Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Võ Nguyên Giáp tự trong sâu thẳm


ĐỌC LẠI VÀ SUY NGẪM. Tôi cũng tưởng sẽ có một khoảng lặng mới quay lại với những bài viết về đại tướng Võ Nguyên Giáp khi tôi đã đăng liên tục mười bài về Người trên DANH NHÂN VIỆT nhưng tự trong sâu thẳm vẫn không thể cưỡng được ý muốn viết tiếp đôi lời. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi trong bài viết "
Tướng Giáp, người anh hùng của độc lập Việt Nam, đã qua đời"  có những lời thật thấm thía: "Giải tỏa tấn bi kịch vô hình khủng khiếp đè lên con người đó, bỏ qua mọi thứ “công tội” do chính cái chủ nghĩa mà con người đó theo đuổi, trả lại cho con người đó cái giá trị đích thực của một vị tướng đánh trận tài năng, phải nói chính là vòng tay ân nghĩa của nhân dân".“Về nghỉ là thượng sách. Thử điểm lại lịch sử xưa nay có tướng nào giành được chiến công lẫm liệt mà không đi kèm thân bại danh liệt hay không?”. Võ Nguyên Giáp, Văn Cao  "Im lặng mà bão giông, khoảnh khắc mà trường cửu, tưởng như vô định nhưng đang thấu mọi cõi..." bức ảnh của Nguyễn Đình Toán thật đẹp cảm khái.  

*
*   *

Tướng Giáp, người anh hùng của độc lập Việt Nam, đã qua đời

Jean-Claude Pomonti, Le Monde, số ra ngày 4 tháng mười 2013
Đào Hùng dịch
Những tưởng BVN đã khép lại đề tài Võ Nguyên Giáp sau hơn mười ngày liên tục đưa tin kể từ khi vị Đại tướng nằm xuống. Nhưng tự trong sâu thẳm, chủ đề Võ Nguyên Giáp vẫn thôi thúc một sự suy nghĩ có tính chất phản tỉnh về nhiều mặt, ở mọi người trí thức tỉnh táo của thời đại. Công lao thì rõ rồi song cũng đâu đã được soi tỏ hết, vì nhiều luồng thông tin quá phức tạp chồng phủ lên con người ấy kể từ khi ông thất sủng mãi đến khi qua đời. Và trách nhiệm của vị tướng về hậu quả của hai cuộc chiến giành thắng lợi gian nan chật vật suốt 20 năm ròng nhằm bảo đảm cho sự lên ngôi toàn vẹn của một chính thể chuyên chế ngày càng lộ diện hà khắc, dẫn đến tình trạng bi thảm của một nước Việt Nam ngổn ngang đổ vỡ, một dân tộc bị xé nát – cả chính trị kinh tế văn hóa xã hội, cả khủng hoảng phần sống hiện thực lẫn phần sống tâm linh ở mỗi con người – trong hiện tại, chẳng lẽ ông không dự phần?
Có những người tỏ ý chế giễu cái đám đông đã lũ lượt kéo đến hầu như dài vô tận để kính viếng hương hồn vị tướng trong suốt những ngày lễ tang ông diễn ra và ngay giờ đây ở khu mộ của ông ở Vũng Chùa ngày ngày vẫn có đến 4, 5000 người khói hương không dứt; họ cho rằng đây là một hiện tượng “lên đồng” chẳng khác gì đám đông người dân Bắc Triều Tiên khóc như mưa như gió trước cái chết của Kim Il Sung. Tôi không tin lắm vào điều này. Ít ra thì có đến hai phần ba những người đến nghiêng mình trước di ảnh hoặc thi hài ông đủ khả năng chiêm ngẫm về cái chết của ông.
Không phải vì người Việt Nam không từng bị nhồi sọ đến mê muội một thời gian dài và vẫn còn tiếp tục bị nhồi sọ, nhưng người Việt Nam ra mặt “phù suy” như vừa qua là một sự kiện khó lòng tưởng tượng. Một cuộc biểu tình hiền lành nhưng lại có ý nghĩa thách thức công khai khiến những kẻ nào đó nếu còn chút hiểu biết phải hết sức choáng ngợp. Có thể là cái chết đã góp phần tạo nên một sự “thanh lọc”, mong thế lắm, có giá trị đánh thức những lương thức chưa ngủ hẳn, để giữa hai lớp người ngày càng xa cách nhau trong quan điểm may ra cùng tìm được chút ánh sáng chung phía cuối con đường hầm. Kỳ thực, phải nói ngay, đấy chỉ là huyễn vọng, khi mà nhiều chuyện xảy ra từ đó đến nay hình như lại có chỉ dấu rằng, cái chết làm cho trắng đen càng tách bạch hơn. Cái chết của một người bị chính thành tích chói lọi của mình bắt phải trả giá, bị đẩy xuống thân phận một người nằm trên bờ vực “chính” và “phản” trong gang tấc, thì không thể có giá trị hàn gắn như ở những trường hợp khác, mà chỉ báo hiệu sự phân liệt mạnh mẽ giữa một bên là những quyền lợi phe nhóm ích kỷ không thể sửa chữa và một bên là dân tộc và nhân dân. Giải tỏa tấn bi kịch vô hình khủng khiếp đè lên con người đó, bỏ qua mọi thứ “công tội” do chính cái chủ nghĩa mà con người đó theo đuổi, trả lại cho con người đó cái giá trị đích thực của một vị tướng đánh trận tài năng, phải nói chính là vòng tay ân nghĩa của nhân dân. Người viết mấy dòng này, cũng do cơ duyên dun dủi, đã từng được gián tiếp nghe một lời khuyên vị tướng của chúng ta từ nửa cuối những năm 1970, đại khái: “Về nghỉ là thượng sách. Thử điểm lại lịch sử xưa nay có tướng nào giành được chiến công lẫm liệt mà không đi kèm thân bại danh liệt hay không?”.
BVN tuy đã đăng nhiều bài về tướng Giáp nhưng vẫn còn thiếu một vài bài mở thêm cái nhìn từ thế giới bên ngoài soi vào. “Cờ ngoài bài trong” người ngoài cuộc thì thường rõ hơn một số ngóc ngách nào đấy mà người trong cuộc dễ bị khuất lấp. Bài viết đăng dưới đây của Jean-Claude Pomonti phóng viên báo Le Monde tại Đông Nam Á từ năm 1968 đến 1974 và tái xuất hiện tại Việt Nam từ 1987 rồi sau đó còn trở lại nhiều lần ít nhiều có thể bù vào chỗ thiếu khuyết nói trên.
Nguyễn Huệ Chi



Trong lịch sử ông vẫn là một trong những vị chỉ huy chiến trận lớn của thế kỷ XX, người duy nhất đã lần lượt đánh bại Pháp và đương đầu với Hoa Kỳ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời hôm thứ sáu 4 tháng mười ở tuổi 103.
Sự chiếm lĩnh cứ điểm Pháp ở Điện Biên Phủ tháng năm 1954 và sự sụp đổ của Sài Gòn tháng tư 1975 là những chiến tích của vị chỉ huy tầm cỡ đặc biệt này: uy tín cá nhân, thiên tài hậu cần, chiến thuật gia vô song. Những thắng lợi không thể chối cãi đó, đã khiến tướng Võ Nguyên Giáp trở thành người cuối cùng của một loạt các nhà chiến lược vĩ đại Việt Nam, trải qua bao thế kỷ, đã thành công trong việc chặn đứng con đường xuống phương Nam của Trung Quốc sau khi đuổi chúng ra khỏi đất nước mình. Về phần mình, tướng Giáp đã góp phần vào việc làm thất bại cuộc quay trở lại Việt Nam của Pháp, và trên đà đó, giữa lúc diễn ra chiến tranh lạnh, đã bẻ gãy sự thay thế mà người Mỹ muốn thực hiện.
Sinh ngày 25 tháng tám 1911 ở một làng miền Trung Việt Nam, trong một gia đình nhà nho khiêm tốn, Võ Nguyên Giáp đã trải qua tuổi trẻ trong một môi trường đấu tranh dân tộc: bị lôi thôi với Mật thám Pháp, hai lần ngồi tù năm 1930 và 1932. Ông đỗ tú tài (Pháp) năm 1934, rồi dạy lịch sử và tiếng Pháp ở Hà Nội, trường Thăng Long, lò hun đúc các chiến sĩ chống thực dân. Năm 1937, vào thời kỳ Mặt trận Bình dân, ông tham gia Đảng Cộng sản Việt Nam lúc đó đang ở trong vòng bí mật.
Từ đó, hành trình của ông đã được vạch ra. Tháng năm 1940, cùng với Phạm Văn Đồng, vị thủ tướng tương lai (1954-1986), Võ Nguyên Giáp sang Trung Quốc để lần đầu tiên, gặp Hồ Chí Minh, người sáng lập Đảng Cộng sản năm 1930. Năm 1939, ông kết hôn cùng với một nữ chiến sĩ cùng quê với ông, sinh được một đứa con năm 1940. Ông không bao giờ gặp lại vợ: ít lâu sau khi ông ra đi, bà bị Mật thám Pháp bắt. Bị tra tấn dã man, bà chết trong tù, theo người ta nói, là tự vẫn. Ông Giáp chỉ được tin mấy năm sau.
Say mê Bonaparte

Ở trường trung học Thăng Long, vào đêm trước Thế chiến hai, học sinh đã mệnh danh ông là “ông tướng”, hay cụ thể hơn là “Napoléon”. Nếu ông Giáp vẫn học hỏi những kinh nghiệm của các bậc tiền bối, qua bao thế kỷ, đã giáng cho bọn xâm lược Trung Quốc những đòn thảm bại, thì ông cũng nghiên cứu chi tiết các chiến dịch của Bonaparte. Những bậc tiền bối đã dạy cho ông nghệ thuật vận dụng địa hình, dựa lưng vào dãy Trường Sơn, củng cố hậu phương, lôi kéo đối phương vào cạm bẫy.


Trong các chiến thuật của Bonaparte, ông Giáp đặc biệt ghi nhớ “yếu tố bất ngờ”. Về Điện Biên Phủ, một nửa thế kỷ sau ông đã kể lại với chúng tôi, “người đứng đầu các cố vấn của chúng tôi chủ trương tấn công nhanh” vào cứ điểm Pháp nằm trên một cánh đồng giáp Lào. Cuộc tấn công ấn định vào ngày 25 tháng một 1954, lúc 17 giờ, tức trước khi đêm xuống ít lâu. Vào phút cuối, tướng Giáp kéo dài thời hạn thêm 24 giờ đồng hồ. Rồi ông “ra lệnh rút quân, kể cả pháo”. “Đấy là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời tổng chỉ huy của tôi”.
Tại sao? Ông đã giải thích “Để tấn công, tôi chờ nghe trên đài phát thanh tướng Navarre tuyên bố rằng làn sóng Việt Minh đã chựng lại…”. Navarre lúc đó là chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương và chính ông ta đã quyết định lập cứ điểm gần biên giới giữa Lào và Việt Nam để thu hút các sư đoàn Việt Minh. “Chựng lại”, ông Giáp mỉm cười nhắc lại. “Và tôi đã hành động ngay!” Ngày 23 tháng ba. Chỉ huy sở của tướng de Castries, chỉ huy cứ điểm, bị chiếm ngày 7 tháng năm, chưa đầy hai tháng sau.

Ông Giáp còn nói về những diễn biến sau đây. Vài tuần trước ngày “tổng tiến công cuối cùng” của Việt Cộng kết thúc bằng cuộc đầu hàng của Sài Gòn ngày 30 tháng tư 1975, hải cảng chiến lược Đà Nẵng ở miền Trung, đã bị quân đội cộng sản bao vây. “Chính quyền Sài Gòn của Nguyễn Văn Thiệu, ra lệnh cho chỉ huy địa phương, tướng Ngô Quang Trưởng phải “tử thủ”. Tôi lệnh cho sư đoàn 312 tấn công Đà Nẵng. Viên chỉ huy trả lời tôi: “Quân địch khá mạnh, tôi xin 7 ngày”. Tôi hỏi: “Tôi cho rằng Ngô Quang Trưởng sẽ rút bằng đường biển. Hắn ta phải mất bao nhiêu lâu?” “Ít ra là ba ngày”, viên chỉ huy 312 trả lời bằng điện báo. “Vậy thì tôi cho anh ba ngày. Lệnh cho các đơn vị hành tiến giữa ban ngày, xuống Quốc lộ 1. Các anh sẽ bị pháo hải quân đối phương oanh kích, nhưng không sao”, ông Giáp nói. “Như vậy, ông nói tiếp, không những cái túi Đà Nẵng bị tiêu diệt mà chúng tôi còn có thêm nhiều sư đoàn dự bị để mở cuộc tấn công cuối cùng vào Sài Gòn”. “Tôi chỉ nói đơn giản: “Tiến vào Sài Gòn!”” Một lần nữa, yếu tố bất ngờ, sự “tập trung quân”, sự “táo bạo”, đó là những gì mà ông Giáp còn ghi lại khi phân tích những chiến dịch của Bonaparte (ông không nói Napoléon đệ nhất, hoàng đế, rõ ràng khía cạnh chính trị không hấp dẫn ông).
Hoàn toàn tin tưởng các phụ tá
Chỉ được thành lập vào cuối Thế chiến hai, quân đội Việt Minh thực hiện nhiệm vụ không ngần ngại. Năm 2004, tôi rất ngạc nhiên khi ông Giáp thốt lên: “Cuộc trở về từ đảo Elbe, thật kỳ diệu!”, khi nói về việc quân đội hoàng gia do Louis XVIII điều đến để chặn đường hoàng đế và đáng lẽ phải đối đầu, thì đã gia nhập vào quân của hoàng đế Napoléon. Đối với ông Giáp, đó là một cái nháy mắt về mối quan hệ ông thiết lập với các phụ tá của mình: họ tuân lệnh ông một cách vô điều kiện, họ hoàn toàn tin tưởng ông.
Ông Giáp còn là một thiên tài về hậu cần. Một hôm ông nhắc lại với chúng tôi công thức mà Bonaparte đã sử dụng trong chiến dịch Italia: “Nơi một con dê đi qua lọt, thì một người có thể qua; nơi một người có thể qua, thì một tiểu đoàn có thể qua”. “Ở Điện Biên Phủ, ông nói tiếp, để đem một kilô gạo đến cho binh sĩ đang thiết lập vòng vây, phải tiêu thụ bốn kilô khi vận chuyển. Chúng tôi đã dùng 260.000 người mang vác, hơn 20 nghìn chiếc xe đạp, 11.800 chiếc mảng, 400 xe vận tải và 500 con ngựa”. Dưới sự che chở của rừng dày, các bộ phận pháo của Việt Minh được tháo rời để khuân vác lên đồi bao quanh cứ điểm, rồi được lắp ghép lại.
Dù sao, trên lĩnh vực hậu cần, sự thực hiện đáng kinh ngạc nhất, trong những năm 60, là “con đường Hồ Chí Minh”, một hệ thống đường mòn được rừng rậm che phủ chạy từ bắc đến nam, dựa vào đất nam Lào và đông-bắc Campuchia để tránh các thiết bị phòng ngự của quân Mỹ ở miền Nam. Một con đường “đi một chiều”, mà sau này bộ đội Việt Nam nói như vậy. Nhưng người Mỹ không bao giờ chặt đứt được con đường tiếp vận đó – người, đạn dược, khí tài, xe tăng, thiết giáp – dù phải dùng đến thả bom ồ ạt, chất diệt cỏ, thả dù hàng trăm nghìn quả mìn và bẫy chống cá nhân.
Quyền uy của Hồ Chí Minh bị pha loãng

Dù sao, không ai có thể trở thành tiên tri, và ông Giáp phải nếm trải kinh nghiệm chua xót. Hồ Chí Minh, người cha của nền độc lập đã tuyên bố trước đám đông một triệu người dân Hà Nội ngày 2 tháng chín 1945, vẫn phải cơ cấu với những phần tử không khoan nhượng chiếm số đông trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ giữa những năm 60, uy quyền của ông bị pha loãng. Ông trở thành một thần tượng không có ảnh hưởng gì lớn nhiều năm trước khi ông mất năm 1969. Tướng Giáp mất chỗ dựa chính của mình.
Giữa Võ Nguyên Giáp và Lê Duẩn, người Tổng Bí thư vĩnh viễn của Đảng Cộng sản, sự lục đục đã xảy ra từ năm 1966, đến mức khi Việt cộng tấn công một số thành phố miền Nam năm 1968 – cuộc tấn công Tết Mậu Thân nổi tiếng – ông Giáp được điều sang Đông Âu. Ông chỉ được gọi về vị trí tổng chỉ huy, với mọi quyền hành trong tay năm 1972, để tổ chức thắng lợi công cuộc bảo vệ miền Bắc, cụ thể là Hà Nội, chống cuộc oanh kích khủng khiếp của Mỹ có pháo đài bay B-52 tham gia.
Thắng lợi năm 1975 đã đưa ông Giáp trở thành mục tiêu, giống như các nhà chiến lược Việt Nam khác, ông được đánh giá là quá xuất sắc và có ảnh hưởng quá lớn để trở thành nguy hiểm. Cụ thể đó là trường hợp của Nguyễn Trãi, nhà nho tinh tế và nhà chỉ huy vĩ đại, đầu thế kỷ XV đã bị lưu đày trong nội địa để không che mờ hình ảnh nhà vua Lê Lợi.
Năm 1976, năm thống nhất chính thức Việt Nam, ông Giáp mất chức chỉ huy quân đội. Bốn năm sau, ông bị rút khỏi Bộ Quốc phòng. Trong Đại hội V Đảng Cộng sản năm 1982, ông không được bầu lại vào Bộ Chính trị. Trước công chúng, ông Giáp không nói gì và tiếp tục dùng lời lẽ công thức cứng nhắc của người cộng sản có kỷ luật. Người ta cho ông ra mắt trong những ngày kỷ niệm chiến thắng và lời nói của ông bị kiểm duyệt. Có khi hàng tháng ông không xuất hiện trước công chúng. Luận điệu tuyên truyền chính thống còn không thừa nhận vai trò quyết định của ông trong chiến thắng năm 1975, và biến đổi một cách tài tình thành sự tháo chạy của quân đội miền Nam.
Khi Lê Đức Thọ – một trong những tiếng nói chủ chốt của hạt nhân cứng rắn trong Đảng Cộng sản và là người đối thoại với Henry Kissinger trong cuộc thương thuyết ở Paris – qua đời năm 1990, ông Giáp có ý định nắm lại Đảng. Nhưng ý đồ của ông, vào thời buổi bức tường Berlin sụp đổ, đã không thành công. Trong một cuộc họp kín của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, một đại biểu còn giật micro khỏi tay ông, theo lời kể của Phạm Xuân Ẩn (1927-2006). Năm 1996, ông Giáp bị đuổi khỏi Ban Chấp hành Trung ương và 6 tháng sau, mất luôn vị trí Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế.
Trở lại chính trường
Rồi thời gian đã làm nên chuyện, một thế hệ lãnh đạo mới vào vị trí, thông tin chuyển tải tự do hơn với sự phát triển theo cấp số nhân của bối cảnh. Ông Giáp vẫn ở đó. Ông được hành động tự do hơn. Vì ông vẫn tỉnh táo, ông tranh thủ để phát biểu kịp thời vào lúc này hay lúc khác. Đấy là trường hợp khi nổ ra tranh cãi năm 2009 về việc khai thác của người Trung Quốc đối với những mỏ lộ thiên bô xít trên cao nguyên phía nam.
Người Pháp, rồi người Xô Viết, đã từ chối không làm, vì sợ gây nên thảm họa môi trường. Ông Giáp đã hai lần viết thư cho Bộ Chính trị để bày tỏ sự phản đối của mình. Ông biết rõ hồ sơ: ông vẫn còn là Bộ trưởng phụ trách kinh tế, khi vào đầu những năm 90, các chuyên gia Xô Viết đến để lập báo cáo. Chiến dịch chống khai thác bô xít đặt chính phủ vào thế phòng vệ và buộc họ phải đưa ra những tham vọng khiêm tốn hơn.
Đạt đến 100 tuổi năm 2011, cơ thể rất yếu, đôi khi phải nhập bệnh viện, trên thực tế ông Giáp không xuất hiện nữa. Thời gian đó, giống như mọi người Việt Nam đã sống một cuộc đời mẫu mực, ngay từ khi còn sống, ông Giáp đã bắt đầu trở thành một thần tượng. Ông đã là thành hoàng. Để không bị tụt hậu, năm 2012 chính phủ phải quyết định lập cho ông một bảo tàng.
Ông Hồ Chí Minh đã có một phản xạ thiên tài. Khi đến gặp ông tháng sáu 1940 ở miền nam Trung Quốc, Võ Nguyên Giáp chỉ mới 29 tuổi và không được đào tạo tí gì về quân sự. Làm sao một nhà cách mạng từng trải – Bác Hồ lúc đó đã 50 tuổi – lại dám phán đoán rằng người chiến sĩ trẻ tuổi đó có cốt cách của một nhà chỉ huy lớn? Ông Hồ đã giao cho ông Giáp việc tổ chức lực lượng tự vệ, rồi thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ năm 1949, ông đã phong ông Giáp làm Đại tướng, cấp bậc ông giữ cho đến khi qua đời.
J.-C. P.
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.
Nguồn: BVN


http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính
Hoàng Kim, Ngọc Phương Nam, Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Học mỗi ngày, Danh nhân Việt, Food Crops News, CassavaViet, foodcrops.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét