Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Quà xuân và thú chơi văn hoá


DANH NHÂN VIỆT. Cụ Hữu Ngọc là nhà văn hoá lớn, tác giả của bộ sách "Lãng du trong văn hoá Việt Nam" dày 1050 trang do Nhà Xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2007. Bản tiếng Anh Wandering through Vietnamese culture đã được tặng Giải Vàng sách Việt Nam 2006;Cụ là người mà Trần Đăng Khoa gọi là "con khủng long kỳ vĩ" trong "Vài nét Hữu Ngọc" và Bruno - Nhà ngoại giao Bỉ khâm phục thốt lên: " Tôi bàng hoàng vì chỉ nửa giờ gặp ông Hữu Ngọc , tôi hiểu văn hoá Việt Nam bằng cả bấy lâu tôi đọc bao nhiêu cuốn sách và tìm hiểu nền văn hoá của dân tộc ông. Tôi vô cùng cảm ơn ông" (sách đã dẫn). "Từ những món quà xuân của Hữu Ngọc" là bài viết của Vân Long đăng trên báo An ninh Thế Giới giúp chúng ta một góc nhìn để đọc và suy ngẫm về quà xuân và thú chơi văn hoá. (HK)


Từ những món quà xuân của Hữu Ngọc


Vân Long

Mỗi khi xuân về, tết đến, chúng ta hay nghĩ đến những người thân nơi xa, thường chọn một bưu thiếp ưng ý, viết lời chúc thân ái, nồng nhiệt, tính ngày gửi để bạn nhận được đúng dịp tết. Riêng nhà văn hóa Hữu Ngọc, năm nào tôi cũng nhận được một tặng phẩm độc đáo do cụ nghĩ ra, thường bao hàm một ý nghĩa nhân sinh, văn hóa nào đó.

Cũng phải nói thêm về căn cốt Thăng Long - Hà Nội của cụ Hữu Ngọc. Quê gốc của cụ ở xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Nhưng ông nội của cụ đã rời Kinh Bắc đến sinh sống tại phố Hàng Gai thuộc phường Cổ Vũ, đã từng làm tiên chỉ phường này! Do vậy, Hữu Ngọc được sinh ra và lớn lên ở đây, một phố cổ của Hà Nội. Phố Hàng Gai có nghề truyền thống đặc biệt thanh cao.

Trước hết là nghề bán sách Hán Nôm, kể cả bán buôn cho các tỉnh. Thợ khắc mộc bản in sách Hán Nôm người làng Liễu Chàng, Hải Dương đều trọ quanh đây (phố Tô Tịch hay phố Hàng Mành). Hồi còn thi Nho học, các sĩ tử hay lượn quanh các cửa hàng sách mua giấy bút, còn là cớ để ngắm các cô bán hàng.

Con gái Hàng Gai nổi tiếng nết na, có học và thanh lịch. Họ thường thuộc các gia đình quan lại về hưu hoặc nhà nho bất đắc chí. Khi chuyển sang học chữ Quốc ngữ, từ in khắc gỗ sang in máy, Hàng Gai lại thành cái nôi của nhiều tờ báo: Hữu Thanh, Khai Hóa, Khoa học, nhất là báo Đông Pháp là báo có rất nhiều độc giả.

Cụ thân sinh của Hữu Ngọc bỏ Nho chuyển sang Tây học, làm thầy ký Sở Máy đèn. Vậy là đã ba đời gia đình cụ lập nghiệp ở Thăng Long - Hà Nội (tam đại thành tổ). Cụ lại được sinh ra, hít thở không gian văn hóa từ cổ đến kim của khu trung tâm Hà Nội này. Phải chăng cụ đã hấp thu nền văn hóa Thăng Long ngay từ lúc sơ sinh, trong mỗi tế bào?

Trở lại với những món quà xuân cụ Hữu Ngọc tự chế tác ra để tặng bạn bè. Tôi chỉ đơn cử ba cái tết vừa qua:

Tết Đinh Hợi (2007), cụ viết chữ Duyên (chữ Hán) vào lòng đĩa, có phác họa một cụm đào, rồi thuê thợ gốm nung vài chục chiếc đĩa (có móc gắn phía sau để treo tường) men sứ trắng, chữ xanh, hoa màu phớt đào làm quà xuân tặng bạn. Đó là ngụ ý chúc bạn năm tới sẽ gặp một cơ duyên nào đó, mà đôi khi nhờ nó, có thể tạo bước ngoặt, hoặc một thăng tiến, thăng hoa trong sự nghiệp, trong sáng tạo.
Chữ Duyên của cụ Ngọc nhắc ta nhớ đến luận điểm độc đáo của cụ: Cái ngẫu nhiên chi phối 70% cuộc đời ta, cụ không tin bói toán, tử vi mà tin cái ngẫu nhiên khoa học. Vậy là tài sức, ý chí cá nhân (nhân định) chỉ chiếm 30% thôi sao? Trong khi ai cũng nghĩ một người như cụ, phải đến 70% là do ý chí, do rèn luyện cả đời mà làm nên!

Thoạt nghĩ thì như vậy, nhưng khi xem lại cuốn phim cuộc đời nhà văn hóa nổi tiếng lão thực này, mới thấy: Ước mơ hồi trẻ (lúc đang là học sinh Trường Bưởi, 18 tuổi, thời Pháp thuộc) của Hữu Ngọc là: dạy học ở một tỉnh miền núi, dựng một căn nhà nho nhỏ bên bờ suối, rồi có thể yêu và lấy một cô gái miền núi…

Hóa ra cái lãng mạn "Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối " không chỉ là riêng Suối Mơ của Văn Cao, mà là "bệnh thời đại" của một số con nhà nền nếp, có học, chán ghét chốn phồn hoa, ô trọc, muốn giữ được thanh cao mà chưa tìm ra lối thoát.

Và cơ duyên lớn của đời họ là gặp được Cách mạng tháng Tám giũ bỏ ách thống trị thực dân, để Hữu Ngọc đang từ người thích sống cô đơn yên ả trở thành người cả đời đi bắc các nhịp cầu văn hóa, làm bạn với cả thế giới (cụ từng làm Giám đốc NXB Thế giới, xuất nhập khẩu các nền văn hóa qua hoạt động dịch, biên soạn, và xuất bản). Luận điểm về chữ Duyên ít ra là đúng hoàn toàn với cuộc đời cụ khi đã gặp "cơ duyên" lớn: Cách mạng!

Quà xuân năm Mậu Tý (2008), cụ đưa in bài thơ (chữ Hán) "Xuân hiểu" (Buổi sớm xuân) của Mạnh Hạo Nhiên lên góc tờ bìa rộng, gập đôi thành khổ A4. Choán cả tờ bìa rộng là bức vẽ theo lối Quốc họa Trung Quốc hình một nhành mai có đôi chim đang nép vào nhau.

Bài thơ nổi tiếng thời Thịnh Đường (thế kỷ VIII) do Tương Như dịch, cụ chuyển ngữ sang tiếng Anh và tiếng Pháp, in bản phụ lục kèm theo, còn bức tranh - thơ thì để nguyên chữ Hán, hẳn là bút tích một danh nho nào, nên cũng trở thành tiết họa khá hài hòa của bức tranh-thơ!

Xuân hiểu

Xuân miên bất giác hiểu
Xứ xứ văn đề điểu
Dạ lai phong vũ thanh
Hoa lạc tri đa thiểu.

(Mạnh Hạo Nhiên)

Tương Như dịch:

Giấc xuân, sáng chẳng biết
Khắp nơi chim ríu rít
Đêm nghe tiếng gió mưa
Hoa rụng nhiều hay ít.

Cụ Hữu Ngọc bình rằng bài thơ có cái tứ hiện đại về nhân sinh, có tâm lý thầm kín của cái tôi, của dòng thời gian và dòng tâm không ngừng chảy, dĩ vãng đan xen hiện tại, cái vui lại đượm nỗi buồn của phận người.

Tết năm 2009, cụ lại có quà mới, gặp ai đáng tặng là cụ rút ngay bút ra đề tặng vào những ngày đầu xuân, như quà mừng tuổi. Đó là một tấm bìa lớn gấp đôi thành 4 trang khổ A4. Bìa 1 là chân dung nhà "lữ hành" Hữu Ngọc khổ nhỏ, dưới in sẵn đôi chữ Mừng Xuân và khoảng trống để đề tặng, dưới cùng là dấu triện son riêng của cụ và chữ ký.

Gọi cụ là "lữ hành", bởi cụ hay đi, chân dung lại chụp lúc cụ đang đi, như hằng ngày cụ vẫn tạo điều kiện để đi bộ được nhiều nhất, túi dết khoác qua vai, chiếc mũ vải mềm quen thuộc. Nền ảnh ló ra đuôi chiếc ôtô ca và hàng rào cây xanh, tỏ ra cụ đang băng qua đại lộ.

Chú thích bức tranh nằm ở bìa 2: Ngày xửa, ngày xưa… (Tranh Tết Phạm Tăng - Paris 1973, tha hương vẽ tưởng tượng). Những bạn chưa biết Phạm Tăng, sẽ được cụ Ngọc giới thiệu khái quát:

Phạm Tăng học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Yết Kiêu, đi kháng chiến ở Nam Định. Đến cải cách ruộng đất bị dính thành phần, chạy vào Sài Gòn. Ở đây, ông vẽ và viết báo tự do, chửi Ngô Đình Diệm, bị bắt giam. Sau có người quen lo lót với Trần Kim Tuyến, trùm mật vụ, được thả nhưng buộc phải tránh mặt tại Sài Gòn. Ông sang Italia, lần lượt học hết các bộ môn của nghệ thuật tạo hình, trở thành họa sĩ nổi tiếng ở nước ngoài, được giải nhất hội họa của UNESCO.

Bìa 3: Ảnh chụp bức tranh sơn dầu của Phạm Tăng, cảnh một đôi vợ chồng nông dân trong giờ nghỉ. Chồng mặc quần cộc, ngả lưng vào con trâu đang nằm lim dim thụ hưởng phút thư giãn, ông chủ của nó cũng đang lim dim rít điếu thuốc lào, vồng ngực và bắp tay cuồn cuộn sinh lực.

Cô vợ chỉ mặc chiếc yếm trắng, quần xắn trễ nải trên đầu gối, thắt lưng màu hoa đào, đang cười mãn nguyện ngắm chồng và đứa con trai ngồi trên lưng trâu, hớn hở khoe con cào cào… Đối với cô vợ nông dân, trước mắt cô là toàn bộ cơ nghiệp (con trâu chỉ là… đầu cơ nghiệp!), là hiện tại bình yên, là tương lai đang lớn dần…

Bìa 4 là bút tích và hai câu chữ Hán của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, nhà văn hóa nổi tiếng của ta thế kỷ XX:

Thỉnh nhĩ tu du vong thế sự
Tùng lâm tuyết lạc tự mai hoa.

(Xin bạn phút giây quên thế sự
Rừng thông tuyết rụng tựa hoa mai).

Tiếp đó là bản tiếng Pháp, tiếng Anh do Hữu Ngọc chuyển ngữ, bởi số bạn cụ gặp hằng ngày là nhà báo, nhà văn nước ngoài nhiều hơn bạn Việt, bởi cụ làm báo tiếng Pháp, tiếng Anh, làm Chủ tịch cho hai quỹ văn hóa nước ngoài hoạt động ở Việt Nam. Đôi câu thơ này cũng có sự tích của nó:

Hồi Nguyễn Khắc Viện hoạt động và chữa bệnh ở Pháp, sau 6, 7 lần bị mổ, bị cắt đến phổi và mấy cái xương sườn, ông vẫn hoạt động trong phong trào yêu nước của người Việt ở Pháp và nghiên cứu văn hóa. Một giáo sư Trung Quốc tìm đến tham vấn ông. Ông này có nhiều mối lo về thế sự.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện muốn giải tỏa những ức chế cho bạn, trong khi đưa bạn đi dạo rừng thông, đã ứng khẩu hai câu thơ trên. Cụ Hữu Ngọc thường nói: "Đó là thơ chống stress của ông Viện!". Quả nhiên là với ý chí rèn luyện sức khỏe (phương pháp luyện thở Nguyễn Khắc Viện) và tinh thần lạc quan của ông, Nguyễn Khắc Viện đã làm giới y học Pháp, Việt phải kinh ngạc về tuổi thọ, ông sống lâu không thua gì một người khỏe mạnh!

Không phải ai trong chúng ta muốn là có thể học được phong cách giao lưu đầy tinh thần nhân văn, nhân ái của những người… xưa nay quá hiếm như hai nhà văn hóa Hữu Ngọc và Nguyễn Khắc Viện. Nhưng ta vẫn cần biết để tránh những hành động, phong cách trái ngược với nét đẹp văn hóa của cha ông trong dịp đầu xuân, tránh làm tổn hại những ngày xuân trong sáng của bạn!

Ngày 22/12/2010 vừa qua là sinh nhật thứ 92 của cụ Hữu Ngọc, người có duyên với bộ đội, từng làm Trưởng ban Giáo dục tù hàng binh Âu - Phi hồi kháng chiến chống Pháp. Làm việc này, cụ Hữu Ngọc đã ứng dụng sách lược "tâm công" của bậc tiền nhân Nguyễn Trãi, tiến công bằng tâm lý, hình như chưa một nước nào làm giống thế. Có thể làm một luận án tiến sĩ về vấn đề này!

Cụ Ngọc nghĩ thế, nhưng cụ không làm, cụ bận làm mấy việc lớn hơn: Đến năm nay, cụ đã hoàn thành 3 cuốn sách cơ bản và hết sức đa dạng về nền văn hóa Việt bằng 3 thứ tiếng:

- Wandering through Vietnamese culture (Lang thang trong văn hóa Việt Nam).
- À la découverte de la culture Vietnamienne (Khám phá văn hóa Việt Nam).
- Lãng du trong văn hóa Việt Nam (NXB Thế giới)

Mỗi cuốn đều trên 1.000 trang, có thể nói đây là một "tập đại thành" về văn hóa Việt của cụ Hữu Ngọc, người mà sự nghiệp cả đời là quảng bá văn hóa Việt Nam cho thế giới. Một mặt khác, bè bạn các nước lại cho cụ là người nối nhịp cầu cho các nền văn hóa thế giới. Nhờ những cuốn biên soạn công phu của cụ mà người đọc hiểu thêm các nền văn hóa Pháp, Nhật, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch… Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 92 và dịp mừng năm mới, chúng ta chúc cụ gặp một "cơ duyên" mới trong năm 2011.




Vài nét Hữu Ngọc

Trần Đăng Khoa

Nhiều lúc ngắm Hữu Ngọc, không hiểu sao, tôi cứ có cái cảm giác rợn ngợp như đang đứng trước một con khổng long vừa hiện hình người. Hữu Ngọc quả là một con khổng long kỳ vĩ.

Ông sinh năm 1918. Khi đó, bố mẹ tôi còn chưa ra đời. Nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, thuộc lứa tuổi đàn em của ông, giờ cũng đã thành người ở cõi thương nhớ. Vậy mà Hữu Ngọc vẫn dẻo dai “sánh bước cùng thời đại”, hay nói như ngôn ngữ của ông, “cứ lang thang như một áng mây giời”. Hàng ngày, Hữu Ngọc vẫn cậm cạch cuốc bộ từ nhà riêng ở khu Vạn Bảo đến cơ quan 46 Trần Hưng Đạo. Chặng đường dài hơn chục cây số đi về. Hữu Ngọc là Chủ tịch Quỹ Văn hoá Thuỵ Điển và có thời là Chủ tịch cả Quỹ Văn hoá Đan Mạch. Chỉ tính riêng ở quỹ Thuỵ Điển mà tôi được biết, trong 5 năm hoạt động, ông đã cùng các cộng sự, tham mưu giúp Thuỵ Điển tài trợ cho hàng ngàn công trình, hạng mục, khôi phục lại nhiều di sản văn hoá quý giá mà bấy lâu chìm lấp trong cỏ dại. Tôi đã nhiều lần đi thực địa cơ sở cùng Hữu Ngọc. “Đánh đu” với Hữu Ngọc mệt lắm. Nói như Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Thị Thành, đi với bác Ngọc thì no kiến thức, nhưng đói bụng và bải hoải toàn thân. Không thể “đấu vật” với bác Ngọc được!

Kể cũng lạ. Tôi không ngờ một ông cụ ngót chín mươi tuổi mà vẫn leo núi thoăn thoắt như một con sóc rừng. Hữu Ngọc dường như không có tuổi già. Ông như một bộ cốt đã hoá thạch. Thời gian dường như không thể “đánh” được vào con người trần gian này. Không biết bí quyết nào đã cho ông cụ một sức lực dẻo dai đến thế? Có lẽ một phần là chất lượng sống. Mà sống, với Hữu Ngọc, là lao động. Lao động không ngừng. Nói như Xuân Diệu: “Mắt luôn lục lọi. óc luôn kiếm tìm”. Hữu Ngọc lúc nào cũng cuồn cuộn như một dòng sông luôn chảy xiết. Tôi có cảm giác chỉ một tích tắc dừng lại, có lẽ cái cơ thể đã quánh lại như một bộ cốt sống kia sẽ tan rữa ra như cát bụi.

Nhưng Hữu Ngọc không thể tan rữa. Ông luôn phát triển trong thế vận động. Là người giỏi nhiều ngoại ngữ, am tường nhiều nền văn hoá nhân loại, lại đi nhiều, đọc nhiều, Hữu Ngọc là người Việt Nam, nhưng ông cũng là công dân của cả một thế giới rộng lớn. Ông kết hợp và tận dụng được cùng một lúc cả hai “nguồn lực” đó. Đây chính là “bí kíp” giúp Hữu Ngọc hơn người. Bằng con mắt của một người thuần Việt, ông nắm bắt được những vẻ đẹp của những nền văn minh nhân loại. Và bằng con mắt của nhân loại, ông phát hiện ra được những tinh chất đặc sắc của Việt Nam mà nhiều khi người Việt ta ở trong nước lại không thể nhìn ra. Tất cả những năng lực ấy, Hữu Ngọc đều bộc lộ qua hai phương tiện: Viết và Nói bằng một tư duy rất hiện đại. Nghĩa là chữ ít, nhưng lượng thông tin lại nhiều. Đó là loại văn chương điện tín. Mỗi chữ là một ký tự thông tin. Một lối văn mộc, không son phấn, văn hoa. Ông thường loại bỏ những giao đãi rườm rà, tước hết những “phụ tùng” không cần thiết, chỉ còn lại cái cốt lõi mà không thể giản lược thêm được nữa, để chuyển tải tới bạn đọc những gì mà ông muốn bộc lộ, chia sẻ. Bởi thế, các tập sách của Hữu Ngọc thường rất dày, có cuốn đến cả ngàn trang khổ lớn, nhưng người đọc vẫn không thấy dài. Nhiều bài viết chỉ phong phanh mấy trăm chữ nhưng lượng thông tin lại nhiều hơn cả một công trình nghiên cứu nghiên cứu nhiều chữ mà ít nghĩa của một nhà văn hoá nào đó. Có lẽ cũng vì thế, Tiến sĩ Nghệ thuật Đức Gunter Giesenfeld, đã gọi ông là “bậc thầy của những bài ký ngắn”.

Đấy là một nhận xét khá tinh tế.

Cũng bằng lối viết cô đọng, bàn về tính cách người Mỹ, Hữu Ngọc không cần bình luận gì cả. Ông chỉ dẫn lời Giáo sư Gari Athen, chuyên gia trường Đại học Iowa. Cứ như lời vị Giáo sư này, thì ở nhiều nước, đặc biệt là các nước Châu Á, người nói thường lựa chiều người nghe. Thích gì thì nói nấy. Với người Mỹ, như thế là bất lương, là lừa đảo, vì giá trị cao nhất là thật giả, cao hơn cả lễ phép và xã giao. Khi thương lượng để ký hợp đồng, người Mỹ không quanh co, khéo léo, mà đi thẳng vào những điều khoản cam kết. Đi đường, người Mỹ hỏi: “ Đến làng X gần nhất bao xa?” Nhiều khi để khách đi đường đỡ mệt, đỡ ngại, người kia có thể đáp: “Ồ, ngay dưới kia thôi!” Người khách Mỹ lái xe đi cả đêm, chửi rủa người chỉ đường nói dối. Nếu người Mỹ được hỏi đường, họ sẽ trả lời ngay: ”Còn xa đấy. Đến ba chục cây đấy!” Khách sẽ thất vọng, mệt mỏi, nhưng biết được sự thật.

Bàn về các làng quê truyền thống Việt Nam, Hữu Ngọc cho rằng, do chiến tranh, do kinh tế thị trường, lại ảnh hưởng văn hoá phương Tây, các làng truyền thống của Việt Nam, hầu hết đã ít nhiều bị “ô nhiễm” văn hoá. Có chăng, chỉ còn mỗi làng Đường Lâm. Cũng theo Hữu Ngọc, Đường Lâm có thể xem là mẫu làng truyền thống Việt Nam duy nhất còn lại khá hoàn hảo, ít bị ô nhiễm nhất. Nhà nghiên cứu văn hoá Thái Lan Thainatis nói với Hữu Ngọc rằng: “Cần thiết phải cảnh báo để người dân nhận thức về di sản văn hoá của mình trước khi nó bị lãng quên và bị thời gian huỷ diệt. Đường Lâm vừa là thắng cảnh đẹp, vừa được tạo nên bởi chính bàn tay của người Việt Nam - đó chính là văn hoá văn minh của nước Việt Nam có một lịch sử lâu dài... Cảnh đẹp Hạ Long là do thiên nhiên tạo nên, không giống như Đường Lâm chỉ do con người tạo dựng”. Cảnh quan Đường Lâm dường như vẫn giữ được vẻ xưa. Nói như hoạ sĩ Phan Kế An, trước kia theo tục lệ làng, không ai được xây dựng nhà cao hơn mái đình. Tuy lệ ấy đã nhạt đi, có vài ba nhà cao tầng được xây nhưng không đáng kể. Cái chính ít xây là do dân nghèo, nông nghiệp là chính, buôn bán ít, nghề phụ chỉ có một số nghề truyền thống: Giò chả, nuôi gà, làm kẹo bột, chè lam, bánh bỏng, dệt vải và làm tương. Đưa ra mấy thông tin như thế, rồi Hữu Ngọc bình một câu sắc lẻm mà không kém phần chua xót. May quá! Không ngờ chính “cái nghèo đã cứu vớt được một di sản Văn hoá”.

Không ít người đã đi Côn Minh bằng đường xe lửa. Nhưng không mấy ai để ý đến con đường sắt này. Trong một bài viết rất ngắn về Lào Cai, mảnh đất biên cương nơi địa đầu tổ quốc, Hữu Ngọc cho ta biết: “Đường xe lửa Lao Cai - Côn Minh, hoàn thành năm 1910, mà Thực dân Pháp khoe là một kỳ công kỹ thuật và một thắng cảnh du lịch: “Đây là một trong những đường xe lửa ngoạn mục nhất và hiểm trở nhất Châu Á. Nó băng qua những quang cảnh đa dạng, khi thì đi sâu vào rừng nhiệt đới bao la, khi thì trèo những ngọn núi cheo leo, khi thì uốn khúc ở bên đáy vực thẳm” (Sách hướng dẫn du lịch Madrolle 1932 Paris). Nếu chỉ dừng lại như thế, đoạn văn chẳng ấn tượng gì, cũng không có giá trị gì ngoài một chi tiết thông tin về năm ra đời của con đường sắt. Nhưng Hữu Ngọc đã đẩy lên một nấc nữa: “Có điều cuốn sách này không nói là xây dựng tuyến đường này, công ty Xe lửa Vân Nam của Pháp đã làm chết năm vạn “cu li” Trung Quốc và Việt Nam”. Và thế là ngay lập tức, ta sẽ nhìn con đường sắt ấy bằng một con mắt khác.

Cũng đề cập đến mảnh đất địa đầu Tổ quốc này, Hữu Ngọc còn bàn đến một địa danh với mấy tình tiết khá thú vị. Cũng theo lời Hữu Ngọc, thị xã Lào Cai, theo nhân dân kể lại thì địa danh Cốc Lếu cũng mang ý nghĩa bảo tồn văn hoá Việt: Cốc Lếu có nghĩa là gốc gạo. Đồn rằng theo lệnh Minh Mạng, người Việt ở đâu đều phải trồng cây gạo để đánh dấu lãnh thổ. Hoá ra thời xưa, cha ông ta đã cắm mốc lãnh thổ bằng...cây.

Ngoài những trang viết, Hữu Ngọc còn có nhiều cuộc giao lưu quốc tế. Tôi cũng đã nhiều lần ngồi dự những cuộc gặp gỡ của ông. Những lúc ấy, Hữu Ngọc rất linh hoạt, khi nói tiếng Anh. Lúc chuyển tiếng Pháp, lúc lại quặt sang tiếng Đức. Ai hỏi ông bằng tiếng nước nào thì ông trả lời bằng tiếng nước đó. Hữu Ngọc có khả năng thôi miên người nghe bằng khối lượng kiến thức khá uyên bác của mình. Chúng ta hãy nghe chính những khán giả của ông bộc lộ:

“Xin vô cùng đa tạ bài nói tuyệt vời của ông Hữu Ngọc ngày hôm qua ở Trung tâm văn hoá Nhật Hawii. Tất cả chúng tôi đều bị cuốn hút nghe ông kể về dĩ vãng và hiện tại ở Việt Nam” (Paul Rehob Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Mỹ ở bang Hawaii - Mỹ)


“Bài thuyêt trình của ông Hữu Ngọc thực là hoàn hảo. Có một thành viên trẻ của đoàn chúng tôi còn bảo phần của ông là điểm hay nhât của cả chương trình nói chung. Bản thân tôi thấy ông Hữu Ngọc sử dụng kỹ năng sư phạm hiện đại rất điêu luyện cho vốn hiểu biết sâu sắc của mình. Tôi ước ao giá được nghe bản thuyết trình này sớm hơn, khi tôi bắt đầu công tác ở Hà Nội. Một bài thuyết trình thật sáng sủa” (Bjorn Lasson, Phụ trách đoàn 30 chuyên gia và nhà doanh nghiệp Thuỵ Điển trong chuyến thăm Việt Nam)

“Đối với nhà trí thức Việt Nam ưu tú này - Ông Hữu Ngọc – ngôn ngữ của chúng ta, di sản nghệ thuật của chúng ta, toàn thể nền văn hoá của chúng ta, là bộ phận của nền văn hoá riêng của ông, bên cạnh nền văn hoá dân tộc, gắn chặt nhau và cùng toả sáng” (Charles Foruniau – Tiến sĩ sử học Pháp- Hội trưởng Hội Pháp Việt hữu nghị)


“Ông Hữu Ngọc quả là một người phi thường - điểm nổi bật nhất ở Hội nghị là nghe ông Hữu Ngọc nói chuyện”


“Hay đến sửng sốt”

“Hữu Ngọc gây ấn tượng mạnh trong tôi. Rát khiêm tốn! Rất thông minh! Rất khoan dung!”


“Tôi bàng hoàng vì chỉ nửa giờ gặp ông Hữu Ngọc, tôi hiểu văn hoá Việt Nam bằng cả bấy lâu tôi đọc bao nhiêu cuốn sách và tìm hiểu nền văn hoá của dân tộc ông. Tôi vô cùng cảm ơn ông” (Bruno- Nhà ngoại giao Bỉ)

Ta có thể còn gặp rất nhiều những tiếng reo vui như thế của bạn bè quốc tế trong các trang báo chí nước ngoài. Tôi cũng muốn nói thêm một điều gì đó về ông. Nhưng rồi tôi lại im lặng. Khẳng định điều gì về ông bây giờ, dường như là ...quá sớm. Bởi Hữu Ngọc đang sung sức. Ông vẫn đang đi. Trước mặt tôi vẫn thấp thoáng tấm lưng ông. Tấm lưng lầm lụi trong gió bụi...

Hà Nội 25-8-2006

TĐK

Không có nhận xét nào: