Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Anh hùng HỒ dễ nên nghiệp ấy ?


"Bình sinh đầu ngẩng tới trời xanh / Khuất núi hồn THƠM quyện đất lành / Anh hùng HỒ dễ nên nghiệp ấy? / Tâm hồn bình dị CHÍ anh MINH". Đây là bài tứ tuyệt được thêu trên bức trướng do 5 nhà cách mạng lão thành Nga gửi đến tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh.. Làm sao mà các nhà cách mạng Nga lại làm được thơ tứ tuyệt, hay là họ nhờ ai đó làm giúp theo ý họ? Các chữ viết hoa trong bài tứ tuyệt được thêu chữ hoa, nghĩa là có dụng ý. Ba chữ là lấy từ trong “Hồ Chí Minh”. Còn chữ “Thơm” có phải đó cũng là tên hoạt động của Bác Hồ trong thời gian công tác cùng với 5 nhà cách mạng Nga kia? Hay là một tên gọi khác của Bác mà rất ít người biết? Câu hỏi trên của anh Phan Chí Thắng , mỗi năm tôi lại đưa lên mạng ít nhất một lần để thu thập thêm tư liệu. Nhiều vấn đề lịch sử sẽ cần phải có thêm thông tin và thời gian. Dưới đây là hai bài viết của Lê Mai về Chủ tịch Nước Hồ Chí Minh và đường dẫn tới tác phẩm Một Cơn Gió Bụi - Lệ Thần Trần Trọng Kim làm sáng thêm một góc khuất của trí tuệ bậc Thầy. Anh hùng HỒ dễ nên nghiệp ấy ?

CHỦ TỊCH NƯỚC HỒ CHÍ MINH

Lê Mai

QUỐC HỘI nước VNDCCH, vào ngày 9.11.1946, đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên mà sự tiến bộ, mẫu mực, dân chủ của nó cho đến nay – không những làm chúng ta mà còn làm cả thế giới thán phục. Trong bản Hiến pháp dân chủ ấy, ngoài việc thiết kế một thiết chế chính trị mẫu mực, đã quy định quyền hạn của Chủ tịch nước rất rõ ràng, đó là người thay mặt cho nước, giữ quyền Tổng chỉ huy quân đội toàn quốc, chỉ định hoặc cách chức các tướng soái trong lục quân, hải quân, không quân, ký sắc lệnh bổ nhiệm Thủ tướng, ban bố các đạo luật, đặc xá, ký hiệp ước với các nước, tuyên chiến hay đình chiến…

Hồ Chí Minh là Chủ tịch đầu tiên của nước VNDCCH.

Dĩ nhiên, dấu ấn của Hồ Chí Minh hết sức đậm nét trong bản Hiến pháp đầu tiên. Sự thông minh xuất chúng, hiểu nhiều, biết rộng của Hồ Chí Minh đã làm Võ Nguyên Giáp – một người tài ba, một cộng sự rất gần gũi Hồ Chí Minh kinh ngạc. Ông kể, gần như làm bất cứ việc gì, ông đều thấy Hồ Chí Minh đã tiên liệu, suy nghĩ vấn đề đó từ rất lâu rồi. Bản Tuyên ngôn độc lập, bản Hiến pháp đầu tiên của nước VNDCCH chỉ là vài dẫn chứng sinh động.

Đối với những tình huống đột xuất thì sao? Những ứng phó của Chủ tịch nước Cộng hòa non trẻ, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong, giặc ngoài đầy rẫy càng làm chúng ta khâm phục.

Ngay sau cái Tết Bính Tuất năm 1946 – Tết độc lập đầu tiên sau tám mươi năm trời nô lệ, Hồ Chí Minh đã có một cuộc nói chuyện dài với tướng Raun Xalăng. Xalăng – một sỹ quan Pháp, người đã từng ăn cơm lam chấm mắm ngóe miền thượng nguồn, ăn mắm tôm vắt chanh ở miền xuôi của VN. Tướng Xalăng đang rất hung hăng, điều này dễ hiểu, vì bấy giờ, Pháp ỷ vào sức mạnh nên coi thường Chính phủ Hồ Chí Minh. Nhưng, ông ta có vẻ bối rối khi hiện ra trước mắt mình là một nhà hiền triết phương Đông với phong thái ung dung tự tại tỏa ra từ đôi mắt sáng, chòm râu thưa, mái tóc pha sương, nước da dãi dầu mưa nắng, một cốt cách thanh cao khắc khổ ẩn tàng sức mạnh siêu quần được dấu kín trong bộ quần áo kaki cổ đứng không cài cúc.

- Mời tướng quân xơi nước.

Tướng Xalăng nâng chén nước lên theo lời mời của Hồ Chí Minh và nói:

- Thưa ngài Hồ Chí Minh…

Lập tức, Hồ Chí Minh ngắt lời ông ta:

- Tôi đã mời “tướng quân” xơi nước chứ tôi không mời “ngài” Raun Xalăng…

Raun Xalăng mất chủ động, lúng túng xin lỗi, mặc dù dụng ý của ông ta rất rõ ràng: không công nhận chức Chủ tịch của Hồ Chí Minh, cũng tức là không công nhận nước VNDCCH.

Sau những lời xã giao, thăm hỏi, trao đổi về tình hình chung, bỗng Raun Xalăng chuyển câu chuyện. Ông ta nói:

- Chủ tịch thử nghĩ xem, nên để chúng tôi khôi phục trật tự ở nước này, vì chúng tôi đủ lực lượng và rất nhiều phương tiện. Theo ý tôi, nếu được như vậy đất nước này sẽ biết ơn Chủ tịch, vì Chủ tịch là người đứng đầu Chính phủ có uy tín tuyệt đối với nhân dân. Nếu Chủ tịch để chúng tôi đưa quân vào đây không gặp trở ngại nào thì đó là sự chứng minh trước thế giới Chủ tịch biết kiềm chế quân đội của mình và điều đó thể hiện uy quyền của Chủ tịch là vô song.

Phải công nhận lời nói của Xalăng rất khôn khéo mà hiểm độc. Hồ Chí Minh bình thản chế thêm nước trà vào chén mời Xalăng:

- Tướng quân uống nước đi. Hút tiếp một hơi thuốc lá thơm, giọng nói trầm hùng của Hồ Chí Minh phắt căng lên:

- Tôi không thể làm như lời tướng quân, nếu làm như vậy, tôi sẽ là kẻ phản quốc. Tướng quân nên nhớ rằng, chúng tôi yêu nước Pháp, nhưng không muốn làm nô lệ. Nước Pháp có binh hùng, có nhiều tướng giỏi, nhiều vũ khí tối tân. Một Pháp có thể giết 10 VN, 10 VN có thể chỉ diệt được một Pháp nhưng toàn dân VN đều một lòng kháng chiến chống Pháp.

- Chúng tôi rất mạnh. Cuộc đổ bộ của chúng tôi đã sẵn sàng. Vì sao Chủ tịch không chịu thừa nhận điều hiển nhiên ấy?

Giọng Hồ Chí Minh như có lửa:

- Nếu quân Pháp lại đổ bộ đến đây, chúng tôi không chặn đứng được ngay, nhưng sẽ đổ máu, những người dân Pháp sẽ bị chết. Đó là điều bất hạnh cho cả hai bên. Chúng tôi không bao giờ mong điều đó xảy ra. Nhưng chúng tôi không chịu làm nô lệ một lần nữa.

Câu chuyện trên về Hồ Chí Minh gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ, nhất là trong bối cảnh hiện nay, cuộc tranh chấp chủ quyền ở biển Đông đang diễn ra hết sức phức tạp, vấn đề xử lý mối quan hệ Việt – Trung, các cuộc biểu tình của người dân yêu nước phản đối sự gây hấn của TQ, sự ngăn cấm của nhà cầm quyền…Hơn ai hết, tấm gương sáng của Chủ tịch nước Hồ Chí Minh, người lãnh đạo một dân tộc bất khuất đang nhắc nhở chúng ta.

Rồi sau đó, Hồ Chí Minh là thượng khách của nước Pháp nhân Hội nghị Phôngtennơblô. Trên đường bay sang Pari, Hồ Chí Minh nhận được tin ở VN, cao ủy Xêđin và đô đốc Dacgiăngliơ đã nặn ra cái gọi là “Chính phủ Nam Kỳ tự trị”. Hồ Chí Minh nói với Raun Xalăng – người tháp tùng trong cuộc hành trình:

- Tướng quân này, các ông đừng có ảo tưởng biến Nam Bộ của chúng tôi thành một thứ Anđát – Loren mới, nếu các ông cứ dẫm chân lên dấu bàn chân cũ thì sẽ dẫn đến cuộc chiến tranh một trăm năm. Thôi, ông hãy đưa tôi trở về Hà Nội.

Thật là kiên quyết, thật là dũng cảm, không hề có một chút run sợ trước kẻ thù. Sau khi Xa lăng đề nghị cứ tiếp tục sang Pari, nơi đó Chủ tịch sẽ thanh toán các vấn đề, Hồ Chí Minh tiếp tục:

- Tôi tin tướng quân. Ở Pháp, tôi có nhiều bạn tốt dẫu rằng thế giới đang là một biển thù.

“Thế giới đang là một biển thù” nhưng vị Chủ tịch nước với lòng yêu nước và thiên tài của mình đã dẫn dắt dân tộc VN vượt qua. Lịch sử đã chứng minh hùng hồn. Thế thì, ngày nay, thế giới đâu còn là một biển thù nữa, tại sao VN không thể đứng thẳng, ngẩng cao đầu một cách hiên ngang?

Đến đây, như thường lệ, chúng ta nhìn sang bên kia biên giới, một ông Chủ tịch nước khác – Lưu Thiếu Kỳ, Chủ tịch nước CHNDTH.

Lưu Thiếu Kỳ, người đầu tiên đề xuất cụm từ “tư tưởng Mao Trạch Đông”, đưa vào điều lệ Đảng, uy tín ngày một lên cao, nhất là trong bối cảnh Mao liên tục “phát minh” ra các sáng kiến “trăm hoa đua nở”, “đại nhảy vọt”, “công xã nhân dân” làm chết đói hàng chục triệu người dân. Mao sợ mất đại quyền. Mao căm thù ông nhiều chuyện, song, “quân tử mười năm trả thù cũng chưa muộn”, Mao ghim nó trong lòng. Cơ hội đến, Mao gán cho Lưu Thiếu Kỳ là “phản bội, nội gian, công tặc”, là đầu sỏ phái đương quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Đến nỗi, Lưu Thiếu Kỳ xin được từ chức Chủ tịch nước, về quê làm ruộng cũng không được Mao đồng ý. Và ông đã chết sau bao nhiều cực khổ vì bị đày đọa, với cái tên Lưu Vệ Hoàng, còn mục nghề nghiệp ghi là “vô nghề nghiệp”.

TQ là như thế đó, thế mà người ta không hiểu lịch sử ư?

Vấn đề Chủ tịch nước TQ chưa dừng lại ở đó. Tháng 3.1970, Mao kiến nghị cải biến thể chế quốc gia, không lập chức Chủ tịch nước nữa.

Lâm Bưu, người kế vị Mao đã được ghi vào Điều lệ Đảng – một việc chưa từng có, vừa mừng vừa lo. Mừng vì Mao tỏ thái độ sẽ không làm Chủ tịch nước, đương nhiên phải là ông ta. Lo vì Mao không chủ trương lập chức Chủ tịch nước, vậy đừng hòng ai mơ tưởng chức vụ ấy. Lâm Bưu hai lần điện thoại cho Mao “kiến nghị cần để Mao Trạch Đông giữ chức vụ Chủ tịch nước”, đều bị Mao khước từ.

Lâm Bưu lại lao tâm khổ tứ, đề xuất kiến nghị chính thức với Bộ Chính trị. Ông ta cho rằng, nếu kiến nghị chính thức với Bộ Chính trị, Mao không thể dễ dàng bỏ qua.

Nửa đêm, Lâm Bưu đọc kiến nghị cho thư ký ghi chép. Thứ nhất, vấn đề Chủ tịch nước, đồng chí Lâm Bưu vẫn kiến nghị để Chủ tịch Mao Trạch Đông kiêm nhiệm. Như vậy, thích hợp với trạng thái tâm lý của nhân dân, trong nước và nước ngoài, trong đảng và ngoài đảng. Thứ hai, vấn đề Phó Chủ tịch nước, đồng chí Lâm Bưu cho rằng có thể có, có thể không, có thể nhiều, có thể ít, không mấy hệ trọng. Thứ ba, đồng chí Lâm Bưu cho rằng, bản thân mình không nên đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch.

Bản kiến nghị của Lâm Bưu cực kỳ khéo léo. Nói thẳng ra, mình chỉ có thể làm Chủ tịch nước. Nhưng than ôi, chỉ một thời gian ngắn sau đó, kết cục bi thảm đã đến với ông ta khi chiếc máy bay đưa ông ta chạy trốn bị rơi trên đất Mông Cổ, không một ai sống sót. Câu chuyện về Chủ tịch nước chưa thể dừng lại.

Trở lại với nước VNDCCH sau ngày lập nước đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm. Hơn hai triệu người dân vừa chết đói. Ngân khố quốc gia trống rỗng. Thù trong, giặc ngoài. Mười tám vạn quân Tưởng tràn vào miền Bắc với danh nghĩa giải giáp quân Nhật, song mục đích của chúng hơn thế, “diệt Cộng, cầm Hồ”. Người Pháp không cam chịu thất bại, âm mưu quay trở lại nắm chính quyền. Cùng một lúc, VN đang phải đối mặt với nhiều kẻ thù. Cần phải có đối sách đúng đắn, sáng suốt mới đưa đất nước thoát ra khỏi tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Và chính thiên tài của vị Chủ tịch nước Hồ Chí Minh, trong giai đoạn cực kỳ hiểm nghèo ấy, đã thể hiện một cách rực rỡ nhất. “Nếu không có Hồ Chí Minh thì khó lường hết cái gì có thể xẩy ra” - Phạm Văn Đồng.

Quân Tưởng hết sức ngang ngược, chẳng khác gì ông cha chúng nó và có lẽ hậu duệ của chúng cũng vậy? Chúng đòi hỏi đủ điều. Chúng chiếm những ngôi nhà đẹp. Chúng khiêu khích ta nhằm tìm một cái cớ để nổ súng – y như trên biển Đông hiện nay. Chúng bắt ta cung cấp gạo cho chúng, trong khi đồng bào ta không có cơm ăn.

Có hôm, Hồ Chí Minh và Huỳnh Thúc Kháng lên gặp Lư Hán ở Chủ tịch phủ – bấy giờ đã bị chúng chiếm đóng. Lư Hán hoạnh họe hơn một tiếng đồng hồ, lên mặt hạch sách, nói các anh làm ăn không ra sao cả. Hồ Chí Minh và Huỳnh Thúc Kháng nín lặng, không nói gì, nhưng trong lòng rất bực tức. Ra về, cụ Huỳnh nói: “Nó khinh mình quá lắm. Không chịu nổi nữa, cứ đánh đi, rồi muốn ra sao thì ra”!

Huỳnh Thúc Kháng chính là quyền Chủ tịch nước khi Hồ Chí Minh đi Pháp bốn tháng, giữa lúc thế nước cực kỳ rối ren. Cụ Huỳnh là một nhân sỹ nổi tiếng, khảng khái, bất khuất nhưng không ưa cộng sản. Hồ Chí Minh đã nhiều lần mời cụ ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng nhưng cụ chưa chịu.

Hồ Chí Minh nghe người bí thư đọc bức điện trả lời của Huỳnh Thúc Kháng :

- “Thưa Chủ tịch, thời tiết xấu, tôi chưa đi được. Tôi không thể nhận chức Bộ trưởng. Nhưng trước sau cũng sẽ ra gặp Cụ”.

Hồ Chí Minh trầm ngâm hút thuốc:

- Chẳng lẽ cụ Huỳnh từ chối không chịu ra phụng sự quốc dân trong cơn nguy nan này?

- Cụ Huỳnh đã khước từ Bảo Đại mời ra lập chính phủ thay cho Trần Trọng Kim. Tôi tin thế nào cụ Huỳnh cũng ra yết kiến Bác. Mà cụ đã gặp Bác thì cụ sẽ chấp nhận những việc Bác tin cậy.

- “Chúng tôi khẩn khoản mời cụ ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ” – một bức điện tiếp theo của Hồ Chí Minh. Lại một bức điện khác của ông Võ Nguyên Giáp, người đã từng làm báo Tiếng dân với Huỳnh Thúc Kháng, rất được cụ yêu mến: “việc đại nghĩa, xin cụ đừng bỏ qua. Hồ Chủ tịch mong được gặp cụ…”.

Giữa lúc ấy, một lá thư từ Tổng hành dinh của tướng Lư Hán gửi cho Hồ Chí Minh: “Kính mời Hồ Chí Minh tiên sinh quá bộ tới Tổng hành dinh của tôi để giải quyết vụ nhân viên công an VN bắn chết một Pháp kiều”. Thư tránh gọi chức vụ Chủ tịch của Hồ Chí Minh và lời lẽ trong thư vừa có vẻ là một “chỉ lệnh”, lại tỏ ra rất “thiên triều”, báo trước những khó khăn, nguy hiểm của cuộc gặp.

Các ông Võ Nguyên Giáp, Hoàng Hữu Nam – Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Lê Giản – Tổng Giám đốc nha Công an, Vũ Đình Huỳnh – bí thư của Hồ Chí Minh lập tức họp trong sự căng thẳng và thống nhất đề nghị Hồ Chí Minh cử đặc phái viên của Chủ tịch nước đến gặp Lư Hán.

Hồ Chí Minh:

- Nếu tôi không đến gặp nó, nó sẽ cho là chúng ta đã sợ nó và nó sẽ được nước, làm điều càn bậy hơn.

- Nhưng Bác đến đó nguy hiểm vô cùng. Ông Giáp lo lắng.

- Có miếng võ hiểm cũng phải có miếng văn phá hiểm chứ. Hồ Chí Minh đáp.

Hồ Chí Minh dặn Vũ Đình Huỳnh, người bí thư tin yêu của mình trước khi lên xe:

- Cả ngày hôm nay, chú không rời khỏi phòng này một lúc nào cả.

Các ông Võ Nguyên Giáp, Hoàng Hữu Nam, Lê Giản đầy lo lắng đưa chân Hồ Chí Minh ra xe. Cánh cửa xe lại mở, Hồ Chí Minh quay vào phòng, gọi điện thoại sang văn phòng ông Patti (tác giả cuốn Tại sao Việtnam?). Hồ Chí Minh đã nhiều lần tiếp chuyện Patti, từng nhờ ông chuyển thư tới Tổng thống Mỹ Tơruman. Lúc ra xe, nét mặt Chủ tịch nước đầy tự tin, thanh thản. Cuộc điện thoại đó chính là “miếng văn phá hiểm” của Chủ tịch nước mà ngay cả ông Giáp lúc đó cũng không đoán ra nổi.

Xe vừa tới bậc thềm Dinh toàn quyền cũ, một tên sỹ quan liên lạc của Lư Hán tiếp ngay Hồ Chí Minh:

- Thưa Hồ Chí Minh tiên sinh, tướng quân Lư Hán của chúng tôi bận việc, mời tiên sinh gặp tướng quân Tiêu Văn.

Thật là một sự xúc phạm. Nhưng Hồ Chí Minh thoát mình ngay khỏi sự tiểu khí của bọn giặc cỏ:

- Nhờ ông chuyển lời chúc sức khỏe của tôi tới tướng quân tư lệnh.

Xe lại đưa Chủ tịch nước đến gặp Tiêu Văn. Tay này rất căm tức Hồ Chí Minh. Nhớ lại khi Hồ Chí Minh bị bắt ở TQ năm 1944, y thả Hồ Chí Minh ra và bầu vào Uỷ viên ban chấp hành Việt Nam cách mạng đồng minh hội do y chủ trương thành lập. Rồi y cho Hồ Chí Minh về VN để làm việc cho y. Song, khi về nước, tất nhiên Hồ Chí Minh không đời nào làm việc cho y mà lo bắt liên lạc với các đồng chí của mình, làm cuộc Tổng khởi nghĩa thành công. Bây giờ, sang VN, Tiêu Văn kể “Hồ Chí Minh thập đại tội”, đòi “triệt Hồ Chí Minh”.

Trời đã xế chiều mà vẫn không có một tin tức gì của Hồ Chí Minh. Các ông Võ Nguyên Giáp, Hoàng Hữu Nam, Lê Giản lo lắng, thấp thỏm. Đang lúc trù liệu căng thẳng thì ông Patti đến. Ông cho biết, ban sáng Chủ tịch nước gọi qua điện thoại mời ông chiều nay gặp nhau ở Bắc Bộ phủ. Ông Vũ Đình Huỳnh báo cho ông biết, sáng nay Chủ tịch nước đến Tổng hành dinh của Lư Hán theo lời mời của ông ta. Nhưng không rõ vì sao mà họ giữ Chủ tịch tại đó đến giờ này vẫn chưa về được. Vẻ bất bình hiện rõ trên mặt ông Patti. Ông nói, chúng tôi sẽ can thiệp ngay việc này.

Bây giờ, ông Huỳnh mới hiểu rõ, vì sao Hồ Chí Minh dặn ông cả ngày hôm nay không được rời phòng này một lúc nào cả. Và ông Võ Nguyên Giáp mỉm cười, “có miếng võ hiểm cũng phải có miếng văn phá hiểm chứ”.

Chủ tịch nước Hồ Chí Minh, con người giải quyết những tình huống phức tạp một cách thiên tài!

Cho đến khi giặc đã đến nhà, Hồ Chí Minh vẫn ra đi tìm bạn. Lửa chiến tranh ngày một lan rộng, do bọn hiếu chiến trong Chính phủ Pháp gây nên. Nhưng Hồ Chí Minh bằng mọi cách cứu vãn hòa bình, dù chỉ có rất ít cơ hội. Hòa bình là nguyện vọng lớn nhất của nhân dân ta, nhưng phải là hòa bình trong độc lập, tự do! Chính phủ Pháp đã chấp nhận một cuộc hòa đàm tại Phôngtennơblô gần thủ đô Pari và mời Hồ Chí Minh là thượng khách sang thăm nước Pháp. “Giặc đã đến nhà, ta vẫn ra đi tìm bạn”…

Trước khi sang Pháp, Hồ Chí Minh đã giới thiệu Huỳnh Thúc Kháng làm Quyền Chủ tịch nước. Tại sân bay Gia Lâm, Huỳnh Thúc Kháng xúc động hỏi:

- Cụ lên đường làm thượng khách nước Pháp mà quân xâm lược Pháp đang giày xéo nước nhà. Vắng Cụ khi có “vạn sự như lôi…” thì tôi hỏi ai?

- Ông Võ Nguyên Giáp đã từng cộng sự với Cụ từ thuở làm báo Tiếng Dân. Hồ Chí Minh chìa tay sang Võ Nguyên Giáp đang đứng bên cạnh.

- Xin Cụ cho anh em chúng tôi một lời khuyên…

- Thưa cụ, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Và cụ Huỳnh sững sờ nhìn theo chiếc máy bay đưa Hồ Chí Minh lên đường đang giữa bầu trời…

…Hội nghị Phôngtennơblô tan vỡ, với bản Tạm ước 14.9 trong tay, Hồ Chí Minh về nước trên chiếc Thông báo hạm Duymông Duyêcvin của Pháp. Thông báo hạm này đang chuẩn bị chở các thiết bị sang Đông Dương cho các lực lượng hải quân ở Viễn Đông thì nhận được một mệnh lệnh cấp tốc của Bộ chỉ huy Hải quân phải bốc dỡ tất cả các thứ hàng hóa dưới tàu lên bờ và đặt Thông báo hạm dưới sự điều động của Bộ Thuộc địa.

Chủ tịch nước dặn ông bí thư Vũ Đình Huỳnh:

- Chú nhờ bà con việt kiều may cho một lá cờ Tổ quốc cỡ lớn và chú mang theo trong hành lý cầm tay của chú. Ông Vũ Đình Huỳnh ngạc nhiên nhìn Hồ Chí Minh. Có lúc chúng ta sẽ dùng đến – Hồ Chí Minh mỉm cười ý nhị.

Tàu nhổ neo, lênh đênh trên biển. Hạm trưởng Ônây lúng túng khi vị Chủ tịch nước VN nêu vấn đề kéo quốc kỳ VN lên cột cờ hạm tàu cùng với quốc kỳ Pháp để hiểu rằng có vị nguyên thủ nước VN tự do đang hành trình trên tàu của Pháp. “Thưa Chủ tịch, tôi không được giao công việc này, để tôi điện về Pari xin chỉ thị” – Ônây đáp. Pari lập tức trả lời, đồng ý treo quốc kỳ VN, chỉ tiếc rằng, ở giữa biển lấy đâu ra lá cờ của VN? Ông Vũ Đình Huỳnh mở vali lấy ra lá cờ VN đưa cho Ônây trong sự ngạc nhiên tột độ của ông ta.

Và lá cờ VN ấy, khi nào sẽ tung bay trên Hoàng Sa của chúng ta?

Xem thêm:

Một Cơn Gió Bụi - Lệ Thần Trần Trọng Kim

Trở về trang chính
CÂY LƯƠNG THỰC; FOOD CROPS
Dạy và học ĐHNLHCM
Dạy và học BlogtiengViet
Gia đình nông nghiệp
NGỌC PHƯƠNG NAM, DẠY VÀ HỌC