Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Lương Định Của nhà bác học nông dân

LuongDinhCua va cac con

Đang ăn cháo gà cùng chúng tôi, anh Lương Hồng Việt nói thầm vào tai của con anh Miên và hai chú cháu cùng cười. Lát sau cháu lùng mua về cho chú một đĩa thịt chó để anh cùng ăn với anh Miên nhớ lại cái thời gian khổ thèm một chút chất  tươi. Anh Việt bảo tôi anh “lây” cái  tính chất phác nông dân Nam Bộ của thầy Của. Đúng như lời nhận xét của  giáo sư Luật nói về thầy: Chân thành và khẳng khái trong cuộc sống, sáng tạo trong lao động chân tay và trí óc, nhân ái trong giao tiếp, độ lượng trong ứng xử xã hội, dũng cảm trong chống ngoại xâm, hòa nhập với cộng đồng và thân thiện với cây cỏ sông nước là những phẩm chất rất quý của con người Nam Bộ cả xưa và nay.

Nhà báo Phan Quang kể về  “Gánh xiếc Đông Phương Hồng” và những công việc cụ thể thường ngày của thầy Của:

“Bước vào thập niên 60 thế kỷ trước, công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp ở miền bắc vừa hoàn thành, khắp mọi nơi sôi nổi phong trào cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động nông nghiệp. Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được phân công kiêm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương. Bác Hồ đích thân chỉ thị cho ông tìm cách khuấy động phong trào, tạo khí thế thi đua phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới. 

Đội ngũ các nhà khoa học nông nghiệp, bắt đầu từ các con chim đầu đàn được đào tạo trong nước hoặc học từ nước ngoài về: Bùi Huy Đáp, Nguyễn Đăng, Lê Duy Thước, Trần Văn Hà, Dương Hồng Hiên, Trần Thế Thông, Đào Thế Tuấn, Lã Xuân Đĩnh…, mỗi vị một nghề chuyên sâu, sẵn sàng xắn quần lội ruộng. 

Lương Định Của là chuyên gia về giống, được phân công chỉ đạo huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, lấy hợp tác xã Đông Phương Hồng làm thí điểm. Nhà nông học cùng mấy học trò kỹ sư có, trung cấp có lếch thếch gồng gánh đồ lề rời thủ đô về mảnh đất vốn nổi tiếng “địa linh nhân kiệt”, đã góp phần rất to lớn về hậu cần cho chiến thắng Điện Biên Phủ song nghèo thì vẫn nghèo, vì mùa màng bấp bênh, năng suất lúa bình quân thấp. Anh em trong ngành nông nghiệp và cán bộ địa phương gọi đùa đội chỉ đạo của thầy trò Ông Của là “Gánh xiếc Đông Phương Hồng”. 

Từ bấy, trên cánh đồng ruộng Thọ Xuân hầu như ngày nào bà con nông dân cũng thấy một người trạc tuổi trung niên dong dỏng cao, đầu đội nón lá, mình mặc sơmi mầu cỏ úa, quần xắn ống thấp ống cao quẩn quanh từ sáng đến xế chiều. Nông dân đã quên đi hoặc chẳng buồn quan tâm đến học vị cao siêu cũng như các chức danh rối rắm khác của ông trưởng đoàn chỉ đạo do Trung ương phái về mà chỉ biết đấy là Bác Của – không phải “bác” trong cụm từ thông thái “bác sĩ nông học” mà là “bác” như nông dân vùng này vẫn thường gọi nhau: bác Đỏ, anh Cò…


Nông dân chấp nhận nhà bác học nói giọng Nam Bộ như một người thân thuộc bà con lối xóm của mình. Lương Định Của là một người thẳng tính. Mới về huyện Thọ Xuân, dạo quanh một vòng quan sát đồng ruộng nơi cạn nơi úng, ông nói với Bí thư Huyện ủy: “Cánh đồng của anh như cái nồi đất thủng, nấu cơm không chín đâu”. 

Ông chủ trương bắt đầu từ việc xây dựng đồng ruộng, làm bờ vùng bờ thửa. Hợp tác xã được chọn làm điểm chỉ đạo. Đông Phương Hồng vốn là một đơn vị làm ăn căn cơ, nhiều lần được báo chí nêu gương. Chủ nhiệm am hiểu kỹ thuật, báo cáo hay, “nói như viết trên báo”. Năng suất lúa đạt ba tấn/ha mỗi vụ – một mức khá cao thời ấy. Song chỉ cần làm một việc cực kỳ giản đơn là lấy tổng sản lượng thóc chia cho diện tích cấy trồng thì năng suất bình quân không đúng như lời chủ nhiệm báo cáo.

Lương Định Của đập bàn: “Anh nói dối. Báo cáo không đúng sự thật. Thế này không chỉ đạo được. Anh làm ăn vậy thì tôi thà đi nơi khác còn hơn”. Tuy vậy chẳng mấy chốc đoàn chỉ đạo và cán bộ hợp tác xã thân thiết với nhau. Đông Phương Hồng nổi bật lên như một điểm sáng thật sự. Toàn huyện Thọ Xuân cũng đạt kết quả khá nhờ xây dựng đồng ruộng, làm thủy lợi, cải tiến đồng bộ kỹ thuật, tạo điều kiện đưa các giống mới vào cơ cấu cây trồng. 

Năm sau, Bộ Nông nghiệp tăng cường cho đoàn mười lăm kỹ sư mới tốt nghiệp, để bác Của cấy về các huyện khác trong tỉnh Thanh Hóa, nhân phong trào lên. Một chủ nhiệm hợp tác xã của huyện Thọ Xuân, Trịnh Xuân Bái, được tôn vinh Anh hùng Lao động hình như trước cả Lương Định Của và nhiều Anh hùng Lao động lừng lẫy khác.”

Trong bài “ Mấy ông tượng chạy lũ” nhà báo Phan Quang kể tiếp:

“Nghe chị thường trực báo có bác sĩ Lương Định Của muốn gặp, tôi vội vàng gác bút chạy ra. Nhà nông học quần xắn móng lợn ống thấp ống cao, mình vận chiếc sơ mi ngắn tay mầu dưa cải muối, trên đầu vẫn chiếc nón lá rộng vành rất thời thượng và cũng rất tiện lợi thời kháng chiến, tay xách một túi lưới bên trong lủng củng mấy vật gì cồng kềnh gói sơ sài bằng giấy báo. – Làm sao anh về được Hà Nội? – Tôi hỏi. – Thì cũng phải tạt về nhà xem bả với sắp nhỏ sống thế nào chứ, – anh Lương Định Của cười.

Trận lụt lịch sử năm ấy rất ác hại. Đê sông Đuống vỡ, một phần lớn hai tỉnh Hải Hưng ngập sâu trong nước, kể cả một đoạn đường số 5 huyết mạch. Nghe tin vỡ đê, Lương Định Của đang họp ở Hà Nội, đâm bổ về Viện Cây Lương thực hô anh em cứu thiết bị và các loại giống lúa quý Viện đang lai tạo dở, rồi bị kẹt luôn dưới ấy. 

Nước đã tràn được vào đồng trũng thì ngâm luôn lại không rút vì nước các sông đang mùa đầy, mà mặt đồng nhiều nơi lại thấp hơn mặt biển lúc triều cường. Ông Của sốt ruột, đi thuyền ra đường 5, mạn dưới Phố Nối một ít, đáp xe về Hà Nội.


Tôi mời ông vào phòng khách. – Không, không, tôi chưa ghé nhà. Tiện đường, tôi tạt ngang, mang tặng anh mấy thứ này, chắc anh thích. Mà cũng để đỡ lủng củng. Ông xách cái túi lưới cồng kềnh đang đặt tạm trên chiếc ghế đá bên gốc cây đa, đưa cho tôi. Tôi ngạc nhiên vì nó khá nặng. 

Thú thật, nhác thấy ông Viện trưởng xách cái túi lưới, tôi ngỡ đấy là trứng vịt lộn. Hồi ấy, bổ sung chất đạm, nhất là đạm động vật, là nhu cầu của mọi người. Bác sĩ nông học Lương Định Của được giao xây dựng Viện Cây Lương thực và Thực phẩm trên một cánh đồng quạnh vắng với cái vốn ban đầu ít ỏi, vấn đề lớn đầu tiên là làm sao cho anh em đủ no, đủ chất để lao động nặng nhọc. Ông cho nuôi nhiều vịt đẻ và tổ chức ấp trứng theo phương pháp học được bên Nhật, ông bảo thế, rất đơn giản mà hiệu suất cao, trứng ung chưa bao giờ vượt quá một phần trăm. Nhiều lần ông nói: “Chúng ta đều biết trứng là thức dinh dưỡng toàn diện, aliment complet, tốt lắm. Mang ấp nó lên, trong thời kỳ chuyển hóa từ quả trứng sang con vịt con, lượng dinh dưỡng của nó còn tăng lên. Cùng một quả trứng ấy, ta cho ấp, chẳng tốn kém gì mà ăn đỡ chán, lượng bổ vào cơ thể lại nhiều – thế có phải kinh tế không?”. 

Lần nào từ Viện Cây lương thực về, ông cũng mang cho bạn bè một ít trứng vịt lộn. Mỗi nhà hai gói. Mỗi gói một chục quả bọc trong mấy tờ báo to và dày. Mỗi quả lại được gói riêng bằng mảnh giấy nhỏ. Để vừa đỡ làm vỡ trứng lúc đi đường vừa ủ ấm cho cái phôi tiếp tục chuyển hóa. Ông đánh dấu cẩn thận và đề ngày tháng từng gói một: “Chục này luộc ăn ngay hôm nay. Chục này để đến chiều hoặc tối mai”. Mỗi lần ông không quên cẩn thận dặn dò. Nhưng lụt to thế này, gia súc gia cầm không chết đuối cũng tản mác, thóc lúa ướt hết, người còn không có cái ăn, nói gì gà vịt. 

Tôi mở hé gói quà. Hóa ra toàn là tượng gỗ thờ trong chùa, phần lớn phủ sơn ta, cũng có cái sơn son thếp vàng. Lương Định Của nói: – Lũ cuốn trôi chùa. Tượng nổi lềnh bềnh. Biết anh thích tượng cổ, tôi khoèo vớt mấy cái cho anh. Cũng chỉ cứu được mấy cái nhỏ nhất thôi. Có tượng Phật to và đẹp lắm, nhưng bê làm sao nổi. Tôi bọc giấy báo, kẻo đi đường dân nhìn thấy lại cho là cán bộ phá tự do tín ngưỡng. Nói xong, ông lật đật trở sang ban đối ngoại Đài Tiếng nói Việt Nam, phố Bà Triệu. Giờ này, bà Của đang làm việc bên ấy.”

“Lúc gánh xiếc Đông Phương Hồng mới về, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chưa tiếp xúc ngay. Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thuyền lặng lẽ cử cán bộ quan sát cung cách làm ăn của đoàn chỉ đạo. Một tháng sau, ông cho mời bác sĩ Lương Định Của về cơ quan, tiếp đón trọng thể, và chỉ thị cho văn phòng, mỗi lần bác Của có việc ghé thị xã thì mời vào nghỉ tại nhà khách của Tỉnh ủy (hồi ấy gọi là Nhà giao tế), và được mua thêm thuốc lá Điện Biên ngoài tiêu chuẩn… Trong hoàn cảnh đầu những năm sáu mươi thế kỷ trước, như vậy đã là một sự ưu ái. 

Lương Định Của thành công trong việc vận động cấy lúa có chăng dây cho thẳng hàng và cầm ngửa tay bó mạ. Đó là phương pháp ông học của Nhật Bản và đã từng được áp dụng rộng rãi ở Triều Tiên. Cấy theo cách này thì cây mạ cắm nông, chóng bén rễ, lại bảo đảm mật độ quy định để đạt năng suất mong muốn cho từng loại ruộng. Mặt khác, cấy chăng dây thẳng hàng buộc phải làm đất kỹ, và có thể dùng bừa cỏ cải tiến để làm cỏ sục bùn – cũng là những yếu tố đạt sản lượng cao. 

Nhưng ông là một người – cũng như hầu hết các nhà nông học tên tuổi và cán bộ chỉ đạo nông nghiệp của ta thời ấy – cực lực phản đối việc “thâm canh” bằng cách cấy lúa dồn, ken cây lúa thật dày, dày tới mức trẻ con có thể đứng lên trên ngọn các bông khi lúa chín. Phương pháp “tăng năng suất” này khởi thủy từ phong trào đại nhảy vọt ở Trung Quốc, được một số người truyền bá vào và khuyến khích áp dụng tại nước ta. Có người quát: “Sáu trăm triệu nhân dân Trung Hoa làm được, tại sao ta không làm”. Lương Định Của bình tĩnh trả lời: “Thưa, tôi đã có làm thí nghiệm. Kết quả: không được”. 

Lương Định Của trước sau là một nhà di truyền học, một người tạo giống. Ông đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực ấy. Vì được giao trách nhiệm chỉ đạo cơ sở, ông buộc phải đánh lấn sang các sân khác. Cùng với tác phong đi sát thực tế, phương pháp suy luận khoa học giúp ông nhiều.

cũng vào dạo ấy, có một cuộc họp các nhà quản lý nông nghiệp và nhà khoa học đầu đàn tại nhà riêng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, phố Lý Nam Đế. Nội dung: bàn và quyết định về chiếc cào cỏ cải tiến, để cho sản xuất hàng loạt. Đấy là chiếc cào răng sắt có trục quay đẩy hoặc kéo trên mặt ruộng mềm, vừa làm cỏ vừa sục bùn, bàn cào rộng vừa đủ để chạy giữa hai hàng lúa. Dùng công cụ này thì đỡ cho chị em nhà nông phải khom lưng cào cỏ sục bùn bằng tay, bán mặt cho đất bán lưng cho trời. 

Thật ra công cụ này đã được dùng phổ biến ở nước ngoài. Có hai loại. Loại một bàn tra cán dài cho người đứng thẳng đẩy bằng tay. Loại gắn nhiều bàn thì cho bò kéo. Một nhà khoa học nổi tiếng chủ trương áp dụng loại cào bò kéo, năng suất lao động sẽ cao, đáp ứng đúng yêu cầu của đất nước chuẩn bị bước vào chiến tranh.

Lương Định Của đề nghị nên dùng cào đơn, người đẩy, cho gọn nhẹ. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ngồi yên, đầu hơi cúi vừa chăm chú nghe vừa rít thuốc lá, thỉnh thoảng gật gù tán thưởng. Các nhà khoa học lần lượt trình bày xong, ông ngửng đầu dụi tắt điếu thuốc lá hút dở: “Tôi tán thành ý kiến của anh Của. Dùng loại bừa do bò kéo đúng là sẽ đạt năng suất lao động cao. Nhưng ta lấy đâu ra bò mà kéo?”.

Giáo sư Trương Công Tín nguyên Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam nhớ lại: Thuở đó anh Trần Thế Thông và tôi vừa ở Pháp về . Điều mà tôi  tâm đắc nhất  là làm cách nào để sớm hòa nhập và mang những kiến thức học được từ nước ngoài vận dụng thích hợp nhất vào hoàn cảnh Việt Nam để thiết thực phục vụ kháng chiến vừa lo cho chuyện lâu dài. Gương giáo sư Lương Định Của và cách làm là một bài học lớn. Thầy Của là một trí thức lớn lăn lộn trên ruộng đồng, rất sáng tạo và năng động trong công việc dưới bom đạn để tạo ra các giống lúa mớ , các kỹ thuật canh tác thích hợp lôi cuốn và hướng dẫn hàng triệu người làm giúp hậu phương miền Bắc đạt kỷ lục 5 tấn lúa/ ha, góp phần đảm bảo lương thực cho cuộc chiến tranh.


Lương Định Của nhà bác học nông dân

Đây là phần 6 trong tài liệu Lương Định Của, con đường lúa gạo”; phần 7 “Lương Định Của chính khách giữa lòng dân” , phần 8  “Thầy bạn và học trò Lương Định Của”; phần 9  “Ông bà Của, cổ tích giữa đời thường”  Mời bạn đọc tiếp phần 5: Trở về Tổ Quốc, quá cảnh bưng biền.

Hoàng Kim



Video yêu thích 
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

 
Trở về trang chính 
Hoàng Kim
, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, VietnamAfricaCassavaRice, Khát khao xanh, Dayvahoc,Học mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sốngThơ cho con

Không có nhận xét nào: