với sự nghiệp trồng người và sự nghiệp nghiên cứu khoa học.

“Cậu bé nhà quê” thời đó về sau đã trở thành một nhà giáo nổi tiếng có công đào tạo rất nhiều thế hệ học sinh. Ông trở thành một nhà quản lý giáo dục, trở thành một nhà nghiên cứu với 42 cuốn sách đã xuất bản, trong đó có nhiều cuốn Từ điển có giá trị.

Chúng tôi còn nhớ rõ trong thời gian kháng chiến chống Pháp cha tôi làm nhiệm vụ quản lý giáo dục ở Liên khu X và sau đó là ở Liên khu Việt Bắc. Với số lương tính bằng thóc hết sức ít ỏi cha tôi chi có thể trích một phần rất nhỏ để tự mình rong ruổi bằng xe đạp đến khắp các tỉnh trên Việt Bắc nhằm chỉ đạo việc phát triển giáo dục trung tiểu học.

Cha tôi còn tự viết sách giáo khoa Ngữ pháp Việt Nam cho các cấp học, tự biên soạn Từ điển Muốn đúng chính tả để dùng cho thày trò các trường, tự soạn lấy đề thi trên cơ sở các đề do các trường gửi về rồi tự tay đánh máy và niêm phong các đề thi này... Có thể nói trong khói lửa chiến tranh và vượt qua muôn ngàn khó khăn cha tôi đã dốc hết tâm lực xây dựng ngành giáo dục phổ thông trong địa bàn rộng lớn được giao phó và đã đạt kết quả rất tốt.

Niềm vinh dự to lớn mà cha tôi được tiếp nhận đó là thư khen của Bác Hồ với lời khen về “Một Giám đốc có tài” cùng với một bộ quần áo lụa màu nâu gụ bên trong có thêu dòng chữ “Chúng cháu kính dâng Bác Hồ”. Những phần thưởng cao quý này cha tôi đã trao tặng lại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trước khi nghỉ hưu.

Những bài học

Cho đến gần cuối đời cha tôi luôn rất khoẻ mạnh nhờ nghiêm túc và điều độ trong sinh hoạt, không hề uống rượu, hút thuốc, tự nghĩ cho mình một bài tập thể dục và không sáng nào không thực hiện bài tập ấy, sau đó tắm nước lạnh, kể cả những tháng lạnh giá nhất của mùa đông.


Đại gia đình NGND Nguyễn Lân

Cách đây 16 năm, trước nỗi đau mất mẹ tôi và chị Tề Chỉnh, chúng tôi tưởng chừng cha không thể gượng dậy được. May mắn thay, cuốn “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”, một công trình mà cha tôi đã nung nấu từ lâu đã giữ được cụ ở lại với đàn con. Tình yêu và nghị lực đã giúp cụ hoàn thành cuốn Từ điển dày dặn này.

Sau nhiều năm một mình âm thầm chuẩn bị, cha tôi bắt đầu đặt bút viết vào tuổi 90. 5 năm sau, ở tuổi 95, cụ đã hoàn thành bộ Từ điển đồ sộ với 2.200 trang, gần đây lại đã được tái bản với số lượng lớn. Năm ấy chúng tôi xin phép được làm Lễ mừng thọ cha tôi 95 tuổi nhưng cụ hẹn rằng hãy đợi đến khi tròn 100 tuổi. Chúng tôi vẫn tin rằng cụ vẫn đủ sức vượt qua ngưỡng tuổi 100. Bởi vì cho đến cách khi mất trên một năm cụ vẫn hoàn toàn khoẻ mạnh.

Hơn nửa thế kỷ liền cụ đã tạo riêng cho mình và thực hiện đều đặn một bài tập kéo dài 2 giờ mỗi buổi sáng để tự rèn luyện thể lực và trí lực. Không có sự rèn luyện khoa học và kiên trì như vậy thì làm sao một “cậu bé nhà quê”, là con của một bà mẹ nghèo, vốn sinh ra rất yếu ớt lại có thể sống khoẻ mạnh, không có bệnh tật gì cho đến gần 100 tuổi. Cụ vẫn thường vui vẻ nói: “Tôi có hai điều hạnh phúc lớn. Một là, các con đều ngoan và có ích cho xã hội; Hai là, cho đến nay tôi vẫn không có bệnh tật gì”.


Gia đình GS Nguyễn Lân Dũng và cụ Nguyễn Lân

Nhưng bệnh ung thư tai ác nào có từ ai! Cụ đã phải vĩnh viễn xa lìa gia đình, các bạn bè và biết bao học trò yêu quý vào lúc 13 giờ 43 phút ngày 7 tháng 8 năm 2003. Ông cụ ra đi thanh thản và nhẹ nhàng, nhưng để lại một khoảng trống quá lớn trong lòng mỗi chúng tôi, một khoảng trống không gì có thể bù đắp nổi.

Cha tôi sẽ mãi mãi yên nghỉ ngay cạnh mẹ của chúng tôi, người mà cha tôi suốt đời hết mực thủy chung, suốt đời yêu thương, suốt đời chia sẻ ngọt bùi, người đã chung sức cùng cha tôi động viên, giáo dục cả một đàn con cháu đông đúc. Căn buồng nhỏ của cụ ở Khu tập thể Kim Liên với một chiếc giường đơn, một tủ sách, một bàn viết nhỏ mà trên đó cụ đã từng viết 18 tác phẩm và những bộ Từ điển đồ sộ từ những năm nay đã vắng bóng cụ.

Nhưng cha tôi vẫn còn sống mãi trong tâm trí chúng tôi và biết bao thế hệ học trò, đồng nghiệp. Chúng tôi vô cùng tự hào về cái gia tài tinh thần mà cụ đã để lại cho muôn đời con cháu. Đó là tấm gương về lòng tin, tin ở chính mình, tin ở sự nghiệp vẻ vang của dân tộc, tin ở lẽ phải, ở chính nghĩa, tin ở tất cả những người lương thiện sống quanh ta. Đó là tấm gương về lòng hiếu học và ý chí phấn đấu học tập suốt đời để không ngừng làm giàu kiến thức cho mình và dùng kiến thức ấy để cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đó là tấm lòng nhân ái, yêu đời, yêu người, vị tha, khoan dung dành cho những người sống quanh mình.


NGND Nguyễn Lân và 7 người con trai

Đó là tấm gương về nếp sống giản dị, tiết kiệm, không màng công danh, phú quý, không chuộng hình thức, luôn khiêm nhường và quý trọng sức lao động của người khác. Tất cả vốn tài sản quý giá này của cha tôi là truyền thống tốt đẹp của gia đình. Các thế hệ chúng tôi sẽ xin ghi lòng tạc dạ và nhắc nhở nhau luôn luôn soi vào tấm gương của cha để học tập, rèn luyện, phấn đấu và hết lòng phục vụ nhân dân trên mỗi cương vị công tác của mình."



NGUYỄN LÂN NGƯỜI THẦY VIỆT MẪU MỰC

Đọc lại và suy ngẫm về cuộc đời và sự nghiệp của giáo sư Nguyễn Lân, với những bài học tâm huyết mà giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã đúc kết ở trên. Tôi tâm đắc nhất ở ba di sản lớn: Nhân cách, Tiếng Việt và Dòng họ.

NHÂN CÁCH đạo đức là vấn đề then chốt nhất của đào tạo hiền tài. Trong minh triết phương Đông, gốc của sự học là học làm người. Sự lập thân của một con người được đánh giá cao nhất ở lập đức, lập công và lập ngôn..Người lập đức đưa đồng loại đi đến bên bờ hạnh phúc được đánh giá cao nhất, kế đến là những người có công với nước, kế đến là những người thầy đức độ tài năng biết đúc kết và trao truyền lại những tinh hoa tri thức nhân loại dân tộc về nghề nghiệp, kỹ năng giúp cho sự sinh tồn và phát triển của dân tộc. Thầy Nguyễn Lân là người có công lớn trong việc xây dựng bộ môn và khoa tâm lí học, giáo dục học của hệ thống các trường Sư phạm Việt Nam.

TIẾNG VIỆT là báu vật vô giá muôn đời của dân tộc Việt. Chúng ta Ghi ơn người phát minh chữ Quốc ngữ ông Alexandre de Rhodes cùng tập thể, biết ơn Hồ Chí Minh và sự truyền bá chữ Quốc ngữ, biết ơn GS Nguyễn Lân về "cụm công trình giáo dục học từ điển tiếng Việt".

DÒNG HỌ Nguyễn Lân là một dòng họ Việt Nam đáng tự hào. Trong dòng chảy của lịch sử, những giá trị nhân văn thật sự quan trọng của một đất nước văn hiến. Nguyễn Lân là người thầy Việt mẫu mực. Những người con của Thầy đều là những tấm gương sáng về "học tập, rèn luyện, phấn đấu và hết lòng phục vụ nhân dân trên mỗi cương vị công tác của mình.".

Mời bạn ghé thăm Giáo sư Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng (con thứ ba của GS.Nguyễn Lân và bà Nguyễn Thị Tề) là một trong những gương sáng nối nghiệp Giáo sư Nguyễn Lân. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng là chuyên gia cao cấp Viện Vi Sinh vật và Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XII, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, Chủ nhiệm chương trình tự nguyện đưa KHKT vào hộ nông dân, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Chủ tịch Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng có vợ là PGS. TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu nguyên là Phó Giám đốc Bệnh viện 108 và là người mẹ của hai tiến sĩ đã trưởng thành, trong đó có tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu là chuyên gia y tế tận tụy, tâm huyết, nhiều triển vọng. GS. Nguyễn Lân Dũng là chuyên gia hàng đầu Việt Nam về vi sinh vật học ứng dụng và chủ biên bộ sách quý 1500 trang về lĩnh vực này, tác giả bộ sách nhiều tập "Hỏi gì đáp nấy" rất nổi tiếng và sách mới "Ký sự đường xa", cố vấn tạp chí TÁC PHẨM MỚI, chủ bút trang Blog Nguyễn Lân Dũng http://blogtiengviet.net/nguyenlandung. Chỉ riêng ngần ấy thôi đã cho thấy sự đóng góp đối với đất nước Việt cao quý ngần nào!

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trong mắt của cộng đồng xóm Lá (blogtiengViet) không chỉ là tấm gương về trí tuệ mà còn là nhân cách. Nhà văn Trịnh Tuyên tại Cảm nhận gửi thầy Nguyễn Lân Dũng đã nhận xét: "Giáo sư Nguyễn Lân Dũng là người tôi yêu bằng cả tấm lòng. Không phải yêu vì giáo sư là người học rộng tài cao mà là người có Tâm. Tác phong giản dị, khiêm tốn và ân cần giúp đỡ mọi người một cách vô tư của giáo sư đã làm nên chân dung tuyệt đẹp của một công dân Xóm Lá chúng ta!". Riêng tôi thì tâm đắc về cách làm việc tận tụy và lối ứng xử văn hóa có lý có tình tạo sức thuyết phục và dễ làm mọi người đồng cảm. Nhân cách ấy thật giống thầy Nguyễn Lân.

Hoàng Kim
Viết và post bài ngày 20.11.2009. bổ sung ngày 27.2.2013 tại DANH NHÂN VIỆT

Tư liệu tuyển chọn



HUYỀN THOẠI MỘT GIA ĐÌNH
ThienNguyen Dalat, video xuất bản ngày 24.2.2013

"Tôi thực hiện Clip này để thể hiện sự khâm phục, lòng ngưỡng mộ dành cho Đại gia đình cố Giáo sư Nguyễn Lân. Có thể còn rất nhiều vụng về, nhưng tôi muốn gửi gắm những tình cảm của mình theo một cách riêng để nhớ tới Giáo sư Nguyễn Lân nhân kỷ niệm 10 năm ngày GS đi vào cõi vĩnh hằng. Nơi ấy, GS sẽ nghe thấy dư âm một bài ca đi cùng năm tháng của chính người con trai cả tài hoa Nguyễn Lân Tuất. Vâng, ca khúc "Người con gái Việt" mà TN chọn làm nhạc nền của Clip là một sáng tác của Giáo sư - tiến sĩ khoa học - nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất - người con cả của Giáo sư Nguyễn Lân, lời phỏng theo thơ của Anh Thơ (1959). Cách đây 50 năm, ca khúc này được cất lên bởi Ca sĩ Trần Khánh - giọng ca vàng có một không hai, với chất giọng dày, ấm, truyền cảm, có âm vực rộng tới 2 quãng 8. Còn bây giờ, TN xin được giới thiệu ca khúc "Người con gái Việt" qua giọng ca Sao Mai 2007 Lê Anh Dũng." (ThienNguyen Dalat)

MƯỜI NĂM XA CHA (2003-2013)
Nguyễn Lân Dũng

Cha tôi, Nhà giáo nhân dân (NGND) Nguyễn Lân đã được nhiều người biết đến với những đóng góp cho nền giáo dục nước nhà. Cụ là người thầy giáo mẫu mực trong suốt cuộc đời gần một thế kỷ. Với chúng tôi, Cụ là người thầy lớn đã chỉ ra cho chúng tôi cách vượt qua biết bao nhiêu khó khăn của những năm tháng chiến tranh gian khổ để trưởng thành lên như ngày hôm nay. Hiện tại trong 8 người con của Cụ, có tới 7 người là Tiến sĩ, trong đó 3 người được phong hàm Giáo sư và 3 Phó giáo sư.

Những năm tháng gian khó

Cha tôi sinh ra từ một làng quê nghèo. Cụ từng kể: “Nhà rất nghèo lại không có ruộng đất gì trong một miền bạc điền, thường xuyên bị hạn hán, bố mẹ mất sớm, bốn anh em nheo nhóc, bố tôi đành phải bỏ làng ra đi tha phương cầu thực”...
Cụ may mắn được một người anh họ, vì nhận thấy tư chất cậu bé Lân thông minh và hiếu học nên được đưa ra Hải Phòng nuôi cho ăn học. Con đường học vấn của cha tôi bắt đầu đơn giản như thế.

Sau này khi thi vào trường Bưởi, cha tôi đã nhận được học bổng toàn phần. Năm 1925 hồi đó khi còn là học sinh trung học, cha tôi đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên “Cậu bé nhà quê”. Đó là một phần tự truyện về thời thơ ấu của cha tôi. Nhà văn Nguyễn Khải đánh giá cha tôi là một trong những người đầu tiên viết tiểu thuyết ở Việt Nam. Cuốn tiểu thuyết này về sau được dịch sang tiếng Pháp và đến năm 1934 được xác định dùng làm sách giáo khoa cho học sinh. Cụ tốt nghiệp thủ khoa trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương năm 1932. Từ đó cha tôi gắn bó suốt đời mình với sự nghiệp trồng người và sự nghiệp nghiên cứu khoa học.

“Cậu bé nhà quê” thời đó về sau đã trở thành một nhà giáo nổi tiếng có công đào tạo rất nhiều thế hệ học sinh. Ông trở thành một nhà quản lý giáo dục, trở thành một nhà nghiên cứu với 42 cuốn sách đã xuất bản, trong đó có nhiều cuốn Từ điển có giá trị.
Chúng tôi còn nhớ rõ trong thời gian kháng chiến chống Pháp cha tôi làm nhiệm vụ quản lý giáo dục ở Liên khu X và sau đó là ở Liên khu Việt Bắc. Với số lương tính bằng thóc hết sức ít ỏi cha tôi chi có thể trích một phần rất nhỏ để tự mình rong ruổi bằng xe đạp đến khắp các tỉnh trên Việt Bắc nhằm chỉ đạo việc phát triển giáo dục trung tiểu học.

Cha tôi còn tự viết sách giáo khoa Ngữ pháp Việt Nam cho các cấp học, tự biên soạn Từ điển Muốn đúng chính tả để dùng cho thày trò các trường, tự soạn lấy đề thi trên cơ sở các đề do các trường gửi về rồi tự tay đánh máy và niêm phong các đề thi này... Có thể nói trong khói lửa chiến tranh và vượt qua muôn ngàn khó khăn cha tôi đã dốc hết tâm lực xây dựng ngành giáo dục phổ thông trong địa bàn rộng lớn được giao phó và đã đạt kết quả rất tốt.

Niềm vinh dự to lớn mà cha tôi được tiếp nhận đó là thư khen của Bác Hồ với lời khen về “Một Giám đốc có tài" cùng với một bộ quần áo lụa màu nâu gụ bên trong có thêu dòng chữ “Chúng cháu kính dâng Bác Hồ”. Những phần thưởng cao quý này cha tôi đã trao tặng lại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trước khi nghỉ hưu.

Những bài học

Cho đến gần cuối đời cha tôi luôn rất khoẻ mạnh nhờ nghiêm túc và điều độ trong sinh hoạt, không hề uống rượu, hút thuốc, tự nghĩ cho mình một bài tập thể dục và không sáng nào không thực hiện bài tập ấy, sau đó tắm nước lạnh, kể cả những tháng lạnh giá nhất của mùa đông.

Cách đây 16 năm, trước nỗi đau mất mẹ tôi và chị Tề Chỉnh, chúng tôi tưởng chừng cha không thể gượng dậy được. May mắn thay, cuốn “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”, một công trình mà cha tôi đã nung nấu từ lâu đã giữ được cụ ở lại với đàn con. Tình yêu và nghị lực đã giúp cụ hoàn thành cuốn Từ điển dày dặn này.

Sau nhiều năm một mình âm thầm chuẩn bị, cha tôi bắt đầu đặt bút viết vào tuổi 90. 5 năm sau, ở tuổi 95, cụ đã hoàn thành bộ Từ điển đồ sộ với 2.200 trang, gần đây lại đã được tái bản với số lượng lớn. Năm ấy chúng tôi xin phép được làm Lễ mừng thọ cha tôi 95 tuổi nhưng cụ hẹn rằng hãy đợi đến khi tròn 100 tuổi. Chúng tôi vẫn tin rằng cụ vẫn đủ sức vượt qua ngưỡng tuổi 100. Bởi vì cho đến cách khi mất trên một năm cụ vẫn hoàn toàn khoẻ mạnh.

Hơn nửa thế kỷ liền cụ đã tạo riêng cho mình và thực hiện đều đặn một bài tập kéo dài 2 giờ mỗi buổi sáng để tự rèn luyện thể lực và trí lực. Không có sự rèn luyện khoa học và kiên trì như vậy thì làm sao một “cậu bé nhà quê”, là con của một bà mẹ nghèo, vốn sinh ra rất yếu ớt lại có thể sống khoẻ mạnh, không có bệnh tật gì cho đến gần 100 tuổi. Cụ vẫn thường vui vẻ nói: “Tôi có hai điều hạnh phúc lớn. Một là, các con đều ngoan và có ích cho xã hội; Hai là, cho đến nay tôi vẫn không có bệnh tật gì”.

Vĩnh biệt cha

Nhưng bệnh ung thư tai ác nào có từ ai! Cụ đã phải vĩnh viễn xa lìa gia đình, các bạn bè và biết bao học trò yêu quý vào lúc 13 giờ 43 phút ngày 7 tháng 8 năm 2003. Ông cụ ra đi thanh thản và nhẹ nhàng, nhưng để lại một khoảng trống quá lớn trong lòng mỗi chúng tôi, một khoảng trống không gì có thể bù đắp nổi.

Cha tôi sẽ mãi mãi yên nghỉ ngay cạnh mẹ của chúng tôi, người mà cha tôi suốt đời hết mực thủy chung, suốt đời yêu thương, suốt đời chia sẻ ngọt bùi, người đã chung sức cùng cha tôi động viên, giáo dục cả một đàn con cháu đông đúc. Căn buồng nhỏ của cụ ở Khu tập thể Kim Liên với một chiếc giường đơn, một tủ sách, một bàn viết nhỏ mà trên đó cụ đã từng viết 18 tác phẩm và những bộ Từ điển đồ sộ từ hai năm nay đã vắng bóng cụ.

Nhưng cha tôi vẫn còn sống mãi trong tâm trí chúng tôi và biết bao thế hệ học trò, đồng nghiệp. Chúng tôi vô cùng tự hào về cái gia tài tinh thần mà cụ đã để lại cho muôn đời con cháu. Đó là tấm gương về lòng tin, tin ở chính mình, tin ở sự nghiệp vẻ vang của dân tộc, tin ở lẽ phải, ở chính nghĩa, tin ở tất cả những người lương thiện sống quanh ta. Đó là tấm gương về lòng hiếu học và ý chí phấn đấu học tập suốt đời để không ngừng làm giàu kiến thức cho mình và dùng kiến thức ấy để cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đó là tấm lòng nhân ái, yêu đời, yêu người, vị tha, khoan dung dành cho những người sống quanh mình.

*

Đó là tấm gương về nếp sống giản dị, tiết kiệm, không màng công danh, phú quý, không chuộng hình thức, luôn khiêm nhường và quý trọng sức lao động của người khác. Tất cả vốn tài sản quý giá này của cha tôi là truyền thống tốt đẹp của gia đình. Các thế hệ chúng tôi sẽ xin ghi lòng tạc dạ và nhắc nhở nhau luôn luôn soi vào tấm gương của cha để học tập, rèn luyện, phấn đấu và hết lòng phục vụ nhân dân trên mỗi cương vị công tác của mình.


VÀI NÉT VỀ TIỂU SỬ CỦA NGND. NGUYỄN LÂN (Bút danh TỪ NGỌC)

Sinh ngày 14-6-1906
1932- Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương năm 1932
1923-1935- Dạy tại hai trường Hồng Bàng và Thăng Long, Hà Nội
1935-1945- Dạy tại các trường Quốc học, Trường Đồng Khánh, Trường Bách Công (Huế)
1945-1946- Giám đốc Học chính Trung Bộ
1946- Dạy ban Chuyên khoa Trường Chu Văn An, Hà Nội
1947-1949- Giám đốc Giáo dục Liên khu X
1949-1951- Giám đốc giáo dục Liên khu Việt Bắc
1951-1956- Dạy tại Khu học xá trung ương (Nam Ninh,TQ)
1956-1971- Chủ nhiệm Khoa Tâm lý-Giáo dục Đại học Sư phạm Hà Nội
Từ 1971- Về hưu: Viết sách, biên soạn Từ điển, tham gia các hoạt động Xã hôi (Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc VN, Chủ tịch đầu tiên của Hội Khuyến học VN)
Mất hồi 17 giờ 43 ngày 14-8-2003 tại Hà Nội

Tác phẩm:

Trước CM tháng Tám: Cậu bé nhà quê (1925); Khói hương (1935); Ngược dòng (1936); Hai ngả (1938),Nguyễn Trường Tộ (1942). Những trang sử vẻ vang (tập I và II, 1943)
Sau CM tháng Tám: Muốn đúng chính tả (1949, 2012); Giản văn (1951); Ngữ pháp Việt Nam, từ lớp 3 đến lớp 7 (1956); Để tìm hiểu Gooc-ki (1958); Lịch sử Giáo dục thế giới (1958); Khảo thích Truyện Trê Cóc (1959); Người thầy giáo xã hội chủ nghĩa (1960);Giảng dạy trên lớp (1961); Giáo trình giáo dục học (in chung, 1961); Công tác Chủ nhiệm lớp (1962); Quy chế thực tập Sư phạm (in chung, 1962); Từ điển chính tả phổ thông (in chung,1963); Luân lý Lớp 6, Lớp 7 (in chung, 1964); Viết thế nào cho đúng (in chung,1965); Thuật ngữ Tâm lý-Giáo dục (in chung, 1967); Từ điển tiếng Việt (in chung, 1967,1977,1991); Giăng Krixtốp- 4 tập (in chung,1967); Từ điển Pháp- Việt (in chung, 1981,1988...); Lớp nhà ba thế hệ (in chung, 1968); Từ điển từ và ngữ Hán- Việt (1989); Từ điển -Việt Pháp (in chung, 1989,1991...); Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (1989,1993...); Hồ Chủ tich, Nhà giáo dục vĩ đại (1990); Con người văn minh sống như thế nào (1990); Từ điển thành ngữ, tục ngữ Pháp-Việt (1993); Một trăm mẩu chuyện cổ Đông-Tây (1993); Trao đổi về tình thầy trò (1993); Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt- Pháp (1994); Nhớ nguồn (thơ, 1994); Tôi yêu tiếng Việt (1995); Từ điển Từ và ngữ Việt Nam, 2000...)

Tặng thưởng:

Thư khen của Hồ Chủ tịch (1948),Phần thưởng thi đua của Hồ Chủ tịch (bộ quần áo lụa, 1948); Bằng khen số 162SV của Hồ Chủ tịch (1949); Ba huân chương Kháng chiến I,II,III; Hai huân chương Lao động (III, II); Huân chương Độc lập Hạng II; Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân; Phần thưởng Nhà nước về các Công trình Khoa học.

Trở về trang chính
HOÀNG KIM,
NGỌC PHƯƠNG NAM,
DẠY VÀ HỌC,
CÂY LƯƠNG THỰC,
DANH NHÂN VIỆT.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Gs Nguyễn Lân, một người thầy mà tất cả mọi thế hệ học sinh Việt Nam phải nhớ và biết ơn ông.Nhưng điều làm tôi ngưỡng mộ nhất ở Gs là ông đã sinh ra được những người con thiên tài và là những trụ cột trong các lĩnh vực khoa học của nước nhà!