Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Lương Định Của, luồng gió từ Hà Nội

Tượng Lương Định Của ở Viện Cây Lương thực và Cây Thực phẩm (ảnh HDO)
Tượng Lương Định Của ở Viện Cây Lương thực và Cây Thực phẩm (ảnh HDO)

Đạt được học vị cao, có công ăn việc làm, Lương Định Của vẫn nghĩ tới việc về nước phục vụ, kịp trước khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi hoàn toàn nhưng “Đường về Việt Bắc xa xôi lắm!”. Luồng gió từ Hà Nội đã thôi thúc ông hướng về Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đang tạo lập. Ông từ chối các cơ hội đi làm nghiên cứu sinh ở Mỹ, làm việc cho Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) để tìm cách về nước tham gia kháng chiến. Sau nhiều nỗ lực móc nối, chờ đợi, xoay đường này cách khác, năm 1952 ông đã đưa cả gia đình về Sài Gòn, làm việc một thời gian ngắn ở Viện Khảo cứu Nông nghiệp Sài Gòn, Bộ Canh Nông (nay là Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam), sau đó quá cảnh bưng biền và đầu năm 1954 cả nhà cùng lên một chuyến tàu tập kết ra Bắc (Tượng nhà nông học Lương Định Của ở Viện Cây Lương thực và Cây Thực phẩm, bài và  ảnh HDO trong bài Nhà nông học Lương Định Của với Hải Dương).
 
Nhà báo Phan Quang kể tiếp câu chuyện Kỷ niệm đời thường về nhà khoa học Lương Định Của:

“Hồi còn là sinh viên, ông đã cùng nhiều lưu học sinh Nhật và nước ngoài trong đó có Đặng Văn Ngữ, tham gia các cuộc biểu tình tuần hành phản đối thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Theo như ông còn nhớ, ít nhất có bốn cuộc lớn, ba lần ở Tokyo, và một lần ở Kyoto. Hoạt động chống chiến tranh Việt Nam có thuận lợi là Đảng Cộng sản Nhật Bản hết lòng ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Nhiều Việt kiều ở Nhật nhờ thông qua Đảng Cộng sản Nhật Bản hoặc các tổ chức nhân dân do Đảng lãnh đạo mà giữ được mối liên hệ liên tục với phong trào kháng chiến trong nước. 

Qua sự giới thiệu của một người bạn, một mặt Lương Định Của tiếp xúc với các nghị sĩ tiến bộ trong Quốc hội Nhật, nhờ giúp đỡ tạo điều kiện cho ông sớm được trở về vùng tự do nước Việt Nam. Thượng Nghị sĩ Kazami được các bạn Nhật cử đứng ra lo liệu việc này. Mặt khác, Lương viết thư gửi Đại sứ quán ta ở Bắc Kinh bày tỏ mong muốn của mình, và chẳng bao lâu sau nhận được thư Đại sứ trả lời đã chuyển nguyện vọng của ông về nhà. Theo sự hướng dẫn của ông Kazami, mùa hè 1952 Lương Định Của xin thôi việc ở Kyoto, lên thủ đô Tokyo chờ ngày về nước.

Ông xin việc làm ở Sở Nghiên cứu Khoa học Nông nghiệp Trung ương của Nhật Bản để có thể thu nhập trong thời gian chờ đợi. Đầu những năm 50, sau chiến thắng biên giới, tình hình nước ta rất sôi động. Đảng Lao động Việt Nam đảm nhiệm công khai sứ mệnh lịch sử lãnh đạo toàn dân kháng chiến. Mặt trận Liên Việt thành lập, giương cao ngọn cờ đại đoàn kết. Các vùng tự do được giữ vững. Chiến tranh nhân dân phát triển mạnh ở vùng sau lưng địch. 

Thực dân Pháp ý thức rõ, tiến hành phá hoại kinh tế, gây nạn đói kém, cắt nguồn hậu cần của Quân đội Nhân dân Việt Nam là một mặt trận có ý nghĩa chiến lược đối với thành bại của chúng trong chiến tranh.Thông tri của tướng De Linarès, tư lệnh chiến trường Bắc Bộ gửi các cấp dưới đề ngày 14-3-1951 hướng dẫn cụ thể như sau: 

“… Về phá hoại, có hai cách thực tế có thể áp dụng: a) làm ướt thóc hoặc bắt dân phải để thóc lúa ngoài trời trong mùa mưa ẩm. Tuy nhiên, để chắc chắn hạt gạo sẽ thối hẳn, phải dấp nước cho ướt thóc trong thời gian bốn mươi tám giờ. Ngoài ra, để cho sự phá hoại bảo đảm hiệu quả chắc chắn của nó, trong thời gian ấy, phải canh giữ không để cho dân chúng đến lọc lấy phần thóc còn tốt mang đi cất giấu; b) những kho thóc quan trọng nào phát hiện được, cho tưới xăng hoặc dầu nặng vào…” .

Tháng Chín năm 1952, ông Kazami báo cho Lương Định Của biết, có một tàu buôn Nhật Bản sắp sang Hồng Công rồi từ đó đến thành phố Thiên Tân của Trung Quốc. Ông đề nghị Lương đáp chuyến tàu ấy. Vào được Trung Quốc rồi thì rất dễ dàng về Việt Bắc vì biên giới Việt Trung đã thông, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã kiến lập quan hệ ngoại giao; giữa hai nước có tình hữu nghị sâu sắc. Ông nói đã nhờ Hội Hoa kiều tại Nhật Bản làm các thủ tục cần thiết cho gia đình Lương nhập cảnh Trung Quốc, ông cũng đã có liên hệ để thông báo với Chính phủ Việt Nam về chuyện này.
Lương Định Của vào Hồng Công, đến biên giới Cửu Long trình giấy giới thiệu của Hội Hoa kiều tại Nhật Bản. Biên phòng Trung Quốc cho biết chưa nhận được chỉ thị. Các bạn khuyên Lương nên trở lại Hồng Công lấy visa nhập cảnh. Hành lý có thể cho chuyển trước sang biên giới, đưa về thành phố Quảng Châu. Vài hôm nữa gia đình Lương đến thì có thể vào Trung Quốc, đến thẳng Quảng Châu luôn. 

Trở lại khách sạn, Lương tìm cách liên hệ với Đại sứ quán ta ở Bắc Kinh, vừa gọi điện thoại vừa gửi thư song chờ mãi không thấy hồi âm. Tiền túi cạn dần: phòng trọ khách sạn rất đắt. Hàng ngày bà Của xuống phố mua bánh mì cho cả nhà ăn. Lúc này mới thấy hết bản lĩnh của người phụ nữ ấy. Ông lo cuống lên, bà chỉ cười: “Không sao, để tính xem”. Về đến Việt Nam ông thú thật với bạn bè, nếu không có bà thì với hai đứa con nhỏ, ông chẳng biết đường nào xoay xở trong những ngày quá cảnh Hồng Công. Thái độ bình tĩnh và đầy thông cảm của bà có tác dụng trấn an ông.


Sau một tuần chờ đợi trong lo âu, xuất hiện một người lạ mặt ăn mặc sang trọng. Ông nói: nếu Lương có giấy giới thiệu của Ngân hàng Trung Hoa thì ông có thể giúp cho qua biên giới. Lương Định Của chẳng có giấy tờ gì khác ngoài thư giới thiệu của Hội Hoa kiều tại Nhật Bản. Người lạ mặt khuyên, nếu vậy thì nên theo ông về Macao, ở nhờ nhà con trai ông một thời gian, chờ xin phép nhập cảnh.

Hồng Công là điểm quá cảnh, khách không được phép ở lại lâu. Lương Định Của hết sức phân vân. Người này ông chưa từng quen biết. Trong túi ông lại không có tiền, trừ gói hạt giống dưa. Đến áo quần thay hằng ngày cũng không có đủ vì các valy đã gửi hết vào Trung Quốc rồi. 

Ông quyết định hẵng trở về Sài Gòn, rồi tìm cách ra vùng tự do sau. Ông đánh điện cho một người bạn ở Sài Gòn, báo tin mình đang trên đường về nước, đến Hồng Công thì mất hết đồ đạc, nhờ bạn đặt mua vé máy bay cho hai người lớn hai trẻ con, và cho vay tạm hai nghìn USD.

Ngay chiều hôm ấy, nhận được ngân khoản người bạn gửi đến thông qua một ngân hàng lớn. Có tiền, có vé trong tay, ông còn nấn ná lại thành phố này ba tuần nữa, hy vọng có tin tức Đại sứ quán ta tại Bắc Kinh. Cuối cùng hết hạn quá cảnh mới đáp máy bay về Sài Gòn.
Chính quyền Sài Gòn nồng nhiệt đón bác sĩ nông học Lương Định Của du học từ Nhật Bản về. Bộ trưởng Nông Lâm mời ông đến cơ quan, mở rượu whisky chúc mừng, và ngỏ ý mời ông làm thứ trưởng. Lương tìm cách thoái thác khéo. Ông khiêm tốn nói mình xa đất nước đã lâu, xin cho làm việc hợp đồng một thời gian để quen thêm thung thổ và bạn bè, rồi mới dám chính thức nhận nhiệm vụ.” 

Theo lời kể của anh Lương Hồng Việt. Bác sĩ nông học Lương Định Của sau đó đã nhận làm việc ở Viện Khảo cứu Nông nghiệp Bộ Canh nông (nay là Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam)

Theo hồi ức của thầy Phan Gia Tân, giảng viên Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh, thì sau ngày Việt Nam thống nhất 30.4.1975, giáo sư Lương Định Của đã đi tìm Giáo sư Tôn Thất Trình ở Trường Đại học Nông nghiệp Sài Gòn (nay là Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh). Thầy Của tiếc không gặp được thầy Trình vì thầy đã ra đi trước đó. Tấm lòng tri ngô của họ mãi là dấu ấn của những trí thức lớn…

Giáo sư Tôn Thất Trình là người đã hai lần làm Bộ trưởng Bộ Canh nông chính quyền Sài Gòn và Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Sài Gòn. Thầy trực tiếp giảng dạy môn cây lương thực, nông học đại cương và một số môn học khác. Trong cơn lốc của các sự biến, thầy Trình đã sang làm việc ở FAO với cương vị Chánh Chuyên viên và Tổng Thư ký Chương trình Lúa Gạo Quốc tế để tiếp tục giúp Việt Nam sau hậu chiến.

Vị trí Tổng Thư ký Chương trình Lúa Gạo Quốc tế ở FAO, sau ngày GS. Tôn Thất Trình nghỉ hưu được tiếp nối bởi TS. Trần Văn Đạt, TS. Nguyễn Văn Ngưu, và nay là PGS.TS. Bùi Bá Bổng nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Đó là những người Việt lỗi lạc ở FAO.

Câu chuyện về thầy Trình, tôi đã có kể trong bài Thầy bạn là lộc xuân cuộc đời. Cái bàn và nơi ngồi làm việc của thầy Trình, sau ngày Việt Nam thống nhất là chỗ ngồi và nơi làm việc của PGS.TS. Lê Minh Triết giảng viên cao cấp và tôi được may mắn được kế nhiệm tiếp nối việc giảng dạy và nghiên cứu cây lương thực (lúa, ngô, sắn, khoai lang).

Trở lại câu chuyện giáo sư Lương Định Của. Theo lời kể của nhà báo Phan Quang: “Gia đình ông sống cùng gia đình người em trong ngôi nhà ở Đa Cao. Em gái ông có chồng đi kháng chiến, thỉnh thoảng lại kiếm cớ vắng nhà. Ông biết chị ra bưng thăm chồng.


Một hôm, vào ngày chủ nhật, ông đang ngồi chơi trước cửa thì thấy một người ăn vận có vẻ như vừa từ nông thôn ra, đi thẳng vào nhà sau nói chuyện với cô em gái. Khách về, Lương hỏi ai vậy, cô em trả lời: “Người ta muốn mời anh ra vùng kháng chiến đấy”. – Vậy em trả lời họ thế nào? Cô em cười: “Em nói, anh vợ con tùm lum thế kia thì làm sao đi kháng chiến được”. Lương Định Của lặng im, vì dự định từ Nhật Bản về thẳng miền Bắc không thành, ông không hề hé răng cho ai biết.


Hiệp định Genève về Đông Dương (1954) được ký kết. Trong giới trí thức Sài Gòn lại một lần nữa xôn xao – tuy thầm lặng – về việc ra đi hay ở lại. Nơi cơ quan Lương làm việc có một chị tên là B., em gái một bác sĩ nha khoa vốn là bạn của ông sau này cũng tập kết ra Bắc và cùng gặp lại nhau tại Hà Nội, có lần hỏi giọng nửa đùa nửa thật: “Nè, Chính phủ Việt Minh kêu gọi trí thức ra Bắc đấy, anh có đi không?”.

Lương nghiêm trang trả lời ông muốn đi. Chị B. bắt liên lạc, bố trí kế hoạch cho ông rời Sài Gòn. Chờ đợi một thời gian khá lâu mới có hồi âm. Lương Định Của nói với các em, ông muốn cho gia đình đi nghỉ mát ở Ô Cấp (Cap Saint Jacques – Vũng Tàu ngày nay) mấy hôm. Nửa đường, theo mật hiệu “cứ theo người có chửa mà đi”, ông đổi xe, đổi hướng, theo người phụ nữ ấy về thành phố Mỹ Tho. Từ đấy lại đổi xe khác, có người khác đón ra bưng biền.


Lương Định Của được nhà lãnh đạo Phạm Hùng tiếp ngay khi vừa đến cứ. Anh Bảy trò chuyện thân tình, và cho ông một bộ quần áo bà ba. 

Năm 1954, qua liên lạc biệt động, gia đình giáo sư gửi thư xin phép đi tập kết. Anh Hồng Việt kể lại: “Từ Sài Gòn, theo biệt động đưa về Cần Thơ, xuống căn cứ Cà Mau và đi tàu Ba Lan ra Sầm Sơn, Thanh Hoá. 

Ấn tượng đầu tiên là hưởng luôn một trận gió mùa đông bắc. Nhưng ngày hôm sau là 1.1.1955, gia đình được chứng kiến ngày lễ tưng bừng”. 

Luồng gió từ Hà Nội là bước ngoặt của nhà nông học Lương Định Của.

Lương Định Của, luồng gió từ Hà Nội là phần 5 trong tài liệu “Lương Định Của, con đường lúa gạo”, phần 6: Lương Định Của nhà bác học nông dân, phần 7  Lương Định Của chính khách giữa lòng dân, phần 8 Thầy bạn và học trò Lương Định Của, phần 9  “Ông bà Của, cổ tích giữa đời thường”  Mời bạn đọc tiếp phần 4: Lương Định Của những năm tuổi trẻ.

Hoàng Kim 

Video yêu thích
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam 


Trở về trang chính
Hoàng Kim, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, VietnamAfricaCassavaRice, Khát khao xanh, Dayvahoc,Học mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sốngThơ cho con

Không có nhận xét nào: