Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

Hồ Chí Minh từ góc nhìn của học giả Hoàng Xuân Hãn

DANH NHÂN VIỆT. Nguyễn Xuân Ba tác giả bài: "Hồ Chí Minh từ góc nhìn của học giả Hoàng Xuân Hãn " đã viết: Tôi có đọc hai bài phỏng vấn nhan đề “Hoàng Xuân Hãn và gia đình Ngô Đình” và bài “Học giả Hoàng Xuân Hãn nói về Chính phủ Trần Trọng Kim”. Người phỏng vấn thuộc diện không ưa Cộng sản, người trả lời có chỗ cũng tỏ ra không thích Cộng sản. Dù vậy, nhưng với sự trung thực của một trí thức (theo cách nhìn của Hoàng Xuân Hãn), ông ấy đã cho chúng ta sự so sánh về những nhân vật có ảnh hưởng lớn đến một giai đoạn của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Cả hai bài phỏng vấn trên cho người đọc hiểu nhận định của ông về Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Trần Trọng Kim và cả bản thân ông nữa.
Trong bài viết này, tác giả xin trích những đoạn ông Hoàng Xuân Hãn nói về các nhân vật trên, có thêm nhận định của mình cho bài thêm phong phú.
      Ông Hoàng Xuân Hãn (HXH) cho biết: ông có mối quan hệ khá gần với gia đình họ Ngô, Ngô Đình Nhu là bạn học, nhưng không thân nhau. Ông nói: “Tôi và Ngô Đình Nhu ít thân nhau dù là bạn học. Mà nói chung các bạn chúng tôi ít đi lại với Nhu. Anh ấy sắc sảo, chặt chẽ lại tính toán nên các bạn không thích. Những người ở xa nói ông ấy khắc nghiệt. Chúng tôi ở gần thì nói anh ấy nhiều chính trị và kỹ thuật mà thiếu tình cảm.
      Ông Diệm lại được lòng với các bạn học của ông Nhu. Những lần nhóm bạn cũ gặp nhau, ông Diệm chăm sóc họ, hay cho lời khuyên, và nếu có ai nghe theo và tỏ lòng kính trọng ông Diệm, ông ấy sẵn lòng giúp đỡ”.
Trả lời câu hỏi của người phỏng vấn về những nhà chép sử của Việt Minh nói về Ngô Đình Diệm, ông Hãn nói:
      “Những nhà chép sử Việt Minh cũng tố cáo chế độ Diệm bán nước là rất xấu. Về mặt chính trị, hễ ghét ai thì nói người đó bán nước. Tuy nhiên, nhìn từ bên ngoài vào phe miền Bắc có chính nghĩa giành độc lập, phe miền Nam không có thế mạnh này”.
      Ông Hãn trầm ngâm một hồi rồi trả lời câu hỏi tiếp theo:
      “Hồi đó bác cũng ủng hộ miền Bắc hơn. Theo bác, ông Hồ Chí Minh tài giỏi hơn ông Ngô Đình Diệm ở mặt nhanh hơn, táo bạo hơn, biết phân tích và nắm bắt thời cơ. Ông Hồ rất giỏi lôi kéo quần chúng, ông biết cách làm cho người ta phục mình. Ông lại có tài tổ chức đội ngũ. Nếu ông ấy không tài giỏi và lanh lợi, phe Cộng sản đã không giành được chính quyền. Những người bạn tài giỏi nhất của bác (ông HXH) đều phục ông Hồ”.
      Năm 1972, ông HXH có bài viết nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên nội san Sử Địa kể lại lần ông gặp Bác tại Bắc Bộ phủ, vì đăng trên báo ở Sài Gòn nên ông chỉ khen khéo: Một cụ già gầy nhưng nhanh nhẹn, phải gánh vác một trách nhiệm nặng nề của đất nước.
      Nay trả lời người phỏng vấn ở nước ngoài là người Việt Nam, ông Hãn có điều kiện khác để nói rõ hơn về Hồ Chí Minh như trên đây. Không gần gũi Bác Hồ, tất nhiên ông Hãn không thể nhìn hết những gì có ở Bác. Nhưng ông đã nói được một số điểm về tài năng của Hồ Chí Minh để so sánh với Ngô Đình Diệm. Dù còn quá ít ỏi.
Nếu so sánh giữa Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm, ta thấy hai người rất khác xa về tất cả các mặt.
      Hồ Chí Minh tuy xuất thân trong gia đình quan lại nhưng khác với gia đình quan lại của Ngô Đình Diệm. Thân sinh Hồ Chí Minh, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là một người nghèo, cố công học mới đỗ đạt. Cụ là một người yêu nước, thương dân, không có tư tưởng làm quan, muốn Nguyễn Tất Thành phải lo việc nước hơn chuyện nhà như một lần Bác đi thăm, cha con gặp nhau ở Bình Khê (Bình Định), cụ Nguyễn Sinh Sắc đã nói với Bác như thế.
      Ngô Đình Diệm sinh ra trong gia đình theo đạo Thiên chúa, có truyền thống mấy đời làm tay sai cho Pháp. Cha ông là Ngô Đình Khả là quan võ từ triều Đồng Khánh, theo Nguyễn Thân, một người tay sai của Pháp đàn áp các phong trào chống Pháp như nhóm Văn Thân của ngự sử Phan Đình Phùng ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Ngô Đình Khôi, con cả Ngô Đình Khả, làm quan dưới triều nhà Nguyễn đến chức Tổng đốc, Ngô Đình Diệm cũng làm quan dưới triều Bảo Đại đến chức Thượng thư Bộ lại, sau bất đồng ý kiến nên từ chức (1). Ta thấy hai con người này có ảnh hưởng của gia đình, xã hội, bản thân rèn luyện trái ngược nhau: một bên vì dân vì nước, vì người nghèo khổ bị bóc lột áp bức. Một bên sống trong nhung lụa, có truyền thống làm tay sai cho ngoại bang.
      Nguyễn Tất Thành lúc tuổi trẻ học ít hơn Ngô Đình Diệm. Nhưng Người có tinh thần yêu nước thương nòi, mới 21 tuổi, hai bàn tay trắng dám tìm đường ra nước ngoài học hỏi để trở về giúp dân cứu nước. Suốt 30 năm lăn lộn ở nhiều nước châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Á, Bác làm bất cứ việc gì nuôi sống để đạt tới mục đích của mình: tìm cho được con đường cứu nước. Chính từ cuộc đời của một người cần lao, lòng yêu nước thương nòi, tình yêu thương những người cùng tầng lớp nghèo càng sâu sắc. Nhờ trải qua tiếp xúc, nhìn nhận từ thực tế, không ngừng học hỏi từ cuộc sống của mỗi tầng lớp người các nước Bác đến đã rèn luyện bản lĩnh, đúc rút, nâng cao tầm trí tuệ, tạo dựng được tư duy của một lãnh tụ, như ông Hãn nhận định về Bác Hồ: giỏi tập hợp, tổ chức đội ngũ quần chúng, nhanh nhạy nắm bắt tình hình, biết chuẩn bị và chớp lấy thời cơ khi nó xuất hiện.
      Nghiên cứu về Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rất rõ rằng: những điều Bác tích lũy được theo năm tháng đi khắp các nước, nhất là từ khi tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin, được chứng kiến tận mắt thực tế trên đất nước Nga Xô viết, đã hình thành trong Nguyễn Ái Quốc một tư duy khoa học, có phương pháp dẫn dắt mọi người theo Bác làm cách mạng và giành được thắng lợi.
      Còn Ngô Đình Diệm? Chúng ta nghe tiếp nhận xét của ông HXH:
      “Ông Diệm có đức độ, trong sạch, lễ nghi. Ông cẩn thận và cần mẫn, tính toán kỹ lưỡng, nhưng không nhanh khi phải giải quyết các việc gấp. Ông yêu nước, nói chuyện với ông, người ta thấy ông mộ đạo và yêu nước. Trước năm 1945, nhiều người phục ông vì việc ông rút lui để phản đối Pháp. Với sự thôi thúc của vợ chồng ông Nhu, ông Diệm ngày càng tin rằng gia đình ông có thể đem lại lợi ích cho đất nước. Thế là gia đình trị. Chế độ gia đình trị vốn đã làm phật lòng dân chúng, trong chế độ đó ông bà Nhu lại làm người ta ghét chế độ hơn. Trong khung cảnh như thế dân chúng đa số theo đạo Phật càng dễ nghĩ rằng gia đình ông Diệm ưu đãi Công giáo mà đàn áp Phật giáo. Lửa đã bốc lên, không còn ai dập nổi”.
      Ông Hãn nói tiếp:
      “Tính cách của hai anh em ông Diệm và ông Nhu khác nhau. Ông Diệm tôn trọng giềng mối, nề nếp; ông Nhu vì thủ đoạn có thể bất chấp lề thói. Ông Diệm tin người hơn; ông Nhu đa nghi hơn. Ông Diệm chân thành; ông Nhu quyền biến. Ông Diệm muốn xây dựng miền Nam thanh bình ấm no; ông Nhu có tham vọng phát triển miền Nam thành trung tâm các nước Đông Nam Á rồi dùng sức mạnh kinh tế và kỹ thuật sáp nhập miền Bắc để thống nhất. Thậm chí ông Nhu còn nghĩ đến Liên bang Đông Dương làm phương tiện đương đầu với Tàu sau này”.
      Hãy khoan đưa tiếp ý kiến ông HXH để có vài lời bình luận.
      Chúng ta biết ông Diệm có thời gian ra nước ngoài, qua Mỹ, ở trong tu viện, dựa vào nhà dòng (2) để thực hiện mục đích của mình. Dưới cái thời chế độ nhà Ngô ở miền Nam, mỗi khi vào rạp xi-nê, trước khi chiếu phim, rạp phải phát bài chào cờ và suy tôn Ngô Tổng thống. Bài hát có đoạn: “Ai bao năm từng lê gót nơi quê người. Cứu đất nước, thề tranh đấu cho tự do…”, ngay thời ấy người dân miền Nam đã không coi ông Diệm là “cứu tinh của dân tộc”, mà hướng về ông Hồ Chí Minh, một lãnh tụ đáng kính của cả dân tộc Việt Nam. Chính vì người dân Việt yêu quý và tín nhiệm ông Hồ cao quá, nên Tổng thống Eisenhower không dám thực hiện Tổng tuyển cử, sợ ông Diệm thua ông Hồ. Nếu có Tổng tuyển cử thì chắc là như thế. Được Mỹ chọn đưa về nước làm tay sai cho họ, thay Bảo Đại – một tay sai của Pháp không còn dùng được với Mỹ. Nhờ có Mỹ hậu thuẫn bằng những tên tình báo CIA gộc, Diệm mới truất phế được Bảo Đại, dẹp được các phe phái đạo giáo như Cao Đài, Bình Xuyên, Hòa Hảo. Nếu không có hậu thuẫn của Mỹ, cả việc Mỹ gây sức ép với Pháp, để Pháp buộc Bảo Đại chấp nhận Ngô Đình Diệm làm thủ tướng…, họ mua chuộc Trịnh Minh Thế đầu hàng Diệm – để rồi bị ám sát trên cầu Tân Thuận. Không có Mỹ hậu thuẫn, dù cho Ngô Đình Nhu có thâm hiểm thế nào cũng không đủ khả năng giúp chế độ Ngô Đình Diệm đánh bại, dẹp nổi quân của các giáo phái.
      Tiếp phỏng vấn:
      Hỏi: Thưa bác, bác nghĩ rằng ông Diệm là một nhà lãnh đạo lớn của dân tộc Việt Nam lúc đó, hay ít nhất là của miền Nam?
      Trả lời: Có người so sánh ông Diệm với ông Hồ, theo bác chỉ có ông Hồ mới xứng đáng nhất ở vị trí lãnh đạo. Ông Diệm có tác phong và tầm vóc của một vị quan cao cấp. Ông không thoát ly được khỏi các vướng bận việc gia đình và việc đạo nên không chú tâm hoàn toàn lo việc lớn cho đất nước. Hơn nữa, ông quá để ý tới các chi tiết lễ nghi và đạo đức. Nếu đất nước thanh bình, ổn định thì ông có thể giữ được giềng mối.
      Tôi cảm nhận ông HXH có tự mâu thuẫn với mình? Ở trên ông cho là ông Diệm là người yêu nước. Ở dưới cụ lại nói: “Ông (Diệm) có tác phong và tầm vóc của một vị quan cao cấp. Ông không thoát ly được khỏi các vướng bận việc gia đình và việc đạo nên không chú tâm hoàn toàn lo việc lớn cho đất nước”.
      Theo ông Hãn ông Diệm không có cái tầm vóc một lãnh tụ, thì đã rõ. Nhưng nói ông Diệm yêu nước, ta phải hiểu thế nào cho đúng? Có lẽ nên nói ông Diệm là người yêu đạo của ông và yêu gia đình họ Ngô mới chính xác. Cái chất yêu nước trong ông Diệm nó có quá ít, cũng chỉ vì quyền lợi một số người, chứ đâu có cho toàn dân Việt – như ông Hãn nói: “… ai nghe theo và tỏ lòng kính trọng ông Diệm, ông ấy sẵn sàng giúp đỡ”. Thế thì, ông Diệm là người chưa đủ tầm làm lãnh tụ, và cũng chưa đạt đến mức một người yêu nước, vì lợi ích toàn dân tộc là đúng rồi!
      Ông Hãn nói về ông Trần Trọng Kim:
      Ông Trần Trọng Kim thì rất có lòng phục vụ Tổ quốc, nhưng ông không đủ tầm vóc hiểu hết các chuyển biến của đại cuộc thế giới. Điều này không thể trách ông vì cả nước Việt Nam mình thời đó chỉ là một thuộc địa. Hơn nữa, lúc ấy ông đã lớn tuổi và không còn tâm lý xông tới.
      Trong các ông chỉ có ông Hồ vừa nhìn xa trông rộng, vừa có tài thuyết phục, tổ chức và dẫn dắt quần chúng. Ông ấy thông minh, cương quyết và rất khôn lanh nữa”.
      Đọc đoạn này của ông Hãn cho chúng ta ba gợi ý thú vị:
      – Một là, Nguyễn Ái Quốc ngay từ 21 tuổi đã chọn con đường: ra nước ngoài đến tận Pháp, đi các nước khác xem người ta làm ăn thế nào để về nước giúp đồng bào mình cứu nước. Nhờ đi ra nước ngoài nhiều nơi nhiều năm nên Hồ Chí Minh có hiểu biết rộng, nhanh nhạy tình hình, có tầm vóc một lãnh tụ, biết chớp thời cơ giành chính quyền…
      – Hai là, Ngô Đình Diệm, Trần Trọng Kim là những người không đủ tầm của một lãnh tụ. Ông Trần Trọng Kim không hiểu hết các chuyển biến của đại cuộc thế giới như ông Hồ Chí Minh.
      – Ba là, chỉ có con đường Nguyễn Ái Quốc lựa chọn mới là con đường đúng giúp Nguyễn Ái Quốc được rèn luyện, có đủ các tiêu chuẩn, xứng tầm là một lãnh tụ của cả dân tộc Việt Nam.
      Chúng ta nghe ông Hãn tổng kết về ông Diệm, Nhu:
      “Ông Diệm gặp nạn lớn là bởi vì người em của ông. Nhưng không có ông Nhu, chưa chắc ông Diệm sau khi cầm đại quyền có thể bình định và phát triển miền Nam”.
      Chỗ này, như đã phân tích ở trên, ông Hãn “quên” vai trò của hàng tá CIA, của mấy nghị sĩ và Chính phủ Mỹ hậu thuẫn, có cả Hồng y Spellman ráo riết vận động ủng hộ, chế độ Ngô Đình Diệm mới được ổn trong thời gian từ năm 1955 đến 1963. Ông Nhu có công góp xây dựng và làm sụp đổ chế độ Diệm, nhưng không phải chỉ có từ ông Nhu. Chế độ Diệm vững tám năm là nhờ Mỹ. Chế độ Diệm đổ là do nhân dân miền Nam, trong đó có vai trò lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng. Ông bà Nhu chỉ góp phần làm cho chế độ nhà Ngô sụp đổ nhanh hơn.
      Ông Hãn cho người phỏng vấn biết thêm: “Khoảng thời gian trước khi ông Diệm về nước nắm đại quyền, ông Nhu có nói chuyện với bác (ông Hãn xưng hô với người hỏi) vài lần. Có những việc chúng tôi đồng ý với nhau, có những việc anh ấy và bác không đồng ý, nhưng bác không có ý kiến gì hay hơn của anh ấy.
Theo bác, ông Nhu mới là một nhân vật rất đặc biệt. Anh ấy có cá tính mạnh, kiến thức rộng, tầm nhìn xa, đặc biệt là tham vọng rất lớn. Cách sống của ông bà Nhu làm người ta không thích, còn nhìn xa về tầm chính trị và các nước cờ sâu sắc của ông Nhu thì bác ngờ rằng các nhân vật cùng thời không hiểu hết. Lúc đó miền Nam một nước nhỏ và nghèo yếu nên dễ bị nước ngoài chi phối và tâm lý dân tộc thì dễ sinh ra vụn vặt, đố kị… Hoàn cảnh đó và thời cuộc đó chẳng những không dùng được những người xuất sắc kỳ lạ, mà còn nghiền nát họ”.
      l
      Phải thêm vài đoạn trích trong bài phỏng vấn “Hoàng Xuân Hãn và Chính phủ Trần Trọng Kim” để bạn đọc hiểu rõ hơn về ông Hoàng Xuân Hãn và chính phủ Trần Trọng Kim; người phỏng vấn không ưa Cộng sản, ông Hoàng Xuân Hãn không thích Cộng sản.
      Hỏi: Lúc đó chính phủ không có quân đội lấy gì giữ chính quyền trong khi phong trào Việt Minh đang nổi dậy tranh giành?
      Trả lời: “Thực ra lực lượng Bảo an sẵn sàng trong toàn quốc cũng được 4-5 ngàn, ở Huế độ vài trăm. Khi Nhật đầu hàng họ bàn giúp mộ quân và huấn luyện để giữ an ninh. Lúc đó, chỉ cần hô hào giành và giữ độc lập là mộ được nhiều quân, vận động được nhiều tiền của. Vũ khí thì Nhật sẵn sàng chuyển giao. Về mặt quân sự lúc bấy giờ, phe Việt Minh chưa chắc mạnh hơn phe chính phủ. Chính phủ cũng có uy tín vì mới điều đình thành công với Nhật thu hồi lãnh thổ VN thống nhất. Tuy nhiên, Trần Trọng Kim không muốn các phe phái VN đánh nhau nên chủ trương nhường. Kiến thức chính trị quốc tế của ông không đủ, mối giao thiệp với các nước trên thế giới thì chưa có, còn tuổi tác thì đã khá lớn rồi”.
      Hỏi: Bác có nghĩ phong trào Việt Minh thắng thế lúc đó là một sai lầm có tính bước ngoặt của dân tộc Việt Nam không?
      Trả lời: Ta khoan nói quá rộng tới quốc dân, hãy nói về lãnh đạo các phe phái. Lúc đó có nhiều thế lực, phe phái… và chính phủ là người có tư thế tốt nhất để tập hợp họ. Nhưng chính phủ lại nhượng bộ Việt Minh chiếm lãnh (ông Hãn chỉ Chính phủ Trần Trọng Kim). Trong số các phe phái, các phái ngoài Việt Minh và các phái không Cộng sản trong Việt Minh cũng có nhiều người học cao, có kiến thức nhưng họ không có tổ chức chặt chẽ và có tài đấu tranh chính trị như Cộng sản nên phải thua. Về tinh thần họ không có quyết tâm giành chính quyền bằng mọi giá và bằng mọi thủ đoạn như phe Cộng sản. Họ ôn hòa hơn phe Cộng sản vì nghĩ rằng phe nào trong chính người Việt Nam nắm chính quyền thì cũng tốt hơn Pháp.
      Lúc đó Việt Minh tương đối chiếm được lòng dân hơn, dù chưa có tư thế hơn Chính phủ Trần Trọng Kim. Lúc đó Việt Minh thắng thế không có gì sai, chỉ tiếc họ dẫn dắt dân chúng đi theo cuộc chiến tranh quá lớn và quá lâu.
      Mà cũng do tâm lý dân tộc mình, nếu dân tộc mình lúc đó không chủ chiến thì chính phủ nào có thể đẩy họ vào một cuộc chiến tranh? Chính hồi đó tôi cũng ủng hộ chiến tranh chống Pháp. Đám cháy đã bùng lên, làm sao dập tắt được? Cái vận nước mình nó là thế!
      Để vấn đề cho thấu đáo, xin trích bài viết “Hoàng Xuân Hãn với Nội các Trần Trọng Kim” của Phan Hồng Trung, đăng trên tạp chí Xưa&Nay, số 329, tháng 4-2009:
“Giữa những ngày bão tố cách mạng dâng lên sục sôi đó, Hoàng Xuân Hãn có mặt ở thủ đô Hà Nội. Thái độ của ông như thế nào? Trong bài hồi ký sau này, ông kể lại rằng ngay từ ngày đầu tháng Tám, khi chia tay với Phan Anh, ông đã bàn bạc và thống nhất với chủ trương về việc Nội các từ chức để nhường chỗ cho Việt Minh. Tuy nhiên, theo hồi ký của Lê Trọng Nghĩa thì lúc 8 giờ sáng ngày 18-8-1945, Hoàng Xuân Hãn đã một mình tìm đến đại bản doanh của Ủy ban Khởi nghĩa Bắc kỳ ở ngôi nhà số 101 đường Gambetta (phố Trần Hưng Đạo ngày nay), tự giới thiệu là người đại diện cao cấp của Nội các Trần Trọng Kim đến thương thảo về tình hình khẩn cấp. Ông đề nghị Việt Minh hoãn cuộc khởi nghĩa, “cứ nắm tất cả các vùng nông thôn, nhưng nên để chính phủ tiếp tục quản lý các thành phố lớn, cốt để có danh nghĩa mà nói chuyện với Đồng Minh trong lúc này…”. Là người trực tiếp nói chuyện với ông, Lê Trọng Nghĩa nhận xét: “Qua lời nói và thái độ chân thành của ông, tôi cho rằng không có gì thể hiện một mưu đồ đen tối, thâm độc bất cứ từ đâu. Nhưng lúc đó, tình thế đã không thể đảo ngược. Sau khi lịch sự từ chối, đại diện Việt Minh trân trọng tiễn vị Bộ trưởng ra về với một bộ dạng coi thật thiểu não, buồn lo hiện trên nét mặt. Ngày hôm sau, 19-8, cuộc Tổng khởi nghĩa đã nổ ra ở Hà Nội và giành thắng lợi trọn vẹn.
      Phát biểu thế nào về hành động của HXH vào thời khắc lịch sử đó tại Hà Nội? Phải chăng ông không hiểu thời thế, không ủng hộ cách mạng, còn cố níu kéo, cố bảo vệ Nội các Trần Trọng Kim trong thế cờ tàn?
      Thật không dễ gì tìm ra lời đáp thỏa đáng cho những câu hỏi trên. Chắc chắn những người như HXH không những nắm và hiểu rõ hơn ai hết tình thế thời cuộc lúc đó mà các ông cũng có nhiều nguồn thông tin để nắm được tình hình phát triển của lực lượng cách mạng. Tuy nhiên, các ông còn ngộ nhận ở hai điểm rất quan trọng:
      Thứ nhất, lúc đó các ông còn chưa dám tin vào lực lượng cách mạng của Việt Minh. Dòng hồi ký sau đây của ông HXH và Phan Anh được các bạn Thanh Nghị cho hay rằng phong trào cách mạng chống Nhật đã bành trướng từ Cao Bằng đến vùng Bắc Cạn, Thái Nguyên. Họ có tổ chức và có vũ khí Mỹ cho. Chúng tôi hơi yên tâm, nhưng cũng tự hỏi rằng vũ khí Mỹ đã cho có bằng khí giới Nhật sẽ cho khi Mỹ đổ bộ…”.
      Ngộ nhận thứ hai, ông HXH và Nội các của ông là về địa vị pháp lý Nội các. Các ông toan tính, đứng ra với tư cách là một chính phủ để “nói chuyện” với Đồng Minh sau khi quân Nhật đã đầu hàng. Đây là một ngộ nhận không những ngây thơ mà còn hết sức nguy hiểm, bởi lẽ không có lý do gì để Đồng Minh công nhận và thương thuyết với một chính phủ như Nội các Trần Trọng Kim. Ngược lại, Nội các đó chắc chắn sẽ bị quân Đồng Minh coi như một chính phủ hợp tác với phe Trục, cần phải bị trừng phạt. Do đó, nếu quân Đồng Minh tiến vào mà chính phủ Trần Trọng Kim chưa bị lật đổ để thay thế bằng một chính phủ của nhân dân, được nhân dân hậu thuẫn, thì nhân dân Việt Nam không có cách gì bảo vệ được nền độc lập dân tộc”.
      Ông Hoàng Xuân Hãn là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Mỹ nghệ của Chính phủ Trần Trọng Kim. Trong Chính phủ này có nhiều người sau Cách mạng tháng Tám theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Còn ông HXH tuy có gặp Bác Hồ nhưng không theo Việt Minh như Trần Trọng Kim. Ông Hãn qua định cư ở Pháp.
      Ông Hãn đã cho ta thấy: “Bác là một người bình thường trong giới có học vấn, còn ông Nhu là một người trí thức xuất chúng đặc biệt”. Nghĩa là ông rất non về chính trị.
      Ông Hãn nhìn vấn đề dưới con mắt của một người hiểu biết không toàn diện. Thể hiện rõ ở hai việc:
      – Một là, ông cho rằng “ai không theo họ đều là người xấu cả”, là không đúng. Một sự nhìn nhận chủ quan, cảm tính, chứng tỏ ông không hiểu gì mấy đối với người Cộng sản. Chỉ có những người theo giặc ngoại xâm mới bị người Cộng sản cho là xấu, là phản quốc mà thôi.
      – Hai là, ông trách Cộng sản dẫn dắt dân tộc làm cuộc chiến tranh lâu dài quá.
Về điểm này, không biết ông nói lấy lòng người phỏng vấn hay ông thiếu thông tin về việc Cụ Hồ phải nhân nhượng với Pháp tới mức không đòi Pháp công nhận Việt Nam độc lập mà chấp nhận tự do, đồng ý Việt Nam trong Liên hiệp Pháp, ký hiệp định Sơ bộ 9-3-1946 rồi Tạm ước 14-9-1946, nhưng Pháp không thi hành mà tấn công quân ta ở Hải Phòng rồi gửi tối hậu thư đòi tước khí giới lực lượng vũ trang của Việt Minh ở Hà Nội. Không thể lùi thêm nữa nên Chủ tịch Hồ Chí Minh phải cho nổ súng, kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946.
      Khi đất nước độc lập được một nửa, đúng theo tinh thần Hiệp định Genève, tháng 7-1956 phải tổ chức tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam Bắc. Nhưng Ngô Đình Diệm làm tay sai đế quốc Mỹ, bắt bớ, chém giết những người kháng chiến cũ, vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Genève: không được trả thù người phía bên kia sinh sống trên lãnh thổ mình quản lý, đàn áp phong trào đòi Tổng tuyển cử; xây dựng quân đội hùng mạnh với viện trợ và cố vấn khổng lồ của đế quốc Mỹ nhằm tiêu diệt những người kháng chiến chống Pháp và hô hào Bắc tiến. Khi chính quyền Sài Gòn có nguy cơ sụp đổ, Mỹ phải đưa cả hơn nửa triệu quân viễn chinh và chư hầu vào miền Nam tiếp cứu ngụy quân ngụy quyền, nhưng cũng phải chịu thua Việt Cộng, chấp nhận ký Hiệp định Paris 1973, rút quân về nước, bỏ rơi VNCH để Việt Cộng giải phóng hoàn toàn miền Nam. Nếu Cộng sản không tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài như thế làm sao thống nhất được Tổ quốc. Ông Hãn không hiểu, không quan tâm những điều nói trên, hoặc biết mà không nói ra lúc này, thì đây là hạn chế của một trí thức non về chính trị như ông thừa nhận.
      Nói như trên cho rõ những gì đã có trong bài phỏng vấn, biết lập trường, quan điểm của người trả lời phỏng vấn ra sao. Tôi dành sự kính trọng chừng mực đối với ông Hãn về sự trung thực của một trí thức trong xem xét đánh giá các nhân vật đề cập trong bài này. Cần nhắc lại: ông Hãn vì không tiếp cận, không nghiên cứu sâu, hoặc còn biết mà chưa nói hết nhiều điều tốt nữa của Cụ Hồ? Nhưng dù sao những điều ông đã nói cũng giúp cho hậu thế, nhất là người phía bên kia hiểu đúng về Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Trần Trọng Kim và ngay bản thân ông Hãn nữa; chỉ có ông Hồ Chí Minh là người thật sự có tài, xứng đáng làm lãnh tụ dân tộc Việt Nam.
_________
Chú thích :
(1) Gia đình họ Ngô Đình:
Cha: Ngô Đình Khả (? -1925), từng làm quan võ từ triều Đồng Khánh, theo Nguyễn Thân một tên hợp tác với chính phủ bảo hộ (thuộc Pháp) đàn áp các phong trào chống Pháp như nhóm Văn Thân của ngự sử Phan Đình Phùng ở Nghệ An và Hà Tĩnh.
Mẹ: Phạm Thị Thân
Quê quán: làng Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.
Các con:
  1. Ngô Đình Khôi (1885-1945), anh cả Ngô Đình Diệm, làm quan triều Nguyễn đến chức Tổng đốc.
  2. Ngô Đình Thị Giao (?-1944), tục gọi là bà Thừa Tùng.
  3. Ngô Đình Thục (1897-1984).
  4. Ngô Đình Diệm (1901-1963).
  5. Ngô Đình Thị Hiệp (1928-2002), thường gọi là bà Cả Ấm, bà là mẹ của Hồng y Nguyễn Văn Thuận.
  6. Ngô Đình Thị Hoàng, tục gọi là bà Cả Lễ.
  7. Ngô Đình Nhu (1910-1963).
  8. Ngô Đình Cẩn (1912-1964).
  9. Ngô Đình Luyện (con út) (19 14-1990) là luật sư và đại sứ.
(2) Lúc ở Mỹ, qua Pháp rồi Bỉ, ông Diệm đều lưu trú tại các nhà dòng. Tại Mỹ ông ngụ trường dòng Lakewood ở New Jersey, Ossining, New York…

Xem nội dung các bài phòng vấn :
Học giả Hoàng Xuân Hãn nói về vua Bảo Đại
Học giả Hoàng Xuân Hãn nói về Trần Trọng Kim và Chính phủ Trần Trọng Kim
Học giả Hoàng Xuân Hãn nói về Hội nghị Giơnevơ, Ngô Đình Diệm và chiến tranh Nam – Bắc



Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Khảo cứu lại về Hồ Chí Minh

DANH NHÂN VIỆT. Khảo cứu lại về Hồ Chí Minh là bài viết của Tsuboi Yoshiharu tại Kỷ yếu Hội thảo Việt Nam học lần thứ III. Tập 1 NXB Đại học Quốc gia HN. Hà Nội, năm 2008, do trang Văn hóa Nghệ An đăng ngày 8 tháng 12 năm 2011. Đây là một khảo cứu nghiêm túc cần đọc lại và suy ngẫm.  

Hồ Chí Minh (19 tháng 5 năm 1890 – 2 tháng 9 năm 1969) sinh thời đã từng nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 4, tr. 161, khi trả lời các nhà báo nước ngoài vào tháng 1 năm 1946). Về lập trường và quan điểm Hồ Chí Minh cũng từng nói:  “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo của Jêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Jêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có ưu điểm chung đó sao? Họ đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu hạnh phúc cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, tôi tin rằng họ nhất định sống chung với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm một người học trò nhỏ của các vị ấy..”- Trích "Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng", NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1996, tr. 152. (Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng).

Đó là điều "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Bác để soi sáng phép xử thế và hiểu về Người. (HK)



KHẢO CỨU LẠI VỀ HỒ CHÍ MINH

Tsuboi Yoshiharu 

Hồ Chí Minh với tư cách là một người theo chủ nghĩa Cộng hòa 

Trong bài viết này, chúng ta thử thoát khỏi những quan niệm về "Tư tưởng Hồ Chí Minh" của Đảng Cộng sản Việt Nam  cũng như cách đánh giá Ông Hồ như một người cộng sản Marx-Lenin,  lần theo những nẻo đường trong cuộc đời Hồ Chí Minh để khảo cứu lại tư tưởng của Ông trên một lập trường giá trị tự do hơn. 
 

Từ khi bắt đầu nghiên cứu Việt Nam năm 1973, mỗi  lần có cơ hội, tôi lại cố gắng lần theo những dấu vết cuộc hành trình của Hồ Chí Minh. Bắt đầu từ xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - quê hương của Hồ Chí Minh, tôi  lần theo dấu chân Ông ở Nhà kỉ niệm Hồ Chí Minh ở Vinh - thủ phủ của tỉnh Nghệ An; phòng làm việc, Bảo tàng và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thủ đô Hà Nội; Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Thành phố Hồ Chí Minh; trường Quốc học Huế, v.v... Ở Trung Quốc, tôi đã đến thăm Hồng Kông, Quảng Đông, Thượng Hải, Diên An, v.v... Tôi cũng tìm đến ngôi nhà Hồ Chí Minh từng sống ở Moscow.  Tôi đã đứng trong ngôi nhà ở  phố Compoint, đƣợc coi là nơi hoạt động của Hồ Chí Minh ở Paris. Ở London, tôi đã tới thăm khách sạn nơi Ông  từng  làm đầu bếp dưới sự hướng dẫn của Escoffier. Ở New York, tôi đã thử hình dung Hồ Chí Minh đã ngắm nhìn bức tượng Nữ thần tự do từ góc độ nào. Tôi cũng có dịp thảo luận với các nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh người Pháp như Brocheux, G.Boudarel ... Đương nhiên, tôi cũng có dịp trao đổi ý kiến với những nhà trí thức, học giả người Việt như Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Đình Đầu, Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang, Nguyên Ngọc, v.v... Trong quá trình đó, tôi luôn cảm thấy dường như chưa có ai đoán đúng được tư tưởng "bè trầm liên tục" của Hồ Chí Minh. 
Cho đến gần đây, tôi nhận ra rằng có lẽ giá trị mà Hồ Chí Minh coi trọng nhất trong suốt cuộc đời của mình là những giá trị của nền Cộng hòa. Tôi cho rằng nếu nhận thức Hồ Chí Minh nhƣ một ngƣời theo chủ nghĩa Cộng hòa, chúng ta có thể đánh giá được một cách đầy đủ và đúng đắn nhất những tư tưởng và hành động của Ông.
Không ai phủ nhận việc Hồ Chí Minh là một nhà ái quốc. Mục tiêu tối thượng của Ông là giải phóng dân tộc và giành lại nền độc lập cho Tổ quốc từ tay thực dân Pháp. Để thực hiện công cuộc đó, cơ sở lý luận của Ông là  "Tự do, Bình đẳng, Bác ái" - những biểu tượng của nền Cộng hòa. 
Khi đặt chân đến nước Pháp, đất nước đã biến Việt Nam thành thuộc địa, Ông phát hiện ra rằng tầng lớp lao động nghèo khổ ở Pháp cũng ở trong tình cảnh bi thảm  như các dân tộc bị áp bức ở thuộc địa. Đồng thời, Ông cũng ngạc nhiên trước tinh thần Cộng hòa đối xử bình đẳng với con người bất kể sự khác biệt về màu da, ngôn ngữ, văn hóa. Có một câu chuyện nổi tiếng liên quan đến vấn đề này. Sau chuyến hải hành dài bắt đầu từ Sài Gòn, cuối cùng Hồ Chí Minh cũng đến được Marseille. Đây là lần đầu tiên Ông Hồ đặt chân lên nước Pháp. Ông vào một quán cà phê và gọi một tách cà phê. Người hầu bàn đáp lại: "Vâng, thưa Ông" (Oui, Monsieur). Khi còn ở Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân, Hồ Chí Minh chưa bao giờ được gọi bằng từ "Mousieur".
Đối với chàng thanh niên Hồ Chí Minh khi đó mới 21 tuổi, được một người Pháp gọi là "Mousieur" là một sự ngạc nhiên thú vị.  Có lẽ khi đó người hầu bàn cũng không nghĩ rằng vị khách của mình là một người Việt Nam đến từ xứ thuộc địa, hoặc cũng có thể anh ta không quan tâm tới quốc tịch của vị khách. Câu nói của người hầu bàn chỉ là một câu nói "đương nhiên" thường dùng để xác nhận với khách hàng. Nó được anh ta sử dụng như một cái máy chứ không có ý kính trọng gì đặc biệt ở đây. Thế nhưng, đối với Hồ Chí Minh, một người vốn đã quen chứng kiến quang cảnh phân biệt đối xử ở xứ thuộc địa, câu trả lời "đương nhiên" đó lại là một hiện tượng thật ngạc nhiên và mới mẻ.
Tinh thần nền Cộng hòa Pháp 
Tinh thần nền Cộng hòa Pháp mang tính lý tưởng cao. Qua Cách mạng Pháp, một quan điểm mới về giá trị con người khác hẳn với giai đoạn trước đã được xác lập.
 
Như đã thể hiện trong câu nói của bản Tuyên ngôn Nhân quyền: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng", sự khác biệt căn bản nhất của thời Cận đại so với các thời đại khác là sự thay đổi 180 độ quan điểm về giá trị con người. Tinh thần nền Cộng hòa chính là cuộc vận động nhằm tạo nên và lý tưởng hóa hình tượng con người mới, thúc đẩy mỗi cá nhân tiếp cận với hình tượng lý tưởng đó.  

Đó là cách nhận thức con người bằng việc bài trừ những thuộc tính cá nhân. Lấy ví dụ, nó không quan tâm tới người đó là người Nhật hay người Việt Nam, sinh ra ở tỉnh nào, xuất thân trong gia đình hay dòng họ nào, bao nhiêu tuổi, là nam hay nữ. Vấn đề quan trọng là con người đó với tư cách là một "cá nhân" có đủ khả năng suy nghĩ một cách lý tính hay không.  Nền Cộng hòa được xây dựng bởi những cá nhân là nhân dân Pháp, bất kể giai cấp, màu da hay người đó có sinh ra ở Pháp hay không. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất của nền Cộng hòa là phải giáo dục ra được những "cá nhân" có đủ khả năng suy nghĩ một cách lý tính.
 
Tuy nhiên, không dễ dàng hiện thực hóa được những lý tưởng đó của tinh thần Cộng hòa. Đã có rất nhiều hành động nhằm kéo xã hội quay về với tư tưởng cũ. Để xác lập được tinh thần Cộng hòa, nước Pháp cần phải đợi đến thời kỳ nền Đệ  tam Cộng hòa, khoảng 100 năm sau Cách mạng Pháp. Ở nước Pháp khi đó cũng như ngày nay, nông dân luôn đóng vai trò trung tâm. Họ có tư tưởng cực kỳ bảo thủ. Ở người nông dân, tình cảm thích nhà vua, coi trọng gia đình, truyền thống và dòng dõi là hết sức mạnh mẽ. Trong số họ có rất nhiều người vừa hiếu kỳ đối với những người khác, đồng thời lại có những suy nghĩ mang tính phân biệt chủng tộc, cho rằng người da trắng ưu việt hơn so với các chủng tộc khác. 
Cách mạng Pháp đã thay đổi tư tưởng bảo thủ của nông dân thành những "cá nhân" theo giá trị con người kiểu Cận đại, quá trình biến đổi đó kéo dài 100 năm. Ngay trong thời đại hiện nay, dù có quá nửa người Pháp tán thành tinh thần Cộng hòa, nhưng rõ ràng cũng có không ít người vẫn duy trì thể tạng cũ của nông dân. Nói một cách chính xác hơn, vẫn còn rất nhiều người vẫn mang trong mình mâu thuẫn giữa một bên là con người được giáo dục để mang tinh thần Cộng hòa một cách tự giác, với một bên là quan điểm bảo thủ về giá trị con người vốn được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình thủ cựu. 
Về mặt này, có thể nói người Pháp vẫn mang đầy mâu thuẫn, và tinh thần Cộng hòa vẫn đang tiếp tục bị thử thách ở nước Pháp. Trong khi đó, người Việt Nam lại hoàn toàn ngược lại. Người Việt Nam trước tiên coi trọng thuộc tính. Mỗi khi đến Việt Nam, tôi thường rất lúng túng khi bị người Việt Nam đặt những câu hỏi liên quan đến cá nhân như bao nhiêu tuổi, làm việc cho công ty nào, ở vị trí gì, xuất thân từ trường đại học nào, vùng nào, tầng lớp nào, gia đình như thế nào. Hay những câu hỏi đại loại như "Đã kết hôn chưa?", "Đã có con chưa, nếu có con thì được mấy con rồi?", "Con mấy tuổi"... Tại sao người Việt Nam lại chấp nhặt những thông tin cá nhân và hoàn cảnh gia đình như vậy. Đó là vì: thông qua những câu hỏi đó, người Việt muốn làm rõ vị trí của đối phương, dựa vào đó xác định rõ ràng mối quan hệ xã hội trên dưới giữa mình và đối phương. Từ đó, quan hệ đó sẽ được phản ánh qua cách dùng từ và động tác ứng xử, qua việc sử dụng cách nói kính trọng hay khiêm tốn, có nên chào hỏi và bắt tay như đối với người lớn hơn hay không. 
Để xây dựng được quan hệ tốt đẹp cho hai bên và ứng xử đúng với những qui tắc xã hội vô hình, trước tiên người Việt phải tìm hiểu những thuộc tính của đối phương. Đây không chỉ là truyền thống của riêng Việt Nam mà là truyền thống của cả khu vực theo văn hóa Nho giáo, tương ứng với thế giới Đông Á bao gồm cả Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, những nơi cũng lấy  "quan hệ" giữa con người với con người làm qui tắc chuẩn cho hành động. 
Ở Đông Á, nơi thuộc tính cá nhân và quan hệ con người đóng vai trò chủ đạo, người ta đã không lý giải được hết được tinh thần nền Cộng hòa. Người ta thường viện dẫn những ví dụ của nước Pháp và nước Mỹ để đưa ra những định nghĩa mang tính mô phạm về nền Cộng hòa, kiểu như nền Cộng hòa là việc chặt đầu nhà vua, phế bỏ chế độ quân chủ, xây dựng thể chế chính trị "của dân, do dân, vì dân"; nền Cộng hòa là thể chế chính trị mà nhân dân đóng vai trò chính,... Ngƣời ta đã không đạt tới được nhận thức rằng: điều kiện tiền đề của nền Cộng hòa là những "cá nhân" theo quan điểm giá trị mới về con người. 
Nhận thức về tinh thần nền Cộng hòa của Hồ Chí Minh 
Người viết cho rằng có lẽ Hồ Chí Minh là lãnh đạo chính trị duy nhất ở Đông Á nhận thức được một cách đúng đắn nhất tinh thần nền Cộng hòa và Ông đã  cố gắng đưa nó vào Việt Nam. Tôi muốn lần theo những hành động của Hồ Chí Minh trong quãng thời gian 10 năm Ông phát huy đƣợc năng lực lãnh đạo của mình nhất, tức là quãng thời thời gian từ lúc về nước năm 1941 sau ba chục năm bôn ba ở hải ngoại đến những năm 1950, để chứng minh cho giả thuyết nêu trên. 
Trước tiên, tôi cho rằng cần phải khảo cứu lại vấn đề tại sao Hồ Chí Minh lại "phát hiện" ra Lênin và trở thành một người Cộng sản. Để định nghĩa lại Hồ Chí Minh từ một người cộng sản Marx-Lênin thành một người theo chủ nghĩa Cộng hòa, cần phải làm rõ mối quan hệ này. 
Hồ Chí Minh biết đến Lênin nhờ đọc bài viết đƣợc công bố của Lênin về vấn đề thuộc địa. Ông đã bị thu hút mạnh mẽ bởi mối quan tâm sâu sắc cũng như cách đưa ra những phương pháp giải quyết cụ thể đối với vấn đề thuộc địa của Lênin. Ông Hồ cho rằng để giải phóng thuộc địa, chỉ có con đường duy nhất là Đảng Cộng sản, do vậy Ông đã từ bỏ Đảng Xã hội và trở thành một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Sau đó, Ông sang Moscow, trở thành một thành viên của Quốc tế cộng sản và hoạt động năng nổ. Kể từ lúc đó, trong quá trình hoạt động của mình, Ông học được rằng: để giành được độc lập cho Việt Nam từ tay nhà nước Pháp, một trong những liệt cường của Tây Âu có lực lượng quân sự và chính trị khổng lồ, cần phải có một tổ chức đoàn kết chặt chẽ đóng vai trò trung tâm cho công cuộc giải phóng, cũng  như cần hoạt động liên kết quốc tế nhằm nhận được sự đồng cảm rộng rãi từ quốc tế. Ông đồng tình với đề xướng của Lênin về Bôn-sê-vich, Đảng Cộng sản - một đảng tiên phong có kỷ luật sắt. Về điểm này, đúng là Hồ Chí Minh là một người theo chủ nghĩa Lênin. 
Tuy nhiên, ngoài mặt tổ chức ra, Hồ Chí Minh cho rằng vấn đề cần ưu tiên nhất là đấu tranh giải phóng dân tộc giành lại độc lập cho Việt Nam chứ không phải là vấn đề giai cấp. Về mặt này, Hồ Chí Minh không phải là một người cộng sản "chính thống" theo chủ nghĩa Marx-Lenin. Đối với những người cộng sản "chính thống", việc Hồ Chí Minh coi trọng giải phóng dân tộc, coi nhẹ đấu tranh giai cấp là hành động xa rời Chủ nghĩa Cộng sản, do đó, Ông Hồ đã bị phê phán một cách gay gắt. Vào những năm 1930, Hồ Chí Minh đã bị những người cộng sản Việt Nam trẻ tuổi như Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập phê phán một cách gay gắt và công khai. Furuta Motoo, tham khảo nghiên cứu  của Kurihara Hirohide. đã trích dẫn một phần lá thư của Ủy ban hải ngoại Đảng Cộng sản Đông Dương gửi cho Quốc tế Cộng sản như sau:
 
"Ở Đông Dương, các tổ chức cộng sản đã triển khai một cuộc đấu tranh công khai với đường lối của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội  - đường lối là tàn dư kết hợp giữa chủ nghĩa dân tộc với chủ nghĩa cải lương duy tâm. Tàn dư này hết sức nặng nề và đang trở thành một chướng ngại cho sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản. Cần thiết phải đấu tranh không thương tiếc với chủ nghĩa cơ hội và lý luận kiểu cũ của Quốc và Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Chúng tôi đề xuất đồng chí Lin (Bút danh lúc đó của Nguyễn Ái Quốc  - Tsuboi) phải viết bản tự kiểm điểm bản thân." 

Trước những phê phán này, Ông Hồ đã phải thay đổi đôi chút lập trường của mình và phải rất vất vả để giữ được vị trí của mình trong Quốc tế Cộng sản. Tuy nhiên, Ông đã bị gạt ra ngoài hoạt động lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và bị buộc phải sang Moscow học tập. Nhưng cũng nhờ đó mà Ông Hồ đã thoát nạn. Dưới sự đàn áp khốc liệt của nhà đương cục thực dân, nhiều người Cộng sản hoặc bị chết hoặc bị xử tử. Lê Hồng Phong bị bắt tháng 6 năm 1938 và sau đó qua đời trong tù vào khoảng tháng 9 năm 1942. Hà Huy Tập bị bắt tháng 7 năm 1938, sau đó đƣợc thả ra một thời gian rồi bị bắt lại năm 1940 và bị xử tử vào tháng 8 năm 1941. Khi Ông Hồ trở về nước vào năm 1941, ở Việt Nam hầu như không còn một người Cộng sản "chính thống" nào. 

Nhờ vậy, trong quãng thời gian 10 năm tính từ khi trở về nước năm 1941, Ông Hồ, dựa vào sự ủng hộ của Quốc tế Cộng sản cũng như tiếng tăm của mình, đã có thể hành động một cách tự do hơn theo những suy nghĩ của mình. 

Có một giai thoại thể hiện rất rõ hình ảnh Hồ Chí Minh là một người theo chủ nghĩa Cộng hòa. Năm 1941, Hồ Chí Minh về nước sau 30 năm bôn ba ở hải ngoại, chủ trì Hội nghị lần thứ Tám Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, xác định cách mạng là Cách mạng giải phóng dân tộc, công bố ý tưởng thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (tên thường gọi là "Việt Minh"). Tên gọi Việt Minh cho thấy mục tiêu của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ là đánh đổ ách thống trị của Nhật và Pháp, giành lại độc lập, tập trung toàn lực vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. 

Hồ Chí Minh nêu lên chủ trương của Việt Nam Độc lập Đồng minh là "liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, xu hướng, đảng phái chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp, Nhật, giành quyền độc lập cho "xứ sở". Mục tiêu của Việt Nam Độc lập Đồng minh là "sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngôi sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc."
Tuyên ngôn Độc lập 
Tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được cho là do Hồ Chí Minh đặt. Nội dung của nó được thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập tháng 9 năm 1945 và Hiến pháp năm 1946. Câu đầu tiên của bản Tuyên ngôn Độc lập có đề cập đến Hiến pháp Mỹ và bản Tuyên ngôn Nhân quyền Pháp.  "Tất cả mọi ngƣời đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ.

Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". 


Tuyên ngôn Nhân quyền được viết trong Cách mạng Pháp năm 1791 đã trình bày nội dung tương tự như sau: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".
 
"Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được. Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cƣớp đất nƣớc ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chúttự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhƣợc. Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xƣơng tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn". (Lược một đoạn - Tsuboi)

"Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam. Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp" (trích ―Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945").
 
Còn có một câu chuyện nữa về Hồ Chí Minh ít được biết đến. Sau khi thành lập Việt Minh năm 1941, để kêu gọi sự ủng hộ của các nước Đồng minh trong đó có cả Trung Quốc, Ông Hồ đã quay trở lại Trung Quốc. Tuy nhiên, do Việt Minh nằm dưới cái bóng của Chủ nghĩa Cộng sản nên Ông Hồ đã bị Quốc dân đảng nghi ngờ. Ông bị chính quyền địa phương của Quốc dân đảng bắt và bị giam từ tháng 8 năm 1942 đến tháng 9 năm 1943. Sau cùng, Quốc dân đảng nhận định rằng Việt Minh là thế lực chính trị chống Nhật trong phạm vi Việt Nam nên Ông Hồ đã được thả. Tháng 8 năm 1944, khi được tự do và chuẩn bị về nước, Hồ Chí Minh đã nói với tướng Trương Phát Khuê của Quốc dân đảng như sau: "Tuy tôi là một người cộng sản nhưng bây giờ vấn đề mà tôi quan tâm không phải là chủ nghĩa cộng sản mà là độc lập tự do của Việt Nam. Tôi xin hứa với anh một lời hứa đặc biệt: trong vòng 50 năm tới sẽ không thực hiện chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam". (trích theo Furuta Motoo). 
Cách mạng Tháng Tám 
Tuy nhiên, không thể có được Con người mới gánh vác độc lập tự do chỉ bằng đấu tranh giải phóng đơn thuần. Hồ Chí Minh biết rõ rằng, để đạt được điều đó cần một cuộc cách mạng làm đòn bẩy. Cuộc cách mạng đó ở Việt Nam là "Cách mạng Tháng Tá". Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện quân Đồng minh, nước Pháp bảo hộ thì chưa khôi phục được thế lực của mình. Cách mạng Tháng Tám là cuộc khởi nghĩa trên toàn quốc do Việt Minh tổ chức nhân cơ hội đó nhằm giành quyền tự chủ thực sự cho Việt Nam. Nhận được tin Nhật đầu hàng, từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8 năm 1945, Đảng Cộng sản đã tổ chức Hội nghị toàn quốc ở Tân Trào, ra quyết định khởi nghĩa. Ngày 16-17 tháng 8, Việt Minh tổ chức Đại hội Quốc dân, quyết định thành lập Chính phủ lâm thời nƣớc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó, bắt đầu từ việc giành chính quyền ở Hà Nội ngày 19 tháng 8, Việt Minh đã lãnh đạo thành công khởi nghĩa ở các thành thị khác, xác lập được quyền làm chủ đất nước. 
Kết quả của quá trình này là sự ra đời của bản Tuyên ngôn độc lập. Có nhà nghiên cứu cho  rằng Cách mạng Tháng Tám không đơn thuần là một cuộc đảo chính bằng vũ lực. Đúng là khi cách mạng nổ ra, quân Nhật, lúc đó đã đầu hàng Đồng minh, đã không tiến hành đàn áp cuộc khởi nghĩa của Việt Minh. Đồng thời ở Việt Nam cũng không có mặt quân Pháp và  quân Đồng minh. Nhờ vậy, cuộc khởi nghĩa đã diễn ra một cách tương đối dễ dàng và không phải đổ nhiều máu. Đối với Hồ Chí Minh, cuộc cách mạng này chính là quá trình giành lại quyền lực của nhân  dân dựa trên khát khao mạnh mẽ về tự do của họ, nó chính là quá trình xây dựng nên Con người mới. 
Ý nghĩa của Độc lập - Tự do - Hạnh phúc 
Ước mơ "Độc lập" từ lâu của Hồ Chí Minh là Việt Nam được giải phóng khỏi tay Thực dân Pháp và trở thành một nước độc lập. Nhưng Độc lập của Hồ Chí Minh không phải là khái niệm "độc lập" theo nghĩa cũ, vốn thường được lặp đi lặp lại trong  sách giáo khoa - là quá trình Việt Nam giữ vững được độc lập và bản sắc (identity) của mình trước  sự uy hiếp của Trung Quốc. Việt Nam có lịch sử khởi nghĩa, đánh bại, đánh đuổi sự xâm lược của các triều đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh của Trung Quốc, nhưng sau mỗi lần đánh đuổi quân xâm lược Trung Quốc, Việt Nam lại chỉ xây dựng một thể chế chính trị mô phỏng Trung Quốc. Nhưng "Độc lập" mà Hồ Chí Minh muốn xây dựng là một nước độc lập, một nhà nước chủ quyền theo kiểu Cận đại. Từ "Độc  lập" của Ông bao hàm ý nghĩa xây dựng một quốc gia chủ quyền có lực lượng sánh vai  được với các cường quốc trên thế giới. Ý tưởng của Ông là không chỉ xây dựng một chế độ Dân chủ Cộng hòa mà còn xây dựng nên hình ảnh những Con người mới đóng vai trò gánh vác quốc gia độc lập.
 
 "Tự do" của Hồ Chí Minh rõ ràng chịu ảnh hưởng từ chữ "Tự do" trong khẩu hiệu "Tự do, Bình đẳng, Bác ái" của Cách mạng Pháp và quyền mưu cầu Tự do của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Tự do của Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là đất nước được độc lập, nhà nước có chủ quyền và có quyền tự do phát ngôn, hoạt động trên trường quốc tế, mà phải là thứ tự do được từng người dân ca ngợi. Nó cũng yêu cầu  mỗi người dân ca ngợi quyền tự do đó phải trở thành chủ thể xây dựng từ dưới lên trật tự của nền Cộng hòa, yêu cầu từng cá nhân phải có khả năng suy nghĩ, quyết định với tinh thần trách nhiệm cao. Nhà nước kiểu Cận đại chính là nhà nước xây dựng được hệ thống giáo dục đào tạo ra được những con người như vậy, đồng thời  có những thiết chế chính trị đi kèm đảm bảo cho việc giáo dục đó. Nước Cộng hòa của Hồ Chí Minh là Chủ nghĩa dân chủ kết hợp với Tự do. 
Cuối cùng như được đề cập trong bản Tuyên ngôn độc lập, "Hạnh phúc" của Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng của "quyền mưu cầu hạnh phúc" trong Hiến pháp của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.  Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ chính là bản Hiến pháp đầu tiên viết rõ ràng về "quyền mưu cầu hạnh phúc".  Hạnh phúc là một từ có tính đa nghĩa, nhƣng ý nghĩa từng cá nhân có quyền mưu cầu hạnh phúc là một khái niệm hết sức mới mẻ của thời kỳ Cận đại. Lịch sử Việt Nam là lịch sử tranh sáng tranh tối của những cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lược của Trung Quốc, đấu tranh chống lại những thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, hạn hán. Con người Việt Nam coi những nguy cơ đó là "bất hạnh", đặc điểm của Việt Nam là có lịch sử chiến đấu và chiến thắng  những "bất hạnh" đó. Nếu coi những "bất hạnh" mà dân tộc Việt Nam phải chịu đựng là những thử thách của ông Trời mang lại để dân tộc Việt Nam phải vượt qua thì quả thực, dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng và quả cảm. Thế nhưng, quá trình đó bản chất là một quá trình mang tính thụ động. 
Thông điệp về hạnh phúc của Hồ Chí Minh là thông điệp mỗi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc và phải chủ động, tích cực tranh đấu để giành được hạnh phúc đó. 
Trong bản Hiến pháp làm cơ sở cho nhà nước, Hồ Chí Minh đã tham khảo nước Cộng hòa Pháp và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và nêu lên ý tưởng về nước Việt Nam Dân  chủ Cộng hòa. Con người  Hồ Chí Minh được phản ánh sắc nét trong Hiến pháp là một người theo Chủ nghĩa Cộng hòa và chủ nghĩa hòa bình hơn là một người theo Chủ nghĩa Cộng sản. Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2 tháng 9 năm 1945. 
Trong vòng xoáy tương quan lực lượng quốc tế mà Việt Nam bị lôi vào, Liên Hiệp quốc đóng vai trò vô cùng quan trọng. Để các nước công nhận nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đã có một hành động mạo hiểm là xóa đi hình ảnh người cộng sản của mình. Tháng 11 năm 1945, Ông Hồ đã ra quyết định dứt khoát giải tán Đảng Cộng sản. Đương nhiên, trên thực tế, tổ chức của Đảng vẫn được giữ nguyên, do đó cũng có thể coi nó như một "hành động ngụy  trang". Thế nhưng, để được các nước công nhận nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông Hồ đã lựa chọn con đường ưu tiên "quyền lợi dân tộc" lên trên "quyền lợi đảng phái". Về điểm này, chúng ta có thể nhìn thấy một phần cách suy nghĩ theo chủ nghĩa Cộng hòa của Hồ Chí Minh. 
Người Việt Nam có hiểu Hồ Chí Minh không? 
Ở đây có một vấn đề là những người Việt Nam khác có hiểu được nguyên lý về  nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà Hồ Chí Minh đã trình bày cũng như tinh thần nền Cộng hòa được đúc kết trong khẩu hiệu "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" của Ông hay không?  Thật tiếc phải nói rằng thông điệp của Hồ Chí Minh hầu như không được truyền bá và lý giải một cách đầy đủ và đúng đắn. Người ta đã coi Ông như một người lãnh đạo của phong trào Cộng sản quốc tế, một người theo chủ nghĩa Marx-Lênin. Đó là vì sau Chiến tranh Thế giới II, thế giới rơi vào cục diện Chiến tranh Lạnh, Việt Nam đã bị đặt vào tiền tuyến xung đột của Chiến tranh Lạnh Đông - Tây. 
Trong bối cảnh quốc tế đó, Hồ Chí Minh sau khi thành lập nước đã phải nhận sự hỗ trợ của Trung  Quốc và Liên Xô, trở thành lãnh tụ lãnh đạo một cuộc chiến tranh lâu dài chống Pháp và Mỹ. Ai cũng lấy ý thức hệ làm chủ thể để lý giải Ông Hồ, và ngay bản thân Ông Hồ, để nhận được viện trợ tiếp tục công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mình, không có một sự lựa chọn nào khác ngoài việc phát ngôn và hành động như một thành viên của liên minh những người cộng sản. 
Thế hệ kém Ông Hồ 10 tuổi như Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay ông Trần Văn Giàu, do chịu sự giám thị gay gắt của nhà đương cục thực dân, đã phải hoạt động tại nước ngoài một thời gian. Chính vì vậy, họ đã hiểu được tình hình bên ngoài và lý giải được một phần tinh thần nền Cộng hòa của Hồ Chí Minh. Sự lý giải của họ là nhờ vào kinh nghiệm sống ở các nước Âu Mỹ, chủ yếu là nước Pháp.

Tuy nhiên đối với những thế hệ trẻ hơn, do phải tiến hành cách mạng và chiến tranh trên đất Việt Nam, nên hầu như không có mấy người có kinh nghiệm sống ở nước ngoài. Do đó, họ thiếu đi nền tảng tư tưởng để có thể lý giải được đầy đủ "Tinh thần nền Cộng hòa" mà Hồ Chí Minh đã đúc kết được sau 30 năm bôn ba ở hải ngoại. Càng đến những thế hệ trẻ hơn, người ta càng có xu hướng lý giải Hồ Chí Minh chỉ theo góc độ là nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản. Cùng với việc thần tượng hóa Hồ Chí Minh, người ta đang đánh mất đi khả năng lý giải nội tại Hồ Chí Minh với tư cách là một CON NGƯỜI bình thường./.    

 
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Việt Nam học lần thứ III. Tập 1. NXB Đại học Quốc gia HN. Hà Nội, 2008

Video yêu thích 
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính 
hoangkim vietnam, hoangkim, hoangkimvietnam, Hoàng Kim, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, VietnamAfricaCassavaRice, Khát khao xanh, DayvahocHọc mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sốngThơ cho con
 



Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Lương Định Của cuộc đời và sự nghiệp

Giáo sư Nông học Lương Định Của, anh hùng lao động
Giáo sư Nông học Lương Định Của, anh hùng lao động

Giáo sư bác sĩ Nông học Lương Định Của, anh hùng lao động, giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật, cuộc đời và sự nghiệp còn mãi với thời gian, với con đường lúa gạo Việt Nam đang tỏa rộng nhiều vùng đất nước kết nối lớp lớp những dâng hiến lặng lẽ tôn vinh hạt ngọc Việt. Cây lúa Việt Nam nửa thế kỷ nhìn lại (1975-2014) có tốc độ tăng năng suất vượt 1,73 lần so với thế giới. Thành tựu này có cống hiến hiệu quả của nhà bác học nông dân Lương Định Của ở chặng đường đầu của nước Việt Nam mới.

Giáo sư Lương Định Của (Quốc – 梁定国) sinh ngày 16 tháng 8 năm 1920 tại xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, Theo văn bia gia đình thì ông nội của giáo sư là Lương Đức Ngãi, bà nội là Trịnh Thị Xuân, cha là Lương An Hùng và mẹ là Huỳnh Thị Có. Ông Lương Định Của lên Sài Gòn học xong tú tài và đã du học ở Hương Cảng (y học) rồi Thượng Hải (kinh tế) trước khi được học bổng của chính phủ Nhật Bản, sang Nhật năm 1942, được nhập ngang vào học năm thứ ba tại Trung tâm Nghiên cứu Nông học Nhiệt đới thuộc Trường Đại học Quốc gia Kyushu. Năm 1945 ông cưới vợ là bà Nobuko Nakamura (中村信子) người Nhật.  Năm 1946, ông chuyển sang Trường Đại học Quốc gia Kyoto và được cấp bằng tiến sỹ nông học ở Nhật Bản. Năm 1954, ông cùng gia đình về Sài Gòn. Sau đó tập kết ra Bắc, làm Phó Giám Đốc Học Viện Nông Lâm Hà Nội , giảng dạy di truyền giống ở Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam) và làm Viện trưởng Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm.

Giáo sư Lương Định Của là người có công lớn trong giáo dục đào tạo, Thầy đã huấn luyện được  nhiều thế hệ học trò trở thành cán bộ đầu đàn trong các lĩnh vực khoa học nông nghiệp với nhiều người xuất sắc. Giáo sư Lương Định Của đã chọn tạo được nhiều giống cây trồng nông nghiệp nổi tiếng một thời như Giống lúa Nông nghiệp I lai tạo từ giống Ba thắc (Sóc Trăng – Nam Bộ) với Kun Ko (Nhật Bản) là giống lúa sớm đi vào sản xuất trên đồng ruộng Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước. Sau đó là nhiều giống mới mang tên  “giống bác sĩ Của” như lúa chiêm 314 (lai giữa dòng Đoàn Kết và Thắng Lợi), NN75-1 (lai giữa giống 813 với NN1), NN8-388 (chọn giống từ IR8), lúa mùa Saisubao, lúa xuân sớm NN75-5, giống dưa lê, cà chua, khoai lang, dưa hấu không hạt, chuối, rau, táo…  cùng với những ứng dụng tiến bộ kĩ thuật tam bội thể, tứ bội thể, chất kích thích sinh trưởng. Giáo sư đề xướng mô hình canh tác “bờ vùng, bờ thửa” “cấy nông tay thẳng hàng” “đảm bảo mật độ” được hàng chục triệu nông dân áp dụng trên diện rộng, tạo ra cuộc cách mạng trong nông nghiệp.

Cuộc đời của giáo sư là tấm gương sáng của một trí thức lớn dấn thân vì đại nghĩa, sống thanh đạm, giản dị, say mê, tận tuỵ với sự nghiệp trồng người và nghiên cứu khoa học tạo giống cây trồng, cải tiến kỹ thuật canh tác để mang lại đời sống tốt hơn cho người dân.

Giáo sư Lương Định Của được bầu là đại biểu Quốc hội các khoá 2, 3, 4, 5, được phong danh hiệu Anh hùng Lao động và Huân chương Lao động Hạng Nhất năm 1967 và được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt 1 năm 1996.

Nhiều con đường, mái trường Việt Nam mang tên Thầy. Năm 2006, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã lập Giải thưởng Lương Định Của để hằng năm trao tặng cho những thanh niên có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

LuongDinhCua3

GS Lương Định Của mất ngày 28 tháng 12 năm 1975, mai táng tại Nghĩa Trang Thành phố Hồ Chí Minh. Vợ của giáo sư, bà Nobuko Nakamura, sống cùng gia đình con trai cả Lương Hồng Việt ở thành phố Hồ Chí Minh.

Cuộc đời và sự nghiệp của nhà bác học nông dân Lương Định Của còn mãi với thời gian, với con đường lúa gạo Việt Nam đang tỏa rộng nhiều vùng đất nước kết nối lớp lớp những dâng hiến lặng lẽ tôn vinh hạt ngọc Việt.  Cây lúa Việt Nam nửa thế kỷ nhìn lại (1975-2014) tốc độ tăng năng suất  vượt 1,73 lần so với thế giới (Năm 2013 năng suất lúa gạo Việt Nam đạt 5,57 tấn/ ha so với năm 1975 là 2,11 tấn/ ha, gia tăng 3,46 tấn/ ha. Năm 2013 năng suất lúa gạo thế giới đạt 4,48 tấn/ ha so năm 1975 là 2,49 tấn/ ha gia tăng 1,99 tấn/ ha). Thành tựu này có cống hiến hiệu quả của nhà bác học nông dân Lương Định Của ở chặng đường đầu của nước Việt Nam mới.

Hoàng Kim

Lương Định Của, con đường lúa gạo
Lương Định Của cuộc đời và sự nghiệp
Lương Định Của quê hương và dòng họ Lương Định Của những năm tháng tuổi trẻ Lương Định Của luồng gió từ Hà Nội Lương Định Của nhà bác học nông dân Lương Định Của chính khách giữa lòng dân Thầy bạn và học trò Lương Định Của Ông bà Của, cổ tích giữa đời thường

Video yêu thích 
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam


Trở về trang chính 
hoangkim vietnam, hoangkim, hoangkimvietnam, Hoàng Kim, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, VietnamAfricaCassavaRice, Khát khao xanh, DayvahocHọc mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sốngThơ cho con

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Lương Định Của, quê hương và dòng họ


 Rằm xuân thăm thầy Lương Định Của tại ấp Ngãi Hòa, xã Đại Ngãi  (ảnh Hoàng Kim)

Rằm xuân thăm thầy Lương Định Của tại ấp Ngãi Hòa, xã Đại Ngãi (ảnh Hoàng Kim)

Chuẩn bị xong những việc sau cùng để ngày mai cấy các bộ giống lúa mới, chúng tôi lên đường về thăm quê hương thầy Lương Định Của khi trời đã xế chiều. Chúng tôi đến thăm cụ Sáu, em gái Thầy Lương Định Của và thắp hương tại khu mộ gia đình Thầy khi trăng rằm tháng giêng lồng lộng đang lên. Ruộng lúa Đại Ngãi, Trường Khánh xanh ngát dưới ánh trăng.

Ngôi nhà niên thiếu và phần mộ tổ tiên, cha mẹ song thân của giáo sư Lương Định Của tại ấp Ngãi Hoà, cách trụ sở Uỷ ban Nhân dân xã Đại Ngãi khoảng 3 km, và phải đi bằng xe ôm vì lối đi nhỏ bé, thuần phác, khiêm nhường giữa vùng quê Nam Bộ. Xe ôm chạy hun hút dưới vòm dừa nước y như trong vườn thiêng cổ tích.

Một số hình ảnh Rằm xuân thăm thầy Lương Định Của tại ấp Ngãi Hòa, xã Đại Ngãi

Cha và mẹ của thầy Lương Định Của là Lương An Hùng và Huỳnh Thị Có cùng ông bà nội là Lương Đức Ngãi và Trịnh Thị Xuân đều an táng tại làng quê Đại Ngãi. Chúng tôi bâng khuâng trước phần mộ tổ tiên, cha mẹ song thân của bậc anh hùng. Nơi đây mấy trăm năm trước hẵn rất hoang vu, bởi lẽ mãi cho đến tận nay, vẫn vùng quê hẻo lánh đến vậy.

Tôi chợt thấm thía câu thơ Sơn Nam:  
Trong khói sóng mênh mông
Có bóng người vô danh
Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Tay ôm đàn độc huyền
Điệu thơ Lục Vân Tiên
Với câu chữ
Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả
Từ Cà Mau Rạch Giá
Dựng chòi đốt lửa giữa rừng thiêng
Muỗi vắt nhiều hơn cỏ
Chướng khí mờ như sương
Thân chưa là lính thú
Sao không về cố hương?


Anh Lương Hồng Việt nói với tôi tổ tiên họ Lương của anh có nguồn gốc Phúc Kiến lánh nạn Mãn Thanh sang cư trú ở Đàng Trong hồi thế kỷ XVII. Nam Bộ là nôi nuôi dưỡng của đại gia đình các dân tộc người Việt, người Hoa, người Khơ Me. Nhiều người Hoa trong số họ đã chung sức cùng người Việt, người Khơ Me khẩn hoang, giữ gìn và sinh sống nhiều đời tại quê hương.

Từ Đại Ngãi, Sóc Trăng về Hà Tiên không xa. Đó là nơi khởi nghiệp của Mạc Cửu công thần đất Hà Tiên ”phên dậu Đại Việt đất phương Nam” và vùng danh thắng Hà Tiên thập vịnh Mạc Thiên Tích. Mạc Cửu là Tổng trấn Hà Tiên, thành hoàng lập trấn địa đầu của đất cực Nam Tổ quốc. Mạc Thiên Tích con của Mạc Cữu làm Tổng binh Đại đô đốc thời chúa Nguyễn Phúc Trú. Hai cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích và dòng họ Mạc là những người có công lớn đối với non sông Việt trong sự khai khẩn và trấn giữ miền Tây Nam Bộ. “Chẳng đội trời Thanh Mãn/ Lần qua đất Việt bang/ Triều đình riêng một góc/ Trung hiếu vẹn đôi đường/ Trúc thành xây vũ lược/ Anh Các cao văn chương” (thơ Đông Hồ). Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt đã nhận xét rất chí lý: “Nhờ có Mạc Cửu, người Việt mới bước qua bờ nam sông Tiền”.

Từ Đại Ngãi, Sóc Trăng đi lên hướng Sài Gòn – Gia Định – Đồng Nai – Biên Hòa là vùng đất khởi nghiệp lừng lẫy của Trịnh Hoài Đức công thần nhà Nguyễn, quan Thượng thư, hiệp Tổng trấn, Điền toán (chuyên coi về sự cày cấy khai khẩn đất đai Nam Bộ), nhà thơ, nhà văn, sử gia nổi tiếng với tác phẩm Gia Định thành thông chí một công trình được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao. Đó cũng là nơi có bậc danh nho Võ Trường Toản cùng với các học trò của ông cũng là những công thần lỗi lạc của nhà Nguyễn như Ngô Tùng Châu, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tĩnh,  Phạm Ngọc Uẩn, Lê Bá Phẩm, những người Việt gốc Hoa noi theo gương thầy Chu Văn An đời Trần, thực lòng yêu thương cộng đồng đại dân tộc Việt Nam, cùng chung lưng đấu cật, góp xương máu, công sức xây đắp nên cơ nghiệp muôn đời.

Và nay có người phụ nữ Nhật Nakamura Nobuko thuận theo giáo sư Lương Định Của “thuyền theo lái, gái theo chồng” tạo dựng nên công đức cùng chồng là vậy.

Hoàng Kim

Lương Định Của, con đường lúa gạo
Lương Định Của cuộc đời và sự nghiệp
Lương Định Của quê hương và dòng họ Lương Định Của những năm tháng tuổi trẻ Lương Định Của luồng gió từ Hà Nội Lương Định Của nhà bác học nông dân Lương Định Của chính khách giữa lòng dân Thầy bạn và học trò Lương Định Của Ông bà Của, cổ tích giữa đời thường

Video yêu thích 
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam


Trở về trang chính 
hoangkim vietnam, hoangkim, hoangkimvietnam, Hoàng Kim, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, VietnamAfricaCassavaRice, Khát khao xanh, DayvahocHọc mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sốngThơ cho con